Nước C2, Rồng đỏ do công ty trách nhiệm hữu hạn URC sản xuất. |
Hoàng Dung
Lâu nay, ở Việt Nam tình trạng các loại nước giải khát không đạt tiêu
chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang là một mối đe dọa cho
người dân. Tình trạng đó như thế nào và chính quyền cần có những giải
pháp nào để ngăn chặn tình trạng trên?
Sự việc mới
Vào ngày 31 tháng 5 năm 2016 phó chánh thanh tra y tế Nguyễn Văn
Nhiên đã ra công bố xử phạt công ty trách nhiệm hữu hạn URC với số tiền
là 5,82 tỷ đồng về một số sai phạm, trong đó có sai phạm sản xuất 2 lô
nước C2, Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép, đây được nói là
mức xử phạt cao nhất từ trước đến nay.
Trước đó vào ngày 22 tháng 5 năm 2016 công ty trách nhiệm hữu hạn URC
cũng đã phải tạm dừng lưu thông hàng hóa đối với sản phẩm trà xanh
hương chanh và nước tăng lực hương dâu cũng mang hiệu Rồng đỏ.
Vụ việc lần này khiến nhiều người nhớ lại vào cuối năm 2015 dư luận
dậy sóng với chuyện ruồi trong chai nước Number One do công ty Tân Hiệp
Phát sản xuất. Chuyện người phát hiện bị đưa ra tòa với cáo buộc tống
tiền nhiều người đã đồng loạt tẩy chay sản phẩm của công ty Tân Hiệp
Phát.
Ý kiến của người tiêu dùng
Lần này, sau khi phát hiện hàm lượng chì vượt quá giới hạn trong chai
C2, mà trong số đó chỉ có 1.200 thùng nước giải khát C2, tăng lực rồng
đỏ được thu hồi, còn hơn 40.000 đã được tiêu thụ trên thị trường, dư
luận người tiêu dùng cũng hoang mang và bất bình.
Dù rằng nước giải khát là chọn lựa trong những ngày nắng nóng vào mùa
hè. Hiện nay nhiệt độ ở khu vực miền Bắc và miền Trung luôn xấp xỉ 40
độ C và có thể hơn.
Chị Thu một người tiêu dùng ở Nghệ An cho biết, chị rất bức xúc trước
thông tin đó, vì nhà chị luôn có nước C2 trong nhà, nhất là trong mùa
hè nắng nóng này, chị cũng cho biết là mỗi khi đi làm về gia đình chị
đều luôn lấy uống trong đó có đứa con nhỏ của chị.
Chị Thu chia sẻ thêm:
“Giờ người ta cứ chạy theo lợi nhuận mà không biết đến lương tâm
là gì, giờ ăn gì cũng chết, uống gì cũng chết không biết phải sống sao.
Có thể lượng chì trong đó thấp đi chăng nữa, nhưng sau 1 năm, 2 năm hay
hơn nữa thì sẽ có biểu hiện của nó mà.”
Nước tăng lực hương dâu Rồng đỏ. Photo courtesy of NLĐ. |
Anh Nguyễn Văn Viên một người tiêu dùng ở thành phố Hà Nội chia sẻ:
“Thực ra về vấn đề vệ sinh thực phẩm nói chung ở Việt Nam mình cảm
thấy nản lắm rồi, giờ động vào cái gì ăn cũng cảm thấy lo ngay ngáy.
Còn vấn đề nước quá nồng độ chì cho phép ngày trước cũng C2, Dr thanh có
ruồi với cặn ở trong chai nước nó là một cái chấn nhỏ cho những chuyện
xảy ra quá thường xuyên ở Việt Nam rồi. Người dân bọn tôi thì hầu như là
thấy chán ngán chuyện này rồi, ăn cũng chết không ăn cũng chết, uống
cũng chết không uống cũng chết. Giờ nói chung là có một chương trình nó
nói là không từ thời gian nào từ cái dạ dày ra nghĩa đĩa gần như thời
gian này.”
Anh cũng cho biết thêm là để những tình trạng đó xảy ra là do cách quản lý của chính quyền không chặt chẽ nhất là của bộ y tế.
Anh Viên chia sẻ:
“Thực ra mà nói thì người dân người ta nói nếu mà người ta không
uống nước ngọt thì không biết uống cái gì nữa, cũng như người ta nói rau
cỏ, tôm, cá, thịt người ta không ăn thì người ta không biết ăn cái gì
nữa. Mà vấn đề thật ra ở đây là cách quản lý của các cấp chính quyền nó
chưa đúng với nhu cầu cần thiết của đời sống người dân nó không theo kịp
được vấn đề mà nhu cầu của người dân hiện nay.”
Giải thích của cơ quan chức năng
Để tìm hiểu thêm thông tin cũng như tác hại của nước uống C2 có hàm
lượng chì vượt quá giới hạn, chúng tôi có liên lạc với ông tiến sĩ
Nguyễn Hùng Long phó cục trưởng cục an toàn thực phẩm của bộ y tế thì
tiến sỹ cho biết, nếu uống nhiều, uống liên tục trong một thời gian dài
thì sẽ ảnh hưởng đến gan, thận, não…
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long cho biết:
“Nếu mà dùng nhiều, uống nhiều thì sẽ tích lũy trong cơ thể, còn
nếu uống ít thì nó chưa đến mức gây ra ảnh hưởng sức khỏe ngay đâu, gan,
thận, não các thứ nó tích, uống nhiều, chứ còn còn uống ít thì nó bị
thải ra thôi, dùng ít thì chưa bị ảnh hưởng đến sức khỏe đâu.”
Mạng báo New Zing dẫn lời của bác sỹ Phạm Duệ nguyên giám đốc trung
tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai cho biết: Nếu thận tốt thì việc đào
thải chì tốt, còn nếu đào thải không tốt, chì sẽ đọng trong cơ thể, ngấm
vào máu, vào xương và gây ngộ độc. Chì có tác hại rất lớn nên các nhà
sản xuất cần phải tuyệt đối tuân thủ quy định hàm lượng chì trong ngưỡng
cho phép trong các sản phẩm như nước có màu, đồ chơi.
Giải pháp hạn chế
Trong thời gian qua tình trạng nước giải khát không đảm bảo vệ sinh
an toàn thực phẩm rất nhiều, để tìm hiểu về những giải pháp để hạn chế
tình trạng đó chúng tôi liên lạc với ông tiến sỹ Nguyễn Hùng Long phó
cục trưởng cục an toàn thực phẩm của bộ y tế thì tiến sỹ lại giới thiệu
qua người phát ngôn của bộ.
Chúng tôi liên lạc với thạc sỹ Trần Thị Nga người phát ngôn của bộ
thì thạc sỹ này cho biết, tất cả những giải pháp để đã được đăng tải
trên mạng Internet.
Thạc sỹ Nga cho biết:
“Các tài liệu các thông tin trên mạng đã có rồi đấy, ở cục an toàn thực phẩm cũng đã đưa tin.”
Tại điều 51 chương IV của pháp lệnh an toàn thực phẩm qui định: tổ
chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm có hành vi vi phạm quy định
của Pháp lệnh này hoặc các quy định khác của pháp luật về vệ sinh an
toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành
chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải
bồi thường theo quy định của pháp luật.
Hoàng Dung, thông tín viên RFA
0 nhận xét:
Đăng nhận xét