Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. |
Để theo dõi tình hình chính trị tại Việt Nam, tôi thường đọc các bài
phát biểu của những người lãnh đạo trong nước, trong đó, có ông Nguyễn
Phú Trọng. Nhưng thú thực, đọc ông rất nản. Quan điểm của ông thường bảo
thủ, giáo điều, khuôn sáo, thậm chí ngô nghê, hay nói theo chữ dân
chúng miền Bắc thường gọi ông, là rất “lú”. Tuy nhiên, bài nói chuyện
của ông tại cuộc hội nghị do Ban Dân vận Trung ương mới tổ chức vào ngày 27 tháng 5 vừa qua có thể được xem là một ngoại lệ, ở đó, ông nhìn vấn đề khá đúng.
Đúng khi ông nhớ lại bài học thân dân được Nguyễn Trãi đúc kết: “Vận
nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức dân quyết định. Vương triều
nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn. Trái
lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn sẽ bị thất bại.”
Đúng khi ông, từ bài học ấy, nhìn lại tình hình Việt Nam hiện nay, ông
thấy lòng tin của dân chúng đối với đảng của ông càng ngày càng sút giảm
nghiêm trọng.
Thật ra, những sự thừa nhận như vậy đã từng xảy ra trong quá khứ.
Giữa thập niên 1950, đảng Cộng sản cũng đã từng thừa nhận họ đã sai lầm
trong vụ cải cách ruộng đất và quyết định sửa sai. Giữa thập niên 1980,
đảng Cộng sản cũng thừa nhận sai lầm trong các chính sách kinh tế, từ
đó, quyết định đổi mới. Và bây giờ Nguyễn Phú Trọng lại thừa nhận việc
đã để dân chúng đánh mất niềm tin vào đảng.
Nguyễn Phú Trọng chỉ đúng một phần khi cho nguyên nhân chính gây ra
hiện tượng sút giảm lòng tin ấy là do “nhiều cán bộ thoái hoá”. Cụ thể
hơn, ông cho biết:
“Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền,
có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với
dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu,
gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Một số hiện
tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà
nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh. Do đó đã làm
tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân
dân đối với Đảng.”
Ông nói thêm: “Thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước
những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức
quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, trở thành những con sâu
mọt tệ hại của xã hội. Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình
cảm của nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất.”
Chưa hết. Theo Nguyễn Phú Trọng, “Một số người có chức có quyền giữ
tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào,
thì như một ‘ông vua con’ ở đấy. Thậm chí có cá nhân và tập thể trù dập,
ức hiếp quần chúng. Những hành động đó tuy không phải là phổ biến nhưng
rất nghiêm trọng, nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của dân đối
với Đảng.”
Phân tích dài dòng, có lúc lặp đi lặp lại, nhưng ý chính của Nguyễn
Phú Trọng về cái gọi là “thoái hoá” của các cán bộ đảng viên có thể tóm
gọn vào bốn điểm chính: quan liêu, độc đoán, áp bức và tham nhũng.
Phân tích như vậy là khá đúng. Tuy nhiên, Nguyễn Phú Trọng chưa thành
thật khi cho tình trạng quan liêu, độc đoán, áp bức và tham nhũng ấy
chỉ xảy ra ở “một số” hay “một bộ phận” đảng viên và cán bộ. Ở Việt Nam,
qua kinh nghiệm cá nhân, hầu như ai cũng biết tất cả những tình trạng
ấy rất phổ biến. Ở đâu cũng có. Cấp nào cũng có. Làm nhỏ ăn nhỏ; làm lớn
ăn lớn. Cứ hễ có chút chức quyền là tiền bạc trôi vào nhà hầu như ngay
tức khắc. Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước, từng thừa nhận tệ nạn
tham nhũng không phải chỉ là vài con sâu mà là cả bầy sâu. Nhung nhúc.
Và khi đã giàu có và đầy quyền lực như thế, người ta coi dân như rơm,
như rác, hay nói theo hình ảnh của Nguyễn Phú Trọng, như những “ông vua
con”.
Nhưng ngay cả khi thừa nhận tình trạng “thoái hoá” của cán bộ, đảng
viên là phổ biến, người ta vẫn chưa tiếp cận được nguyên nhân đích thực
của việc suy giảm lòng tin của dân chúng. Đó chỉ là một trong những
nguyên nhân chứ không phải là tất cả. Còn một lý do khác nữa, có khi
quan trọng hơn: Các chính sách của đảng. Chỉ lấy một ví dụ gần đây nhất:
nạn cá chết trắng bờ ở các tỉnh miền Trung. Sau khi gây ồn ào dư luận
vài ngày, nhà cầm quyền chủ trương giấu nhẹm sự thật. Báo chí, từ đó,
không được đề cập đến nạn cá chết nữa. Ngay những người thợ lặn, thấy
sức khoẻ có vấn đề, đi khám, bác sĩ và bệnh viện cũng giấu kín kết quả.
Hai tháng trôi qua, nguyên nhân của nạn cá chết hàng loạt vẫn chưa được
công bố. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo địa phương vẫn kêu gọi dân chúng
ăn cá và tắm biển. Làm sao người dân tin được khi nhà cầm quyền vẫn
tiếp tục nói dối và che giấu sự thật như vậy?
Mà những hành động nói dối và giấu giếm sự thật như vậy không phải là
hiếm. Có thể nói toàn bộ lịch sử của đảng Cộng sản tại Việt Nam là lịch
sử dài dằng dặc của những sự nói dối và giấu giếm sự thật. Chuyện tham
nhũng mà Nguyễn Phú Trọng thừa nhận là “rất nghiêm trọng”, cho đến nay,
vẫn chưa hề được điều tra và xử lý. Chỉ hoạ hoằn, lâu, lâu lắm, báo chí
mới làm rùm beng lên chuyện vài cán bộ phường xã hay cảnh sát giao thông
nhận hối lộ. Còn toàn bộ bức tranh tham nhũng, nhất là ở cấp lãnh đạo
từ địa phương đến trung ương thì vẫn bị giấu kín. Ông Lê Khả Phiêu và
ông Nông Đức Mạnh lương bao nhiêu một tháng mà sau khi về hưu ở những
ngôi nhà như cung điện của vua chúa như vậy? Trong giới cầm quyền tại
Việt Nam hiện nay, không ai thắc mắc về những điều ấy cả.
Bên cạnh những việc nói dối và giấu giếm sự thật, điều làm cho dân
chúng càng ngày càng mất niềm tin đối với đảng Cộng sản còn là vì, với
họ, đảng Cộng sản càng ngày càng phản bội những lý tưởng họ đề ra lúc
đầu. Đảng đấu tranh cho những người nghèo khó để tạo ra một xã hội bình
đẳng ư? Trên thực tế, đảng chỉ lo giành giật quyền lợi cho bản thân họ.
Dân nghèo càng ngày càng nghèo. Đảng tranh đấu cho tự do ư? Trên thực
tế, đảng chỉ tước đoạt mọi quyền tự do của con người. Đảng tranh đấu cho
độc lập dân tộc ư? Nhìn vào quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ gần
ba thập niên trở lại đây, người ta chỉ thấy đảng sẵn sàng hy sinh chủ
quyền quốc gia để bảo vệ tư thế “ông vua con” của mình.
Làm sao dân chúng có thể tin là đảng nhắm đến lý tưởng cao cả là giải
phóng con người trong khi hằng ngày đảng vẫn vùi dập mọi quyền tự do,
ngay cả những quyền tự do căn bản nhất của con người?
Làm sao dân chúng có thể tin là đảng yêu nước khi đảng cứ lải nhải
nhắc đến những “4 tốt” và “16 chữ vàng” khi Trung Quốc càng ngày càng
lấn lướt và những người yêu nước đều bị đảng trấn áp một cách hết sức
tàn bạo?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét