Cá chết trong nước, ngoài nước quý bà nội trợ đổ xô đi mua nước
mắm.
Chúng ta đi mang theo quê hương nhưng nhiều khi quên
mang theo nước mắm. Ở đâu cũng có gạo, thịt, cá, tôm, rau cải, bột, đường, nhưng
không phải ở đâu cũng tìm ra nước mắm. Những người di tản đến Orange County,
California, năm 1975 đi Los Angeles, kiếm được chai nước mắm đem về, mừng rơn.
Bây giờ, cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã đông vui, không khó để có được chai
nước mắm, có khi còn mắm nêm, mắm lóc, mắm ba khía... chẳng khác chi ở một ngôi
chợ làng.
Chén nước mắm dùng trong
mâm cơm được coi là nét đặc biệt trong chuyện ăn uống của người Việt Nam. Miền
Bắc và miền Trung thường dùng nước mắm nguyên chất với các loại ớt, nhưng vào
miền Nam thì người ta dùng “nước mắm pha,” có đường, chanh, ớt, tỏi pha nước,
không mặn, nên khi ăn ốc, ăn bánh khọt, người ta “húp” cả nước mắm. Nước mắm pha
để ăn các loại bánh làm từ bột của xứ Huế quả là muôn vàn rắc rối, không thể
dùng một cách nhầm lẫn được. Do vậy nước mắm để ăn bánh bột lọc khác với nước
mắm ăn bánh ướt tôm chấy, nước mắm ăn bánh bèo không dùng để ăn với bánh
nậm.
Nước mắm không phải là món
nước chấm, mà là một món ăn chính. “Ngày mưa bão, trên mâm thường trứng luộc.”
(dầm trong một chén nước mắm - nhà nghèo thì một phần trứng mà có đến ba phần
nước mắm) hay như một câu nói bình dân xứ Huế: “Nói cho lắm cũng nước mắm - dưa
cải, nói cho phải cũng dưa cải - nước mắm!” Đó là món ăn nghèo khổ nhất! Không
cao lương mỹ vị, thì bữa cơm với chén nước mắm cũng xong! Thời Pháp thuộc, người
ta dùng “tỉn” để chứa nước mắm chứ chưa có chai để đựng nước mắm phổ biến như
bây giờ.
Với tôi, từ thuở nhỏ đến
lúc bạc đầu, bữa cơm nào cũng phải có chén nước mắm ớt nguyên chất. Đến dùng cơm
nhà bà con hay bạn thân, thì cứ nói thẳng: “Đừng quên chén nước mắm ớt của tôi
nghe!”
Tôi có một người bạn người
Huế đi du học bên Tây rất sớm, lại lấy vợ đầm, suốt đời phải bỏ lại “nước mắm”
sau lưng. Thời gian sau này khi đi du lịch một mình sang Mỹ, anh lại có cơ
hội “tắm lại trong dòng sông
cũ,” được chan nước mắm
thả dàn, tâm sự là nhớ mẹ khôn nguôi! Bây giờ thấy những bà nội trợ Việt Nam ở
Mỹ đi chợ, chất đầy những chai nước mắm lên xe đẩy, mới thấy nước mắm gắn bó với
con người Việt Nam ra sao!
Sau năm 1975, khi miền Bắc
“mới được giải phóng,” dân chúng chưa có được chai nước mắm mà ăn. Người ta lừa
vị giác và thị giác của con người bằng loại nước mắm XHCN làm bằng nước muối và lá chuối
khô. “Nhà sản xuất” nấu
nước muối lên, bỏ vào nồi một hai ngọn lá chuối khô, loại nước này ngả màu nâu
rất đẹp không khác gì màu nước mắm, đậm nhạt tùy thời gian nấu lá chuối khô
trong nồi. Màu thì giống nước mắm thật,
còn mùi thì phải tưởng tượng ra!
Ví như hôm nay, bạn sửa
soạn ra đường, nhưng chẳng may vấy phải vài giọt nước mắm trên áo, thì phải vội
vàng vứt cái áo ngay, vì cái mùi “hôi” của nó, nhưng sao chúng ta lại mê nước
mắm, đến đỗi bữa cơm không có nước mắm thì thành bữa cơm vô vị, và nói đến người
Việt Nam thì phải nhắc đến nước mắm. Tôi không chịu nổi mùi Fromage Camembert
của xứ Normandie ra sao, thì Tây cũng sợ mùi nước mắm Phú Quốc đến như thế! Mùi vị của mỗi
nơi là văn hóa, nên cũng đừng bắt người ngoại quốc phải thích văn hóa của
mình.
Đứng ở xa thì OK, nhưng đến
gần thì không mê nổi.
Người Hoa, Triều Tiên,
Philippines, Nhật, Khmer, Indonesia, Malaysia, Lào... có mắm mà không có nước
mắm như Việt Nam và Thái Lan, nhưng các bạn đi Thái Lan rồi, hay ăn nhà hàng
Thái ở Mỹ, trong bữa cơm có thấy chén nước mắm đâu! Vậy thì cứ xem nước mắm như
là món “quốc hồn quốc túy” của xứ mình, chứ không phải là phở hay chả giò như
nhiều người nói, bằng chứng là người Mỹ ăn phở được, nhưng ăn nước mắm thì
không, trừ những anh chàng phương Tây số nặng nợ, lẽo đẽo theo cô gái Việt Nam,
chỉ vì... mùi nước mắm!
Việt Nam có bờ biển dài hơn
3,400 km, nếu tính gồm các đảo, đầm phá và các cửa sông chịu tác động mạnh của
thủy triều thì số chiều dài bờ biển đến 11,409 km. Với địa hình giáp “biển bạc”
như thế, cá ăn không hết nên nẩy sinh ra nghề làm nước mắm, mà không giống một
quốc gia nào trên thế giới. Monaco chỉ có 4 km tiếp giáp với biển không có nước
mắm đã đành, sao Canada có bờ biển dài 202,080 km cũng chỉ có
maggi.
Không có sách sử nào nói về
lịch sử, cội nguồn của nghề làm nước mắm, chỉ biết đây là một nghề cha truyền
con nối, truyền thống gia đình, thì nói một cách hàm hồ, chỗ nào có người Việt
sinh sống gần biển là chỗ đó có làm nước mắm. Nói một cách khác, vào nhà người
Việt, thịt cá chưa biết ở đâu nhưng phải có chai nước mắm trong nhà
bếp.
Tại Việt Nam, các vùng miền
duyên hải đều làm nước mắm. Thì cứ đi một dọc từ Bắc chí Nam, từ Cát Hải, Hải
Phòng, cho đến miền Trung là Nam Ô, Vạn Giã, Phan Thiết, vào cực Nam là Cà Mau,
Phú Quốc.
Nước mắm có thể làm từ con
cá nục, nhưng ngon là nước mắm làm từ con cá cơm. Nước mắm ngon là loại nước mắm
nhĩ, tức lá nước mắm tinh chất nhỏ những giọt đầu tiên. Trước năm 1975, người ta
còn được ăn nước mắm “óc trâu” lợn cợn những chất béo của cá. Những loại nước
mắm ăn vào nghe nhức nhối cả chân răng. Người ta còn nói, nước mắm ngon, bỏ hạt
cơm vào thì hạt cơm nổi lên mặt.
Thời đó con
người còn trong sạch, ngay thẳng, chưa được dạy điều xảo trá, điêu ngoa, nên dân
còn được ăn miếng ngon, giọt nước mắm không hề có chút hóa chất, con gà con vịt,
miếng thịt, ngọn rau còn tinh chất, không hạnh phúc
sao?
Bây giờ nghe tin cá chết,
dân Việt Nam ùn ùn đi mua nước mắm, vậy nước mắm chính là mùi vị quê
hương Việt Nam không thể thiếu.
Bài thơ “Quê Hương” của Đỗ
Trung Quân mặc dầu có nói đến cầu tre, cánh diều... nhưng vẫn còn chung
chung, chỉ có hình
ảnh mà chưa có mùi vị.
Theo tôi, nếu nói đến quê
hương Việt Nam thì phải nói thêm:
“Quê hương là mùi nước
mắm
Đi xa ai cũng nhớ
nhiều!”
Tạp ghi Huy Phương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét