Tiến sĩ Rupert Neudeck |
Thục Quyên
Tôi vừa viết vào quyển sổ phúng điếu Tiến sĩ Rupert Neudeck:
Nur wenige Menschen sind wirklich lebendig und die, die es sind, sterben nie.
Rupert, Auf Wiedersehen!
Có rất ít người thật tình sống, và những người đã thật tình sống thì không bao giờ chết.
Rupert, hẹn gặp lại anh!
Tổng thống Đức Joachim Gauck,Thủ tướng Đức Angela
Merkel, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier,… không thể
kể hết những nhân vật tên tuổi của nước Đức đã viết thư chia buồn khi
được tin. Còn công đồng người Việt tỵ nạn tại Đức, dù do tàu Cap Anamur
vớt hay không, thì đều đang thảng thốt, chao đảo: không ai có thể tưởng
tượng Rupert Neudeck đã trút hơi thở cuối cùng.
Lẽ dĩ nhiên Rupert cũng không còn trẻ nữa, vừa ăn
sinh nhật thứ 77 cách đây nửa tháng, cũng đã là ông nội ông ngoại rồi,
và tin Rupert phải mổ tim thì ai cũng biết. Nhưng thật tình không ai
nghĩ tới con người gầy như một bộ xương biết đi nhưng đầy nghị lực ấy,
lại có thể không còn bao giờ ngồi dậy nữa, để nói một cách chắc nịch:
“mình phải làm… “.
Vì tuy phần lớn thời gian làm công việc biên tập viên
kiếm cơm nuôi gia đình tại Đài phát thanh Deutschlandfunk cũng như làm
việc từ thiện được làm tại bàn giấy, nhưng không thiếu những cuối tuần,
Rupert phải bay tới những nơi dầu sôi lửa bỏng, thứ Sáu bay đi, tối Chủ
nhật về để kịp thứ Hai đi làm: Somalia, Uganda, Ethiopia, Chad,
Mozambique, Eritrea, Iraq, Angola, Bosnia, Rwanda, Chechnya, Libya,
Israel, Syria… (không biết kể đã đủ chưa) tới nỗi mà vợ anh, Christel
Neudeck, chỉ còn cách đối trị với nỗi lo bằng một câu nói đùa bất hủ về
ông chồng mình: “ốm tong ốm teo thế kia thì đạn chỉ bay hụt bên cạnh”.
Chỗ nào có giặc giã và con người lâm vào hoàn cảnh
tuyệt vọng thì Rupert Neudeck “phải” tới, kéo những người khác vào những
dự án kiểu bất khả thi “mission impossible”, điều khiển chương trình
với một sự kiên quyết đôi khi độc đoán để tiến tới thành công, khi những
tổ chức khác đã lắc đầu không làm được.
Câu hỏi của Rupert luôn luôn là “tại sao không?”; “Tại sao mình không cứ bắt đầu đi?”.
Do đó những dự án của tổ chức Cap Anamur, hay sau này
tổ chức Gruenhelme, rất đa dạng, đi từ tháo gỡ mìn, xây dựng các bệnh
viện, trạm y tế và thực phẩm, trường học và đường giao thông, hệ thống
lọc nước, hệ thống năng lượng mặt trời,… nhưng dự án sôi nổi đặc biệt
nhất vẫn là dự án đầu tiên vớt người trên biển Đông, cứu sống hơn 11.300
người Việt Nam tỵ nạn cộng sản, đưa tên tuổi Rupert Neudeck đi vào lịch
sử.
Một Con Tàu cho Việt Nam
Tất cả bắt đầu bằng hình ảnh những con người khốn
khổ nằm lả trong một chiếc thuyền con trên đại dương mênh mông trên màn
ảnh vô tuyến và một ly cà phê trong quán Café Boule d’Or với triết gia
Pháp André Glucksman sáng ngày 1/02/1979 (1).
Rupert Neudeck kể: Glucksman vừa từ Mã Lai về và cho
biết đã có 40.000 người Việt Nam dạt vào bờ hòn đảo Pulau Bidong, những
người quyết ra đi mà không biết sẽ đi về đâu, bỏ lại đằng sau họ một đất
nước trong tay cộng sản, một đất nước mà họ mô tả là cái cột đèn nếu có
chân cũng bỏ để ra đi. Glucksman cũng báo tin dự án một con tàu cho
Việt Nam, Ile de Lumière, do ông và Bác sĩ Bernard Kouchner khởi xướng
đã thuê được tại Nouvelle Calédonie nhưng còn thiếu tiền để đi vào hoạt
động.
Bên cạnh hình ảnh những con thuyền lênh đênh trên
biển cả bất cứ lúc nào cũng có thể bị vùi dập bởi sóng cả hay hải tặc,
lực đẩy Rupert Neudeck phải hành động là sự dấn thân ngọan mục trước đó
của giới trí thức Pháp. Rupert viết: “Cách người Pháp tiến hành những
hoạt động nhân đạo của họ có một sức hút vô cùng mạnh đối với tôi”. Đã
từng nghiên cứu và viết luận án Tiến sĩ về “Đạo đức chính trị với
Jean-Paul Sartre và Albert Camus” (Politische Ethik bei Jean-Paul Sartre und Albert Camus), Rupert
hết sức khâm phục thái độ cao cả của Sartre và đối thủ chính trị của
ông này là nhà triết lý và xã hội học Raymond Aron, người mà Sartre đã
mạ lỵ là “con chó chống cộng” và hai bên đã cắt đứt tình bạn suốt 30 năm
vì những sự khác biệt chính trị và tư tưởng.
Trực diện với thảm cảnh những thuyền nhân đang chết
đuối trên biển cả, trong một cuộc họp báo rất lớn tại Hotel Lutetia,
Paris, ngày 20/06/1978, với sự hiện diện của một số rất đông những nhân
vật lỗi lạc của Pháp và Âu châu từ cánh tả đến cánh hữu, Sartre đã nói: “Tôi
ủng hộ những con người mà có lẽ không phải đã là bạn tôi vào thời kỳ
Việt Nam đấu tranh cho tự do, nhưng điều này chẳng có gì là quan trọng,
vì đó là những người đang gặp nguy hiểm đến tính mạng. Hôm nay, tôi đứng
đây, rời xa mọi ý kiến chính trị, và chỉ hành xử theo đạo đức. Nhân
quyền là quyền được cứu sống khi gặp nguy hiểm đến tính mạng, là được
giúp đỡ khi hoạn nạn“.
Trên chuyến tàu lửa từ Paris về nhà, Rupert Neudeck
có ý định noi gương nhóm “Một Con Tàu cho Việt Nam”, dựa vào thế thuận
lợi của mình trong ngành truyền thông và ảnh hưởng của những người trí
thức cùng những nghệ sĩ Đức có tên tuổi, để gây một phong trào quyên
tiền ủng hộ con tàu Ile de Lumière của Pháp.
Tháng 7/2015, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của
nhà văn Heinrich Böll (giải Nobel Văn học 1972) Rupert Neudeck đã viết
trong bài tưởng niệm:
“Tôi không bao giờ quên hai câu Böll nói để trả
lời câu hỏi của tôi có nên làm dự án ủng hộ chương trình cứu người vượt
biển không: “Có, Neudeck, làm đi. Có tôi”… Böll là người đã chỉ đường
cho chúng ta đừng mãi đuổi theo những định kiến về những người khác,
đừng kiệt sức vì chống Cộng sản và Moscou, mà luôn biết rằng trong những
nước độc tài có biết bao nhiêu những Con Người đang muốn kết nối với
những dân tộc khác”.
Tháng 4/1979, Heinrich Böll, Rupert và vợ là Christel
Neudeck, đã thành lập “Ủy ban Một con tàu cho Việt Nam” Đức với mục
đích quyên tiền ủng hộ chương trình của Pháp. Nhưng tên tuổi của Böll
vẫn có vẻ chưa đủ để được sự ủng hộ mạnh mẽ trong dân chúng.
Đoán biết người dân Đức có khuynh hướng thích đóng
góp vào một dự án hoàn toàn Đức, Rupert Neudeck, Heinrich Böll cùng với
nhà văn Martin Walser và dân biểu Quốc hội Norbert Blüm thành lập hội
“Ein Schiff für Vietnam” và chỉ 3 ngày sau khi được giới thiệu trên
truyền hình, số tiền quyên góp lên tới 1,2 triệu Đức mã. Rupert Neudeck
hiểu sự sốt sắng ủng hộ này như một lời nhắn nhủ để khởi động một dự án
hoàn toàn Đức, do đó anh đem cầm cái nhà nhỏ của gia đình lấy tiền thêm
vào, tự mướn một con tàu để ra khơi thi hành công việc cứu người vượt
biển mang tên Cap Anamur. Từ năm 1979 đến 1987, Cap Anamur đã cứu trên
11.300 thuyền nhân và săn sóc y tế cho trên 35.000 người.
Tôi không biết làm sao, nhưng tôi biết là phải làm
Dù đã cứu bao nhiêu ngàn mạng sống, Rupert Neudeck không hề có dáng dấp của một thiên thần.
Những người đã từng quen biết, gặp gỡ và làm việc
chung, tả con người anh với những từ rất ấn tượng: kiên định, khó khăn,
bướng bỉnh, độc đoán, một nhà quản lý khủng hoảng, một người” cực độ
trong vấn đề từ thiện”, “kẻ câu…người”,…
Đáp lại lời phê bình anh là một nhà cách mạng lãng
mạn, Rupert khẳng định “Tôi không lãng mạn. Tôi đã lớn lên trong ảnh
hưởng của Sartre và Camus – cách mạng đóng một vai trò quan trọng”.
Quyển sách cuối cùng Rupert viết mang tựa đề “Sống cực độ” và anh cắt nghĩa:
“cực độ đây có nghĩa là không hèn nhát, không xu thời”. ” Thấy là làm“.
Tóm lại, Rupert làm tất cả những gì anh nghĩ là đúng, và làm ngay lập tức.
Những chữ “khó quá”, “nguy hiểm quá “, “phức tạp quá” không nằm trong từ ngữ của Rupert.
Ngược lại phải có sức chống cự, phải thay đổi lối suy nghĩ, phải dũng cảm can thiệp (vào những tình huống bất công, nguy hiểm).
Vì “cực độ trong vấn đề từ thiện” như vậy, nên Rupert
Neudeck nhiều lần đã phê bình cách làm việc cứng ngắc, thiếu linh động
của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn. Cũng như anh đã lớn tiếng mơ
ước tôn giáo “Bớt trầm hương và vị kỷ, thay vào đó thêm những chương
trình phúc lợi tinh thần và trợ giúp cụ thể cho những người có nhu cầu”.
Mới đây, vào đầu tháng 4/2016 nhân dịp Rupert và
Christel Neudeck nhận chung giải thưởng Erich-Fromm khen tặng sự dấn
thân của họ trong việc hỗ trợ người tỵ nạn, Rupert đã phát biểu:
” Công việc của chúng tôi ít khi được gọi là thành công. Thường hay gặp thất bại hơn”
và anh đổi giọng hóm hỉnh “sự cộng tác giữa chúng tôi rất hoàn hảo: tôi to mồm còn bà ấy lấy quyết định”.
Gia tài để lại
Con tàu Cap Anamur không phải là con tàu đầu tiên đi
cứu người Việt Nam vượt biển lánh nạn cộng sản. Trước đó là tàu Ile de
Lumière của Pháp mà gần như cả thế giới đều nghe tới. Rất ít ai biết
rằng trước Ile de Lumière, năm 1976, còn có hai tàu nhỏ ,Tàu Roland và
tàu Leapdal, do một tu sĩ Phật giáo nhỏ bé, đứng trước nỗi thống khổ và
những cái chết tức tưởi của thuyền nhân trong sự phớt lờ của toàn thế
giới, đã quyên góp để cấp bách đi làm công tác vớt người, với ý định đưa
về Guam (lãnh thổ Hoa Kỳ) hoặc qua Úc và vận động báo chí để xin hai
quốc gia này chấp nhận và cũng đồng thời báo động cho thế giới về sự có
mặt của thuyền nhân trên biển cả.
Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đã hết sức bực mình và
chương trình bị những thế lực quốc tế ngăn chặn. Người tu sĩ trẻ ngày đó
hôm nay là Thiền sư Nhất Hạnh. Thầy đã nhận chấm dứt chương trình sau
khi thương lượng để những người đã vớt, được chấp thuận và đưa đi tỵ nạn
ở Úc.
Cap Anamur và Ile de Lumière đã thành công trong sứ
mạng cao cả cứu mạng sống của nhiều chục ngàn người và đặt các nước Âu
Mỹ vào tình thế không được nhắm mắt làm ngơ. Vì những người trí thức của
Pháp và Đức đã hãnh diện với trách nhiệm coi trọng Con Người hơn mọi
khác biệt chính trị và tư tưởng. Và vì lòng rộng lượng, nhân đạo của
nhân dân Pháp và Đức đã đóng góp tiền bạc để ủng hộ hai chương trình đi
cứu người cũng như áp lực Chính phủ hai quốc gia phải mở cửa đón người
tỵ nạn. Một đỉnh núi cao chỉ là đỉnh núi vì có hàng triệu những hòn đá
lớn nhỏ nằm ở dưới.
Rupert Neudeck đã cắt nghĩa tại sao anh có đủ sức mạnh để làm những việc mà người khác cho là phi thường: “Vì
tôi ý thức thật là một món quà tuyệt vời được sống trong một xã hội tự
do, và cũng một phần do ảnh hưởng của dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu“.
Rupert thân quí,
Hôm nọ khi anh mở mắt, Christel có hỏi anh muốn nghe
Mozart không thì anh gật đầu. Là Fan của Mozart, tôi tin rằng anh đang
rất thanh thản trong tiếng nhạc. Những người Việt thương yêu anh mấy
ngày qua hết lòng tỏ bày tình cảm qua những bài chia buồn đăng trên cả
trang báo hay tổ chức đi dự lễ tiễn đưa anh. Đừng vội la nhé, đó chỉ là
phần nhỏ. Phần lớn tiền quyên góp là để giúp vào quỹ của hội Grünhelme.
Gia tài anh để lại là quí trọng Con Người, không
để cho những khác biệt về tư tưởng, tôn giáo hay chính trị giết hại Con
Người, chúng tôi sẽ nâng niu, gìn giữ và dũng cảm bảo vệ.
Thục Quyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét