Cuộc biểu tình ngày 02/10/2016 của hơn 10.000 người dân Hà Tĩnh là
cuộc biểu tình sẽ đi vào lịch sử, vì nó đánh dấu những chuyển biến
mới trong xã hội ta, trong đó những điểm rất ấn tượng.
1. Trước hết toàn bộ hệ thống truyền
thông nhà nước (sống bằng tiền thuế của dân) nhưng đã trốn tránh
trách nhiệm phụng sự dân. Chỉ có tờ Thanh niên điện tử đưa một bài
đúng sự thật về cuộc biểu tình, nhưng sau đó bị gỡ bỏ, còn toàn bộ
đài Truyền hình, đài Phát thanh, các loại Báo chí của các cơ quan
Đảng, Chính phủ, Mặt trận TQ, các đoàn thể ăn lương của dân, suốt từ
Trung ương cho đến 63 tỉnh thành, 713 quận/ huyện, 10.925 xã/ phường
không một phương tiện truyền thông nào đưa tin về cuộc biểu tình này.
Đài VOV và báo Hà Tĩnh thì quen thói xưa, bóp méo, xuyên tạc đưa tin
“Vụ tụ tập đông người, cản trợ hoạt động của công ty FORMOSA”… bị dân
chửi te tua!
Nhưng nay khác rồi, “Mặt trận truyền thông
nhân dân” trên mạng xã hội đã đưa tin về cuộc biểu tình diễn ra từng
phút, từng giờ với đầy đủ hình ảnh, âm thanh một cách khách quan,
chân thực… Nhờ đó toàn bộ diễn biến của cuộc biểu tình đã được lan
truyền đến khắp mọi miền đất nước và ra khắp thế giới. Các hãng
thông tấn hàng đầu thế giới như BBC, AFP, CNN… đều đăng hình ảnh, bình
luận… về cuộc biểu tình này.
2. Lần đầu tiên các lực lượng Công an,
Cảnh sát cơ động, Dân phòng … được huy động ngăn chặn, đàn áp cuộc
biểu tình, bảo vệ cho FORMOSA đã tránh đụng độ với dân và trước sự
áp đảo của dân, lực lượng vũ trang này đã rút lui, nhiều anh em còn
trút bỏ sắc phục… Có nhà báo bình luận: Đây là hình ảnh đẹp nhất
trong năm! Hình ảnh một nữ tu sĩ trẻ, giương biểu ngữ: “ĐỪNG SỢ”… tươi
cười đứng sát bên các đội viên CSCĐ lầm lũi, hiền lành, cũng được
rất nhiều người bình luận “ấn tượng đẹp”… Hình ảnh linh mục cầm loa
khuyên nhủ mọi người hãy bình tĩnh, ngồi xuống, không được manh động…
cũng được nhiều người chú ý. Một cuộc “tụ tập” tới 10.000 người mà
không gây ra “hiệu ứng đám đông”, “tâm lý bầy đàn” manh động, mất kiểm
soát… là một bằng chứng cho sự chuyển biến mới về ý thức trách
nhiệm xã hội, ý thức pháp luật của những người tổ chức và người
dân tham gia biểu tình. Phải chăng lực lượng chống biểu tình và người
biểu tình đã tìm thấy sự đồng cảm? CA, dân phòng, quân đội, CSCĐ là
ai? Họ đều là con em nhân dân lao động bị các “quan trên” đẩy ra chống
lại cha, mẹ, chú, bác, anh em mình; họ biết “quan nhất thời, dân vạn
đại”, chỉ có quay về với dân, với lẽ phải mới là con đường sống
chính đáng…
3. Động cơ, mục đích của cuộc biểu tình
không phải thiển cận, thực dụng đòi bồi thường, cứu trợ, quyền lợi
cho riêng mình, cho “nhóm lợi ích” hẹp hòi của mình, mà vì cứu lấy
biển, cứu lấy môi trường sống của dân tộc, của các thế hệ hôm nay và
mai sau. Mục đích cao cả đó đã có sức lay động, thu hút đông đảo bà
con sở tại tham gia; khi người ta đấu tranh cho những mục đích cao cả
thì con người cũng lớn lên về tầm vóc suy nghĩ, bản lĩnh và lòng
dũng cảm. Người dân giác ngộ, lớn lên khi họ dấn thân vì nghĩa lớn;
những người nông dân, ngư dân chỉ suốt đời quần quật lo miếng cơm manh
áo, bỗng “Rũ bùn, đứng dậy sáng lòa” là vì thế.
4. Sự vô cảm của dân chúng, thờ ơ với
những cuộc biểu tình nhỏ lẻ trước đây, làm nhiều người yêu nước thất
vọng, thì nay, sự hưởng ứng, ủng hộ của dư luận xã hội với cuộc
biểu tình này rất sôi động. Mọi người đã thấy cuộc biểu tình đó là
“Cho mỗi người chúng ta”, “Vì chúng ta”, “Vì cuộc sống của tất cả
chúng ta và con cháu chúng ta”. Sau cuộc khiếu kiện của hơn 500 dân
Nghệ An tới cuộc biểu tình hơn 10.000 ngàn dân Hà Tĩnh, người ta đã
ví như sự kiện “Xô viêt Nghệ – Tĩnh”. Nhưng thực ra về bản chất là
không đúng, vì “Xô viết Nghệ tĩnh” dân nổi dạy do Đảng CS kích động
“căm thù giai cấp, trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”,
“nhằm cướp chính quyền”, còn cuộc khiếu kiện, biểu tình của dân Nghệ
– Tĩnh hôm nay là kêu gọi đoàn kết toàn dân đấu tranh trong hòa bình
cho công lý, cho sự phát triển đất nước… Do vậy, tác động, thu hút
được sự quan tâm đông đảo của toàn dân.
5. Chính quyền, dù vẫn nói “do các thế
lực thù địch xúi giục” và tìm các phương thức đối phó mới. Nhưng
những đầu óc tỉnh táo, cũng thấy rằng, không có lực lượng phi nghĩa
nào, ngăn cản nổi cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân. Chính quyền
buộc phải lựa quyết định: Chọn FORMOSA hay chọn Dân? Và từ đây, liệu
có dám coi khinh dân, cứ làm dự án thép CÀ NÁ nữa hay không? Ai? Ai
là người dám liều mình đứng ra công khai thách thức nhân dân và lịch
sử để quyết tâm bảo vệ FORMOSA và triển khai nhà máy thép CÀ NÁ?
Ai?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét