Văn Quang
Viết từ Sài Gòn
Ở VN bây giờ thêm một hội chứng mới gọi là “hội chứng bất động”,
nó được hình thành bởi cái thị trường bất động sản đang chết cứng, không nhúc
nhích. Dù có được “kích cầu” mạnh mẽ, dù có được vài “cú hích”, mạnh hơn tàu hỏa
đẩy đi, nó vẫn nằm chết dí. Nói rõ hơn là đủ các thứ nhà đất đóng băng, nhà
giàu chết trên đống tài sản của mình, nhà nghèo không có tiền mua nhà, nhà kha
khá loại công tư chức còm vẫn cứ đợi nhà xuống giá nữa. Mặc dù mọi “phân khúc”–
tức là mọi kiểu nhà từ những tòa cao ốc đồ sộ đến biệt thự tiền tỉ, cho đến nhà
chung cư, nhà bình dân – đã xuống giá, “vừa bán vừa năn nỉ” cũng chẳng ai mua.
Họ vẫn đợi và đợi giá xuống nữa. Khách hàng được dịp bắt ép doanh nghiệp để trả
thù trước kia ông ép giá tôi, ông mua rẻ bán đắt, bây giờ là thời cơ tôi ép
ông, phải hạ giá nữa cũng chẳng có gì là “oan uổng”. Thế nên hai anh cùng đứng
hầm hè nhìn nhau, cái “hội chứng bất động” ra đời.
Thật ra, cái hội chứng này đã có từ lâu, nó hiện diện trong
nhiều mặt của xã hội. Nhiều bạn chê dân VN vô tình, vô cảm, đôi khi là “vô
lương tâm” thí dụ gặp cướp giữa đường không ai chịu nhảy vào tiếp cứu, gặp tai
nạn giữa đường ngó mặt làm lơ…
Nhưng bạn thông cảm cho là đã có những người vì
can thiệp vào đám cướp mà bị trả thù, bị đâm lòi ruột, can thiệp vào vụ tai nạn
rồi bị gán ngang xương là người gây ra tai nạn, nhảy vào đám đánh lộn, quay ra
bị mất bóp… Thế nên cái sự “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” đã thành
đồ cổ. Sự “bất động”, sự vô cảm trở thành có lý. Nhất là trong thời buổi người
khôn của khó này, mọi người đều phải chạy gạo kiếm cơm, ít người còn thì giờ để
lo chuyện “thiên hạ sự”. Mấy ông rảnh rang thì bận ngồi tán dóc ở quán cà phê,
bận làm “áp phe”, bận “việc quan ngoài quán” nên chẳng ai chịu nhúc nhích.
Tuy nhiên những chuyện nhỏ ấy chưa quan trọng bằng những
chuyện lớn của các quan. Hội chứng bất động này mới đáng sợ.
Chuyện bình thường
Chuyện đất đai, nhà cửa là thứ chuyện “muôn năm” trong toàn
quốc khiến người dân vác đơn đi kiện từ năm này qua năm khác, thậm chí nằm lỳ ở
các thành phố lớn quyết tâm chờ được giải quyết, nhưng hầu như chẳng có vụ nào
“dứt điểm” được cả, nó cứ lằng nhằng đá qua đá về như kiểu đội bóng Barcelona
chơi kiểu tiki-taka mãi chẳng chịu sút vào khung thành. Anh nào sốt ruột hết
cơm gạo nằm vạ thì cứ về nhà chờ và chờ, nhà nước hoan nghênh vì không làm mất
“an ninh trật tự”! Thứ chuyện đó ở VN đã trở thành chuyện bình thường.
Tham nhũng hối lộ ư? Chuyện cổ tích. Cướp của giết người ư?
Chuyện vặt. Con gái mới lớn nứt mắt đã bị dụ sang Campuchia đánh bạc, bố mẹ lo
tiền sang chuộc ư? Chuyện nhỏ. Chuyện mua dâm bán dâm của hoa khôi hoa hậu rồi
lây lan đến nữ sinh, các “madam” bắt chước tụi nhỏ, đi tìm thú vui cũng chỉ là
thứ chuyện bình thường. Khách du lịch bị chém vô tội vạ khiến họ khinh miệt dân
tộc mình, một đi không trở lại ư? Cái thứ chuyện “quốc nhục” đó xảy ra từ lâu lắm
rồi, bây giờ mới biết thì “hơi muộn”. Hàng trăm thứ chuyện bình thường như thế
trong một xã hội có nhiều điều không bình thường.
Nhà hợp pháp bỗng chốc thành bất hợp pháp
Vậy mà có những thứ chuyện ai cũng biết, ai cũng thấy, ai
cũng thắc mắc mà chẳng biết anh nào đúng và chẳng biết xử thế nào cho phải,
đành “bất động”. Cái thứ “bất động” này cũng nằm trong “bất động sản”, nhưng
không phải là thứ cần rao bán mà là thứ có dính dáng tới pháp luật. Anh có tiền
bỏ ra mua đất, có giấy tờ đàng hoàng, bỗng chốc bị “soi mói” đó là đất rừng
phòng hộ, cấm làm nhà. Thế là đất nhà của mình bỗng dưng trở thành vi phạm pháp
luật, phải đập bỏ. Nhưng đập bỏ một ngôi nhà cấp ba cấp bốn chắc sẽ không khó
khăn gì, có thể được bồi thường một khoản tiền nhỏ là xong hoặc có khi chính
quyền địa phương biết mình cấp phép sai, xin chủ nhân “thông cảm” cũng huề cả
làng. Nhưng đập phá một ngôi nhà “vĩ đại” có chủ quyền không phải là chuyện dễ,
sẽ có đủ thứ chuyện phiền phức. Cơ quan này “đá” cơ quan kia, ông này nói đúng
pháp luật, ông kia nói nhà làm “lậu”, ông nào cũng nhân danh “nhà nước” nên chẳng
biết ông nào đúng, ông nào sai. Một bằng chứng điển hình cho thấy tình trạng
bát nháo này kèm theo nhiều quy định, nhiều luật lệ lạ đời chưa từng có trên thế
giới.
Xây nhà trên đất rừng cứ bình chân như vại
Việt phủ Thành Chương |
Chỉ tính riêng huyện Sóc Sơn, huyện Ba Vì (Hà Nội), đã có
hàng loạt sai phạm về đất đai. Thanh tra Chính phủ phát hiện một con số sai phạm
khổng lồ tại chín xã và Lâm trường Sóc Sơn. Có 336 gia đình dân chuyển nhượng đất
lâm nghiệp, diện tích gần 300 hecta, 659 gia đình xây dựng các công trình trên
đất lâm nghiệp.
Hàng trăm ngôi biệt thự đẹp đẽ, trang trại rộng lớn mọc lên
giữa cảnh núi rừng mát mẻ nên thơ. Tiếc thay, đó lại là bức tranh xấu xí và
đáng buồn về quản lý của chính quyền địa phương, mặc dân tự ý mua bán, chuyển
nhượng đất rừng, chuyển đổi sai mục đích sử dụng.
Hai trường hợp điển hình được báo chí đưa ra, theo kết luận
của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Đó là biệt thự của gia đình
ca sĩ Mỹ Linh, và Việt phủ của họa sĩ Thành Chương. Trớ trêu và hài hước nhất,
Việt phủ Thành Chương nhiều năm qua, từng đón nhiều quan khách trong nước và quốc
tế, được một số bảo tàng, tổ chức văn hóa ghi nhận như một địa chỉ văn hóa của
VN, từng được “khảo sát” để làm nơi du lịch 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Không biết các quan chức Hà Nội, khi đến thăm Việt phủ, có
ai băn khoăn đặt câu hỏi, vì sao Việt phủ lại được xây dựng “hoành tráng” đến vậy
ở ngay trên đất rừng đặc dụng. Từ ngày bắt đầu xây dựng “tòa lâu đài như cung
điện nguy nga” này đến ngày hoàn tất là bao nhiêu năm và bao nhiêu người, bao
nhiêu quan chức đã từng đặt chân đến đây, không lẽ không ai biết đó là khu rừng
đặc dụng? Các quan chức ở địa phương ngày nào cũng nhìn thấy Việt Phủ và có thể
đã từng được đón tiếp long trọng, được “vui chơi” trong “biệt phủ” này, chắc
nhiều vị thừa biết đó là khu xây dựng trái phép, nhưng cứ “bất động” cho nó vui
vẻ cả làng.
Ông “nhà nước” này đá ông “nhà nước” kia
Phiá trong biệt phủ Thành Chương, phá hay không phá? |
Tạm bỏ qua những biệt thự, những trang trại lẻ tẻ, hãy xét đến
trường hợp hai “đại gia” rất nổi tiếng trong làng văn nghệ Hà Nội với những
công trình vô cùng đồ sộ, bạn có hàng triệu Mỹ kim cũng chưa chắc đã làm được.
Gần chục năm trôi qua rồi, Việt phủ Thành Chương và biệt thự
gia đình ca sĩ Mỹ Linh đang êm ấm, bỗng nhiên bị dư luận xôn xao, người bênh kẻ
chống um xùm, bởi họ vốn là những người nổi tiếng. Chứ còn có không ít biệt thự,
nhà ở nữa, đâu phải chỉ có hai nghệ sĩ có tên tuổi này. Như anh trai, chị gái
ca sĩ Mỹ Linh cũng lại có những sai phạm tương tự được phát hiện trong khi
thanh tra.
Vụ việc trở nên phức tạp, rối tinh rối mù, bởi ngay cơ quan
chức năng, quản lý nhà nước các cấp, còn mâu thuẫn nhau trong sự nhìn nhận một
vụ việc, thì người dân làm sao hiểu đúng hay sai? Và ngay chính cơ quan quản lý
còn sai phạm, nói gì đến người dân?
Khi Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kết luận, vụ
việc trên là xây sai phép, thì ông Chủ tịch UBND xã Minh Phú (xã có biệt thự của
gia đình ca sĩ Mỹ Linh) lại bác bỏ ngay kết luận của Thanh tra Sở.
Còn ông Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, diện tích rừng
đặc dụng và phòng hộ (nơi có Việt phủ Thành Chương) không thuộc quyền quản lý của
UBND huyện, mà thuộc Công ty Lâm trường Sóc Sơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc
dụng. Thế nhưng Công ty Lâm nghiệp Sóc Sơn, cũng đang có nhiều sai phạm về sử dụng
đất không đúng mục đích.
Ngay từ năm 2005, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ thị giải
quyết (trong khi biệt thự to đùng của gia đình ca sĩ Mỹ Linh mãi năm 2009 mới
xây). Nếu các quan địa phương thi hành nghiêm lệnh trên thì chẳng ai dám bén mảng
đến xây nhà, dù là nhà cấp 4. Vậy mà tám năm trôi qua, không hiểu các ngành,
các cấp quản lý chính quyền Sóc Sơn làm gì? Hay các bác mắc bệnh trên bảo dưới
không nghe?
Nếu có bệnh thì cần chữa trị đến nơi đến chốn, chứ bây giờ
đã thành hội chứng “bất động” của không ít cấp quản lý chính quyền địa phương?
“Bất động” về trách nhiệm quản lý, về ý thức bổn phận cán bộ công quyền? Chả lẽ
lại có cả ngành đào tạo những “nhà bất động học”?
Đằng sau những ngôi biệt thự lộng lẫy, đẹp đẽ đó, chuyện gì
đã diễn ra? Thôi, tôi chẳng nói thêm làm gì, độc giả lại mắng “biết rồi, khổ lắm,
nói mãi”!
Luật kỳ cục nhất thế giới: “phạt rồi cho để nguyên”
Khu biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh và Anh Quân |
Xã hội nào cũng có luật pháp, tuy nhiên, hiện nay nhiều người
Việt lại sống theo… lệ.
Lệ làng, lệ xã, lệ phố, lệ phường, và bây giờ có lệ… rừng?
Còn nếu người dân phải theo luật, lại là thứ “luật” bất thành văn: phạt cho… tồn
tại. Nói rõ ra là cứ việc làm nhà trái phép, khi làm xong “được” mấy ông chính
quyền địa phương phạt một khoản tiền rồi nghiễm nhiên thành hợp pháp. Đúng là một
tin mừng cho mấy ông cần nhà lớn, nhà nhiều tầng giữa thành phố.
Cái “luật” này xem ra rất được các quan và các đại gia ưa
chuộng từ thành thị đến miền rừng núi. Hãy nhìn, ngay tại TP Sài Gòn, công
trình cao ốc trên đảo Kim Cương (P. Bình Trưng Tây, Q2), tổng diện tích xây dựng
trái phép lên đến gần 3000 m2. Tòa nhà cao ốc BMC trên đường Võ Văn Kiệt, xây
trái phép hơn 270 m2… Tất cả vẫn bình an vô sự!
Còn nếu xử quan chức vi phạm, hãy thử nhìn lên Ba Vì mà xem.
Trung bình mỗi năm, Ba Vì có hơn 100 công chức bị kỷ luật với hình thức cảnh
cáo, khiến trách, kiểm điểm, trong đó sai phạm liên quan đất đai tới 40%. Thế
nhưng quan chức bị kỷ luật cứ kỷ luật, biệt thự cứ xây và cứ hiên ngang đứng vững
trên đất rừng như không có chuyện gì xảy ra. Có lẽ chuyện này chỉ có ở VN.
Việt phủ Thành Chương sẽ phá bỏ hay giữ lại?
Nét đẹp cổ kính của làng Đường Lâm |
Việc tất cả các công trình xây dựng nhà cửa trên đất rừng đặc
dụng rõ ràng đã vi phạm pháp luật trầm trọng. Hiện tại các cơ quan có trách nhiệm
vẫn đang xúc tiến nghiên cứu tìm cách giải quyết các trường hợp vi phạm cho hợp
tình hợp lý nhất. Tuy nhiên, sự quan tâm đặc biệt được dành cho “số phận” của
Việt phủ Thành Chương, khi UBND Thành phố Hà Nội đã giao cho Sở xây dựng và
UBND huyện Sóc Sơn rà soát các công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp thuộc
huyện Sóc Sơn quản lý, sau đó sẽ báo cáo, đề nghị cách giải quyết lên Thành phố
trước ngày 15/6/2013. Chính vì thế hôm nay, gần đến ngày “phán quyết” đó, tôi mới
mang chuyện này ra tường thuật với bạn đọc.
Đây là bài toán hóc búa, không chỉ cho các cơ quan chức
năng, bởi những hoạt động được cho là sai phạm đã diễn ra giữa thanh thiên bạch
nhật gần chục năm qua, chưa nói trong số đó, Việt phủ Thành Chương là một điểm
du lịch văn hóa nổi tiếng đã từng đón tiếp biết bao nhiêu du khách trong nước
và quốc tế đến thăm viếng.
Vài nét về Việt Phủ Thành Chương
Việt phủ Thành Chương được xây dựng năm 2001 trên một diện
tích rộng 10 ngàn mét vuông với rất nhiều những công trình mang dáng dấp cổ
kính, kiến trúc đặc trưng của các vùng miền như Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ; những
ngôi nhà cổ kính được “bê nguyên xi” từ những làng quê về Việt phủ, trong lúc đời
sống nông thôn ngày càng phát triển, những ngôi nhà cao tầng, bê tông được mọc
lên và dấu tích của những căn nhà gỗ lợp ngói âm dương… đã dần biến mất.
Ngoài ra còn hàng vạn cổ vật quý hiếm cũng như nhưng vật dụng
quen thuộc đối với đời sống nông thôn được trưng bày ở Việt phủ như là một nơi
giới thiệu tâm hồn Việt qua nhiều thế hệ. Công trình hoàn toàn do ông Thành
Chương vẽ kiểu và bỏ tiền xây dựng, được hoàn thành vào năm 2003 gây nên sự chú
ý đặc biệt cho công chúng, đặc biệt với những người yêu thích thể loại du lịch
văn hóa, thích tìm hiểu những giá trị văn hóa cộng đồng cũng như phong tục, tập
quán của các miền quê Việt Nam. Một công trình mà ngay cả những cơ quan gọi là
Văn hóa cũng chưa làm được hoặc chẳng buồn nghĩ tới.
Vì thế, khi thông tin Việt phủ Thành Chương bị kết luận là
công trình sai phạm thì đã có rất nhiều những ý kiến trái chiều tranh luận về vấn
đề có nên tiếp tục để Việt phủ tồn tại. Đã có những luật sư và những nghệ sỹ
lên tiếng về việc này. Đa phần các ý kiến đều cho rằng việc xử vi phạm của Việt
phủ Thành Chương không hề dễ. Bởi nếu vi phạm, thì đã vi phạm từ 10 năm nay, vậy
mà không có bất cứ một cơ quan quản lý nào lên tiếng. Ngay cả việc xử phạt vi
phạm hành chính thì cũng chỉ có hiệu lực trong vòng 2 năm kể từ khi vi phạm.
Công trình Việt phủ Thành Chương đã tồn tại 10 năm kể từ khi
nó hoàn thành cộng thêm 3 năm xây dựng với biết bao nhiêu công sức, tiền bạc và
tâm huyết của họa sỹ Thành Chương đã đổ vào để xây dựng. Vì thế, để đưa ra một
bài toán “xử” sao cho hợp lý hợp tình là chuyện không hề giản dị đối với các cơ
quan có thẩm quyền.
Trong khi ông Thành Chương nói sẵn sàng hiến lại Việt phủ
cho nhà nước. Nhưng nói gì thì nói, dù có hiến lại thì việc xây công trình trên
đất rừng đặc dụng vẫn là vi phạm pháp luật. Chẳng lẽ lại dở cái “chiêu bài” phạt
tí tiền rồi cho để nguyên? Còn hàng trăm nhà cửa, biệt thự khác thì sao? Hơi
khó đấy!
Còn trang trại lớn của vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh cũng vậy,
trong kết luận thanh tra đã khẳng định việc UBND huyện Sóc Sơn giao 200 m2 đất
rừng cho vợ chồng Mỹ Linh – Anh Quân xây nhà là trái với quy định của Nghị định
01. Việc sử dụng phần đất còn lại trong đó phải đúng mục đích. Chúng tôi khẳng
định việc xây dựng nhà trên đất rừng của ca sĩ Mỹ Linh là sai phép. Vậy có phải
đập bỏ không?
Xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia cho nhà nước
Nhà của bà Hà Thị Khanh bị đập phá tan tành, phía sau là những nhà lầu. |
Nếu ở Sóc Sơn, Ba Vì, đó là bệnh trên bảo dưới không nghe,
thì ở Di sản văn hóa quốc gia như làng Đường Lâm đang vang lên tiếng kêu thất vọng
của người dân thức tỉnh cả xã hội, đó là sự…bất động trước nỗi khổ của người
dân bị ngược đãi.
Dư luận đang ầm ĩ và choáng váng với chi tiết chưa từng có
trong lịch sử Việt Nam: gần 80 người dân làng cổ Đường Lâm (Di tích Quốc gia
làng cổ đầu tiên của VN) đã bất bình ký vào một lá đơn thống thiết, gửi lên
UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để xin… trả lại danh hiệu “Di
tích quốc gia” cho nhà nước.
Lý do là bà con quá khổ sở sau gần 10 năm được “tôn vinh” rồi
được người ta tổ chức kinh doanh du lịch trên quê mình. Tiền tỷ thu về túi ai
đó. Còn khổ sở, đày ải, bức bí, bị đối xử nhẫn tâm và hung hãn thì gần mười
ngàn con dân phải gánh chịu!
Dư luận đang sôi sục vì cách hành sự quái ác này, ở đây tôi
chỉ trích lời nhà báo Lãng Quân vốn là dân làng Đường Lâm diễn tả trung thực về
những gì mắt thấy tai nghe, về những gì đã và đang xảy ra trong làng mình.
Cách hành xử quái ác của các quan làng quan xã
Ngôi nhà của chị Oanh bị cắt hết điện nước |
Ông Lang Quân viết: Tôi về quê nghỉ lễ vào cuối tháng 4, đầu
tháng 5 -2013 vừa qua, thấy bà con dắt díu nhau đến nhà, gửi nhà báo một lá
đơn. Có người chắp tay vái tôi, rằng hãy làm một cái gì đó cho dân, chúng tôi
không biết kêu vào ai nữa cả. Chúng tôi đã đợi đến bạc tóc vì những lời hứa
suông, chỉ hứa và hứa.
Lá đơn lúc đó mới có 7 người ký (nay đã có hơn 80 người ký),
nội dung: Xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia cho Nhà nước. Vì người Đường
Lâm đang khổ quá, ô nhiễm, kẹt đường, ồn ào vì du khách; mà người ta kinh doanh
du lịch trên quê tôi, di sản của chúng tôi và cha ông chúng tôi, nhưng lại
không cho người quê tôi một xu nào.
Cái quan trọng hơn là họ “ra quy tắc” xây dựng rất ghê gớm:
Cấm làm nhà hai tầng, tum chống nóng nhô lên cũng chặt. (Tum là một phần mái
nhà được làm thêm như cái chuồng nuôi chim cu- NV). Họ cưỡng chế phá nhà dân rầm
rầm cả đêm, cả ngày, cột nhà đổ, khổ chủ Hà Thị Khanh rú lên “ối cha mẹ ơi”, rồi
người thân phải khênh bà đi nơi khác trong trạng thái ngất xỉu, kẻo nhìn cảnh
đó bà sẽ tự tử. Con trai bà thì (như bà kể) mua 20 lít xăng về để tự thiêu hay
chống lại cán bộ, khiến bà càng hoang mang. Vài người “hô” trả lại danh hiệu
làng cổ thì bị công an bắt, nhốt suốt mấy hôm.
Mỗi nhà có vài chục đến trăm mét vuông đất, có nhà cấp bốn,
bếp, chuồng gà lợn trâu bò, khu vệ sinh…; rồi con cái lấy vợ, cắt mỗi đứa một
gian. Có nhà, ba bốn cặp vợ chồng trong một căn nhà cấp bốn toen hoẻn, với ba bốn
cái bếp, ba bốn nhà vệ sinh và ba bốn cây rơm, chuồng trâu bò… Tháng 4 năm
2013, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây – bà Phan Thị Hảo – đã ký thông báo yêu
cầu tự tháo dỡ, thậm chí, dự tính sẽ yêu cầu xã tiếp tục cưỡng chế phá một số
công trình của dân.
Chị Oanh – làm nghề bán cá ở chợ Mía, nhà ở thôn Mông Phụ –
gặp tôi, khóc: “Con trai lấy vợ, đẻ con, hai cặp vợ chồng ở trong căn nhà bé tẹo.
Nó là nhà cổ thì bảo vệ cho cam, đằng này nhà tôi mới xây 10 năm thôi, nhà gạch,
lợp phi-brô xi-măng chứ báu bở gì. Tôi làm cái tum chống nóng, thế mà họ bắt
tháo dỡ, tôi dỡ rồi; họ vẫn cắt điện, cắt nước của tôi đã 2,5 tháng rồi. Hôm
qua (đầu tháng 5/2013), tôi lên nhà chủ tịch, phó chủ tịch xã xin cấp lại nước
mà vẫn chưa được!
Nhân viên thanh tra xây dựng hết sức hung hãn
Nhà lầu mới của cán bộ và các nhà quản lý tàn phá nét cổ kính của làng cổ Đường Lâm. |
Ông Kiều Văn Triệu, ngoài 80 tuổi, là một bậc túc nho nổi tiếng
của làng cổ. Con trai ông vừa gọi một xe cát định sửa lại cái nhà vệ sinh, lập
tức có 6 anh cán bộ trờ xe máy đến, mặt đằng đằng sát khí hỏi giấy tờ, đơn xin,
vặn hỏi giấy phép xây dựng đâu? Rồi họ dọa cắt điện, cắt nước, tóm cổ bất cứ
anh thợ nào đến làm việc. Ông Triệu cười chua chát, ối giời ơi, tôi làm cái lỗ
để đi đái mà nhà nước tốn mất 6 anh cán bộ đi lên đi xuống hỏi đủ thứ văn bản
giấy tờ thế này ư? Thế thì Nhà nước “lỗ” tiền trả lương cho nhà các bác quá nhỉ.
Cái hố xí nhà tôi có phải là cổ vật hay di sản cổ gì không mà các vị bảo tồn
ghê thế?
Xã có 10 ngôi nhà cổ, phải bảo tồn nghiêm ngặt. Bảo vệ không
gian của làng, cũng đồng ý. Nhưng cái gì không đáng bảo vệ, cái hố xí bé tẹo của
dân, nay sửa sang để phục vụ nhu cầu sống tối thiểu, thì đừng hạch sách nữa, được
không? Lãnh đạo xã, những người có trách nhiệm ở thị xã đều công nhận bất bình
của dân là chính đáng, là có thật. Bà con bảo, “chúng tôi như đang sống trong sự
lùng sục, sự áp chế thẳng tay của một số nhân viên “thanh tra xây dựng” hết sức
hung hãn!”.
Điều vô lý hơn nữa
Đấy là mới chỉ kể sơ sơ về cách hành dân của quan làng quan
xã, còn những điều vô lý hơn nữa.
Đến giờ cơ quan chức năng vẫn chưa hề hoàn thành cái quy hoạch
làng cổ. Chưa có cả quy chế chính thức trong xây dựng ở làng (quy chế đã tạm thời
gần chục năm rồi!). Người dân xin phép thì được xây nhà thế nào, vật liệu gì,
cao bao nhiêu mét, kiến trúc ra sao? Nghe các câu hỏi ấy, cán bộ quản lý chỉ biết
cười chua xót: “Chưa có quy chế, chưa có tiêu chuẩn”. Bà con không được hưởng lợi,
lối làm du lịch úi xùi, người dân đơn phương bị áp chế những quy định vô lý… Đó
là những lời trần tình của chính người trong làng Đường Lâm.
Chưa biết các cơ quan chức năng Hà Nội sẽ giải quyết chuyện
này như thế nào cho dân đỡ khốn khổ vì cái danh hiệu Di tích quốc gia này.
Văn Quang
7-6-2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét