Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo |
Ngô Quảng
Trước kỳ
bầu cử Quốc hội vào tháng 12 năm ngoái và ngay sau khi lên nhậm chức Thủ tướng Nhật,
ông Abe Shinzo đều tuyên bố sẽ chận đứng nạn giảm phát (deflation) bằng cách
cho tăng giá hàng hóa lên 2% để cho các hãng sản xuất có thể tăng thu hầu trả
lương cao cho nhân viên.
Để thực
hiện việc này, Thủ tướng Abe đã yêu cầu ngân hàng Quốc gia bỏ tiền ra mua trái
phiếu của các ngân hàng để họ có tiền cho những xí nghiệp nhỏ và vừa vay hầu
tăng phương tiện sản xuất. Đây là bước đầu mà Thủ tướng Abe gọi là mũi tên thứ
nhất trong chính sách cải cách kinh tế của ông. Mặc dù đến đầu năm 2014 mới bắt
đầu áp dụng việc tăng giá các mặt hàng lên 2%, nhưng chỉ cần một lời tuyên bố
với một số động thái tích cực của Thủ tướng Abe và toàn thể nội các, kể cả tân
Thống đốc ngân hàng Quốc gia Nhật, cũng đã đủ làm thay đổi cục diện. Hối suất đồng
yen đang cao từ 1 mỹ kim ăn 78 yen dần dần hạ xuống thành 90 yen rồi 100 yen.
Các hãng xuất khẩu Nhật, đặc biệt là hãng Toyota, Nissan, Honda dự phóng sẽ lấy
lại được phong độ vì sẽ bán được nhiều xe. Chỉ số Nikkei của cổ phiếu tăng đến
70% so với tháng 11 năm 2012.
Chuyện
đồng yen bổng nhiên hạ giá vùn vụt đã khiến cho nhiều quốc gia trong nhóm G20 đặt
vấn đề trong hội nghị Tài chánh tổ chức tại Washington DC vào tháng 4/2013. Bộ
trưởng Tài chánh Hàn quốc tuy không thể phê phán việc đồng yen xuống giá, nhưng
phát biểu rằng chính phủ Nhật cần phải hiệp nghị với G20 về hối suất đồng yen
vì sự lên xuống của đồng tiền này ảnh hưởng chung cho tất cả chứ không riêng gì
Nhật Bản. Phía Nhật giải thích rằng nỗ lực hiện nay của họ là phá vỡ tình trạng
giảm phát chứ không phải tìm cách hạ giá hối suất đồng yen. Hối suất tăng hay
giảm là do sự điều tiết của thị trường thế giới, không có một quốc gia tự do,
dân chủ nào (kể cả Hoa Kỳ) có thể làm được cái chuyện chỉ muốn cho đồng bạc của
mình lên xuống theo chiều hướng có lợi cho mình.
Nhiều
kinh tế gia nói rằng chính sách cải cách này chẳng có gì mới mẽ cả. Hầu hết các
nước đều biết nhưng không có phương tiện hoặc không dám áp dụng vì nó chứa đựng
một số rủi ro, nếu không muốn gọi là liều lĩnh. Tuy nhiên, nói gì thì nói, vào
thời điểm này người ta thấy bộ mặt kinh tế của Nhật bắt đầu tươi tỉnh lại một
chút sau hơn 22 năm suy trầm. Dân Nhật bắt đầu tán tụng và gọi đó là "Hiệu
ứng Abe" hay "Chính sách cải cách kiểu Abe" hay cả một từ ngữ tiếng
Anh mới "Abenomics".
Vào
tháng 5/2013, Thủ tướng Abe đưa ra mũi tên cải cách kinh tế thứ hai là tăng cường
sức mạnh cho ba ngành Nông, Lâm, và Ngư nghiệp, cũng như mở rộng lãnh vựa đầu
tư cho người dân tham gia.
Tháng
6/2013, Thủ tướng Abe đưa ra mũi tên cải cách thứ ba là thiết lập đặc khu kinh
tế chiến lược quốc gia và bãi bỏ việc cấm bán các loại dược phẩm thông thường
qua mạng Internet. Thủ tướng Abe nói rằng mục tiêu của chính phủ đề ra qua ba
mũi tên cải cách này là làm sao trong vòng 10 năm tới quân bình thu nhập của mỗi
người dân (GNI) phải tăng hơn 1 triệu rưỡi yen so với hiện tại. .
Trong lúc
dân chúng phấn khởi về "3 mũi tên cải cách", đặc biệt là mũi tên thứ
3 thì các chuyên gia kinh tế lại đồng loạt lên tiếng phê phán Thủ tướng Abe chẳng
hiểu gì về kinh tế học. Theo định nghĩa trong kinh tế học thì Thu Nhập Quốc Dân
(Gross National Income, GNI) không phải là thu nhập quân bình của mỗi người
dân. GNI là tổng thu nhập của tất cả công dân của một quốc gia, kể cả thu nhập
của họ do buôn bán, đầu tư ở các nước khác, trong một thời gian nào đó, thường là 1 năm. Một
cách cụ thể, nó bao gồm tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ tạo ra trong quốc gia đó
(GDP), cộng với thu nhập nhận được từ bên ngoài (chủ yếu là lãi vay và tiền
chia cho cổ đông), trừ đi những khoản tương tự phải trả cho công dân nước ngoài.
Có người
còn chỉ trích Thủ tướng Abe cố tình trộn lẫn từ ngữ để người nghe tưởng bở và dồn
phiếu cho ông. Các ký giả đã mang thắc mắc này đến cuộc họp báo của chính phủ.
Và ông Suga, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng kiêm phát ngôn viên chính phủ, đã phải phân
bua rằng Thủ tướng Abe chỉ muốn cắt nghĩa ngắn gọn cho quảng đại quần chúng dễ
hiểu mà thôi, chứ không có ý định gì xấu. Nhưng xem ra công luận vẫn chưa hài lòng
với lời giải thích này.
Nhìn sự
kiện trên mới thấy Thủ tướng Nhật khổ hơn Thủ tướng Việt Nam rất nhiều. Ông Abe
chỉ dùng sai một chữ đã bị chỉ trích đến như thế và phải giải thích cho đến khi
đa số công luận hài lòng. Còn ông Nguyễn Tấn Dũng sau khi làm thất thoát của đất
nước hàng trăm tỉ mỹ kim, thất bại gần như toàn bộ hệ thống tập đoàn kinh tế và
tổng công ty, ông chỉ cần ngắn gọn "nhận trách nhiệm chính trị" là
xong. Hiện nay chẳng mấy ai hiểu trách nhiệm chính trị gồm những gì, chịu trách
nhiệm đó với ai.
Nhưng cũng
chính vì vậy mà nước Nhật mới vượt xa Việt Nam hàng trăm năm như đang thấy.
Ngô Quảng
Ngô Quảng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét