Ads 468x60px

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Tại Shangri-La, Trung Quốc 'phỉnh' 28 quốc gia hội viên và cả thế giới

Tướng Thích Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng
quân đội Trung Quốc, tại Ðối Thoại Quốc Phòng
Shangri-La 2013 ở Singapore.
(Hình: Roslan Rahman/AFP/Getty Images)
Võ Long Triều
Bài phát biểu của đại diện Trung Quốc, Tướng Thích Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội giải phóng nhân dân, tại hội nghị thượng đỉnh an ninh lần thứ 12, còn gọi là Ðối Thoại Sangri-La, làm cho dư luận các nước hội viên và cả thế giới chưa hết ngạc nhiên và bình luận về chủ trương và hành động của Trung Cộng. Dư luận cho rằng bài phát biểu đó “lố bịch” bởi lẽ ông Thích Kiến Quốc luôn nói “vì hòa bình” nhưng thực tế Trung Quốc hành động trái ngược. 
Ông Arthur Ðinh, chuyên viên nghiên cứu về an ninh Trung Quốc thuộc trường Ðại Học Chính Trị Quốc Gia Ðài Loan nhận định, “có quá nhiều lời phát biểu không có ý nghĩa thật”!
Gần như toàn bộ lời phát biểu của Thích Kiến Quốc trái ngược với những hành động trong quá khứ, hiện tại và sẽ còn trong tương lai. Ông Kiến Quốc nói: “Nếu lịch sử đã dạy rằng: Vị thế của kẻ yếu là con mồi của kẻ mạnh, thì đó không phải là cách thức mà con người nên làm theo”... ông nói tiếp, “Trung Quốc sẽ kiên định theo đuổi con đường phát triển hòa bình và duy trì nỗ lực thúc đẩy hòa bình. Sự phát triển và thịnh vượng của Trung Quốc không phải là một thách thức hay là một mối đe dọa đối với các quốc gia khác.” Sự khẳng định trơ trẽn có tính khinh thường dư luận khiến cho người ta nghĩ ngay đến việc Bắc kinh đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa năm 1973, chiếm một loạt bãi đá ngầm Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn của cộng sản Hà Nội bằng vũ lực năm 1988, chiếm bãi đá ngầm Scarborough của Philippines ngày 26 tháng 4, 2013, lập huyện Tam Sa, cấm đánh bắt cá trong vùng lưỡi bò phi pháp, thường xuyên đụng chìm tàu cá Việt Nam bắt người, cướp của, bắn thủng tàu cá Việt Nam trong hải phận của mình một tuần trước ngày hội nghị, và Bắc Kinh còn lăm le chiếm đảo Senkaku của Nhật bản.
Ngay trong bài phát biểu Tướng Thích Kiến Quốc đưa ra những lời mâu thuẫn với chính ông, ở đoạn trên ông nói:
“Chúng ta không thể hành động theo ý muốn của chính mình trong khi bỏ qua những nguyện vọng của các quốc gia khác, hay thậm chí không thể dễ dàng đưa ra đe dọa về việc sử dụng vũ lực.” Rồi liền sau đó ông khẳng định: “Tuy nhiên các cuộc đối thoại và hội đàm vì lợi ích hòa bình không có nghĩa là thể hiện sự thỏa hiệp vô điều kiện. Trung Quốc quyết tâm bảo vệ những lợi ích quốc gia cốt lõi sẽ không bao giờ thay đổi.”
Ông William Trung, nhân viên cao cấp của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế cho rằng, Trung Quốc tiếp tục đơn phương tuyên bố chủ quyền sẽ gây nhiều hoài nghi, làm cho Manila và Hà Nội tiến sát vào Tokyo để tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ với Washington hơn.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines Voltaire Gazmin nói rằng Trung Quốc tuyên bố không hề có ý tưởng làm bá chủ khu vực Châu Á, nhưng so với những gì đang xảy ra ở biển Ðông chứng minh hoàn toàn khác biệt.
Phải hiểu rằng trước khi tham dự cuộc Ðối Thoại Shangri-La Trung Quốc biết chắc họ sẽ gặp đa số các quốc gia sẵn sàng chống đối hành động ngang ngược của mình tại biển Ðông. Trong môi trường bất lợi đó, trong thế tiến thối lưỡng nan, ông Thích Kiến Quốc chỉ còn giả dạng con cừu non dại với những lời lẽ ôn hòa nhỏ nhẹ, ông nói “Trung Quốc vương cao ngọn cờ hòa bình, đồng thời giữ vững cam kết đối với việc duy trì hòa bình và phát triển chung trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương,” lời nói của ông nhằm mục đích che giấu cái “lốt” chó sói hung hăng gian ác của kẻ mạnh, dù biết rằng điều đó không dối gạt được ai, nhưng ông vẫn phải nói với sự trơ trẽn không ngượng ngùng.
Trước cảnh “giả mù sa mưa” của Thích Kiến Quốc, ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuk Hagel đại diện Hoa Kỳ thẳng thừng tuyên bố những lời vừa trấn an các nước trong khu vực, vừa có tính cảnh báo một nguy cơ bất ổn có thể xảy ra, ông nói: “Mỹ cam kết với các đồng minh và đối tác tại Ðối Thoại Shangri-La rằng, Mỹ hoàn toàn đủ khả năng tiếp tục chuyển trục chiến lược tới khu vực này vì các đe dọa an ninh khiến Mỹ và các quốc gia khác phải đối mặt với những hiểm họa khó lường và âm thầm.” Ông Hagel nhấn mạnh rằng bất chấp ngân sách quốc phòng có phần cắt giảm nhưng Mỹ sẽ tập trung 60% lực lượng hải quân vào Thái Bình Dương, chẳng những vậy mà còn thêm 60% lực lượng Không Quân, bao gồm sự hiện diện của một số loại phi cơ chiến đấu cường kích tối tân, như F-22 Raptor và F35 Joint Strike. Ông Hagel kết luận rằng: “Ðiều tôi rút ra được từ các kinh nghiệm này là một niềm tin vững chắc rằng thế kỷ 21 sẽ được định hình bằng các sự kiện diễn ra tại khu vực Châu Á này.”
Lời phát biểu của Bộ Trưởng Chuk Hagel làm phái đoàn Trung Quốc tỏ vẻ bất bình và phản ứng ngay do bà Thiếu Tướng Diêu Văn Húc, giám đốc Trung Tâm Quan Hệ Quốc Phòng Trung-Mỹ, thuộc Học Viện Quân Sự Trung Quốc, bà đòi ông Hagel phải giải thích rõ hơn tại sao Hoa Kỳ lại tăng cường khả năng quân sự tại khu vực? Bà cho rằng sự trở lại Châu Á-Thái Bình Dương một cách quyết liệt của Hoa Kỳ không ngoài mục đích ngăn chận sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ðáp lời bà Diêu, ông Hagel minh định rõ ràng: “Hoa kỳ đã có quyền lợi tại Thái Bình Ðương từ hơn 200 năm qua vì vậy Hoa Kỳ có quyền hiện diện tại đây... nên hướng tập trung vào khu vực nầy không phải là điều mới mẻ... Chúng tôi có lợi ích ở đây cũng như Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác có lợi ích ở khắp thế giới.”
Thêm vào đó gần như để giải thích rõ ràng chính sách chuyển hướng của Hoa Kỳ, Ðô Ðốc Sammuel Locklear, tư lệnh Thái Bình Dương, tuyên bố tại Malaysia: “Chúng tôi cần duy trì ở đâu, thuộc ai, thì vẫn như thế cho tới khi chúng ta có được bộ qui tắc ứng xử (COC) hoặc một giải pháp mà các quốc gia liên quan chấp nhận một cách hòa bình... Chúng tôi phản đối việc bất kỳ ai dùng vũ lực để thay đổi trạng thái của nguyên trạng ngày nay.”
Có lẽ Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng săn đoán được tin tức về thái độ của Mỹ và các nước ASEAN nên lần này được mời đọc bài tham luận khai mạc cuộc đối thoại, ông dám manh miệng tố cáo Trung Quốc một cách gián tiếp rằng: “Ðâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mạnh tính áp đặt và chính trị cường quyền.” Ông Dũng còn mỉa mai thêm, trong lịch sử thế giới, nhiều dân tộc đã phải chịu những mất mát không gì bù đắp được khi họ là nạn nhân của tham vọng và cường quyền. Nhưng tiếc thay cùng lúc với những lời tuyên bố mạnh mẽ của Nguyễn Tấn Dũng tại Shangri-La thì chính phủ của ông đàn áp, đánh đập thẳng tay những người dân biểu tình tại Sài Gòn và Hà Nội chống Trung Quốc xâm lăng. Phải chăng lại là một thứ gian dối thông thường để che mắt dư luận? Hay là một sự bất đồng nội bộ giữa các phe nhóm lãnh đạo cộng sản duy trì việc ôm chân Trung Quốc để tiếp tục cai trị và nhóm chủ trương dựa vào Tây phương để bảo tồn đất nước. Câu trả lời phải đợi thời gian!
Ðể kết luận chúng ta có thể nói hội nghị an ninh lần thứ 12 tại Shangri-La có đem lại một cái nhìn ổn định trong vùng, có trấn an được phần nào các quốc gia gia Á Châu trước chủ trương bành trướng của Bắc Kinh, có tạo được tinh thần đoàn kết của ASEAN trong công cuộc tìm kiếm một thỏa thuận về qui cách ứng xử hòa bình (COC) trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Ðông.
Võ Long Triều

0 nhận xét:

Đăng nhận xét