Ads 468x60px

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Những nhân vật bí hiểm bậc nhất thế giới

Thế giới có đầy ắp những giai thoại lý thú về những nhân vật bí ẩn mà danh tính hay tung tích của họ chưa bao giờ được biết đến trong nhiều thế kỷ qua. Sau đây là một số các nhân vật bí ẩn nổi tiếng thế giới qua nhiều thời đại, theo bình chọn của trang tổng hợp tin tức uy tín Listverse (Mỹ).
1- Quý cô Babushka
Người phụ nữ quấn khăn trùm đầu bí ẩn xuất hiện
trong nhiều tấm hình chụp hiện trường vụ ám sát
Tổng thống Mỹ John F.Kennedy - Ảnh: Listverse
Trong phim ghi hình lại hiện trường vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy hồi năm 1963, có một phụ nữ bí ẩn lọt vào trong khung hình.
Người phụ nữ này mặc một áo khoác màu nâu và có quấn một khăn choàng trên đầu. Chiếc khăn này trông giống với loại khăn choàng đầu babushka phổ biến của Nga, nên người ta đã đặt biệt danh cho người phụ nữ này là Quý cô Babushka.
Từ góc nhìn đằng sau lưng, người phụ nữ bí ẩn dường như đang giơ máy hình chụp chiếc xe của vị tổng thống Mỹ xấu số. Hình ảnh này được thấy ở hầu hết các tấm ảnh chụp hiện trường vụ ám sát.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) sau đó đã ra thông báo công khai, yêu cầu phụ nữ này giao nộp lại hình ảnh mà bà đã chụp, nhưng bà ta không bao giờ xuất hiện.
Vào năm 1970, một phụ nữ tên Beverly Oliver đã tự nhận mình là Quý cô Babushka; tuy nhiên, lời khai của bà này có nhiều mâu thuẫn và sau đó bà bị coi là đã mạo danh.
Cho đến tận ngày nay, vẫn không ai biết Quý cô Babushka là ai hoặc thực sự nhân vật này đang làm gì tại thời điểm đó.
Và điểm bất thường là tại sao người phụ nữ bí ẩn này lại từ chối xuất hiện để giao nộp lại hình ảnh bà đã chụp tại hiện trường vụ ám sát Kennedy.
2. Fulcanelli - Nhà giả kim bí ẩn
Hình phác họa chân dung Fulcanelli (trái)
và Eugene Canseliet - Ảnh: strangedaze
Fulcanelli là biệt hiệu của một nhà giả kim người Pháp vào cuối thế kỷ thứ 19. Sự bí ẩn xung quanh cuộc sống và sự nghiệp của nhân vật này khiến người ta xem ông như là một hiện tượng văn hóa, theo Listverse.
Một trong những giai thoại kỳ dị nhất về người này là việc Eugene Canseliet (1899-1982), một môn đệ duy nhất của Fulcanelli, đồng thời cũng là một nhà văn và là nhà giả kim nổi tiếng của Pháp, chuyển hóa thành công 100g chì thành vàng bằng việc sử dụng một lượng nhỏ một loại bột đặc biệt do thầy của mình đưa cho.
Trước khi Thế chiến thứ hai nổ ra, Abwehr, cơ quan tình báo của Đức thời bấy giờ, được cho là đã rất cố gắng truy lùng Fulcanelli vì ông biết nhiều về công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân.
Nhà giả kim này cũng được cho là đã gặp một nhà vật lý nguyên tử người Pháp và đưa cho người này những thông tin chi tiết về công nghệ vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định với nhà vật lý rằng vũ khí hạt nhân từng được dùng trong quá khứ.
Còn Eugene Canseliet thì cho biết lần cuối cùng ông gặp thầy mình là vào năm 1953, cũng chính là năm Fulcanelli biến mất, tại một tòa lâu đài ở Tây Ban Nha, theo Listverse.
Đã có nhiều giả thiết nghi ngờ rằng Canseliet chính là Fulcanelli, nhưng cho đến nay vẫn không ai xác minh được điều này.
3. Không tặc D. B. Cooper
Ảnh phác họa chân dung không tặc D. B. Cooper
theo lời nhân chứng - Ảnh: Reuters
D. B. Cooper, hay còn được biết đến với tên gọi là Dan Cooper, là biệt danh dành cho một tên không tặc khét tiếng, người đã nhảy từ một chiếc Boeing 727 đang bay vào ngày 24.11.1971 sau khi lấy được số tiền mà hắn yêu cầu là 200.000 USD.
Kể từ đó không ai lần ra tung tích của tên không tặc này và cũng chưa có bằng chứng cho thấy hắn còn sống hay đã chết sau khi nhảy ra khỏi chiếc máy bay, lúc đó đang bay ngang qua vùng tây bắc Thái Bình Dương.
Vào năm 1980, một cậu bé tám tuổi đã tìm thấy 5.800 USD loại tiền giấy 20 USD ướt sũng nước, trôi dạt tại bờ sông Columbia (Mỹ).
Cảnh sát cho biết số sê ri trên các tờ tiền nói trên trùng khớp với số sê ri tiền đã giao cho Cooper.
Được biết, Cooper đã chuyển một tờ giấy cho một tiếp viên sau khi máy bay cất cánh, ghi rằng hắn ta có mang theo một quả bom, rồi mở chiếc cặp táp ra để cho tiếp viên này thấy những thanh màu đỏ (hình dạng của thanh chứa chất nổ thời bấy giờ) được gắn vào một chùm dây điện, theo báo cáo điều tra của FBI.
Sau cùng, tên không tặc này đã nhảy ra khỏi máy bay với một chiếc dù từ cửa ở phần đuôi, khiến các quan chức hàng không Mỹ sau đó đã phải siết chặt quy định về thiết kế của chiếc máy bay nhằm ngăn chặn sự việc nói trên diễn ra lần nữa.
Ngoài ra, vụ không tặc này cũng là nguyên nhân khiến các sân bay ở Mỹ bắt đầu trang bị máy dò kim loại, theo Listverse.
4. Bá tước St. Germain - “Người kỳ thú”
Chân dung Bá tước St. Germain được vẽ
hồi năm 1783 - Ảnh: Wikimedia Commons
Bá tước St. Germain, được cho là đã mất vào năm 1784, là một quý tộc châu Âu, một nhà thám hiểm, nhà phát minh, nhà khoa học nghiệp dư, nghệ sĩ đàn violin và là một người đàn ông bí ẩn.
Ông còn được biết đến với biệt danh “Der Wundermann” (Người kỳ thú). Cho đến nay vẫn không ai rõ nguồn gốc, xuất xứ của Bá tước St. Germain.
Một tài liệu viết vào năm 1745 của nhà sử học nổi tiếng người Anh Horace Walpole có miêu tả: “… Người ta bắt được một người đàn ông kỳ lạ có biệt danh là Bá tước St. Germain”.
“Ông ta không chịu nói mình thật sự là ai hay đến từ đâu. Ông ta có thể hát và chơi violin điêu luyện, nhưng không được bình thường cho lắm. Người ta đồn ông ta là một người Ý hoặc là Tây Ban Nha, là một người cưới một cô vợ giàu sụ ở Mexico rồi sau đó trốn ra đi cùng số vàng bạc châu báu của vợ đến Constantinope (thủ đô của Đế chế Byzantine xa xưa). Hoàng tử xứ Wales rất tò mò muốn tìm hiểu về người này, nhưng vô vọng. Do ông ta không phạm tội gì nên người ta đã thả ông ra”, sử gia Walpole viết.
Sau khi Bá tước St. Germain chết, nhiều hội kín đã xem ông như hình mẫu hay thậm chí là một vị thánh quyền năng.
5. Dị nhân mang mặt nạ trong nhà tù Pháp
Người Đàn Ông mang Mặt Nạ Sắt -
Ảnh: Wikimedia Commons
Tù nhân với biệt danh Người Đàn Ông mang Mặt Nạ Sắt bị giam giữ tại nhà ngục Pháp thời vua Louis XIV.
Danh tính của người này là một bí ẩn vì không ai từng thấy bộ mặt đằng sau chiếc mặt nạ mà theo nhiều giai thoại khẳng định rằng nó được làm bằng sắt.
Tài liệu đầu tiên đề cập đến tù nhân bí hiểm này là vào năm 1669, khi cận thần của Louis XIV giam người này vào Pháo đài Pignerol.
Theo bức thư gửi chỉ huy Pháo đài Pignerol kèm cùng tù nhân nói trên, người này tên là Eustache Dauger. Bức thư ra lệnh cho thủ thành Pignerol dọn sẵn một nhà ngục có nhiều lớp cửa để đề phòng có ai bên ngoài nghe được tiếng động từ bên trong.
Còn tù nhân thì bị cấm nói với bất kỳ ai điều gì ngoài những yêu cầu cần thiết, nếu không sẽ bị hành hình.
Chỉ huy Pháo đài Pignerol là người duy nhất thấy và cung cấp bữa ăn hằng ngày cho tù nhân này. Khi Người Đàn Ông mang Mặt Nạ Sắt chết, được cho là vào tháng 11.1703, tất cả tư trang đều bị đốt đi.
Nhân vật bí ẩn này là chủ đề bàn tán của nhiều tác phẩm văn học, bao gồm cuốn Ba Chàng Lính Ngự Lâm của đại văn hào Pháp Alexandre Dumas, trong đó nhà văn cho nhân vật này là em trai song sinh của Louis XIV.
Đàn Ông mang Mặt Nạ Sắt cũng xuất hiện trong bộ phim ăn khách cùng tên hồi năm 1998 tại Mỹ, do tài tử Leonardo DiCaprio thủ vai chính.
Ngày nay, vẫn chưa ai biết được nhân vật này là ai.
6. Gil Pérez - Người lính từ trên trời rơi xuống
Gil Perez là một người lính Tây Ban Nha được cho là đã bất ngờ xuất hiện ở tòa thị chính tại thủ đô Mexico City (Mexico) vào ngày 26.10.1593.
Anh này khi đó đang mặc quân phục lính gác Điện Del Gobernador ở Philippines, vốn nằm cách Mexico City khoảng 17.000 km, vượt qua Thái Bình Dương.
Gil Pérez cho biết không hiểu tại sao mình lại xuất hiện ở Mexico. Quân nhân Tây Ban Nha này nói trước khi nhận ra mình đang ở Mexico, thì anh đang đứng gác tại điện thống đốc ở thủ đô Manila (Philippines).
Anh này cũng nói với người dân địa phương rằng Thống đốc Manila Don Gómez Pérez Dasmariñas đã bị ám sát.
Hai tháng sau, một con tàu mang tin tức từ Philippines đã xác minh lời nói của Gil Pérez là đúng sự thật. Ngoài thông tin thống đốc bị giết, còn có nhân chứng xác nhận rằng có thấy Pérez đứng gác ở Manila.
Một trong những hành khách trên con tàu đã nhận ra Pérez và khẳng định là đã thấy người lính này ở Philippines vào hôm 23.10.1593.
Pérez sau cùng đã quay về Philippines và sống một cuộc sống bình lặng cho đến cuối đời.
Hoàng Uy  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét