Ads 468x60px

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Người đàn bà ly hương bán bánh tráng

Người đàn bà bán bánh tráng.
(Hình: Phùng Thức/Người Việt)
Phùng Thức
Ở quận 5, Sài Gòn, có quán bán cà ri dê nổi tiếng. Quán chiếm gần hết cả một góc chúng cư và cứ mỗi chiều bất kể là ngày thường hay ngày nghỉ cuối tuần, khách ăn cà ri nườm nượp kéo đến, ăn theo món cà ri nổi tiếng là những người bán hàng rong.
Dù bạn rất rành thế giới hàng rong Sài Gòn, bạn cũng không thể hình dung là có người chỉ bán món bánh tráng, đậu phộng rang... để nuôi thân mình và cả một gia đình ngoài quê.
Chúng tôi gặp một người đàn bà trung niên, bà quảy cái đòn gánh, hai đầu gánh treo toòng teng mấy bịch bánh tráng, đậu phộng, tré...
Hình ảnh người đàn bà quảy đòn gánh giữa Sài Gòn không phải là lạ, nhưng việc bà kiếm sống nhờ bán bánh tráng giữa một đô thị xa hoa hào nhoáng thì quả là lạ.
Chúng tôi gọi bà lại mua và coi thử bà bán bánh tráng gì. Bà cười tươi, giọng miền Trung, giới thiệu món bánh tráng mè, bánh tráng chuối, bánh tráng gừng... Chúng tôi là dân đô thị, trước giờ ít biết các món bánh tráng nên thấy lạ với món bánh tráng chuối, bánh tráng gừng... đặc sản dân quê miền Trung.
Hỏi chuyện bà thì được biết quê ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, bà vào Sài Gòn bán rong được hơn một năm.
Bà bốn mươi mốt tuổi, có bảy đứa con, chồng ở ngoài quê làm 3 sào ruộng và ở với 5 đứa con nhỏ, bà ở Sài Gòn với hai đứa con gái lớn làm công nhân xí nghiệp may. Như hàng ngàn gia đình nông dân khác trong thời cộng sản thị trường, gia đình bà đành phải chịu cảnh chia cắt ly hương bởi vì với 3 sào ruộng thì làm sao đủ cho 9 miệng ăn nếu bám đất bám làng.
Ở Việt Nam hiện nay đã có phiên bản tạp chí Forbes dành cho giới nhà giàu và dư luận định mức gia sản người giàu bằng triệu đô la hoặc tỉ đô la chớ không còn bằng tiền đồng Việt Nam.
Nhưng với gia đình người bán bánh tráng, 3 sào ruộng, một năm làm 2 vụ nếu trúng mùa và chưa trừ chi phí phân, giống, thuế... thì chỉ gặt được khoảng trăm giạ lúa; nếu tính giá lúa theo mức hiện nay trồi sụt khoản 7,000 VND/kg thì gia đình người bán bánh tráng thu khoản mười bốn triệu, chia cho 9 người thì tất cả nhu cầu của sự sống mỗi người chưa được một triệu sáu/năm.
Kể chuyện về công việc kiếm sống của gia đình, người đàn bà bán bánh tráng cho biết tùy theo bán ế hay bán đắt mà đôi tháng gởi về quê năm, sáu trăm ngàn, phụ tiền ăn cho chồng và năm đứa con. Bà nói: “Tui như Việt kiều, chồng con ngoài quê trông gởi tiền hung lắm.”
Theo bà là sống ở Sài Gòn không có gì vui ngoài chuyện kiếm được đồng tiền. Bà ở với chủ hàng, mỗi ngày nộp cho họ 10,000VNÐ tiền chỗ trọ, 10,000 VNÐ tiền bữa cơm tối. Họ đếm bánh tráng và các món khác cho bà đi bán, mỗi cái bánh tráng chủ hàng cho lời 800/VNÐ. Hôm nào bán ế không đủ tiền nộp thì họ cho thiếu, lúc bán đắt thì trừ dần.
Bà nói, “Tui may mắn có bà tên Tâm ở khu Vườn Lài đỡ đầu cho bữa cơm trưa không lấy tiền; bà Tâm tốt lắm, có người quen tôi ngoài quê mới vào tôi giới thiệu bà cũng cho bữa cơm trưa.”
Mức độ giàu có chủ yếu do tham nhũng và độc tài thâu tóm quyền lợi quốc gia của tầng lớp quan lại cộng sản và tư sản đỏ ở Việt Nam hiện nay đang đẩy các gia đình nông dân nghèo đến mức cùng cực.
Hàng trăm ngàn gia đình nông dân nghèo tìm thấy đất hứa Sài Gòn và các đô thị lớn, nơi bám víu để mưu sinh và chia sẻ miếng cơm manh áo; trong cảnh sống chia cắt ly hương không ai biết tương lai họ và con cháu họ rồi sẽ ra sao.
Phùng Thức 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét