Tàu chở 2,000 tấn than lậu từ Cẩm Phả, Quảng Ninh sang Trung Quốc bị Cảnh sát biển Việt Nam bắt giữ. |
Do
thiếu than để vận hành các nhà máy nhiệt điện, Việt Nam phải ký hợp
đồng nhập cảng 3 triệu tấn than/năm, trong khi đó, sáu tháng qua, có 2
triệu tấn than bị xuất lậu sang Trung Quốc.
Ngoài than, quặng sắt
của Việt Nam cũng đang ồ ạt chảy sang Trung Quốc. Theo Hải quan Trung
Quốc, năm ngoái, Trung Quốc nhập cảng 1.7 triệu tấn quặng sắt từ Việt
Nam trong khi nhiều nhà máy thép của Việt Nam phải đóng cửa, ngưng hoạt
động vì thiếu nguyên liệu.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng
sông Hồng, nhận định, tình trạng khoáng sản của Việt Nam bị xuất lậu
sang Trung Quốc kéo dài nhiều năm vì có sự móc ngoặc giữa các doanh
nghiệp xuất cảng với những lực lượng có trách nhiệm kiểm soát.
Chẳng hạn, giới buôn lậu móc ngoặc với các công ty khai thác than,
khai thác mười tấn thì rút ra hai tấn, chuyển xuống thuyền chở sang
Trung Quốc bằng đường biển. Những con thuyền chở than sang Trung Quốc
đều phải đi qua vịnh Bái Tử Long. Chỉ cần kiểm soát chặt cửa vịnh thì
những nhóm chuyên xuất lậu than hết đường sống nhưng chuyện xuất lậu
than vẫn kéo dài từ năm này sang năm khác. Ông Sơn khẳng định, rõ ràng
việc kiểm soát không tốt.
Tương tự, so sánh số lượng quặng sắt nhập cảng do Hải quan Trung Quốc
tiết lộ và quặng sắt xuất cảng do Hải quan Việt Nam công bố thì năm nào
cũng thấy chênh lệch hàng triệu tấn. Năm ngoái, trong khi Hải quan
Trung Quốc loan báo, Trung Quốc nhập cảng 1.7 triệu tấn quặng sắt từ
Việt Nam với giá 92 USD/tấn thì Hải quan Việt Nam báo cáo, trong cả năm
2012, Việt Nam chỉ xuất cảng… 24 ngàn tấn quặng sắt sang Trung Quốc, với
giá 46 USD/tấn.
Xuất lậu khoáng sản sang Trung Quốc vừa lãng phí tài nguyên, vừa thất
thu hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản
xuất trong nước vì thiếu nguyên liệu, nhiên liệu nhưng không thể ngăn
chặn.
Đối với quặng sắt, vì các nhà máy, cơ sở luyện gang thép kêu cứu do
thiếu nguyên liệu, chế độ Hà Nội đã ra lệnh cấm xuất quặng thô sang
Trung Quốc. Nhưng mới đây, một viên chức của Hiệp hội Thép (VSA) khẳng
định, lệnh cấm đó bất khả thi bởi đứng sau các nhóm khai thác – xuất
cảng quặng sắt sang Trung Quốc là con cháu nhiều cán bộ lãnh đạo các
tỉnh.
Viên chức này kể rằng, VSA đã cử người đến các cửa khẩu ở biên giới
phía Bắc để quan sát thực tế và theo ghi nhận của họ thì trong những
đoàn xe tải nối đuôi nhau chở quặng sắt từ Việt Nam sang Trung Quốc,
luôn luôn có “chục chiếc là của con ông lãnh đạo tỉnh này, chục chiếc
khác là cháu ông lãnh đạo tỉnh kia”.
Với than, ông Sơn tin rằng, vài năm nay, không thể khai thác than
lậu, nên than xuất lậu là than ăn cắp. Không có các công ty khai thác
than tiếp tay, kẻ gian không thể ăn cắp hàng triệu tấn than. Không có
móc ngoặc với các lực lượng kiểm soát (công an, cảng vụ, thuế, hải quan,
biên phòng, cảnh sát biển), kẻ gian không thể chuyển hàng triệu tấn
than ăn cắp xuống thuyền và ung dung giong thuyền chở than sang Trung
Quốc.
Xuất lậu khoáng sản sang Trung Quốc đã kéo dài hàng chục năm và vẫn
tồn tại vì theo ông Sơn là “được làm ngơ từ lâu rồi”. Ông Sơn bảo, lâu
lâu, các lực lượng kiểm soát loan báo bắt được, vụ này, vụ kia, xuất lậu
quặng này, quặng kia sang Trung Quốc chỉ là làm cho “có thành tích”. (G.Đ)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét