Ads 468x60px

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Sài Gòn tự do và hi vọng

(Viết cho ngày SG bị cưỡng bức đổi tên 2/7/1976)
Hiền Sỹ
Mỗi một dân tộc, một đất nước nào cũng có những niềm tự hào về nguồn cội riêng mình. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đi cùng truyền thống chống giặc ngoại xâm xuyên suốt 4000 năm là ý chí vượt lên khó khăn để xây dựng một Việt Nam ngày càng no ấm, giàu đẹp hơn. Trải qua hằng nghìn năm, nhiều triều đại trong lịch sử thì mỗi miền Bắc, Trung, Nam đều có cho riêng mình những nét đẹp, nét độc đáo cho riêng mình trong sự thống nhất về văn hóa của người Việt Nam. Và đại diện cho 3 miền tươi đẹp ấy là Thăng Long (Hà Nội), Huế và Sài Gòn. Tuy là một thành phố mặc dù sinh sau đẻ muộn hơn cả trong 3 thành phố nhưng sự tồn tại trên 300 năm của Sài gòn đã thể hiện ý chí quyết tâm vượt khó để mở mang bờ cõi của cha ông chúng ta.

Cho đến hôm nay, lịch sử của cái tên Sài Gòn đến nay vẫn chưa xác định được chứng tỏ rằng địa danh này là một sáng tạo dân gian trải qua trên ba thế kỷ và đã trở thành quen thuộc, thân thương với người dân Việt Nam nếu lấy thời điểm địa danh Sài Gòn được ghi vào sử sách (tháng 4 năm 1674) coi như ngày sinh thành phố. Các học giả xưa nay đã đưa ra rất nhiều cách giải thích khác nhau, người thì cho chữ Sài Gòn do chữ Prei Kor gốc Khmer, có nghĩa là “Củi gòn”, người thì cho do chữ Tây Cống, mà người Hoa phát âm là “Xây Ngòn”, người thì cho do chữ Đề Ngạn, người Hoa phát âm là “Thầy Nguồn”, v.v... nhưng đến nay chưa có giải thích thỏa đáng được mọi người nhất trí. Tuy nhiên, có một sự thật không thể chối bỏ được là Sài Gòn đã trở thành biểu tượng của ấm no, hạnh phúc và tự do cho Việt Nam trong suốt lịch sử tồn tại của thành phố.
Từ năm 1788, Sài Gòn trở thành nơi buôn bán sầm uất, đông đúc cư dân. Cuối thế kỷ 19, công cuộc đô thị hóa được mở rộng và sang thế kỷ 20 Sài Gòn đã trở thành “Hòn ngọc Viễn Đông”. Lịch sử đô thành Sài Gòn gắn liền với lịch sử Đất Nước. Xuyên suốt chiều dài lịch sử của mình, Sài Gòn đã là một thành phố mang trong mình tính chất đầy đủ của tính cách người Miền Nam đi mở cõi: Sôi nổi nhưng hiền hòa và chất phác, văn minh gắn liền với tự do. Nói về văn minh và sôi nổi thì cái tên “hòn ngọc Viễn Đông” đã nói lên hết ý nghĩa của Sài Gòn. Đây cũng là lý do trước đây khi nhắc đến Sài Gòn, người Singapore, người Thái... đều nhắc đến trong niềm ngưỡng mộ. Ngoài ra, sự hiền hòa và chất phác chính là bản chất của người dân Nam bộ gắn liền với lịch sử 18 Thôn Vườn Trầu an bình trong niềm vui no ấm.

Để nói về Sài Gòn, người dân còn luôn nhớ tới như một biểu tượng của tự do. Sài Gòn không chỉ tươi đẹp mà còn là cái nôi khai sinh ra hai chính thể cộng hòa đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam cho đến lúc này. Đệ nhất, đệ nhị cộng hòa đã được sinh sôi, nảy nở ngay tại Sài Gòn và chọn Sài Gòn làm trái tim cho một miền Nam tràn ngập tự do và yêu thương. Mặc dù sinh sau đẻ muộn trong hoàn cảnh đất nước loạn ly và nhiễu nhương nhưng những gì một chính thể non trẻ như VNCH làm được đã in dấu trong nhân dân Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung. Cũng chính bởi vậy mà sau 38 năm bị cộng sản đổi tên thành Hồ Chí Minh, thì người dân vẫn trìu mến gọi tên “Sài Gòn” trong trái tim.
Sau cái ngày mà bà Dương Thu Hương - một cán binh tham gia đoàn quân từ miền Bắc của cộng sản vào cướp đi sự tự do, no ấm, yên lành của Sài Gòn đã phải thốt lên Ngày mà kẻ man rợ là kẻ chiến thắng, người văn minh thất bại” thì Sài Gòn bị đổi tên. Một cái tên mang tính lịch sử dân tộc và mang trong mình sự tự hào về ý chí vươn lên của người Việt đã bị hoán đổi thành một cái tên xa lạ của một kẻ rước những thứ chủ nghĩa xa lạ về dày xéo quê hương. Sài Gòn của tự do ngày ấy đã bị mất tên bởi sự áp đặt đến lố bịch của cộng sản. Và cũng chính từ cái giờ phút bị cưỡng bức thay tên thì Sài Gòn đã để những Bangkok, Singapore vượt qua. Cũng từ đó, một biểu tượng tự do của dân tộc Việt đã bị cộng sản nhốt lại trong một đất nước tràn ngập nhà tù, thù hận và bất công.
Đường Sài Gòn hai mùa vẫn ngập nắng. Những con đường Sài Gòn nằm im phơi mình lặng lẽ nhưng trong lòng Sài Gòn ngày hôm nay chất chứa bao nhiêu nỗi u buồn, ưu tư của một kiếp làm nô lệ cho những chủ thuyết xa lạ và hoang tưởng. Hãy trả lại tên cho Sài Gòn, vì đó là lẽ phải. Sài Gòn của những con đường như Lê văn Duyệt, Phan Thanh Giản, của những ngôi trường như Petrus Ký, Gia Long sẽ phải trở lại vì nó không thể mang những cái tên vô hồn: “Cách mạng tháng 8”, Nguyễn Thị Minh Khai” hay “Lê Hồng Phong”. Sài gòn, cái tên đã ăn sâu vào trong máu của người miền Nam. Bà cụ già miền quê móm mém nhai trầu hay hỏi con cháu: “Tết này tụi bây có lên Sài Gòn chơi không bây?”. Các quán xá giờ đây rộ lên tên Sài Gòn: chè Sài Gòn, hủ tiếu Sài Gòn, thậm chí chiếc xe đẩy bánh mì cũng léo nhéo “bánh mì Sài Gòn hai ngàn một ổ”. Sài Gòn là của người Sài Gòn, không phải của ai khác, không chấp nhận bất cứ một cái tên ngoại lai hay một cái tên vô nghĩa nào khác. Đó là Sài Gòn bình dị của tự do, no ấm và cũng chính là niềm hi vọng cho một ngày cái tên Sài Gòn lại trở về với thành phố tràn ngập ánh nắng.
Sài Gòn đã được khai sinh trong tự do, sống trong tự do và là biểu tượng tự do. Sài Gòn cần phải được trả lại tên đúng nghĩa cho sự tự do. Sài Gòn không thể mang tên ai khác, và càng không thể mang tên của một kẻ độc tài. Khi chiếm đóng Liên Xô, Hitler không dám đổi tên thành phố nào. Khi Hồng Quân đánh chiếm Berlin, họ cũng không dám đổi tên thành phố của người Đức. Lịch sử không cho phép làm vậy. Vì vậy không ai có quyền đổi tên Sài Gòn, cũng không ai có quyền gán ghép cho người miền Nam nói riêng và người Việt nói chung những cái tên mà họ không muốn. Hãy trả lại tên cho Sài Gòn để Sài Gòn dù nắng hay mưa, vẫn yêu kiều trong con mắt của người Sài Gòn và bạn bè khắp chốn.
Hiền Sỹ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét