Ads 468x60px

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Đói nghèo, hàng nghìn người dân vùng lên cướp đất.

Bảo Nam
Chị Thương và chị Phú (xã Châu Bình )
không kìm nén được nước mắt khi nói đến
đói nghèo vì không có đất sản xuất (ảnh)
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, lâm nông nghiệp Sông Hiếu có 6 lâm trường, gồm: Lâm trường (LT) Quế Phong, LT Đò Ham, LT Cô Ba (huyện Qùy Châu), LT Qùy Hợp, LT Đồng Hợp (huyện Qùy Hợp) và LT Nghĩa Đàn. Không thể nói hết con số chính thức các LT có mấy trăm nghìn ha đất rừng sản xuất mà UBND tỉnh Nghệ An đã cấp sổ đỏ. Trong lúc cán bộ, giám đốc các LT đều giàu lên từ đất rừng, có nhà lầu xe hơi, con cái học hành thành đạt. Đất nhiều quá các LT còn cho công an và các đối tác khác có thế lực thuê hàng trăm, hàng nghìn ha để trồng rừng sản xuất. Khốn khổ thay những người dân tộc thiểu số sông lâu đời trên đất các LT lại đói nghèo triền miên vì không có đất sản xuất, quanh năm suốt tháng đi làm thuê cho các LT. Không thể chấp nhận đói nghèo mãi, kiện cáo, kêu tỉnh, trung ương nhiều năm không được, cuối cùng nhiều cuộc “khởi nghĩa” của dân nghèo đã nổi lên cướp đất, cho dù ai cũng biết đó là đất của LT đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp. 
Năm 2000 dân bản Khì xã Châu Cường, huyện Qùy Hợp được cán bộ LT Qùy Hợp đến tận từng nhà của 16 hộ làm hợp đồng (HĐ) trồng rừng phòng hộ thuộc chương trình 327 của chính phủ. Theo HĐ thì người dân được hưởng 2/3 % lợi nhuân sau khi khai thác cây. Năm 2008- 2011 khi cây rừng (chủ yếu cây keo) tới chu kỳ khai thác, cán bộ LT kéo đến đốn hạ để bán thì cán bộ LT lại nói : Dân không có lợi nhuận gì cả mà LT đã thuê trồng cây qua từng cung đoạn và đã trả tiền đầy đủ. Trước sự tráo trở, hàng trăm người dân đứng ra ngăn cản, không cho LT khai thác rồi viết đơn kêu kiên khắp nơi, đến nay vẫn chưa có hồi kết. Nhiều người dân cho biết LT Qùy Hợp đã tráo trở bằng cách :thay đổi HĐ cũ thành HĐ mới, trong đó các cam kết đều có lợi cho LT. Phóng viên báo đã có nhiều buổi làm việc với ông Hồ Đình Thế tổng giám đốc của các LT, Ông Nguyễn Văn Hải giám đốc LT Qùy Hợp cũng như các cán bộ liên quan thì thấy các văn bản đều chống chèo nhau đầy tất khuất, dẫn đến chuyện đầy phức tạp làm dân nghèo khốn khổ trăm bề. 
Cách đây chưa lâu tại xóm Bãi Kè (thuộc LT Đồng Hợp, huyện Qùy Hợp) người dân không có đất sản xuất, đến cả đất nhà ở cũng của đất LT, quanh năm đi làm thuê để lấy tiền kêu kiện. Nguyên nhân dân không có đất là do bước đầu những tờ trình, báo cáo xin cấp đất lên UBND tỉnh của LT, các sơ đồ đều bao trùm cả đất của dân. Do sở TN-MT và các ban nghành liên quan quan liêu không xem xét thực trạng mà ra quyết định cấp đất cho các LT còn dân đen thì không hay biết gì, vì thế mà họ không có đất sản xuất, không có cả đất nhà ở. Như chân lý đã nói : Ơ đâu có bất công ở đó có đấu tranh. Rồi những bất công “tức nước vở bờ”, dân nghèo vùng lên để cướp đất. Đỉnh điểm bắt đầu xẩy ra từ ngày 8 - 13/6 có khoảng gần 1.000 người dân của 17 bản ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã cùng nhau kéo vào Lâm trường Cô Ba đóng trên địa bàn xã Châu Bình để chặt phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp. Theo UBND huyện Quỳ Châu, rừng bị tàn phá tại các tiểu khu 200, 204 và 205 thuộc lâm phần Lâm trường Cô Ba quản lý. Diện tích rừng bị phá khoảng 10ha, rừng bị xâm hại ước tính 450 đến 500ha.
Chúng tôi tìm về xã Châu Bình khi việc người dân vào Lâm trường Cô Ba để chặt phá rừng đang thời điểm cao trào.Gặp chúng tôi, nhiều người dân đều bày tỏ nguyện vọng muốn có một mảnh đất rừng để canh tác. Chị Hoàng Thị Thương (37 tuổi, trú tại bản 3/2, xã Châu Bình) cùng một số phụ nữ trong bản ngồi trước căn nhà tuyềnh toàng, đưa mắt nhìn về mênh mông rừng Lâm trường Cô Ba nghẹn ngào không nói nên lời khi chúng tôi hỏi về diện tích đất sản xuất của gia đình lại không có một tấc.

“Có tý đất nào đâu các anh, một miếng đất để trồng khoai, trồng sắn cũng không có nói gì đến đất trồng lúa. Dân chúng tôi khổ quá, không có đất sản xuất, cùng quẫn lắm mới vào Lâm trường chặt cây, phát rẫy để kiếm cái ăn thôi”, chị Thương than thở.
Cả 4 miệng ăn trong gia đình chị Thương đều trông chờ vào những ngày chị và chồng cực nhọc làm thuê bóc vỏ cây keo, đào hố trồng cây cho lâm trường. Thế nhưng, công việc thu nhập khoảng 80.000 - 100.000đ/ngày, lại bấp bênh theo mùa vụ nên gia đình chị Thương luôn phải lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa.
Cũng như gia đình chị Thương, gia đình chị Nguyễn Thị Phú (41 tuổi) cũng khốn khổ khi không có mảnh đất nào để sản xuất, canh tác. Hai đứa con của chị đang tuổi ăn, tuổi lớn nên vợ chồng chị không muốn cuộc đời của con mình lại khổ như bố mẹ nó. “Số gạo nhà nước hỗ trợ cứu đói cũng chỉ đủ ăn được một thời gian ngắn. Chúng tôi muốn có một mảnh đất ổn định để sản xuất, canh tác. Nếu được giao đất thì chúng tôi sẽ chấp hành theo chủ trương quy định, như đóng thuế sử dụng đất đầy đủ”, chị Phú nói.
Người dân xã Châu Bình kể : Chúng tôi không có một tấc đất để sản xuất,
còn đất lâm trường Cô Ba có hơn 7000 ha, cán bộ lâm trường xây nhà,
mua ô tô, của ăn của để không kể hết (ảnh)
Không riêng gì gia đình chị Thương và chị Phú mà gần 230 hộ dân ở bản 3/2 đều không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định. Ông Nguyễn Văn Thiện Trưởng bản 3/2 cho biết, trước đây bản có gần 3ha đất trồng lúa cho bà con sản xuất. Tuy nhiên, do lâm trường phát rừng, nguồn nước cạn kiệt nên mấy năm qua không thể sản xuất được và đành bỏ hoang. Thậm chí những lạch ruộng nhỏ dân tự khai hoang, phía lâm trường cũng cho người vào phát hết nên người dân không còn đất để canh tác.
Ông Lê Hiền Dung - Bí thư bản Lầu 2, xã Châu Bình - một bản cũng “trắng” đất sản xuất chua chát nói: “Cả bản không có một tấc đất cho bà con sản xuất, làm rẫy. Quanh năm, bà con dân bản chỉ biết đi làm thuê, thanh niên lớn lên đều không có việc làm bởi vậy mà tỷ lệ hộ nghèo năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhiều lúc, bà con nhìn đất của lâm trường rộng bạt ngàn mà thèm!”.
Không thể ngồi nhìn sự bất công từ đất đai, hàng nghìn người dân của 12/17 bản xã Châu Bình tiếp tục vào rừng để tự chia đất. Việc chặt phá tràn lan còn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng khi nền nhiệt độ tại Quỳ Châu đang cao và nếu xảy ra cháy rừng tại các khu vực này sẽ gây thiệt hại lớn đối với diện tích rừng ở Quỳ Châu. Trước tình hình trên, ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng đoàn công tác đã chỉ đạo UBND huyện Quỳ Châu, các đoàn thể quần chúng, đảng ủy UBND xã Châu Bình và các bản tuyên truyền, vận động nhân dân không được chặt phá rừng trái pháp luật.
Chiều đến, tại trụ sở UBND xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã diễn ra cuộc đối thoại “nóng” giữa lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, đại diện Sở TN-MT, Sở NN&PTNT, huyện Quỳ Châu, xã Châu Bình với 17 trưởng bản của xã Châu Bình nhằm tìm ra phương hướng giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Theo nhiều người dân thì họ chỉ chặt những cây
rừng nhỏ, còn những cây rừng lớn là do cán bộ
Lâm trường chặt hạ rồi đổ cho dân bản (ảnh)
Theo thống kê, trong tổng số diện tích 11.000ha của xã Châu Bình thì diện tích Lâm trường Cô Ba quản lý lên đến hơn 7200 ha. Hiện nay, toàn xã Châu Bình có 17 bản, gần 2000 hộ dân và khoảng 8000 nhân khẩu. Tuy nhiên, do diện tích đất có thể canh tác được quá ít nên hết vụ mùa người dân đều phải đi làm thuê cho các Lâm trường. Công việc của họ cũng bấp bênh và phụ thuộc theo mùa vụ bởi thế nên tỷ lệ hộ nghèo tại đây vẫn còn rất cao.
Ông Kim Văn Duyên - Chủ tịch UBND xã Châu Bình - cho biết: “Toàn xã có 1800 ha đất có thể gieo trồng được, trong đó có khoảng 300ha đất hai lúa, 600ha đất trồng mía. Quỹ đất này quá ít ỏi so với nhu cầu sản xuất của người dân. Bởi vậy nên người dân không có việc làm, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm không giảm mà còn tăng. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở đây vẫn còn trên 65%”. Cũng theo ông Kim Văn Duyên, dân đói, nghèo thì phải làm liều, chứ ai cũng biết đó là đất cua LT rồi. Đặc biệt gần đây dân nghe thông tin là LT Cô Ba sắp giao đất cho dự án nuôi bò sữa TH theo chỉ đạo của UBND tỉnh nên họ tranh thủ chiếm phần. Ông Vi Văn Xuân phó trưởng công an huyện Qùy Châu trong buổi làm việc với LT Cô Ba trao đổi riêng với chúng tôi : Không thể trách dân được, vì họ rất nghèo, quanh năm đi làm thuê như phát cây, đào hố, trồng cây cho LT với ngày công thật rẻ mạt. Còn các cán bộ LT mỗi người ít ra cũng có 5-3 chục ha, cuối năm, không phải động chân sờ tay, cũng thu về mỗi ha hàng trăm triệu. Cán bộ LT mua ô tô gần tiền tỷ, xây nhà lầu đó chứ lấy đâu ra. Như vậy vô hình dung hình thành một lớp cán bộ bóc lột, một nhóm lợi ích.
Đại diện cho người dân, 17 trưởng bản xã Châu Bình cũng băn khoăn với diện tích đất Lâm trường Cô Ba đang quản lý quá lớn trong khi người dân lại đang “khát” đất sản xuất. Đồng thời, các trưởng bản cũng mong muốn các cấp chính quyền sớm rà soát lại diện tích đất Lâm trường Cô Ba để chuyển một phần lâm phần của lâm trường cho người dân. Thực tế, người dân đã nhiều lần kiến nghị qua các cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa giải quyết.
Ông Vi Văn Thông - Trưởng bản Pà Hốc, xã Châu Bình - kiến nghị: “Toàn bản chúng tôi có 80 hộ với 360 nhân khẩu. Diện tích đất nông nghiệp không có, đất rẫy khoảng 2ha, khai hoang phục hóa 5ha. Số đất này không thấm vào đâu so với nhu cầu của bà con. Đề nghị cấp trên xem xét cấp miếng đất nào ở Lâm trường cho bà con yên tâm sản xuất. Cho người dân cái cần câu chứ đừng cho cá, có như thế người dân mới mong thoát đói, nghèo được”
Tại buổi đối thoại với các trưởng bản, bà Lang Thị Hồng - PCT UBND huyện Quỳ Châu - cho hay: “Thực tế nhu cầu về đất sản xuất của người dân là chính đáng nhưng việc người dân vào Lâm trường Cô Ba chặt phá rừng để đòi đất là chưa đúng. Thời gian qua, UBND huyện cũng đã làm việc với tỉnh để chuyển một phần lâm phần Lâm trường Cô Ba chuyển cho dân nhưng chưa giải quyết được. Để tỷ lệ hộ nghèo, hộ đói ở đây ngày càng tăng”.
Người dân các xóm xã Châu Bình đang kể khổ,
đói nghèo vì không có đất sản xuất (ảnh)
Phát biểu kết luận tại buổi họp, ông Đinh Viết Hồng - PCT UBND tỉnh Nghệ An thẳng thắn phê bình chính quyền xã Châu Bình chậm trễ hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân khi chỉ có gần 800/2000 hộ dân xã Châu Bình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để ổn định tình hình, ông Hồng cũng đề nghị chính quyền huyện Quỳ Châu, xã Châu Bình và bí thư, trưởng phó các bản làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không chặt phá trong rừng. Song song với việc đó, thì huyện và tỉnh sẽ thành lập tổ công tác để rà soát, thống kê lại đề xuất giao lâm phần của Lâm trường cho người dân trong thời gian sớm nhất. “Ngoài việc tuyên truyền người dân không vào rừng để chặt phá rừng, chiếm đất tự do thì tổ công tác của tỉnh, huyện, xã và Lâm trường Cô Ba sẽ rà soát lại quỹ đất của Lâm trường Cô Ba để bàn giao cho chính quyền địa phương, giao đất ổn định lâu dài cho người dân theo tiêu chí khách quan, đúng đối tượng”, ông Đinh Viết Hồng nhấn mạnh.
Một câu hỏi được đặt ra : Nếu như người dân không vùng lên cướp đất, ông phó thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không có chỉ thị thì tỉnh Nghệ An có biết được thực trạng đói nghèo trong dân ? Dẫu tất cả hứa hẹn sẽ cân đối đất của LT để cấp cho dân đúng đối tượng vẫn đang năm trên giấy nhưng đó là một chiến thắng khi dân đoàn kết vùng lên !
Bảo Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét