Ads 468x60px

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Đến Việt Nam, tưởng lạc xứ Tàu

Cờ Trung Quốc dán trên nho Việt Nam
Phương Nam
Không những thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo, trái cây, sách vở "Made in China" tràn ngập thị trường VN, mà ở nhiều địa phương còn đang bị "Tàu hoá". 
Từ thực phẩm, trái cây, hàng gia dụng đến...xe hơi đều độc hại 
Cách đây không lâu, người dân Trung Quốc giật mình, lo sợ vì có thông tin những quả táo đỏ, thơm ngon nổi tiếng ở Yên Đài, Sơn Đông được bọc trong túi chứa chất bột độc hại ngay từ trên cây. Vậy mà những quả táo đỏ thơm ngon ấy vẫn được bày bán rất nhiều trên thị trường Việt Nam.
Cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất trái cây sấy khô như đào khô, ô mai, hồng khô… của nước này sử dụng các chất phụ gia, hóa chất có thể gây ung thư. Nhưng 80% các loại trái cây sấy khô này hiện bán ở Việt Nam là hàng Trung Quốc.
Không chỉ có trái cây, Trung Quốc còn xuất gà thải (có tồn dư hóc môn, kháng sinh và nhiều chất độc hại) sang Việt Nam với số lượng rất lớn. Dân Hà Nội tiêu thụ đến 10 tấn gà của Trung Quốc/ngày.
Tháng 3-2013, nhiều khách hàng phát hiện cờ Trung Quốc chễm chệ xuất hiện trên khay nho tươi “Made in Viet Nam” được bày bán tại siêu thị Big C the Garden (Mỹ Đình, Q.Cầu Giấy, Hà Nội).
Vừa qua, nhiều quốc gia đã đưa ra khẩu hiệu: Tẩy chay hàng “Made in China” sau hàng loạt vụ bê bối: sữa nhiễm melamine, đậu đũa thấm đẫm thuốc trừ sâu, giá ngâm hóa chất kích thích tăng trưởng không được phép sử dụng, bánh bao “nhôm”, thịt lợn phát sáng vì nhiễm khuẩn lân tinh, hộp đựng thức ăn nhiễm độc, ly giấy có chứa quá nhiều chất làm trắng, gạo nhiễm kim loại nặng gấp 5 lần giới hạn cho phép, xúc xích có dòi, sữa có hàm lượng thủy ngân cao bất thường….
Mới đây, thương vụ giày độc Trung Quốc đã khiến cả thế giới sợ hãi. Qua kết quả kiểm tra cho thấy hàm lượng chất độc DEHP (Bis(2-ethylhexyl) phthalate) chứa trong các mẫu giày này rất cao, từ 37% đến 50%. Trong khi đó, tiêu chuẩn cho phép của loại chất này đối với mặt hàng giày dép tại Đài Loan chỉ là 0,1%. Giày dép của trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc có hàm lượng chrom vượt quá 6 lần mức cho phép, trong khi đây là một trong những độc chất gây ung thư nếu có hàm lượng vượt quá 3 mg.
Năm 2009, Chi Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng đã phát hiện 1 mẫu quần Jean TQ có hàm lượng formaldehyde lên đến 333mg/kg (vượt quá mức cho phép), có thể gây ho và dị ứng da, đau rát cho mắt, mũi và họng cho người. Trước đó, năm 2004, WHO đã xếp formaldehyde vào nhóm 1 các chất gây ung thư (carciogenic), có thể gây ung thư vòm họng, ung thư thanh quản và các bộ phận của hệ hô hấp.
Cuối năm 2012, tờ Nguoiduatin đã đưa thông tin từ  Ủy ban quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Úc (ACCC), phát hiện 23.000 xe hơi thương hiệu Trung Quốc (dòng Great Wall và Chery) sử dụng các chi tiết làm bằng amiăng, một loại vật liệu bị cấm nhập khẩu tại Úc. ACCC đã cho thu hồi loại xe này trên toàn nước Úc. Dòng xe này khi đó cũng được bán tại Việt Nam nhưng các cơ quan hữu trách lại...phớt lờ, khiến người dân phải rỉ tai nhau:”Mua xe hơi cũng phải coi kỹ loại xe có xuất xứ từ Trung Quốc!” 
Sách dành cho trẻ em chuẩn bị vào lớp 1 có in
cờ Trung Quốc. (Ảnh: Châu Anh)

Trung Quốc "lấn sân" giáo dục, văn hoá Việt
Cách đây không lâu, nhiều bậc phụ huynh ngỡ ngàng khi phát hiện ra cuốn sách Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 của Nhà xuất bản Dân Trí in cờ của Trung Quốc. Theo NXB Dân Trí thì đây là sách dịch, mua bản quyền của đối tác nước ngoài nên sách phải giữ nguyên xi nội dung gồm phần chữ và hình ảnh như bản gốc, mà không được phép thay đổi. Có nghĩa là phải tuân theo phần giới thiệu và Luật giáo dục của Bộ Giáo dục Trung Quốc. Nhưng vì sao sách dạy cho trả em Việt Nam lại phải đi mua ở nước ngoài?
Trước làn sóng đòi lại chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ tay Trung Quốc, NXB Giáo dục Việt Nam lại phát hành cuốn sách Tiếng Việt 1 tập Hai có hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 
Chưa hết, Tháng Năm, năm 2013, Bưu chính Trung Quốc phát hành bộ tem phổ thông 6 mẫu mang tên “Mỹ lệ Trung Quốc” giới thiệu một số thắng cảnh. Ngoài 5 thắng cảnh nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, còn có 1 thắng cảnh nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là mẫu tem thứ 4, có giá 1,2 Nhân dân tệ mang tên “Tam Sa thất liên dữ” (tạm dịch: Nhóm 7 đảo nhỏ liền nhau ở Tam Sa). Mẫu tem này thể hiện hình ảnh nhóm 7 đảo thuộc nhóm An Vĩnh ở phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngoài ra, Bưu chính Trung Quốc còn phát hành một phong bì Ngày phát hành đầu tiên (FDC) và một bưu ảnh mang hình ảnh nhóm đảo này. Đây đã là lần thứ hai Trung Quốc phát hành tem vi phạm chủ quyền Việt Nam, lần trước vào năm 2004 với bộ tem phong cảnh biên giới gồm 10 mẫu, trong đó cũng đã có 1 mẫu tem có hình ảnh quần đảo Hoàng Sa. 
Phố Tàu mọc như nấm!  
Nếu ai có dịp đến làng mộc Đồng Ky, Phù Khê thuộc thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, sẽ tưởng như đang ở xứ Tàu. Những bảng hiệu in tiếng Trung Quốc xen lẫn tiếng Việt tràn lan trên con đường chính thuộc phường Đồng Kỳ, khu phố quanh khu chợ gỗ Phù Khê Thượng (TX Từ Sơn).
 
Đến Bắc Ninh sẽ được hướng dẫn bằng bảng chỉ dẫn toàn tiếng Trung Quốc.
Ảnh chụp trên đường Nguyễn Văn Cừ, phường Đồng Ky, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.
 
Các công ty vận tải do người Trung Quốc điều hành với bảng quảng cáo
đặc tiếng Trung Quốc. Ảnh chụp tại thôn Phù Khê Thượng (Từ Sơn, Bắc Ninh).
Bãi Cháy - Hạ Long, nơi hàng năm có rất đông không chỉ người trong nước mà cả khách du lịch nước ngoài tìm đến để tham quan điểm du lịch nổi tiếng của VN. Vậy mà hiện nay, tuyến đường chạy dọc theo bãi biển chỉ toàn bảng in tiếng Tàu. Ngay cả ở hai khu mua sắm lớn nhất dành cho du khách đến Hạ Long là Chợ đêm Hạ Long và Siêu thị Thanh Niên cũng “chú thích” dòng chữ Trung Quốc nổi bật hơn cả dòng chữ Việt.
Đến một nửa chữ tiếng Việt cũng không có. Ảnh chụp tại Bãi Cháy, Hạ Long. Ảnh: Dantri
Những năm trước đây chính quyền VN từng bắt tháo dỡ hết các bảng hiệu kinh doanh có chữ ngoại quốc, nhất là tiếng Anh. Nhưng bây giờ, tiếng Trung Quốc tràn ngập khắp nơi thì họ lại làm ngơ như mù như điếc, chẳng phạt vạ, cũng không tháo dỡ.
Một góc đường ở Hạ Long. Ảnh: Khampha
Phố Tàu không chỉ có ở Sài Gòn (Chợ Lớn), mà mới đây còn có ở Bình Dương. Hàng hoá bán tại đây phần lớn được nhập từ Trung Quốc; hàng quán, cửa hiệu ghi bằng tiếng Trung Quốc, và giá cả thì được niêm yết giá bán bằng Nhân dân tệ, chứ không phải tiền đồng VN.
Giá bán được niêm yết là Nhân dân tệ.
Ảnh chụp tại một tiệm tạp hoá tại Bình Dương. Ảnh:Dantri)
 
Theo Điều 18, Luật Quảng cáo mà Quốc hội Việt Nam ban hành năm 2012, về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo, trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.
Vì sao một sự vi phạm pháp luật giữa thanh thiên bạch nhật và ngày càng lan rộng như thế mà chính quyền VN vẫn không xử lý? Hay họ bất lực rồi chăng?
Việt Nam đang bị "Tàu hoá" đến nỗi chính người trong nước cũng phải hốt hoảng kêu lên:"Sao đang ở nhà mà giống như đi Trung Quốc thế này!" 
Phương Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét