Ngô
Nhân Dụng
Công ty
Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc (viết tắt CNOOC) đã xâm nhập hải phận Việt Nam khi đưa
giàn khoan dầu tới khu vực mã số 981. Địa điểm này cách đảo Lý Sơn 119 hải
lý và cách phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
khoảng 18 hải lý. Khi đưa giàn khoan tới, Cục Hải sự Trung Quốc đã ra lệnh “cấm
tất cả các loại phương tiện xâm nhập vào khu vực HD 981 hoạt động trong bán
kính một hải lý” từ ngày 2 tháng 5 đến 15 tháng 8-2014. Ngày Chủ Nhật 15 tháng
Năm, 2014, Công ty Dầu Khí Việt Nam (PetroVietnam) đã gửi thư phản đối CNOOC vì
giàn khoan này đặt trong “lô 143” thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
120 hải lý từ bờ biển Việt Nam, theo luật lệ quốc tế.
Nhưng
luật lệ quốc tế là thứ ngôn ngữ mà các nhà lãnh đạo Bắc Kinh không hiểu. Vì họ
từ chối không muốn hiểu. Trong bức thư PetroVietnam còn nhắc nhở “phương châm
hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam
và Trung Quốc”. Hợp tác “chiến lược và lâu dài” đã được hai đảng Cộng sản đề
cao với “bốn thứ tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt)
và “16 chữ vàng” (láng
giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài,
hướng tới tương lai). Nhưng khi muốn chiếm tài nguyên của nước láng giềng, chính
quyền Trung Quốc đã lờ đi, bất chấp những thứ “vàng” và
“tốt” kia không cần
tính tới nữa, vì họ biết đó thực chất đều là “vàng” mã và “tốt” dỏm, chẳng dùng
được việc gì.
Cục Hải
sự Trung Quốc ra lệnh cấm ngay sau tin tức tuần trước Việt Nam đề nghị
giao thêm hai lô cho Công ty ONGC Videsh (OVL) của Ấn Độ thăm dò dầu khí; chứng
tỏ họ phản ứng rất nhanh. Cũng trong ngày Chủ Nhật 4 tháng Năm 2014, ông Lê Hải
Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức phản đối mạnh mẽ, vì
tất cả các hoạt động của người ngoại quốc trong vòng 120 hải lý cách bờ biển
Việt Nam mà không được cho phép đều là “bất hợp pháp và vô giá trị”. Ngày Thứ
Hai, phát ngôn của bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh (华春莹, Hua Chunying) đã trả lời
rằng, “Các hoạt động trên nằm hoàn toàn trong khu vực biển thuộc Quần đảo Tây
Sa của Trung Quốc” . Tây Sa là tên chính quyền Trung Quốc đặt cho Quần đảo
Hoàng Sa của nước ta, mà quân họ đã chiếm từ năm 1974 trước khi cuộc nội chiến
Việt Nam
chấm dứt. Nghe giống như một cuộc đối thoại giữa những người điếc, chị này
không nghe anh kia nói cái gì.
Thái độ
“không nghe” này cũng diễn ra trong năm 2012, khi chính quyền Việt Nam phản đối
các vụ CNOOC gọi thầu khai thác tại những lô thuộc vùng biển 120 hải lý của
Việt Nam. Ông Vương Nghi Lâm (王宜林, Wang Yilin) Chủ tịch Công ty CNOOC (China
National Offshore Oil Corp., 中国海洋石油公司) làm như không nghe thấy gì
hết; nhưng ông cũng trả lời, lớn tiếng nói rằng các dự án khoan dầu lớn trong
vùng biển sâu là “tài sản lưu động và vũ khí chiến lược của nước tôi”. Đầu năm
nay, chính quyền tỉnh Hải Nam Trung Quốc lại ban lệnh cấm các thuyền đánh cá
nước ngoài không được vào vùng biển của họ nếu không được cho phép, đặc biệt là
vùng biển quanh Quần đảo Hoàng Sa. Cả vùng bị cấm này là nơi các ngư dân nước
ta kiếm sống, từ mấy ngàn năm nay. Việt Nam đã phản đối, nhưng không ai nghe thấy,
hoặc không ai hiểu.Trong cuộc đối thoại giữa hai nước, Trung Quốc luôn luôn làm
bộ điếc từ mấy chục năm qua, không nghe thấy lời than khóc, phản đối, của những
ngư dân Việt Nam bị đánh, cướp, và bắt cóc đòi tiền chuộc.
Chính
quyền Bắc Kinh không những dùng chiến thuật “tai nghễnh ngãng” khi đối thoại
với Việt Nam,
mà còn áp dụng với các nước khác. Năm 2012, họ đã chiếm vùng đá nổi trên biển
Scarborough Shoal của Philippines.
Chính phủ Manila biết không thể chữa cái tai
của Bắc Kinh cho nên đã dùng luật pháp quốc tế. Và họ đã mở rộng vấn đề ra
ngoài cuộc tranh chấp giữa hai quốc gia, để các nước khác trong vùng Đông Nam Á
có thể tham dự. Ngày 30 tháng Ba năm 2014 họ đã chính thức kiện Chính phủ Trung
Quốc trước Tòa Tài phán Liên Hiệp Quốc ở Den Haag (The Hague), Hà Lan. Đơn kiện
này, cùng với hồ sơ dày 4000 trang, yêu cầu Tòa án xác định bản đồ “Đường Chín
Đoạn” của Trung Quốc vẽ trên vùng Biển Đông nước ta là không có giá trị pháp lý
trong khuôn khổ công ước của Liên Hiệp Quốc về vùng độc quyền kinh tế. Cho đến
nay, chính quyền Bắc Kinh vẫn làm như không nghe thấy đơn kiện này, nhưng đánh
tiếng rằng họ sẽ không tham dự các cuộc điều trần, mặc dù phải đóng vai bị cáo.
“Cửu Đoạn
Tuyến” đã được vẽ trong bản đồ năm 1946, thời chính quyền Tưởng Giới Thạch còn
cai trị lục địa; lúc đầu vẽ mười một đoạn. Cộng sản Trung Quốc đã công bố lại
bản đồ cũ, coi tất cả vùng Biển Đông nước ta thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Vì vậy,
họ bị nhiều quốc gia Đông Nam Á phản đối, trong đó có Philippines, Việt Nam,
Brunei và Malaysia, vì vùng Sarawak phía Bắc đảo Borneo thuộc Liên bang
Malaysia. Gần đây, Indonesia
cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc vì tàu chiến của họ xâm phạm hải phận Indonesia, cũng
nằm trong vòng Đường Chín Đoạn.
Đây là
vùng biển quan trọng bậc nhất, vì một nửa số hàng hóa chuyên chở trên biển khắp
thế giới đi qua Biển Đông nước ta. Con đường hàng hải này nối liền các nước Á
Đông với các thị trường ở châu Âu, Trung Đông, và châu Phi. Ngoài ra, dưới đáy
biển còn chứa nhiều dự trữ dầu và hơi đốt. Kinh tế Nhật Bản, Trung Quốc, Nam
Hàn, Đài Loan tùy thuộc việc chuyên chở nguyên liệu, năng lượng, và bán hàng
hóaqua con đường giao thông này.
Cho nên,
việc Philippines
kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế là một biến cố quan trọng. Theo các chuyên
viên luật pháp thế giới thì khi ra trước tòa án, “Cửu Đoạn Tuyến” của Trung
Quốc sẽ bị bác bỏ, nếu tòa thụ lý hồ sơ và xét xử– tòa có thể tuyên bố vấn đề
không thuộc phạm vi trách nhiệm của họ. Các nước Đông Nam Á nằm ven biển có thể
ủng hộ quan điểm của Philippines,
trừ Chính phủ Việt Nam
vẫn muốn đứng ngoài. Nhưng gần đây, Chính phủ Mỹ đã góp một tiếng nói vào cuộc
tranh chấp Đường Chín Đoạn.
Từ trước
đến nay, Chính phủ Mỹ vẫn chủ trương họ không có ý kiến gì về vấn đề chủ quyền;
nước nào làm chủ vùng đảo và biển nào, kể cả mấy đảo Điếu Ngư Đài (Senkaku) mà
Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh giành, Mỹ không theo ai cả, chỉ yêu cầu giải
quyết ôn hòa với nhau. Nhưng tháng trước, Daniel Russell, Thứ trưởng Ngoại giao
Mỹ mới lên tiếng yêu cầu Trung Quốc xác định rõ Đường Chín Đoạn trên bản đồ của
họ có ý nghĩa rõ ràng là thế nào, trong khuôn khổ luật biển quốc tế.
Vì Trung
Quốc chưa bao giờ xác định ý nghĩa đích thực của Đường Chín Đoạn, đối với pháp
luật, thì cần phải nói rõ hơn về quan niệm chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng
biển này. Đó là do Trung Quốc đã làm chủ các quần đảo trong vùng, vì thế nên
làm chủ cả vùng biển chung quanh, vẽ bởi Đường Chín Đoạn? Hay là Trung Quốc
muốn nói họ đã làm chủ vùng biển trong khuôn khổ Đường Chín Đoạn, cho nên cũng
làm chủ các hòn đảo trong đó?
Những
lý
lẽ này quan trọng đối với pháp luật, nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn làm
như
họ không nghe thấy! Điều họ hay dùng nhất là danh xưng Nam Hải, nghĩa là
Biển
phía Nam Trung Quốc, được ghi trong các bản đồ thế giới, viết tiếng Anh
là South China Sea. Danh xưng này đã xuất hiện năm 1953, trong
một tập bản đồ do International Hydrographic Organization ở Monaco ấn
hành.
Nhưng danh từ địa dư này không có nghĩa là Trung Quốc làm chủ cả vùng
biển. Gần
đây chính quyền Obama nước Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc không nên thiết lập
một
Vùng Nhận diện Quốc phòng Hàng không (ADIZ, Air Defense Identification
Zone)
trong vùng Biển Đông Nam Á. Khuyến cáo nàycho ngầm hiểu rằng họ không
công nhận
chủ quyền của Bắc Kinh trong vùng Đường Chín Đoạn.
Tất
cả
những lời yêu cầu đó, giới lãnh đạo Bắc Kinh làm như không nghe thấy.
Trong khi
đó, họ vẫn tiếp tục gây khó khăn cho các nước khác, từ Nhật Bản đến
Philippines, Việt Nam. Họ ngăn cản tàu tiếp tế của Philippines không cho
đến các hòn đảo họ đòi
chiếm; và mang giàn khoan dầu tới hải phậnViệt Nam. Trong cuộc tranh
chấp mấy tảng
đá nổi gọi là Điếu Ngư Đài mà người Nhật Bản gọi là Senkaku, Bắc Kinh
chỉ dám
lớn tiếng mà không dám có hành động nào. Vì mặc dù Nhật Bản chính thức
không có
quân đội mà chỉ có 58.000 quân “tự vệ” so với 2.300.000 quân Trung Quốc,
nhưng
nếu có chiến tranh, chưa biết ai đã hơn ai. Vì cuộc chiến sẽ không diễn
ra trên
mặt đất. Hải quân và không quân Nhật hơn hẳn Trung Quốc. Trong số 1.321
máy bay
của không quân Trung Quốc, chỉ có 502 chiếc có khả năng chiến đấu; số
còn lại
là những máy bay Liên Xô chế tạo từ thời 1970. Trong số các tàu ngầm,
chỉ một
nửa được chế tạo trong 20 năm gần đây. Chiếc hàng không mẫu hạm Liêu
Ninh mua
lại là tàu Liên Xô chế tạo từ thập niên 1980, không có khả năng chứa các
máy
bay đường xa, có thể bảo vệ bờ biển chứ không thể đi xa tấn công. Còn
Nhật Bản
thì đã mua những tàu chiến và máy bay tối tân của Mỹ, đang mua thêm
những khu
trục hạm với hỏa tiễn phòng không, tàu ngầm, máy bay không người lái, và
máy bay
F-35 mới nhất của Mỹ.
Trong
khi đang gây sự với Nhật, Bắc Kinh lại gây thêm rắc rối trong vùng biển Đông
Nam Á,hoàn toàn đi ngược lại chủ trương “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu
Bình. Hậu quả là các nước trong vùng Á Đông đã tìm cách liên kết với Mỹ nhiều
hơn để tự bảo vệ. Nhờ thế, Nhật Bản có thêm nhiều bạn, không bị cô lập trong
cuộc tranh chấp với Trung Quốc.
Trong
thời gian tới, các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines
và Việt Nam
sẽ phải trả đòn mỗi khi Trung Quốc gây sự. Giải pháp quang minh chính đại nhất
là đưa tất cả các vấn đề tranh cãi ra tòa án quốc tế, được trọng tài xét xử.
Một giải pháp tốt cho cả vùng là giữ nguyên trạng, ai ở đâu cứ ở đó, vấn đề chủ
quyền giải quyết sau. Trong khi đó, các nước cùng khai thác các tài nguyên
trong vùng biển này, chia nhau theo tình trạng các hòn đảo họ đang cai quản.
Nhưng chính quyền Trung Cộng không chấp nhận giải pháp này, vì họ không thể bỏ
được tham vọng đế quốc, muốn một mình ăn cả! Họ cũng không chịu chấp nhận cách
giải quyết quốc tế, mà chỉ muốn xé lẻ các nước Đông Nam Á để bàn song phương,
dễ bắt nạt hơn. Khi Bắc Kinh không chấp nhận cuộc chơi quang minh chính đại,
thì tất cả các nước khác phải sẵn sàng dùng các thủ đoạn và ngôn ngữ mà người Trung
Hoa có thể hiểu được.
Làm cách
nào cho chính phủ Bắc Kinh chịu nghe và hiểu rằng phải đối thoại với các nước
Đông Nam Á?Chúng ta có thể rút kinh nghiệm của một viên sĩ quan Pháp thời họ
mới chiếm Việt Nam.
Đó là Joseph Galliéni.
Galliéni
chỉ huy cả vùng biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng ở nước ta, từ năm 1892 đến 1896,
khi còn đeo “lon” Đại tá. Trong thời gian đó, có những đoàn “thổ phỉ” bên Tàu
sang cướp bóc dân Việt. Những toán thổ phỉ này phần lớn là lính, thêm nghề ăn
cướp. Có lúc một toán quân Pháp ở Cao Bằng đánh nhau với thổ phỉ, chạy lạc sang
Tàu. Ngày 23 tháng Tám năm 1982, viên chỉ huy đồn Phúc Hòa, gần Cao Bằng, cùng
một toán quân 91 người bị thổ phỉ phục kích, trong đó có 29 lính Lê dương, chỉ
còn một đường thoát là vượt qua biên giới. Họ đến một đồn binh nhà Thanh tên là
“Bo Cup” xin tá túc qua đêm. Viên chỉ huy đồn này tỏ vẻ ngần ngại, sau cũng
chấp nhận cho vào. Mấy phút sau, cửa đồn lại mở. Một toán lính Trung Hoa đồn
trú đã quay trở về. Mặt mũi và tay họ đều dính đầy thuốc súng; hai ba người
tiến đến gặp Trung úy Lê dương trong toán quân Pháp, tỏ vẻ ngạc nhiên tại sao ông
ta vẫn còn sống mà tới đây! Không những thế, họ còn ngỏ lời khen ngợi viên
Trung úy này là đánh nhau rất can đảm!
Galliéni
cũng luôn phải đi tiễu trừ thổ phỉ. Một hôm, ông ta sang bên kia biên giới, gặp
viên tướng nhà Thanh, yêu cầu ngăn cấm không cho lính sang “An Nam” ăn cướp.
Viên tướng Tàu này, trong sách gọi là Thống chế Sou, đáp: “Tôi rất ân hận, tôi
xin ông tha lỗi. Nhưng lính của tôi chúng nó vô kỷ luật, không thể nào ngăn cấm
được! Nếu ông bắt được đứa nào, tôi xin ông, cứ việc bắn. Bắn, không cần đem ra
xử làm gì!”.
Tất nhiên,
khó bắt được thổ phỉ, mà lúc đó nếu có bắt được kẻ nào thì cũng bắn thôi.
Galliéni đành chịu, nhưng sau một thời gian ngắn, ông ta đã đổi cách đối thoại
với người Trung Hoa. Galliéni đưa một toán quân Lê dương lên đồn trú ở sát biên
giới. Lê dương là đội lính tình nguyện ngoại quốc trong quân đội Pháp, đủ các
thứ quốc tịch, đông nhất là người Đức. Họ được phép lâu lâu lại sang cướp phá
mấy làng bên kia biên giới. Cho đến một ngày viên tướng nhà Thanh phải sang
than phiền với Galliéni. Ông Đại tá Pháp bèn trả lời: “Tôi rất ân hận, tôi xin
ông tha lỗi. Nhưng lính của tôi toàn người ngoại quốc, chúng nó vô kỷ luật, không
thể nào ngăn cấm được! Nếu ông bắt được đứa nào, tôi xin ông, cứ việc bắn. Bắn,
không cần đem ra xử làm gì!”. Viên tướng Tàu khen ngợi Galliéni: Ông đáng lẽ
phải là người Tàu mới phải!
Joseph
Galliéni đã dùng một thứ ngôn ngữ mà người Trung Hoa có thể hiểu được, vì không
thể giả bộ lãng tai được nữa.
Không
biết Nhà cầm quyềnViệt Nam hiện nay liệu có học được cách đối thoại của ông Đại
tá người Pháp cuối thế kỷ XIX để nói chuyện với người “bạn vàng” bài bây điếc
đặc của mình, nhằm giải quyết một cách hiệu quả hơn những vụ việc “lấn tới” trắng
trợn của họ trên vùng biển Việt Nam ngày một leo thang từ mấy năm nay hay không?
(Câu
chuyện thứ nhất kể theo cuốn Operations militaires au Tonkin, của
Emmanuel Chabrol, Thiếu tá quân đội Pháp, nhà xuất bản Charles Lavauzellein năm
1896 tại Paris, Pháp. Chuyện Galliéni kể theo sách Extrême Orient của
Claude Farrère, Flammarion in năm 1934 tại Paris. Cả hai chuyện được ghi lại trong cuốn
Lịch sử Binh đoàn Lê dương (The French Foreign Legion), của Douglas
Porch, Harper Perennial xuất bản năm 1991 tại New York, Mỹ, trang 243).
N.N.D.
Tác
giả gửi BVN.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét