Hai cuộc chiến tranh thế giới, thứ
nhất và thứ hai, gây nhiều tang tóc trong lịch sử loài người nhưng cũng
để lại nhiều bài học: (1) Dù đứng trên quan điểm nào, các nhà chiến lược
quân sự đều đồng ý rằng, nếu chiến tranh là chọn lựa duy nhất để bảo vệ
sự sống còn của đất nước, yếu tố quyết định mà một nhà lãnh đạo phải
làm là chủ động chọn thời điểm để phát động chiến tranh. (2) Chiến tranh
xảy ra càng sớm càng có lợi cho các nước nhỏ vì đối với các nước nhỏ,
nhanh hay chậm, trước hay sau cũng không giúp họ nhiều về kỹ thuật chiến
tranh trong khi với các nước lớn một năm là thời gian dài để tăng cường
khả năng quân sự. (3) Không phải chỉ nước lớn mới có quyền chọn lựa
chiến tranh mà một nước nhỏ cũng có thể gây ra chiến tranh và lôi kéo
các nước lớn vì quyền lợi hay vì bảo vệ quyền lợi phải tham dự vào cuộc
chơi sinh tử.
Chiến tranh và quyền lợi quốc gia
Chiến tranh và quyền lợi quốc gia
Thủ tướng Anh Lord Palmerston thời Nữ Hoàng Victoria phát biểu: “Nước Anh không có đồng minh bất diệt, kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là bất diệt và vĩnh viễn”. Câu nói đó trở thành thước đo cho chính sách đối ngoại của mọi quốc gia.
Kinh nghiệm thành công của Mỹ khi tham gia thế chiến thứ nhất:
Suốt ba năm đầu của thế chiến thứ nhất, chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn
còn bị chế ngự bởi tư tưởng cô lập kéo dài từ thời Tổng thống George
Washington đến Woodrow Wilson.
Tháng Giêng 1917, Ngoại trưởng Đức Arthur Zimmermann gởi đại sứ Đức tại
Mexico Heinrich von Eckhard qua ngã tòa đại sứ Đức tại Mỹ một bức điện
tín, trong đó y chỉ thị Heinrich von Eckhard tiếp xúc chính phủ Mexico
và yêu cầu quốc gia này tấn công Mỹ, và sau chiến tranh, các tiểu bang
vốn thuộc của Mexico trước đây gồm Texas, New Mexico và Arizona sẽ được
hoàn trả lại Mexico kèm theo một khoản tiền viện trợ lớn. Tổng thống
Mexico Venustiano Carranza tức khắc thành lập một ủy ban để nghiên cứu
nội dung và khả năng thu hồi các lãnh thổ bị mất trong chiến tranh
Mỹ-Mexico như được hứa trong điện tín. Bức điện tín bị tình báo Anh đọc
được, giải mã và gởi cho chính phủ Mỹ. Dân chúng Mỹ công phẫn và chính
sách đối ngoại của Mỹ thay đổi. Ngày 6 tháng 4, 1917 Mỹ tuyên chiến với
Đức.
Kinh nghiệm thất bại của Tiệp, Anh, Pháp khi tránh né thế chiến thứ hai:
Các sử gia đã, đang và sẽ tiếp tục tranh luận về quyết định của Tổng
thống Tiệp Khắc Edvard Benes khi chấp nhận các điều khoản của hiệp ước
Munich dù không được mời tham dự hội nghị. Nếu Tiệp Khắc đánh nhau với
Đức thì Anh, Pháp, Ba Lan, Hungary, Rumani vì quyền lợi và an ninh quốc
gia bị trực tiếp đe dọa cũng phải tham gia chiến đấu bên cạnh Tiệp. Đừng
quên, hiệp ước bí mật giữa Hitler và Stalin chỉ được ký một tuần trước
ngày Đức xâm lăng Ba Lan và trong thời gian hiệp ước Munich gần một năm
trước đó, Liên Xô vẫn còn là đồng minh của Tiệp Khắc.
Trong thời điểm hiệp ước Munich, không tính 900 ngàn quân và 200 ngàn
quân Anh, vào tuần lễ thứ ba của tháng Chín, 1938, Tiệp Khắc có một quân
đội tiên tiến với một triệu quân bao gồm 34 sư đoàn trang bị tối tân.
Tiệp có khoảng 1000 phi cơ chiến đấu đủ loại. Về tăng, Tiệp có nhiều
trăm tăng hạng nặng 38 tấn trang bị đại bác 75 li với hiệu năng chiến
đấu vượt xa so với tăng của Đức. Khi chiếm Tiệp vào tháng Ba 1939, Đức
tịch thu 469 tăng hạng nặng, 1500 phi cơ chiến đấu, 43,500 súng máy và
trên một triệu súng trường. Cho đến đầu năm 1939, Đức mới bắt đầu sản
xuất loại tăng Mark IV 23 tấn trang bị 75 mm và đến tháng 9, 1939, các
đơn vị tăng của Đức mới chỉ có 300 tăng loại Mark III và Mark IV. Tiệp
Khắc là quốc gia đã chuẩn bị cho chiến tranh. Từ tháng Ba 1938, Thủ
tướng Tiệp Milan Hodza tuyên bố Tiệp sẽ đánh trả mọi sự can thiệp quân
sự từ nước ngoài. Năm 1936, 12.5% GNP dành cho quốc phòng so với 13% của
Đức. Ngoài ra, các vùng núi non hiểm trở Bavarian, Saxon và Silesian
dọc biên giới luôn là các phòng tuyến hữu hiệu ngăn chận bước tiến của
đoàn quân Hitler. Sử gia Tiệp Jaroslav Hrbek kết luận “Việc Tiệp Khắc không đánh Đức ngay cả trong trường hợp đồng minh tây phương không ủng hộ, là một sai lầm”.
Tuy kết quả khác nhau, việc Mỹ tham gia thế chiến thứ nhất hay Anh, Pháp
tránh né thế chiến thứ hai đều bị chi phối bởi quyền lợi bức thiết của
quốc gia họ.
Trung Cộng không dám đơn phương phát động chiến tranh đánh Việt Nam trước cũng vì bảo vệ quyền lợi và quyền lực
Các lãnh đạo Trung Cộng từ những bài học chiến tranh thế giới nêu trên
và những thất bại máu xương trong lịch sử Trung Quốc của thời bị tám
nước phân thây sẽ không dám đơn phương phát động chiến tranh xâm lược
Việt Nam với một tầm mức quy mô như chúng đã làm vào ngày 17 tháng 2 năm
1979.
Tại sao?
Những lý do người viết đã trình bày trong loạt bài về hiểm họa Trung Cộng xin tóm tắt dưới đây:
1. Hoàn cảnh chính trị Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung đã khác hẳn so với 35 năm trước.
Chiến tranh giữa Trung Cộng và Việt Nam không còn là chiến tranh giữa
hai nước mà là cuộc chiến tranh vùng và có khả năng cao lôi kéo cả Mỹ và
Nhật vào. Kỹ thuật quân sự của Trung Cộng đã tiến khá xa so với thời kỳ
chiến tranh với Việt Nam 1979 nhưng còn quá yếu so với Mỹ. Trung Quốc
là một đất nước có lịch sử phân hóa và nội phản từ trong xương tủy. Là
một nước lớn nhưng Trung Quốc thường không đủ khả năng bảo vệ chính
mình. Đừng nói chi thời cuối đời nhà Thanh bị 8 nước Mỹ và Âu Châu cấu
xé mà ngay thời nhà Tống vàng son của Trung Quốc cuối cùng rơi vào tay
Mông Cổ, một nước rất nhỏ trên thảo nguyên phía Bắc. Và một lần nữa vào
thế kỷ 17, khi nhà Minh, một triều đại rất mạnh về quân sự nhưng cũng
không tránh bị tiêu diệt trong bàn tay của Mãn Thanh nhỏ bé.
2. Các điều kiện kinh tế toàn cầu ngày nay đã làm cho các cường quốc phụ thuộc vào nhau nhiều hơn so với 35 năm trước.
Nếu có xung đột quân sự, các quốc gia dân chủ dù thắng hay bại vẫn có
cơ hội phục hồi nhưng Trung Cộng sẽ tiêu vong. Hơn ai hết, giới lãnh đạo
Trung Cộng biết chế độ CS như người đi trên dây, ngồi trên lưỡi dao
cạo. Sự ổn định tại Trung Cộng hiện nay chỉ là sự ổn định tạm thời vì cơ
chế chính trị được xây dựng trên một nền tảng bất ổn. Trong suốt 45 năm
từ khi chương trình hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình ra đời, các thế hệ
lãnh đạo Trung Cộng tập trung vào việc phát triển kinh tế để vừa thỏa
mãn nhu cầu vật chất của người dân và vừa hợp thức hóa vai trò lãnh đạo
của đảng Cộng Sản. Tuy nhiên, hàng hóa của Trung Cộng xuất cảng phần lớn
là hàng hóa tiêu dùng và đây cũng là những loại sản phẩm mà quốc gia
nào cũng có thể sản xuất được. Ngoài ra, các vấn đề môi sinh, ô nhiễm,
khan hiếm năng lượng đang là những mối đe dọa trầm trọng và ảnh hưởng
lớn đến cán cân thương mại cũng như phương tiện nuôi dưỡng cho bộ máy
chiến tranh ở tầm mức thế giới hay khu vực.
3. Trung Cộng một đất nước hơn một tỉ dân, với hàng trăm chủng tộc, sắc dân, giọng nói, các khu tự trị. Nhiều
vùng tự trị chỉ chờ cơ hội để đòi độc lập. Quân đội dù có đông đảo và
tàn bạo bao nhiêu cũng không thể ngăn chận hơn một tỉ người cùng có một
phản ứng tiêu cực giống nhau. Các cuộc biểu tình ở Tân Cương cho thấy
không nhất thiết phải có một tổ chức quy mô nhưng chỉ cần một tin ngắn
được phát ra đúng lúc và đúng chỗ cũng có thể tạo nên một biến cố lớn và
khi đó, bom nguyên tử, hỏa tiễn, chiến hạm đều trở thành vô dụng. Với
sự phân cách về địa lý và dị biệt về chủng tộc, sẽ không có một hình
thức cách mạng nhung, cách mạng da cam, da vàng nào dành cho Trung Cộng
mà chỉ là cách mạng máu. Cách giải quyết dùng xe tăng, đại pháo bắng
thẳng vào những thanh niên tay trắng tại Thiên An Môn của Đặng Tiểu Bình
đối với phần lớn nhân loại là dã man nhưng lại phù hợp với truyền thống
Trung Quốc. Biến cố Thiên An Môn đã qua hơn 25 năm nhưng vẫn là mối ám
ảnh thường xuyên trong giấc ngủ của các lãnh đạo CSTQ bởi vì đảng chỉ
dập tắt ngọn lửa trên quảng trường Thiên An Môn nhưng không dập tắt được
ngọn lửa chống đối trong lòng người luôn âm ỉ.
4. Trung Cộng đang bị bao vây. Hầu hết các quốc gia dân
chủ trong vùng từ Ấn Độ đến Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn, Thái Lan, tuy
mức độ khác nhau nhưng đều là các quốc gia đang có những mâu thuẫn căn
bản với Trung Cộng, không những về quyền lợi kinh tế mà cả chế độ chính
trị. Vì lý do kinh tế, họ có thể hòa hoãn hay ngay cả thân thiện với
Trung Cộng nhưng khi chiến tranh bùng nổ, không một quốc gia nào sẽ chọn
đứng về phía Trung Cộng. Tuy phụ thuộc nhau vào nhau về mặt kinh tế
không có nghĩa là các chính quyền Mỹ không xem Trung Cộng là đối thủ
nguy hiểm trong tương lai gần và không có nghĩa Mỹ ngồi yên để nhìn bàn
tay tham vọng của Trung Cộng vươn xa toàn thế giới. Từ thập niên 1990
đến nay, Trung Cộng luôn chống đối mọi sự liên minh theo dạng “khối quân
sự” ám chỉ sự liên kết giữa Mỹ và các nước Đông Á cũng như sự có mặt
của quân đội Mỹ tại Nhật Bản, Nam Hàn và mới đây tại Trung Á. Để đối phó
lại các liên minh quân sự khối, Trung Cộng cố gắng phát triển mối quan
hệ đa phương với Nga và các quốc gia nhỏ khác vùng Trung Á như
Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan qua Tổ chức Hợp tác
Thượng Hải (SCO), tuy nhiên các liên minh này chưa phải là đối trọng của
các khối thân Mỹ.
5. Chính sách của Trung Cộng đối với CSVN là vừa lấn chiếm, vừa đe dọa nhưng cũng vừa bảo vệ cơ chế CS. Mặc
dù không công khai tuyên bố, giới lãnh đạo CSTQ cũng biết hiện nay chỉ
còn năm quốc gia theo một loại chủ nghĩa mà giáo sư sử học Roderick
Macfarquhar, thuộc đại học Harvard, gọi là chủ nghĩa Lê Nin không có
Mác, tức một nhà nước chuyên chính sắc máu nhưng không còn dựa trên nền
tảng triết lý duy vật. Hai cơ chế chính trị CSTQ và CSVN có một mối quan
hệ hữu cơ mật thiết với các yếu tố tương quan và phụ thuộc vào nhau. Sự
lệ thuộc về chính trị của Việt Nam vào Trung Cộng không chỉ giúp để giữ
an toàn phòng tuyến phía nam mà còn tránh sự sụp đổ dây chuyền trong
trường hợp cách mạng dân chủ tại Việt Nam diễn ra trước. Giới lãnh đạo
CSVN không có vị trí độc lập về chính sách đối ngoại. Mọi chủ trương,
chính sách trước khi đưa ra đều phải đo lường phản ứng từ phía Trung
Cộng.
Chính sách đối ngoại kiểu chuột đồng của Trung Cộng hiện nay
Trung Cộng theo đuổi chính sách đối ngoại như cách loài chuột đồng tàn
phá mùa màng. Chúng tàn phá cả cánh đồng Việt Nam bằng cách gặm nhấm
từng bụi lúa. Như đã và đang áp dụng ngay từ khi chiến tranh Việt Nam
chưa chấm dứt qua các sự kiện dời cột mốc biên giới, Trung Cộng không
đánh chiếm mà chỉ từ từ gặm nhắm dần mòn lãnh thổ và lành hải Việt Nam.
Một mặt chúng lớn tiếng với quốc tế là luôn theo đuổi chính sách “hòa
bình” và “ổn định” nhưng mặt khác lấn chiếm từng thước đất, từng bãi san
hô, từng hòn đảo nhỏ trên biển Đông, đặt những giàn khoan trong thềm
lục địa Việt Nam. Những hành vi ăn cắp vặt này không đủ va chạm quyền
lợi nặng đến mức các cường quốc phải đặt vấn đề và các biến cố do chúng
gây ra không đủ tác hại an ninh khu vực đến mức quốc tế phải quan tâm.
Trung Cộng làm vậy, một phần vì chúng đi guốc trong bụng các lãnh đạo
CSVN. Ngoài các tuyên ngôn, tuyên cáo mang nội dung giống hệt từ sau
chiến tranh biên giới đến nay, lãnh đạo CSVN không có một hành động nào
cụ thể để bảo vệ lãnh thổ Việt Nam. Những lời phản đối rỗng của Lê Hải
Bình không gây một tác hại gì và mũi khoan của HD-981 vẫn tiếp tục ghim
sâu vào lòng biển Việt Nam. Các thế hệ lãnh đạo CSVN che giấu sự phụ
thuộc, sự sợ hãi chiến tranh với Trung Cộng, tham vọng quyền lực và
quyền lợi trong khẩu hiệu “hòa bình và ổn định” mà quên một điều Trung
Cộng ngại chiến tranh hơn bất cứ một quốc gia nào trong vùng.
Đại đa số nhân loại không muốn chiến tranh, nhất là Việt Nam một dân tộc
đã chịu đựng quá nhiều đau thương mất mát vì chiến tranh lại càng không
muốn chiến tranh. Thế nhưng, nếu chiến tranh phải đến lần nữa trên đất
nước Việt Nam hãy đến càng sớm càng tốt, hãy đến khi Trung Cộng còn yếu,
hãy đến khi quyền lợi các cường quốc bị va chạm và buộc phải tham gia
can thiệp. Trung Cộng không có gì đáng sợ mà chỉ sợ lòng yêu nước trong
mỗi người Việt Nam chưa đủ độ sục sôi.
Trần Trung Đạo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét