Ads 468x60px

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Thủ tục nghi thức ngoại giao và sự kèn cựa giữa Nhật Bản và Hàn Quốc

TT Phát Cận Huệ - TT Obama - ThT Abe
Ngô Quảng
Chiều ngày 23/4/2014, chiếc máy bay Air Force One đáp xuống phi trường Haneda (Tokyo) mở đầu cho chuyến công du 4 nước Á châu của Tổng thống Hoa Kỳ.  Đây là lần đầu tiên ông Obama viếng thăm Nhật với tư cách và theo thủ tục nghi thức (protocol) Quốc Khách. Chuyến viếng thăm này đã được ông Thủ tướng Abe chính thức mời vào tháng 2/2013. Khi biết Tổng thống Obama nhận lời mời của ông Abe, nữ Tổng thống Hàn quốc cũng lên tiếng mời ông Obama sang thăm Hàn quốc với tư cách Quốc Khách. Lời mời này đã khiến cho ông Obama khó xử vì thủ tục ngoại giao bình thường của một quốc khách khi đến thăm một quốc gia nào phải ở lại đó tối thiểu  2 đêm 2 ngày. Hiện nay, với các biến động trên thế giới có liên hệ tới Hoa Kỳ, Tổng thống Obama không thể dành quá nhiều thời giờ cho chuyến công du này, vì sau Nhật Bản, Hàn Quốc, còn phải thăm viếng Malaysia và Philippines.
Theo báo giới Nhật thì Nhà Trắng đã bàn đến việc có thể rút ngắn thời gian Tổng thống Obama ở Nhật còn 1 đêm 2 ngày và sau đó sang thăm Hàn quốc với lịch trình tương tự. Khi Seoul (Hán Thành) nghe được tin này, báo giới Hàn Quốc đã hỉ hả cho đây là một "chiến thắng ngoại giao" của Hàn đối với Nhật. Họ lý luận rằng: nếu so số lượng mậu dịch Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn hiện nay thì không có lý gì Mỹ lại trọng Nhật hơn Hàn được. .
Nhật Bản tuy không hài lòng với lịch trình 1 đêm 2 ngày khi đón tiếp một quốc khách như Tổng thống Obama, nhưng không lên tiếng gì cả vì cho rằng đó chưa phải là quyết định chính thức. Tuy nhiên, họ cũng chuẩn bị công luận trước bằng luận điểm như thế cũng tốt cho ngân sách quốc gia. Thông thường mỗi năm Nhật Bản chỉ tổ chức một hoặc hai cuộc đón tiếp ở hạng mục Quốc Khách vì mỗi lần đón tiếp như thế phải xuất ngân sách quốc gia chừng 27 triệu yen. Theo thời biểu ngoại giao bình thường của chính phủ Nhật thì họ chỉ đón tiếp nguyên thủ của một nước khác đến viếng thăm Nhật với tư cách Quốc Khách khoảng 10 năm một lần. Năm 2009, Tổng thống Obama có đến Nhật, nhưng lần đó đến vì công vụ và không được đón tiếp như quốc khách. Nếu tính theo thời gian thì đã 18 năm kể từ ngày Nhật đón tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton với tư cách Quốc Khách.
Tháng trước, chính phủ Nhật Bản thở phào nhẹ nhõm khi Nhà Trắng chính thức thông báo lịch trình viếng thăm Nhật của Tổng thống Obama là 2 đêm 3 ngày; sau đó ông Obama sang thăm Hàn quốc 1 đêm 1 ngày. Vừa nghe thời biểu chính thức này, giới truyền thông Hàn quốc xoay qua chỉ trích chính quyền Phát Cận Huệ và xem đây là một "thất bại ngoại giao" của Hàn quốc. Nhiều tờ báo còn viết rằng: "nói 1 đêm 1 ngày cho oai chứ thật ra ông Obama chỉ có mặt tại Hàn quốc 24 tiếng đồng hồ mà thôi". Một số bình luận gia và học giả Hàn quốc đề nghị công luận nên xem trọng việc làm sao thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa 2 quốc gia, chứ không nên kèn cựa thời gian viếng thăm một cách "quá ấu trĩ".
Một vài chi tiết về thủ tục nghi thức cũng được đem ra mổ xẻ. Bình thường các Quốc Khách của Nhật sẽ nghỉ đêm tại nhà khách quốc gia, tiếng Nhật gọi là Geihin kan. Nhưng lần này Tổng thống Obama chọn nơi ở là khách sạn Okura, bên cạnh tòa đại sứ Hoa Kỳ. Ông cũng không đưa theo đệ nhất phu nhân Michelle Obama. Truyền thông Nhật đặt câu hỏi này với Bộ trưởng Phủ Thủ tướng kiêm phát ngôn viên Chính phủ Nhật thì được trả lời rằng: "Chúng tôi đã dành Geihin kan để đón tiếp, nhưng Tổng thống Obama muốn ở khách sạn là quyền của Tổng thống. Trước đây cũng có nhiều Quốc Khách không ở tại nhà Khách Quốc Gia. Đây không phải là trường hợp đầu tiên".
Theo các nhà ngoại giao phương Tây ở Tokyo và Seoul thì có lẽ ông Obama muốn Nhật Bản đón tiếp ông thật đơn giản để truyền thông Hàn quốc khỏi so bì. Ông không muốn công luận Nam Hàn bị ảnh hưởng và tạo thêm khó khăn cho chính phủ của nữ Tổng thống Phát Cận Huệ. Có lẽ cũng chính vì lý do đó mà Tổng thống Obama và Thủ tướng Abe đã đi ăn tối tại tiệm suchi nổi tiếng Sukiyabashi Jiro ở Ginza thay vì bữa tiệc khoản đải chính thức tại một dinh thự cấp quốc gia như phủ thủ tướng.
Về phản ứng của các nước chung quanh. Bắc Triều Tiên lên án chuyến đi của ông Obama sang 4 nước Á châu lần này là "phản động" vì nó làm căng thẳng thêm tình hình quân sự trong vùng.
Còn Bắc Kinh khá cay cú về chủ đích không cần che đậy của Nhà Trắng về chuyến đi là để "be bờ" sự lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Nhật Bản và Biển Đông. Bắc Kinh đặc biệt chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Obama về đảo Senkaku (Điếu Ngư). Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ trực tiếp nói đến việc bảo vệ quần đảo Senkaku theo Hiệp ước Bảo an Mỹ-Nhật. Giới lãnh đạo Trung Quốc giận dữ đến độ triệu tập 2 đại sứ Mỹ, Nhật ở Bắc Kinh đến kháng nghị, nhưng cả hai vị đại sứ sau khi trình bày về lập trường của quốc gia mình đã không chấp nhận sự kháng nghị đó. Khi không thể làm gì hơn, Tổng Bí Thư Tập Cận Bình tuyên bố hăm dọa sẽ liên kết với Nga để chống lại liên minh Mỹ-Nhật.
Riêng đối với Việt Nam, Tổng thống Obama và Nhà Trắng đã bỏ hẳn ra ngoài chuyến công du Á Châu lần này mặc dù Việt Nam trước đây được kể là một trong những cột trụ trọng yếu trong chiến lược ngăn chận Trung Quốc. Theo giới phân tích thì lý do dài hạn là vì Nhà Trắng nhận ra giới lãnh đạo Hà Nội đã bị Bắc Kinh lũng đoạn quá nhiều, và lý do ngắn hạn là vì Tổng thống Obama sẽ không thể biện minh được với Quốc Hội khi mà nhà cầm quyền Việt Nam đang gia tăng đàn áp các nhà dân chủ và tiếp tục vi phạm nhân quyền trầm trọng. Hiện nay, những tiếng nói đặt vấn đề nhân quyền Việt Nam tại Quốc Hội bao gồm cả các dân biểu thuộc cùng đảng Dân Chủ với ông, như các Dân biểu Loretta Sanchez, Zoe Lofgren, Alan Lowenthal. Đó là chưa kể các dân biểu nặng ký thuộc đảng đối lập như Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Tiểu ban Ngoại giao Hạ viện.
Ngô Quảng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét