Ads 468x60px

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Thăng Long tứ trấn

Bản đồ Cấm Thành Thăng Long
Phùng Thành Chủng
Về cụm từ “Thăng Long tứ trấn” hiện vẫn tồn tại hai cách hiểu:
I. Đó là bốn ngôi đền thiêng trấn giữ bốn mặt kinh thành Thăng Long (theo tín ngưỡng dân gian) gồm:
1. Đền Trấn Vũ ở phía Bắc.
2. Đền Kim Liên ở phía Nam.
3. Đền Bạch Mã ở phía Đông .
4. Đền Voi Phục ở phía Tây.
II. Đó là bốn kinh trấn hay còn gọi là nội trấn (ngoài ra là các phiên trấn) bao quanh kinh thành Thăng Long, có nhiệm vụ che chắn, bảo vệ kinh thành ngay từ vòng ngoài khi kinh thành trực tiếp bị đe doạ. Ngoài ra, vì ở gần kinh thành nên bốn kinh trấn còn là những lực lượng có nhiệm vụ “cứu giá” và dẹp yên nội loạn khi kinh thành có biến. Đó là các trấn:
 1) Kinh Bắc.
 2) Sơn Nam.
 3) Hải Dương.
 4) Sơn Tây.
Vậy cách hiểu nào là đúng, cách hiểu nào là sai? Để tìm lời đáp cho câu hỏi này, trước hết chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về bốn ngôi đền và bốn kinh trấn được nói trên.
I. Tứ trấn (4 ngôi đền):
 Đền Trấn Vũ (thường gọi là đền Quán Thánh)
1. Đền Trấn Vũ (thường gọi là đền Quán Thánh): Nằm ở đường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Thờ Trấn Thiên Chân Vũ đại đế, người đã có công giúp An Dương Vương (257 – 179 TCN) trừ yêu tà khi xây thành Cổ Loa. Năm 1010, cùng với việc dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, Lý Thái Tổ đã cho rước bài vị của thần từ Cổ Loa về thờ ở đây. Vì đền ở phía Bắc kinh thành nên còn gọi là trấn Bắc hay trấn Khảm (Khảm, theo bát quái thuộc phương Bắc).
Cổng Đền Kim Liên
2. Đền Kim Liên: Xưa thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương; nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thờ Cao Sơn đại vương, tương truyền là một trong số 50 người con trai đã theo mẹ Âu Cơ lên rừng, sau khi Âu Cơ chia tay với Lạc Long Quân. Lúc đầu đền chỉ được xây dựng đơn giản bằng tranh tre, nứa lá, nhưng sau đó nhờ có công âm phù giúp vua Lê Tương Dực (1509 – 1516) từ Thanh Hoá kéo ra kinh thành Thăng Long dẹp yên nội loạn, nên đền đã được trùng tu lớn vào năm 1509 (bài văn bia do Lê Tung soạn, hiện vẫn còn ở đây, có nói về việc này). Vì đền ở phía Nam kinh thành, nên còn gọi là trấn Nam hay trấn Ly (Ly, theo bát quái thuộc phương Nam).
Đền Bạch Mã
3. Đền Bạch Mã: Xưa thuộc phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, nay đền ở số 3 phố Hàng Buồm, thành phố Hà Nội. Thờ thần Long Đỗ, hiệu là Quảng Lợi Bạch Mã đại vương. Tương truyền, đời Đường Ý Tông (860 – 874), Cao Biền đắp thành Đại La. Một hôm, Biền dạo xem phía ngoài cửa Đông thành, bỗng thấy một dị nhân cưỡi rồng đỏ, tay cầm giản vàng, có mây ngũ sắc bao quanh, bay lên lượn xuống trên mặt thành. Vốn giỏi thuật phong thuỷ, Biền liền lập đàn, đồng thời cho lấy nghìn cân sắt đúc tượng phỏng theo hình dạng thần và dùng “kim đồng thiết phù” để yểm, nhưng bị thần phá được. Người đời nhân đó liền lập đền thờ để cầu thần phù hộ. Về sau, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, cho tu sửa thành Đại La, nhưng công việc trầy trật mãi không xong! Vua thân đến đền cầu đảo thì thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, phi một vòng quanh thành, đánh dấu những chỗ cần phải xây. Nhờ đó thành xây xong. Vua liền sắc phong cho thần là Quốc Đô Thành Hoàng đại vương, hiệu là Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần. Vì đền ở phía Đông kinh thành, nên còn gọi là trấn Đông hay trấn Chấn (Chấn, theo bát quái thuộc phương Đông).
Đền Voi Phục
4. Đền Voi Phục (đúng ra là đền Thủ Lệ): Xưa thuộc trại Thủ Lệ, phường Thi Trai, huyện Vĩnh Thuận; nay nằm cạnh vườn thú Thủ Lệ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Thờ hoàng tử Linh Lang, con của vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) và bà phi thứ 9 Dương Thị Quang, nhưng tương truyền vốn là con của Long Quân, tên gọi là Hoàng Châu thác sinh. Là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống và đã hi sinh trên phòng tuyến sông Cầu vào năm 1076. Sau khi mất, được người dân Thủ Lệ lập đền thờ và được nhà vua sắc phong là Linh Lang đại vương thượng đẳng phúc thần. Thần đã nhiều lần âm phù giúp nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông và nhà Lê trong cuộc Trung hưng. Vì trước cửa đền có đắp hai con voi quỳ, nên quen gọi là đền Voi Phục và vì đền ở về phía tây kinh thành, nên còn gọi là trấn Tây hoặc trấn Đoài (Đoài, theo bát quái thuộc phương Tây).
II. Tứ trấn (4 kinh trấn hay nội trấn):
Năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ cả nước, gồm 13 xứ thừa tuyên (sau đổi là trấn). Đến đây mới xuất hiện tên gọi các trấn như: Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương, Sơn Tây. Theo đó:
 
Đền Quán Thánh, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, 
trấn phía Bắc kinh thành Thăng Long. (Ảnh tư liệu: Internet)
1. Trấn Kinh Bắc gồm 4 phủ (20 huyện) bao gồm các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Phúc Yên sau này. Cụ thể, đó là các huyện: Đông Ngàn, Yên Phong, Tiên Du, Võ Giàng, Quế Dương (5 huyện - thuộc phủ Từ Sơn); Gia Lâm, Siêu Loại, Văn Giang, Gia Định, Lang Tài (5 huyện - thuộc phủ Thuận An); Kim Hoa, Hiệp Hoà, Yên Việt, Tân Phúc (4 huyện - thuộc phủ Bắc Hà), và cuối cùng là: Phượng Nhãn, Hữu Lũng, Yên Dũng, Bảo Lộc, Yên Thế, Lục Ngạn (6 huyện - thuộc phủ Lạng Giang). Vì trấn lỵ ở Đáp Cầu, huyện Võ Giàng (phía Bắc kinh thành), nên Kinh Bắc cũng được gọi là trấn Bắc hay trấn Khảm.
Đền Kim Liên - Nam trấn Thăng Long
2. Trấn Sơn Nam gồm 11 phủ (42 huyện), tương đương với các tỉnh: Hà Đông, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Hưng Yên sau này. Cụ thể, đó là các huyện: Thanh Đàm, Thượng Phúc, Phú Xuyên (3 huyện - thuộc phủ Thường Tín); Thanh Oai, Chương Đức, Sơn Minh, Hoài An (4 huyện - thuộc phủ Ứng Thiên); Nam Xang, Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Bình Lục (5 huyện - thuộc phủ Lý Nhân); Đông An, Kim Động, Tiên Lữ, Thiên Thi, Phù Dung (5 huyện - thuộc phủ Khoái Châu); Nam Chân, Giao Thuỷ, Mỹ Lộc, Thượng Nguyên (4 huyện - thuộc phủ Thiên Trường); Đại An, Vọng Doanh, Thiên Bản, Ý Yên (4 huyện - thuộc phủ Nghĩa Hưng); Thuỵ Anh, Phụ Dực, Quỳnh Côi, Đông Quan (4 huyện - thuộc phủ Thái Bình); Ngự Thiên, Duyên Hà, Thần Khê, Thanh Lan (4 huyện - thuộc phủ Tân Hưng); Thư Trì, Vũ Tiên, Chân Định (3 huyện - thuộc phủ Kiến Xương); Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khang (3 huyện thuộc phủ Trường An); và cuối cùng là: Phụng Hoá, An Hoá, Lạc Thổ (3 huyện - thuộc phủ Thiên Quan). Vì trấn lị ở phía Nam kinh thành, nên Sơn Nam cũng được gọi là trấn Nam hay trấn Ly.
Đền Bạch Mã "Chấn Đông Chính Từ" phố Hàng Buồm
3) Trấn Hải Dương gồm 4 phủ (18 huyện), bao gồm các tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng và Kiến An sau này. Cụ thể, đó là các huyện: Đường Hào, Đường An, Cẩm Giàng (3 huyện - thuộc phủ Thượng Hồng); Gia Phúc, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Vĩnh Lại (4 huyện - thuộc phủ Hạ Hồng); Thanh Hà, Thanh Lâm, Tiên Minh, Chí Linh ( 4 huyện - thuộc phủ Nam Sách); và cuối cùng là: Giáp Sơn, Đông Triều, An Lão, Nghi Dương, Kim Thành, Thuỷ Đường, An Dương (7 huyện - thuộc phủ Kinh Môn). Vì trấn lị ở phía Đông kinh thành, nên Hải Dương cũng được gọi là trấn Đông hay trấn Chấn.
Đền Voi Phục là một trong "Thăng Long tứ trấn
4) Trấn Sơn Tây gồm 6 phủ (24 huyện), tương đương với các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Yên, và Sơn Tây sau này. Cụ thể, đó là các huyện: Từ Liêm, Phúc Lộc, Yên Sơn, Thạch Thất, Đan Phượng (5 huyện - thuộc phủ Quốc Oai); An Lãng, An Lạc, Bạch Hạc, Tiên Phong, Lập Thạch, Phù Khang (6 huyện - thuộc phủ Tam Đái); Sơn Vi, Thanh Ba, Hoa Khê, Hạ Hoà (4 huyện - thuộc phủ Lâm Thao); Đông Lan, Tây Lan, Sơn Dương, Đương Đạo, Tam Dương (5 huyện - thuộc phủ Đoan Hùng); Tam Nông, Bất Bạt (2 huyện - thuộc phủ Đà Dương); và cuối cùng là: Mỹ Lương, Minh Nghĩa (2 huyện - thuộc phủ Quảng Oai). Vì trấn lị ở phía Tây kinh thành, nên Sơn Tây cũng được gọi là trấn Tây hay trấn Đoài.
Đến đây chúng ta có thể thấy cho đến trước năm 1490, các trấn Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương và Sơn Tây chưa được biết đến như một đơn vị hành chính (mà cụ thể ở đây là đơn vị “trấn” trong trường hợp đang xét). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cho đến trước năm 1490, nội hàm của cụm từ “Thăng Long tứ trấn” chỉ là để chỉ bốn ngôi đền: Trấn Vũ, Kim Liên, Bạch Mã và Voi Phục; còn “tứ trấn” với nghĩa là bốn kinh trấn: Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương và Sơn Tây là nghĩa phái sinh sau năm 1490. Như vậy, vấn đề cách hiểu nào đúng, cách hiểu nào sai (được đặt ra ở đầu bài viết) lại được đặt ra với chính từ “trấn” (Nghĩa gốc và nghĩa phái sinh). Trong từng trường hợp cụ thể, nếu “trấn” (trong cụm từ “Thăng Long tứ trấn”) được hiểu theo nghĩa gốc thì đó là bốn ngôi đền, còn nếu được hiểu theo nghĩa phái sinh thì đó là bốn kinh trấn./.
Phùng Thành Chủng
***************************************************************************
Tài liệu tham khảo:
- Việt sử thông giám cương mục (Quốc Sử Quán triều Nguyễn – NXB Văn Sử Địa – Hà Nội 1957, 1958, 1959).
- Đại Nam nhất thống chí (Quốc Sử Quán triều Nguyễn – NXB Khoa học xã hội – Hà Nội, 1971).
- Từ điển địa danh lịch sử văn hoá Việt Nam (Nguyễn Văn Tân – NXB Văn hoá thông tin – Hà Nội, 1998).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét