Ads 468x60px

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Ðến bao giờ mới có cầu treo Sơn Tiến?

Người dân bản Sơn Tiến “nín thở” qua cầu từng bước
chông chênh. (Hình: Tuổi Trẻ)
Mỗi năm có khoảng chục trường hợp rơi xuống sông phải nhập viện; học sinh tới trường phải có người lớn đi kèm... khi qua sông Dinh bằng cầu tạm tại bản Sơn Tiến.
Theo Tuổi Trẻ, đã hơn chục năm nay, người dân ở bản Sơn Tiến, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An phải tự tay dựng chiếc cầu tạm bằng tre để qua sông Dinh. Chiếc cầu này cũng chính là cầu nối giúp các học sinh nơi đây được đến trường hàng ngày...
Cây cầu tạm này được người dân “thiết kế” và dựng lên bằng những cây gỗ nhỏ cùng với tre và nứa, có tổng kinh phí không quá 20 triệu đồng.
“Trụ cầu” là những cây gỗ nhỏ và tre đặc có đường kính khoảng 10cm, bắt chéo nhau chằng chịt, và được buộc lại bằng những sợi dây rừng nhỏ xíu. Mặt cầu được lót bằng những thanh tre mỏng đan vào nhau.”
Nguy hiểm hơn, chiếc cầu tạm này hoàn toàn không có thành cầu, khiến người dân mỗi khi qua cầu phải nín thở từng bước chông chênh.
Bà Nguyễn Thị Tâm, một người dân nơi đây chia sẻ: “Dù đã 40 năm đi qua lại cầu, nhưng lần nào qua đây cũng rùng mình vì lo lắng. Sông Dinh thường ngày rất hiền hòa, nhưng mỗi khi lũ về thì vô cùng hung dữ, nó cuốn phăng đi tất cả. Mỗi khi mùa mưa lũ tới quét trôi cầu, người dân chỉ còn nước đứng nhìn, chờ nước rút mới ‘hò’ nhau người góp cây, góp tre, góp công để tái tạo lại cầu.”
Tan học cũng là gần cuối chiều, từng đoàn học sinh đi qua cầu tạm vội vã trở về nhà. Mỗi khi thấy trời sập xuống hay mưa to, không ai bảo ai lặng lẽ dắt xe đạp đi qua cầu thật nhanh.
“Nhiều hôm sáng đi học qua cầu, chiều về cầu bị nước cuốn trôi mất. Bố mẹ đứng bên kia, bọn em đứng bên này nhìn nhau rồi ai nấy đi tìm nhà bạn hoặc nhà anh em để ở tạm, chờ khi mọi người sửa xong cầu hoặc nước rút mới về nhà,” em Trương Thị Ngọc lo lắng nói.
Hiện nay, để được đến trường, 22 trẻ mầm non, 25 học sinh tiểu học và 15 học sinh cấp 2 đều buộc phải có người thân đưa đón và giám sát, bởi ai cũng thon thót lo sợ con em mình ngã xuống sông lúc nào không hay.
Ông Nguyễn Văn Trung, chủ tịch xã Thọ Hợp trăn trở: “Biết là nguy hiểm tính mạng của người dân, nhưng chính quyền cũng ‘bó tay’ vì không có kinh phí để làm chiếc cầu chắc chắn hơn. Dù chưa có tai nạn chết người xảy ra, nhưng mỗi năm có khoảng 10 trường hợp rơi xuống sông phải nhập viện, học sinh tới trường thì phải có người lớn đi kèm...”
Nói với báo Tuổi Trẻ, ông Bùi Thanh An, chủ tịch huyện Quỳ Hợp cho biết: “Ðầu năm 2014, Bộ Giao Thông Vận Tải đã phê duyệt cho xây dựng một chiếc cầu treo tại xóm Sơn Tiến với kinh phí 13 tỷ đồng để phục vụ bà con. Tuy nhiên, cho tới bây giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì.”
Huyện Quỳ Hợp là huyện miền núi có nhiều sông núi và có hiện tượng lũ ống, lũ quét xảy ra nên việc người dân đi qua cầu để sang trung tâm luôn rình rập những mối nguy. (Tr.N)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét