Minh Văn
Làng Lợn Lòi là một doi
đất nằm tách biệt phía ngoài cánh đồng, với dăm chục nóc nhà lớn nhỏ. Lối vào
duy nhất là con đường bê tông dài độ một cây số, nối liền với trục giao thông
chính của xã. Người dân ở đây chủ yếu làm nghề nông, nhà cửa hầu như đều lụp
xụp tồi tàn. Nơi địa thế cao nhất là giữa làng, tại đây nổi lên ngôi nhà ba tầng
khang trang kiên cố của ông Chưởng – vốn là trưởng công an xã.
Từ ngoài đường lớn
nhìn vào, ngôi nhà nom như một pháo đài lãnh chúa thời trung cổ. Về địa danh
của làng thì đã có nhiều người thắc mắc, không hiểu tại sao ngày xưa các cụ lại
đặt cho cái tên xấu xí như vậy? Chẳng ai biết xuất xứ tên làng, chỉ thấy trước
đây thế nào thì bây giờ cứ thế gọi theo. Phía sau vẻ thầm lặng của Làng Lợn Lòi,
những đợt sóng ngầm của văn hóa thời đại vẫn nóng hổi tràn qua. Bởi vì con người
là sản phẩm của xã hội, nên mới có câu: “Thời thế tạo anh hùng”, hoặc “Loạn thế
xuất anh hùng” vậy. Đại diện cho thời cuộc, bao giờ cũng nổi lên những nhân vật
tiên phong ưu tú, mà người ta vẫn thường gọi là Đại nhân vật. Nếu đếm
trên đầu ngón tay, Làng Lợn Lòi cũng có khoảng Ngũ đại nhân vật như thế.
Được phong danh hiệu “Làng Văn hóa” cách đây ba năm, vì vậy mà ngay lối vào làng người ta dựng một cái cổng chào lớn, trên đó ghi rõ “Làng Văn hóa Lợn Lòi”. Ở ngay dưới chân cổng chào là ngôi nhà ngói hai gian tuềnh toàng của anh chàng Trương. Bà mẹ Trương vốn là người đàn bà góa chồng, nhưng vì chửa hoang mà đẻ ra anh ta. Trương lớn lên thiếu sự chăm sóc và giáo dục của cha, lại được mẹ chiều chuộng, mới trở nên lêu lổng mất nết. Cách đây mấy năm hắn lang bạt kỳ hồ, rồi sau lại thấy trở về làng, dắt theo một cô gái và giới thiệu là vợ. Người mẹ mua đất, làm cho con một ngôi nhà đầu làng để ở riêng. Hắn và vợ ở đó làm ruộng, đồng thời đào một cái ao rộng trước nhà để thả cá. Nhưng bản tính nóng nảy, Trương thường xuyên đánh vợ. Cô ta chịu không nổi, đã bỏ đi hơn một năm nay rồi. Từ đó hắn càng tự tung tự tác, chẳng cần kiêng dè gì cả. Tuy vậy, tính hắn thẳng thắn, cứ thấy điều gì chướng tai gai mắt là phản pháo ngay, cũng không biết nịnh bợ ai bao giờ. Cũng vì cái tính đó mà Trương được mọi người trong làng kiêng sợ phần nào.
Được phong danh hiệu “Làng Văn hóa” cách đây ba năm, vì vậy mà ngay lối vào làng người ta dựng một cái cổng chào lớn, trên đó ghi rõ “Làng Văn hóa Lợn Lòi”. Ở ngay dưới chân cổng chào là ngôi nhà ngói hai gian tuềnh toàng của anh chàng Trương. Bà mẹ Trương vốn là người đàn bà góa chồng, nhưng vì chửa hoang mà đẻ ra anh ta. Trương lớn lên thiếu sự chăm sóc và giáo dục của cha, lại được mẹ chiều chuộng, mới trở nên lêu lổng mất nết. Cách đây mấy năm hắn lang bạt kỳ hồ, rồi sau lại thấy trở về làng, dắt theo một cô gái và giới thiệu là vợ. Người mẹ mua đất, làm cho con một ngôi nhà đầu làng để ở riêng. Hắn và vợ ở đó làm ruộng, đồng thời đào một cái ao rộng trước nhà để thả cá. Nhưng bản tính nóng nảy, Trương thường xuyên đánh vợ. Cô ta chịu không nổi, đã bỏ đi hơn một năm nay rồi. Từ đó hắn càng tự tung tự tác, chẳng cần kiêng dè gì cả. Tuy vậy, tính hắn thẳng thắn, cứ thấy điều gì chướng tai gai mắt là phản pháo ngay, cũng không biết nịnh bợ ai bao giờ. Cũng vì cái tính đó mà Trương được mọi người trong làng kiêng sợ phần nào.
Suốt ngày phải nhìn thấy cái cổng
chào, anh chàng Trương chướng mắt, nhổ bãi nước bọt đánh toẹt:
- Đéo mẹ! Làng văn hóa cái nỗi gì. Có mà
vạn họa thì có! Vợ chồng đánh chửi nhau loạn xạ. Anh em thì đâm chém nhau vì
tranh giành đất cát. Lộn tùng phèo lên hết cả. Chưa thấy cái thời đại nào quái
lạ như bây giờ!...
Nghe vậy, người ta bụm miệng cười, tuy
không nói ra nhưng ai cũng thừa nhận là hắn đúng.
o0o
Hôm nay rảnh rỗi, anh chàng Trương chắp
tay sau đít, hết ngắm cá dưới ao rồi lại nhìn cổng chào. Vừa lúc đó thì bà
tuyên truyền văn nghệ xã mặc cái váy đỏ choét đi qua. Nhìn thấy Trương, bà ta
cười bả lả rồi nói váng lên:
- Anh Trương đang làm gì đó? Nhớ sáng
mai tập trung tại nhà ông Chưởng nhá!...
Trương lớn tiếng hỏi lại:
- Có chuyện gì vậy cô?...
- Thì ngày đại đoàn kết chứ sao!… Anh
nhìn xem tôi có đẹp không này?...
Nói rồi bà ta ngoáy cái mông đít mà làm
điệu đi qua, đến khi người đã khuất mà tiếng cười vô duyên chua loét vẫn còn
vọng lại.
Lúc này Trương mới chợt nhớ, thì ra mai
là ngày đại đoàn kết. Anh chàng bỉu môi khinh bỉ, rồi chắp tay mà trở vào nhà.
Lại nói về bà tuyên truyền văn nghệ, mặc
dù đã ngoài 50 tuổi, nhưng dáng điệu cứ như con gái mới lớn, nhìn là biết vô
duyên. May sao ngày trước cũng lấy được chồng. Tính bà ta thích chưng diện, lúc
nào cũng lòe loẹt màu mè chẳng giống ai cả. Nhiều bữa trời rét căm căm, vậy mà
lại mặc cái váy ngắn cũn cỡn đi tung tẩy ngoài đường. Đã thế, cái miệng vẩu lúc
nào cũng nói cười xoen xoét, trông lại càng khó coi. Thời buổi internet, bà ta
cũng mở một trang facebook cá nhân với nickname “Nụ hồng lung linh”, lại chụp
tấm hình mặc váy hoa bảy màu làm hình nền. Mặc dù đã bốn mặt con rồi, mà trên
đó toàn ghi những câu đại loại như: “Cảm thấy bâng khuâng…”, “Đời người vá áo
bằng kim, tình yêu dang dở vá tim bằng gì?...”, “Trái tim bên lề” “Tình em đơn
phương”…; cũng tài là chẳng thấy anh chồng phản đối bao giờ cả, có lẽ là đã quen
với cái thói dở hơi của bà ta rồi.
Lúc này bà tuyên truyền văn nghệ đang đi
đến nhà ông “Trưởng ban dân vận” để bàn kết hoạch cho buổi liên hoan đại đoàn
kết ngày mai. Ông này vốn là Trung tá quân đội, bây giờ về hưu làm công tác dân
vận ở địa phương. Công việc chính hằng ngày là hô khẩu hiệu, tuyên truyền chủ
trương chính sách của đảng. Ca ngợi chủ nghĩa Mác, và chống lại cái mà ông ta
gọi là “Luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch”. Lúc nào ông cũng mặc bộ
quân phục bạc màu, đeo cặp kính đen to bản. Cái dáng vẻ cũ kỹ kiểu tiền bối đó,
cộng với tài ăn nói, ông ta cũng thuyết phục được khối người nhẹ dạ.
Ngoài mấy người đó ra, thì có cụ Tứ cũng
là nhân vật đáng kể. Cụ là nhà giáo về hưu, năm nay đã 75 tuổi, tính tình hiền
lành, không thích đa sự phiền nhiễu. Sở thích hàng ngày của cụ là chăm sóc mấy
giò lan và chậu cảnh trong vườn, để vui thú tuổi già. Ở cái làng nhỏ bé này, cụ
là người có tri thức và nhận được sự kính nể của nhiều người. Tuổi cao sức yếu,
vài năm nay cụ bị bệnh lãng tai, ai nói gì cũng chỉ nghe được lõm bõm mà thôi.
Có người nói cụ giả điếc để khỏi phải nghe những chuyện chướng tai gai mắt,
đồng thời trốn tránh trách nhiệm với làng xã. Người bênh vực thì cho rằng, mấy
chục năm dạy học, tiếp xúc với tiếng ồn của học trò đã nhiều, nên về già cụ bị
lãng tai cũng là hợp lẽ. Thiên hạ chỉ đoán vậy thôi, còn điếc thật hay không
thì dĩ nhiên mình cụ Tứ biết. Ai nói gì cụ cũng cười, lắm khi hỏi những câu lạc
đề khiến cho người ta cười nghiêng ngả.
o0o
Mới sáng ra đã nghe tiếng loa từ nhà ông Chưởng, những bài nhạc
đỏ vang lên hùng tráng. Cứ vài chục phút tiếng nhạc lại tạm ngưng, xen kẽ vào
đó là thông báo về buổi họp mặt đại đoàn kết. Tiếng loa dồn dập như thúc giục, tiếng
người ồn ào, tiếng chó sủa náo loạn khắp xóm làng.
Chừng 9 giờ rưỡi, nhạc đột
nhiên im bặt, tiếp đó loa thông báo: “A lô! A lô! Đã đến giờ họp mặt
nhân ngày đại đoàn kết toàn dân, mời bà con tập trung đông đủ tại nhà ông
Chưởng…A lô! Chúng tôi xin nhắc lại…”
Nghe loa giục, Trương khoác vội cái sơ mi
ra bên ngoài áo may ô, rồi nhảy qua con mương để đi đường tắt cho nhanh. Đến
nơi đã thấy đông người tề tựu, anh chàng liền làm ngay một câu:
- Cả làng cả nước đoàn kết. Thế mà bất
công tham nhũng đầy ra đấy. Có thấy thằng nào con nào dám đoàn kết để mà chống
lại đâu!...
Chợt có tiếng giày lộp cộp vang lên đều
đặn, rồi rõ dần. Mọi người nhìn ra thì thấy gã câm diện nguyên bộ đồ công an
đang gõ bước kiểu nhà binh, hai tay khuỳnh khuỳnh vung lên theo nhịp bước. Anh
chàng này hay bắt chước công an, không biết kiếm được đâu bộ đồ nguyên cả mũ
mão, cứ mỗi dịp họp làng đều mặc vào. Anh ta đã câm lại dở người, mồ côi cả cha
lẫn mẹ, lớn lên ai thuê mang vác gì thì làm nấy.
Nhìn anh câm gióng dả bước đi, chàng
Trương nhà ta lại không nhịn được:
- Bố khỉ! Bây giờ chỉ thấy mấy thằng dở
hơi là còn bắt chước công an!...
Anh câm chẳng hiểu gì cả, toét miệng
cười. Mấy người ở đó muốn đùa, mới hỏi anh ta đến đây làm gì. Anh chàng ú ớ ra
hiệu giống như cầm đôi đũa và cơm, ý muốn nói là đến để ăn cỗ. Rồi lại xòe ra
tờ tiền cho mọi người thấy, để chứng tỏ mình cũng đã đóng tiền. Ai nấy lại được
một phen cười nghiêng ngả.
Lúc này người ta kê bàn ghế la liệt khắp
trong nhà ngoài sân, cứ ai đến thì ngồi vào, khung cảnh lộn xộn chẳng khác gì
xem diễn tuồng. Áng chừng đã đến giờ, một đoàn người nhà bếp bưng mâm ra đặt
theo từng bàn.
Anh chàng Trương ngó qua một lượt, thấy
mâm nào cũng có món thịt chó liền nói:
- Nhìn chỗ nào cũng thấy chó cả!
Mọi người lại cười. Tay
dân vận thì nhíu mày khó chịu, hắng giọng rồi đứng lên, cầm tờ giấy để đọc về ý
nghĩa ngày đại đoàn kết toàn dân. Sau khi kết thúc bài diễn văn, ông ta kêu gọi
mọi người đoàn kết để “xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, bảo vệ đảng, bảo
vệ chế độ, đồng thời tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của đảng.
Cụ Tứ lúc này chờ lâu chưa thấy
được đánh chén, sốt ruột nói lớn:
- Ăn thôi, đói lắm rồi!
Tiếng xì xầm bên dưới lập tức nổi lên:
- Ông trưởng ban dân vận nói nhiều quá!…
- Tiền chúng tôi đóng góp thì chúng tôi
ăn, làm gì mà bắt nghe nhiều thế. Nhà nước chỉ được cái nói là tài thôi. Năm
nào cũng nhai lại chừng nấy chuyện, ai mà chả biết cả rồi!...
Những lời vừa rồi như kích hoạt thêm cái
tính bất mãn của chàng Trương, anh ta liền nói chêm vào:
- Bố khỉ! Đoàn kết để mà bảo vệ bất công
à? Bữa trước nó đè cổ bắt mình đóng 100 ngàn tiền ủng hộ người nghèo mà có dám
kêu ca gì đâu. Rồi cũng vào túi cái đám quan tham ấy hết thôi!…
Lúc này bà tuyên truyền văn nghệ liền
đứng lên toe toét nói:
- Xin bà con giữ trật tự! …Hôm nay là
ngày đại đoàn kết, ngày vui của toàn dân tộc. Tôi sẽ bắt nhịp, sau đó mọi người
cùng vỗ tay hát theo nhé. Hát xong chúng ta sẽ ăn cỗ!…
Xong rồi bà ta đếm một, hai, ba và bắt
nhịp bài “Việt Nam
ơi mùa xuân đến rồi”.
“…Đảng Cộng sản Việt Nam vinh quang,
ánh sáng soi đường đưa ta về chiến thắng. Tổ quốc độc lập tự do muôn năm, đất
nước không quên chân lý mang theo tên người. Việt Nam, ta tiến vào kỷ nguyên
ánh sáng. Chủ nghĩa xã hội đẹp theo năm tháng. Bước theo đảng thủy chung trong
trắng, dẫu con đường vượt qua mưa nắng. Việt Nam ơi! Mùa xuân đến rồi…”
Anh câm làm thuê vác mướn quanh năm, cơm
không đủ ăn, chẳng bao giờ biết đến mùa xuân là gì cả, nhưng thấy bà tuyên
truyền văn nghệ vỗ tay hát hăng hái quá nên cũng vỗ tay, miệng mấp máy theo.
Đang lúc ồn ào náo nhiệt, chợt thấy một
người hốt hoảng chạy vào, miệng hổn hển:
- Hỏng rồi! …Anh Chưởng ra ủy ban ngay
cho. Có chuyện không ổn rồi!...
Thì ra là tay dân quân xã, anh ta thì
thầm vào tai ông trưởng công an điều gì đó, rồi hai người vội vàng dắt díu nhau
đi ra như có ma đuổi.
Vừa lúc lại có mấy người từ ủy ban đi
đến, người ta liền xúm lại để hỏi chuyện. Qua lời kể, mọi người mới biết chuyện
ông phó bí thư đảng ủy xã ngoại tình với bà trưởng ban văn hóa. Số là thế này:
Sáng nay anh chồng bà trưởng ban văn hóa ở nhà trông con cho vợ đi họp, đột
nhiên đứa con nhỏ lên cơn sốt li bì. Anh ta gọi điện cho vợ nhưng không thấy
nghe máy, liền hốt hoảng chạy ra ủy ban xã để tìm. Hôm nay là ngày đại đoàn
kết, cán bộ đi ăn cỗ cả, nên các phòng ban đều vắng vẻ. Anh chồng vội vàng đi
thẳng đến phòng làm việc của vợ. Khi đẩy cửa bước vào thì thấy cảnh vợ mình
đang ôm nhau làm tình với tay phó bí thư đảng ủy một cách mê mệt. Cơn ghen nổi
lên, anh chồng chửi mắng ầm ỷ, rồi đánh cho vợ mấy bạt tai. Kế đó anh túm lấy
tay phó bí thư mà làm ầm lên. Bây giờ đang đánh chửi nhau to ở đấy!…
Nghe xong, anh chàng Trương nhổ bãi nước
bọt:
- Rõ khỉ! Như thế mới gọi là văn hóa chứ!
Rồi anh ta quay sang, giơ hai tay nói
với mọi người:
- Bà con thấy tôi nói có đúng không nào?
Đại đoàn kết là phải như vậy, coi vợ người ta cũng như vợ mình!...
Ai nấy đều cười ầm cả lên. Cụ Tứ nghễnh
tai không nghe rõ, nhưng cũng muốn biết chuyện gì, liền hỏi lớn:
- Chuyện gì mà cười nói ầm ĩ thế?...
Trương ghé vào tai cụ nói như hét:
- Bà trưởng ban văn hóa và ông phó bí
thư ngoại tình với nhau!
Cụ Tứ đưa tay vào chỗ vành tai làm loa,
hỏi lại:
- Hả?...Biểu tình ở đâu hả?...
Minh Văn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét