Bà Dianne Feinstein |
Ngô Nhân Dụng
Tuần
trước, bà Dianne Feinstein, một nghị sĩ Dân Chủ tiểu bang California mới công
bố một bản phúc trình hàng ngàn trang tố giác Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA)
đã tra tấn những người tình nghi thuộc tổ chức khủng bố al-Qaeda, trái với luật
pháp nước Mỹ. Bản phúc trình cũng nói CIA không báo cáo đầy đủ cho chính phủ và
Quốc Hội Mỹ về việc tra tấn; và cho rằng phương pháp tra tấn không đạt được mục
đích tìm ra tin tức hữu ích trong công tác chống khủng bố. Bản phúc trình của
Ủy Ban Tình Báo trong Thượng Viện Mỹ không đưa ra một khuyến nghị cụ thể nào,
ngoài các quy tắc chung chung.
Cuộc tranh luận về vấn đề này đang sôi nổi, không riêng
trong nước Mỹ mà còn ở khắp thế giới. Ba vị cựu giám đốc CIA và ba phó giám đốc
đã viết chung một bài trả lời bản phúc trình Feinstein. Họ cho biết CIA đã báo
cáo 30 lần với Quốc Hội Mỹ về các hoạt động này, mà họ gọi là “chương trình hỏi
cung” với “biện pháp mạnh” (the enhanced measures).
Trước hết, “chương trình hỏi cung” của CIA có hiệu quả, đặc
biệt đối với hai cán bộ al-Qaeda cao cấp được bản phúc trình nói đến nhiều lần
là Abu Zubaydah và Khalid Sheikh Muhammed, gọi tắt là KSM. Các cuộc hỏi cung
được bản phúc trình Feinstein mô tả rất kỹ đã giúp chính quyền Mỹ ngăn chặn
được những vụ khủng bố lúc còn đang được al-Qaeda hoạch định ở Mỹ và khắp thế
giới, có thể đã cứu sống hàng ngàn người Mỹ và người nước khác. Ngoài ra, vụ
tìm ra và hạ sát Osma bin Laden cũng đều nhờ các tin tức lấy được trong các
“chương trình hỏi cung” tương tự, nhất là việc xác định tung tích “người đưa
thư” của bin Laden, nhờ thế tìm ra nơi ông ta trú ẩn. Nhờ công tác hỏi cung của
CIA mà nước Mỹ không bị khủng bố tấn công trong 13 năm qua.
Kể từ năm 2002, CIA đã báo cáo với Bộ Tư Pháp Mỹ và xin ý
kiến bốn lần. CIA đã hai lần ngưng các vụ hỏi cung “mạnh tay” trong thời gian
Bộ Tư Pháp điều tra. Nhân viên CIA đã đưa trình Bộ Tư Pháp 20 trường hợp để xin
ý kiến. Bộ Tư Pháp chỉ thấy một vụ phạm luật, không liên can đến “chương trình
hỏi cung” đang bàn cãi; sau đó nhân viên vi phạm đã bị bỏ tù. Bộ trưởng Tư Pháp
đương nhiệm trong chính phủ Obama sau một cuộc điều tra vào năm 2012 đã kết
luận rằng công việc hỏi cung của CIA có tính chất chuyên nghiệp, rốt ráo và
không vi phạm một lỗi lầm nào đáng bị truy tố. CIA cũng báo cáo với Quốc Hội Mỹ
30 lần và mỗi lần đều không đại biểu nào phản đối.
Các vị cựu lãnh đạo CIA cũng nhấn mạnh đến thời gian tính
của việc dùng các “biện pháp mạnh” kể từ năm 2002, khi mới bắt được Abu
Zubaydah. CIA đã phúc trình với các đại biểu Quốc Hội trong các ủy ban tình báo
như các nghị sĩ Bob Graham, Richard Shelby, và các dân biểu Nancy Pelosi, Porter Goss. Lúc đó cả nước Mỹ
đang lên cơn sốt sau vụ tàn sát 9/11 cho nên không ai phản đối khi CIA trình
bày chi tiết về các mánh khóe lảng tránh của Zubaydah cũng như các kỹ thuật hỏi
cung được áp dụng để lấy thêm tin tức. Họ kết luận rằng bây giờ Ủy Ban Tình Báo
Thượng Viện đã thay đổi thái độ vì gió đã đổi chiều, mối lo sợ của dân Mỹ không
còn căng thẳng như những năm trước nữa. Tóm lại, việc công bố bản phúc trình
Feinstein là do động cơ chính trị. Một hậu quả là nhân viên CIA từ này sẽ lo
lắng hơn trong khi thừa hành nhiệm vụ, và cơ quan tình báo của các nước đồng
minh với Mỹ sẽ bớt tin tưởng vào việc hợp tác với CIA. Theo bản phúc trình năm
2013 của một tổ chức quốc tế, Cơ Quan Xã Hội Mở (Open Society Foundations), thì
có 54 quốc gia đã cộng tác với CIA trong chương trình đặc biệt tìm bắt khủng
bố, trong đó có 11 nước quanh vùng Trung Ðông (Algeria, Egypt, Iran, Iraq,
Jordan, Morocco, Saudi Arabia, Syria, Turkey, United Arab Emirates và Yemen).
Người dân Mỹ sẽ phán xét ai có lý, ai hành động vì công ích,
trong việc công bố bản phúc trình này. Nhiều người Mỹ có thể hổ thẹn nhưng họ cũng
nên hãnh diện khi cuộc tranh luận về CIA diễn ra và phơi bày trước công luận
toàn thế giới.
Trước hết, hiện tượng này cho thấy quyền giám sát của người
dân đối với chính phủ, áp dụng trên tất cả các cơ quan công quyền. Bà Feinstein
có thể hành động vì lý do chính trị. Bà ngồi trên nội dung bản phúc trình này
bấy nhiêu năm, nay đem ra công bố vì từ Tháng Giêng năm 2015 bà sẽ không còn
giữ địa vị quan trọng trong Ủy Ban Tình Báo của Thượng Viện nữa, khi các nghị
sĩ đảng Cộng Hòa chiếm đa số nhậm chức. Ðây là một cơ hội để bà “lấy điểm”
trước các cử tri vẫn ủng hộ mình. Nhưng bà cũng làm một công tác hiến định;
nước Mỹ phải có những đại biểu Quốc Hội dám chỉ trích việc làm của các cơ quan
trong nhà nước. Hành động của bà thể hiện một quyền thiêng liêng của các công
dân Hợp Chúng Quốc: Quyền được biết các cơ quan nhà nước làm việc như thế nào;
quyền giám sát và phê phán guồng máy nhà nước được họ ủy nhiệm làm công việc
cai trị. Quyền giám sát đó cho phép các công dân, khi bầu chọn một chính quyền lên
trị nhậm trong hai năm, sáu năm hoặc bốn năm, bắt những người nắm quyền phải
chịu trách nhiệm về mọi hành động của guồng máy cai trị. Hệ thống chính trị này
dựa trên các định chế dân chủ, trong đó có tinh thần tôn trọng luật pháp, tự do
ngôn luận, tư pháp độc lập, quyền phản kháng không bạo động, và vai trò giám
sát của Quốc Hội. Ðó là những định chế giúp thể hiện nguyên tắc chính quyền chỉ
“cai trị với sự đồng ý của người bị cai trị.” Những vị cựu giám đốc CIA có thể
phản đối những nhận xét sai lầm của bản phúc trình nhưng không ai khước từ
những quyền căn bản của các công dân nước Mỹ.
Trong quá khứ, các công dân Mỹ đã thể hiện một quyền căn bản
là tìm hiểu và phơi bày trước công luận những điều họ coi là vi phạm Hiến Pháp,
luật pháp, và những nguyên tắc lớn của chế độ dân chủ; với hậu quả là “bêu xấu”
chính quyền Mỹ trước công luận thế giới. Một công dân đã cho phép báo chí Mỹ in
những hình ảnh cuộc thảm sát Mỹ Lai. Các nhà báo đã phơi bày những vi phạm pháp
luật của Tổng Thống Nixon trong vụ Watergate. Các công dân Mỹ đã phản đối
chương trình nghe lén điện thoại của chính phủ, gây bối rối cho cả việc bang
giao với đồng minh. Hiện nay dân Mỹ đang phản đối hành vi của các cảnh sát viên
giết lầm những người da đen bị tình nghi vì phản ứng vội vã - hoặc vì thành
kiến chủng tộc như có người tố cáo. Tất cả những hành động tố giác và những
cuộc bàn cãi công khai tiếp theo có thể nói là “vạch áo cho người xem lưng.” Nhưng
chính dân Mỹ làm công việc “vạch áo” này mà không cần phải hổ thẹn. Ngược lại,
họ có thể hãnh diện vì vẫn sống đúng truyền thống dân chủ tự do đã được nêu ra
trong Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập, trong Hiến Pháp nước Mỹ từ hơn 200 năm nay. Bản
phúc trình Feinstein cho thấy hệ thống chính trị nước Mỹ vẫn đầy sinh lực giúp
cho quốc gia này luôn luôn có khả năng tự cải thiện.
Người Việt Nam
chứng kiến cuộc tranh cãi về bản phúc trình Feinstein phải đặt câu hỏi: Bao giờ
nước ta mới có những bà Feinstein? Quốc Hội bù nhìn không bao giờ làm công việc
chất vấn về những vụ công an tra tấn. Bao nhiêu người đã chết trong tay công
an? Bao nhiêu người bị gán cho là “tự tử” trong đồn công an sau các cơn tra
tấn?
Công an dùng nhục hình, tra tấn là nguyên nhân gây ra bao
nhiêu vụ xử oan ở nước ta. Trong một bài trước, mục này đã nêu trường hợp ông
Hàn Ðức Long bị tử hình năm 2005 về tội hiếp dâm và giết một bé gái năm tuổi.
Qua nhiều lần kháng cáo, với 5 phiên tòa, năm 2011, tòa án tỉnh Bắc Giang tiếp
tục tuyên án tử hình. Luật sư của ông Long cho biết khi bị điều tra ông Long đã
“nhận tội” vì tra tấn, đánh đập. Trong tất cả 5 phiên tòa ông một mực phản
cung, kêu oan, và tố cáo bị công an truy bức bằng nhục hình, buộc phải nhận
tội. Cho đến nay, sau gần 10 năm bị bắt, tử tù Long và gia đình vẫn không ngừng
kêu oan.
Guồng máy công an trong các xã hội độc tài đảng trị đều dùng
tra tấn; gây nên bao cảnh bất công. Ở nước ta bao nhiêu người đã là nạn nhân
của chế độ côn đồ này. Các mạng lưới bên Trung Quốc đang sôi nổi về một vụ án
được xử lại. Năm 1996, một thanh niên 18 tuổi người Nội Mông là Huugjilt (tên
Hán Việt là Hao Các Cát Lặc Ðồ) bị tử hình về tội hiếp dâm và giết người, bị
hành quyết ngay hai tháng sau. Năm nay, tòa án đem xử lại và tuyên bố Huugjilt
vô tội. Vì năm 2005, một tử tội khác, một người đã phạm tội hiếp dâm và giết
người nhiều lần là Zhao Zhihong (Triệu Chí Hồng) thú nhận rằng chính anh ta là
hung thủ trong vụ án 1996.
Khi ra tòa, công tố viên hỏi Huugjilt tại sao anh ta đã thú
tội trong đồn công an là chính mình hiếp và giết người. Huugjilt trả lời, lời khai
còn giữ trong biên bản, nói rằng trong đồn công an họ không cho anh uống nước,
cũng không cho ăn, không cho dùng nhà vệ sinh. Họ nói (dối) với anh rằng cô gái
vẫn còn sống và chính cô ta tố cáo anh là thủ phạm. Họ còn hứa hẹn nếu anh thú
tội thì sẽ được thả. Phải đợi 9 năm kể từ khi hung thủ thật thú tội, 18 năm sau
khi Huugjilt chết, sau khi dư luận trên các mạng phản kháng ồn ào, Huugjilt mới
được đem xử lại và được trắng án. Quan tòa an ủi cha mẹ anh ta bằng số tiền bồi
thường 30,000 đồng nguyên, khoảng 5,000 đô la Mỹ.
Nhân vụ trên các mạng xã hội bên Trung Quốc cũng lên tiếng
phản đối một vụ hành quyết khác. Năm 1994, anh Nie Shubin (Nhiếp Thọ Bân) bị
kết tội giống như Huugjilt, chết lúc mới 21 tuổi. Ðến năm 2005, hung thủ thật
bị bắt vì chuyện khác cũng thú mình mới là thủ phạm. Nhưng cho tới nay guồng
máy tư pháp của Trung Cộng vẫn chưa minh oan cho Nie Shubin.
Bao giờ ở nước ta mới có những đại biểu Quốc Hội lên tiếng
việc dùng tra tấn, nhục hình? Chỉ khi nào những người như Tạ Phong Tần, Bùi Thị
Minh Hằng, Huỳnh Thục Vi, Nguyễn Thị Kim Chi, vân vân, được quyền tranh cử và
được dân bỏ phiếu bầu, lúc đó mới có những bà Feinstein trong Quốc Hội Việt
Nam. Theo Tiến Sĩ Vannarith Chheang ở Phnom Penh, giám đốc Viện Nghiên Cứu Hợp
Tác và Hòa Bình thì kể từ năm 1993 đến nay chế độ chính trị tại Việt Nam còn
thua cả Campuchia về tính chất dân chủ và tôn trọng nhân quyền.
Ngô Nhân Dụng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét