Ads 468x60px

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

'Jihadi John,' từ một sinh viên trở thành kẻ giết người tàn bạo

Hà Tường Cát 
Trong số hàng ngàn người bị tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo tàn sát trong vòng gần một năm vừa qua, có khoảng 200 người bị hành quyết theo cách man rợ là chặt đầu. Hầu hết các nạn nhân này là dân Syria, Iraq, Afghanistan,... không phải dân Âu Mỹ nên dư luận quốc tế ít biết đến vì hình ảnh nếu có được phổ biến chỉ bằng tiếng Á Rập. 
Sau khi Washington Post và BBC công bố tên của Jihadi John, kẻ cầm dao cắt đầu các con tin của IS, truyền hình Sky News ở Anh đưa ra hình ảnh đầu tiên của Mohammed Emwazi lúc còn là sinh viên và khi làm một tên khủng bố tàn bạo. (Hình AP/Sky News)
“Đao phủ thủ” bịt mặt cầm dao trong các đoạn băng video rùng rợn do IS công bố, với cái tên “Jihadi John” do các con tin đặt ra, xuất hiện lần đầu tiên tháng 8 năm ngoái khi giết một con tin là nhà báo Mỹ James Foley. Sau đó người ta lại thấy đao phủ này trong những vụ hành hình nhà báo Mỹ Steven Sotloff, và các nhân viên cứu trợ Anh David Haines, Alan Henning -  Mỹ Abdul-Rahman Kassig - Nhật Kenji Goto Jogo,  Haruna Yakawa.
Hôm Thứ Năm 26-2, cả thế giới biết tên tuổi của Jihadi John là Mohammed Emwazi, công dân Anh gốc Kuwait, qua sự loan tin của báo Washington Post và kế đó là đài BBC. Các cơ quan an ninh Anh, Mỹ  từ lâu đã tìm ra lý lịch của Jihadi John nhưng không công bố trong khi còn cần theo dõi điều tra. Theo đài truyền hình Channel 4 ở Anh, FBI đã biết Jihadi John là ai từ tháng 9 năm ngoái, và hiện nay không có người dân Mỹ nào bị IS bắt làm con tin, cho nên Hoa Kỳ cũng không cần thiết phải giấu kín tên Jihadi John.
Tổ chức nhân quyền CAGE, trụ sở ở London, nói rằng một phóng viên của Washington Post đã tiếp xúc với họ đầu tuần này và đã tìm ra Mohammed Emwazi. CAGE là tổ chức nhân quyền bênh vực cho những dân Hồi Giáo gặp khó khăn với các cơ quan chính quyền do vấn đề chống khủng bố.Theo Washington Post, bạn bè và những người quen biết xác định rằng tên khủng bố cầm dao cắt đầu các con tin “có những nét rất giống với Emwazi”, tuy nhiên họ không thể nào chắc chắn 100% vì đầu che kín chỉ thấy hai con mắt.
Asim Qureshi, giám đốc nghiên cứu của CAGE, xác nhận rằng Emwezi đã có những tiếp xúc với tổ chức trong một khoảng thời gian hai năm về vấn đề “quấy rầy” của MI5, cơ quan anh ninh và phản tình báo quốc nội Anh. MI6 là cơ quan mật vụ và tình báo phụ trách vấn đề ngoại quốc. Báo Washingon Post dẫn lời Qureshi nói có tiếp xúc trước khi Emwazi qua Syria. Hôm Thứ Năm CAGE đưa ra một thông cáo hạ thấp vai trò của Qureshi trong sự nhận diện Emwazi.
Mohammed Emwazi sinh năm 1988 ở Kuwait, tới 6 tuổi qua London, sống tại Queen's Park phía Tây Bắc thành phố,  khu nhà của những gia đình khá giả chứ không phải dân nghèo khó. Emwazi  lớn lên và được giáo dục ở Anh, tốt nghiệp đại học Westminster University năm 2009 ngành thảo chương trình điện toán. Trong cuốn băng video hành quyết nhà báo Mỹ, người ta đã nhận thấy Jihadi John nói tiếng Anh với giọng rất chuẩn.
Tháng 8 năm 2009, Emwazi tới Dar-es-Salaam, Tanzania, với mục đích nói là đi xem thú rừng Phi Châu cùng các bạn, nhưng bị chặn lại ở phi cảng và bị bắt đưa về Amsterdam, Hòa Lan. Tại đây một nhân viên MI5 thẩm vấn và tố giác Emwazi định đi Somalia gia nhập nhóm khủng bố al-Shabaab. Trở về Anh, Emwazi là đối tượng bị theo dõi và MI5 báo cho biết rằng anh có tên trong danh sách khủng bố không được phép đi tới bất cứ một quốc gia Hồi Giáo nào. Emwazi nạp đơn lên cơ quan Independent Police Complaints Commission khiếu nại về sự đối xử này và đây chính là thời gian anh bắt đầu tiếp xúc với CAGE nhờ can thiệp.
Cũng có nguồn tin nói rằng MI5 muốn tuyển dụng Emwazi nhưng anh từ chối và sau đó đã bị MI5 thẩm vấn hay tạm giữ hàng chục lần. Tiếp đó Emwazi chuyền sang Kuwait và xin được việc làm ở một hãng computer. Tháng 6 năm 2010 trở về thăm London, Emwazi lại bị các viên chức chống khủng bố bắt và không cho phép trở lại Kuwait nữa.
Theo tờ USA Today, Emwazi đã trở thành một phần tử  quá khích và đi theo con đường của các nhóm chiến binh tàn bạo vì liên tục bị làm rầy trong cuộc sống bởi các cơ quan an ninh, mà theo anh chỉ vì một lý do là dân Hồi Giáo. Các bạn của Emwazi tin rằng anh  có tư tưởng cực đoan là do vụ Tanzania. Nhưng Channel News 4 nói các giới chức an ninh biết anh đã được tiêm nhiễm tư tưởng quá khích từ khi còn ở trường đại học.
Khi về London và bị cấm trở lại Kuwait, trong các e-mail gởi cho CAGE, Emwazi than phiền rằng cảm thấy sống như tù nhân, mất việc làm ở Kuwait và người bạn gái ở đây hủy bỏ cuộc đính hôn.
Trong buổi họp báo hôm Thứ Năm, Qureshi của CAGE cho rằng: “Khi chúng ta coi một cá nhân như người ngoài thì đương sự sẽ cảm thấy xa lạ với xã hội ấy và tìm tới một hướng khác”. Nhưng Sir John Sawers, giám đốc MI6 từ 2009 đến 2014 bác bỏ lập luận cho rằng các cơ quan an ninh đóng một vai trò trong việc đẩy những người như Emwazi từ một sinh viên bình thường trở thành phần tử quá khích.
Năm 2013, Emwazi đổi tên thành Mohammed al-Ayan tìm cách trốn sang Kuwait một lần nữa nhưng không thành công. Ba tuần lễ sau cơ quan an ninh Anh ghi nhận Emwazi biến mất và 4 tháng sau cảnh sát báo cho gia đình biết Emwazi đang ở Syria. Có lẽ Emwazi đã đi qua đường Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng không rõ Emwazi gia nhập IS từ khi nào và mau chóng trở thành một phần tử quan trọng trong các chiến binh Jihad của tổ chức quá khích này ra sao. Người ta cũng không biết nhiều về gia đình Emwazi vì họ từ chối yêu cầu phỏng vấn của Washington Post, viện lý do khuyến cáo về mặt pháp lý của các luật sư.
Emwazi thuộc một nhóm thanh niên ở West London đã bí mật sang Syria trong thời gian 2012. Các cơ quan an ninh Anh chó biết khoảng 600 công dân Anh đi theo các nhóm chiến binh quá khích ở Trung Đông và nhiều người đến nay đã chết. Channel 4 News hôm Thứ Sáu thực hiện một phóng sự về sự liên hệ của khu vực Tây-Bắc London với những phần tử khủng bố.
Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc từ chối không xác nhận và cũng không phủ nhận người bịt mặt trong cuốn băng hành quyết con tin của IS có những điểm giống với một người ở London. Bộ Trưởng Tư Pháp Eric Holder trong cuộc phòng vấn của ABC News tuyên bố Hoa Kỳ “vẫn đang tìm cách bắt sống hay hạ sát Jihadi John, kẻ phải chịu trách nhiệm về những tội ác man rợ”.
Tờ Telegraph tại Anh dẫn lời một nữ phát ngôn viên của Thủ Tướng David Cameron: “Chúng tôi không thể xác nhận hay phủ nhận bất cứ điều gì liên quan đến tình báo. Nhưng như Thủ Tướng đã khẳng định, chúng tôi quyết tâm đưa kẻ phạm tội ác ra trước pháp luật”. Được hỏi thêm rằng Downing Street, phủ thủ tướng Anh, có quan tâm gì về việc tên của Jihadi John bị tiết lộ, bà nói: “Tôi không thể đi vào chi tiết cuộc điều tra của cảnh sát và cơ quan an ninh. Chúng tôi để họ làm việc bằng bất cứ cách nào bắt được tội phạm và bảo vệ an ninh cho dân chúng”.
Theo Telegraph, dù MI5 và FBI đã biết rõ lý lịch Jihadi John từ tháng 9 nhưng không tiết lộ vì sự an toàn của các con tin và vì ngại gia đình Emwazi có thể bị trả thù. 
Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét