My religion is simple. My religion is kindness - H. H. 14th Dalai Lama
Tôi được chị Trương Anh Thụy gửi cho cái máy ảnh Canon nhỏ
xíu (trông cứ như một món đồ chơi) rồi lại được anh Nguyễn Công
Bằng “kiên nhẫn” chỉ cách sử dụng. Xong, tôi đi quanh xóm để
thực tập ngay và chụp được hai tấm hình hơi lạ: một con chó
bông đi lạc, và một mảnh giấy... tìm rùa!
Xin giúp tìm lại con thú thân yêu của gia đình... chúng tôi
rất thương yêu và nhớ nó. Pela bị bệnh tiểu đường và cần phải
có thuốc insulin. Nếu tìm được xin gọi số...
Mất một con rùa lớn... Nó cần thuốc men và một chế độ dinh dưỡng đặc biệt.
Tìm được xin hậu tạ.
Tìm được xin hậu tạ.
Hai “tác phẩm nhiếp ảnh đầu tay” này, rõ ràng, không được “đặc
sắc” gì cho lắm. Tuy thế, những dòng chữ ghi kèm cứ làm cho
tôi băn khoăn mãi.
Cảm thấy tình trạng bất ổn của một con thú nuôi trong nhà, đưa
đi khám bệnh, tìm ra là nó có bị tiểu đường, rồi xin toa mua
thuốc chữa trị là chuyện tương đối bình thường. Ai nuôi chó
cũng có thể làm như vậy, và ông/bà bác sĩ thú y nào cũng dễ
dàng tìm được loại bệnh này bằng cách đo mức glucose trong
máu.
Nhưng nuôi một con rùa (loại thú khép kín và gần như vô cảm)
mà biết nó không khoẻ, cần thuốc men và một chế độ dinh dưỡng
đặc biệt thì chủ nhân phải là một người vô cùng mẫn cảm và
nhân ái.
Cách thiên hạ chăm nuôi thú vật khiến tôi không khỏi trạnh lòng
khi nghĩ đến thân phận con người ở quê hương, xứ sở của mình -
nơi đã xảy một “Cuộc Chiến Biệt Vô Tăm Tích,” như lời của blogger Bùi Tín:
Thời gian “biệt vô tăm tích” người thân của mỗi gia đình một khác, có
khi 2, 3 năm, có khi 5, 6 năm, nhiều khi trên 10 năm, tùy chiến trường
Trị Thiên, Tây Nguyên, Nam Bộ, hay chiến trường Lào, Miên. Không ai
biết rõ con em mình ở nơi nào. Rất hiếm khi có những tin tức của bạn bè,
đồng hương bị thương trở ra, được biết là người thân ở Khu 5 hay Nam
Bộ, hay Tây Nguyên, còn sống, vắn tắt, sơ sài thế thôi.
Những quân nhân tử trận được báo tử rất chậm, chậm 1 năm được coi là
bình thường, có khi chậm đến 2, 3 năm, do các đơn vị di chuyển sâu, sổ
sách luộm thuộm mất mát, các đơn vị chia ra, nhập vào, thay phiên hiệu,
cán bộ tử thương. Vì lẽ ấy mà đến nay QĐND miền Bắc có đến 300 ngàn
trường hợp quân nhân mất tích, không biết bị tử trận ngày nào, ở đâu...
Có thể nói chính sách “biệt vô tăm tích” là quốc sách rất thâm và cực
kỳ độc ác, phi nhân có tính toán của đảng CS trong thời chiến...
Vào thời bình “quốc sách” này, xem chừng, cũng không khác mấy - theo tường trình của RFI:
Trong bản Báo cáo Tình hình Buôn người năm 2014, vừa được công bố
ngày 20/06/2014, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn xếp Việt Nam vào Danh sách
loại 2 (Tier 2), vì chính phủ Việt Nam bị xem là "chưa tuân thủ đầy đủ
những tiêu chuẩn tối thiểu, tuy nhiên cũng đã có những nỗ lực đáng kể
nhằm xóa bỏ nạn mua bán người..."
Cũng theo báo cáo Tình hình buôn nguời 2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ, phụ
nữ và trẻ em Việt Nam tiếp tục bị bán sang các nước ở châu Á vì mục
đích cưỡng ép tình dục, đặc biệt là Trung Quốc, Cam Bốt, Malaysia, và
Nga. Nhiều nạn nhân người Việt của việc buôn bán tình dục cũng đã được
tìm thấy ở Ghana. Một số phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc, Đài Loan, Hồng
Kông, Macao, Singapore hay Hàn Quốc để thành hôn với người nước ngoài
thông qua môi giới, sau đó đã bị cưỡng ép phục vụ trong gia đình, hành
nghề mại dâm, hoặc cả hai.
Bảo cáo nhắc lại rằng, "làm công trừ nợ, thu giữ hộ chiếu, và dọa nạt
bị trục xuất là những thủ đoạn thường được dùng để bắt các nạn nhân
Việt Nam phải phục vụ". Các mạng lưới tội phạm có tổ chức của Việt Nam
và Trung Quốc đã đưa những người dân Việt Nam, chủ yếu là trẻ em, sang
Vương quốc Anh và Đan Mạch, buộc họ làm việc trong các trang trại trồng
cần sa.
Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước báo cáo của Bộ Ngoại Giao
Mỹ, về tình hình buôn bán người trên thế giới, Phó Phát Ngôn Bộ Ngoại
Giao Việt Nam Phạm Thu Hằng “khẳng định” như sau:
Tôi xin khẳng định Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm và đã có những
biện pháp, chế tài cụ thể kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn nạn buôn
bán người, đã thông qua Luật Phòng chống mua bán người và Chương trình
hành động quốc gia phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011-2015.
Điều bà Hằng “khẳng định” - xem ra - không được tương hợp với những sự kiện đã được ghi nhận. The Guardian,
số ra ngày 23 tháng 5 vừa qua, có bài tường thuật (“3,000
children enslaved in Britain after being trafficked from Vietnam”) của
hai ký giả Annie Kelly và Mei-Ling McNamara. Xin ghi lại vài đoạn
ngắn, theo bản dịch (“3.000 trẻ em bị buôn bán từ ‘đất nước Hồ Chí
Minh’ sang Anh làm nô lệ”) của blogger Nguyễn Công Huân:
Giống như nhiều trẻ em Việt Nam khác, Hiền đã được đưa đến Anh để
sống một cuộc đời nô lệ hiện đại. Em cuối cùng phải vào tù về tội trồng
cần sa...
Chuyến đi của Hiền tới Anh Quốc bắt đầu khi em bị bắt cóc khỏi làng
lúc 5 tuổi bởi một người nói rằng ông ta là chú của em. Như một đứa trẻ
mồ côi, em không còn lựa chọn nào khác ngoài làm theo những mệnh lệnh
của người khác. Em đã mất năm năm đi qua nhiều quốc gia bằng đường bộ,
hoàn toàn không biết mình đã đi qua những đâu, từ Việt Nam qua biên giới
giữa Pháp và Anh để tới một căn nhà ở London. Ở đây em phải làm nô lệ
trong nhà trong 3 năm, nấu ăn và dọn dẹp cho nhóm những người Việt đi ra
vào ngôi nhà em bị giam giữ...
Trong lời khai với cảnh sát, Hiền nói rằng em vẫn không hiểu chính
xác loại cây em trồng là cây gì, mặc dù em hiểu rằng nó rất có giá trị.
Em chăm sóc đám cây, sử dụng thuốc trừ sâu khiến em bị ốm, và chỉ rời
căn hộ khi em giúp chuyển các cây cần sa này tới nơi khác để sấy khô. Em
bị khóa trong nhà, bị đe dọa, bị đánh đập và bị cô lập hoàn toàn với
thế giới bên ngoài.
"Tôi không bao giờ được trả tiền để làm việc đó", em nói. "Tôi đã
không ở lại đó vì tiền mà vì tôi sợ và tôi hy vọng toàn bộ điều này sẽ
sớm kết thúc."
Khi cảnh sát đến, họ tìm thấy Hiền một mình với đám cây cần sa. Em kể
câu chuyện của mình cho cảnh sát, nhưng vẫn bị gửi đến trại dành cho
tội phạm trẻ tuổi ở Scotland, nơi em trải qua 10 tháng tạm giam, bị buộc
tội trồng cần sa. Em chỉ được thả sau khi có sự can thiệp của một công
tố viên hoàng gia dẫn đến việc em được xác định là nạn nhân của nạn buôn
người...
Hiền đang cố gắng để xây dựng lại cuộc sống của mình sau khi được tị
nạn ở Scotland, nhưng đang gặp khó khăn để tìm thấy bình an sau nhiều
năm chấn thương. "Tôi vẫn còn lo lắng rằng những kẻ buôn người có thể
tìm thấy tôi và đến nhà tôi. Nhưng bây giờ tôi biết rằng tôi sẽ phải tìm
kiếm sự giúp đỡ [từ cảnh sát]," em nói. "Tôi nghĩ rằng có công lý ở
đây, nhưng tôi cũng ước rằng họ không giam giữ tôi trong tù trong thời
gian lâu như vậy. Bằng cách kể lại chuyện cuộc đời mình, tôi muốn mọi
người hiểu những gì tôi đã trải nghiệm ở đây."
Ở những nơi khác thì những đứa bé VN khác, đôi khi, còn phải
“trải nghiệm” qua những cảnh đời tàn tệ hơn nhiều. Chắc chắn,
không ai có thể quên được hình ảnh của những bé thơ Việt Nam
được tìm thấy trong những nơi bán dâm ở Cambodia.
Hai em gái Việt (tám và mười tuổi) trong một động mãi dâm
ở Svay Pak, cách Sứ Quán Việt Nam tại Phnom Penh
chừng 10 cây số. Nguồn: Shanghai Star.
Cảnh sát Cam Bốt đưa một em bé Việt Nam 11 tuổi
ra khỏi nhà thổ ở khu đèn đỏ Toul Kork thuộc Phnom Penh.
Ảnh và chú thích: ECPAT
Khi được phóng viên RFA hỏi về những sự kiện và hình ảnh trên, nhà phân tích độc lập về vấn đề buôn bán trẻ em vào đường mãi dâm - ông Aaron Cohen - đã đưa ra nhận định như sau:
Khi được phóng viên RFA hỏi về những sự kiện và hình ảnh trên, nhà phân tích độc lập về vấn đề buôn bán trẻ em vào đường mãi dâm - ông Aaron Cohen - đã đưa ra nhận định như sau:
“Tôi tự hỏi tại sao chính phủ Việt Nam không tạo áp lực với Cambodia
về vấn đề đó. Tôi nghĩ là chính ông đại sứ Việt Nam ở Phnom Penh biết rõ
các em gái nhỏ tuổi ở nước mình bị bán qua Cambodia mà không cố tìm
cách ngăn chặn. Quả thực điều này tôi không hiểu ra.”
Tôi cũng không hiểu được thái độ (cũng như cách hành xử) của
những nhân viên sứ quán Việt Nam ở Moscow, sau khi nghe lời cáo
buộc của Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng - Giám Đốc Điều Hành BPSOS và đồng sáng lập viên Liên Minh CAMSA:
“Trong 4 năm qua, Liên Minh CAMSA (Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á
Châu, chú thích của người viết) đã can thiệp hay giải cứu và giúp
đỡ cho trên 4 ngàn nạn nhân, kể cả khoảng 300 nạn nhân Việt bị buôn sang
Nga làm lao nô hay làm nô lệ tình dục. Trong tất cả các trường hợp ở
Nga này, thủ phạm là những người Việt được bao che bởi một số giới chức ở
Toà Đại Sứ Việt Nam ở Nga.”
Cũng liên quan đến sự kiện này, trong bản tin của BBC (“Nạn Buôn Người Việt Vào Nhà Chứa Ở Nga”) nghe được vào hôm 25 tháng 4 năm 2015, có đoạn:
BBC Việt Ngữ đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Đông Triều,
Tham tán công sứ của Đại sứ quán Việt Nam ở Nga, để hỏi về cáo giác này
nhưng ông đã từ chối không trả lời và yêu cầu BBC "hỏi cơ quan chức năng
nào khác".
Ông Triều cũng nói:
"Tôi không có trách nhiệm trả lời nhà báo,"
"Những cái gì cứ gửi tới cơ quan có thẩm quyền."
Khi được hỏi ông làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam, và nếu Đại sứ
quán Việt Nam không phải là cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan thẩm quyền
mà ông nói là cơ quan nào, ông Triều đã bỏ máy.
Những ông “Tham Tán Công Sứ” (như ông Nguyễn Đông Triều) này hẳn
không hề thiếu trong tất cả những Toà Đại Sứ Việt Nam, ở khắp
mọi nơi. Xứ sở này, lẽ ra, phải được xếp vào danh sách loại III
về nạn buôn người thì hợp lý hơn.
Và tôi cũng còn nói cho hết lẽ vậy thôi chớ ở một đất nước
mà những “đồng chí lãnh đạo” sẵn sàng bán rừng, bán đảo,
bán (tuốt luốt) mọi thứ tài nguyên thì họ có nề hà chi cái
chuyện buôn người.
13.08.2015
0 nhận xét:
Đăng nhận xét