Ads 468x60px

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Hàng ngàn phụ nữ, trẻ em Việt bị ép bán dâm, lao động khổ sai

Công an Việt Nam đang lấy lời khai của một nhóm
thiếu nữ Việt Nam bị bán sang Malaysia.
(Hình: An Ninh Hải Phòng)
Đó là thông tin do Bộ Công An Việt Nam công bố khi thảo luận về việc chống buôn người ở khu vực biên giới Việt Nam-Cambodia-Lào giữa cơ quan bảo vệ pháp luật của ba quốc gia.
Một viên thiếu tướng là cục trưởng Cục Hình Sự của Bộ Công An Việt Nam cho biết, mỗi năm, số vụ buôn người xảy ra ở khu vực biên giới Việt Nam-Cambodia-Lào chiếm khoảng 6% tổng số vụ buôn người bị phát giác tại Việt Nam.
Nạn nhân của các vụ buôn người qua Cambodia và Lào sống tại nhiều tỉnh, thuộc nhiều khu vực: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông (Tây Nguyên), Bình Phước, Tây Ninh (Đông Nam bộ), Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang (Tây Nam bộ), Điện Biên, Sơn La (Tây Bắc), Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam (miền Trung)...

Đáng chú ý đa số nạn nhân đều là phụ nữ, trẻ em. Khi sập bẫy của các tổ chức buôn người, các nạn nhân bị ép làm mại dâm trong các tiệm cắt tóc, gội đầu, massage trá hình hoặc bị ép buộc làm việc trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, công trường, đặc biệt là các mỏ.
Viên cục trưởng Cục Hình Sự của Bộ Công An Việt Nam thừa nhận, các tổ chức buôn người đã móc nối, câu kết chặt chẽ với nhau, tạo thành những đường dây buôn người xuyên quốc gia, theo một quy trình khép kín từ khâu tuyển chọn, lừa gạt, vận chuyển, đến giao dịch và bóc lột.
Một viên thượng tá của công an tỉnh Nghệ An, nói thêm, tham gia buôn người có cả những người từng là nạn nhân. Đây là những người có mặc cảm bị bỏ rơi, lại nắm được phương thức, thủ đoạn lừa gạt phụ nữ và trẻ em, am hiểu địa bàn và nhu cầu của “con mồi” nên khi được những kẻ từng buôn bán mình móc nối, họ thực hiện nhiều phương thức hữu hiệu trong lừa gạt, khống chế các nạn nhân mới và điều tra rất khó khăn.
Dẫu có ít nhất 3,000 phụ nữ, trẻ em Việt Nam đang bị ép bán dâm, lao động khổ sai nhưng cả năm vừa qua, công an Việt Nam chỉ giải cứu được 40 nạn nhân. Sở dĩ số nạn nhân được giải cứu thấp là vì “nghiệp vụ điều tra chưa cao.” Quản lý trong lĩnh vực xuất cảnh - nhập cảnh và quản lý các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, quán bar, casino,... dọc biên giới còn lỏng lẻo.
Con số 3,000 tuy đã là rất lớn nhưng không thấm vào đâu so với thực tế của tệ nạn buôn người tại Việt Nam. Nếu công an Việt Nam thống kê và loan báo cả số nạn nhân bị bán từ Việt Nam sang Trung Quốc thì chắc chắn con số đó sẽ làm nhiều người kinh hoàng.
Chính quyền Việt Nam từng công bố một thống kê, theo đó, trong thập niên vừa qua, có đến 22,000 phụ nữ và trẻ em bị bán sang Trung Quốc, bị ép làm vợ đàn ông Trung Quốc, bị ép hành nghề mại dâm. Trong số 22,000 nạn nhân này, phần lớn là phụ nữ và trẻ em thuộc các sắc tộc thiểu số ở Việt Nam. Tuy nhiên ít ai tin rằng số nạn nhân chỉ ngừng lại ở con số vừa kể. Nhiều chuyên gia khẳng định, rất khó xác định chính xác con số nạn nhân Việt Nam bị các tổ chức buôn người lừa gạt, cưỡng ép đưa sang Trung Quốc bởi họ sống tại các vùng hẻo lánh, nên không được ghi nhận đầy đủ.
Ngoài Cambodia, Lào, Trung Quốc, các tổ chức chống buôn người trên thế giới cũng đã từng nhiều lần cảnh báo về thực trạng phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị lừa bán sang nhiều quốc gia Đông Nam Á khác như: Indonesia, Malaysia, Nga, Anh,... (G.Đ)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét