Ads 468x60px

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

NHÌN LẠI TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG TRONG NĂM 2015

BÀI 1: TRUNG QUỐC CHỈ THÀNH CÔNG MỖI VIỆT NAM
Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng
Nguyễn Ngọc Bảo
Trong năm 2015, biến cố nổi cộm nhất trong tương quan quốc tế vùng Đông Á và Đông Nam Á, chính là tranh chấp tại Biển Đông, sau khi Trung Quốc ngang nhiên xây dựng các cấu trúc nhân tạo hải cảng, phi trường trên các bãi đá chìm để biến thành vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Với 3,5 triệu cây số vuông, 11 tỷ thùng dầu dự trữ, 420 tỷ mét khối khí thiên nhiên phối kiểm được, và địa dư chiến lược kiểm soát hải lưu xuất, nhập cảng hàng hóa của nhiều quốc gia, Biển Đông trở thành một vùng tranh chấp nóng trên nhiều bình diện.
Thứ nhất, về mặt pháp lý là vụ đơn kiện Trung Quốc của Phi Luật Tân trước Tòa Trọng Tài Thường Trực đang tạo nhiều sự chú ý của các quốc gia trong vùng.
Thứ hai, trên bình diện ngoại giao, sự căng thẳng trên các diễn đàn quốc tế trong khu vực giữa Phi Luật Tân, Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, với Trung Quốc đã làm hao tổn không biết bao nhiêu công sức của các nước qua những cuộc Hội nghị.Thứ ba, trên bình diện quân sự là sự đối dầu giữa hải quân Trung Quốc với hải quân Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai, Hoa Kỳ đã tạo ra nguy cơ chạy đua vũ trang giữa các nước.
Thứ tư, đối với Việt Nam, Biển Đông là vấn đề gây phân hóa rõ rệt trong nội bộ lãnh đạo CSVN về việc thoát Trung hay bám Trung hiện nay.
I- CHIẾN LƯỢC XÂM LƯỢC MỘT CÁCH YÊN LẶNG CỦA TRUNG QUỐC THẤT BẠI
Từ nhiều thập niên trước, Trung Quốc đã chuẩn bị chiến lược Trỗi Dậy Trong Hòa Bình (Peaceful Rising) trên lãnh vực kinh tế, ngoại giao, quốc phòng nhằm trở thành một siêu cường có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ về mọi mặt, sau khi đã trở thành nền kinh tế thứ nhì của thế giới với tổng sản lượng quốc gia (TSLQG) 11.400 Tỷ mỹ kim (MK) so với Hoa Kỳ 18.000 Tỷ MK, Nhật 4.100 Tỷ MK).
Nhờ chiếm lĩnh thế giới về hàng hóa may mặc, gia dụng, điện tử với giá nhân công được giữ ở mức thấp, một hạ tầng cơ sở được tân trang nhanh chóng nhờ vào nỗ lực sao chép, lấy cắp các kỹ thuật tiền tiến Tây phương môt cách khôn ngoan, chọn lọc qua mạng Internet (qua các tổ hackers quân đội), với khối lượng đầu tư trực tiếp lớn lao (Foreign Direct Investment) là128 tỷ MK trong năm 2014 so với Hoa Kỳ 86 tỷ MK, dựa trên tiềm năng thương mại của một thị trường khổng lồ hơn 1,4 tỷ người. Trung Quốc dần dần thực hiện bước đầu của chiến lược kiểm soát hoàn toàn các vùng thuộc chu vi sinh tử của họ (Biển Đông, Quần Đảo Điếu Ngư).
Nhưng chiến lược này hiện nay đang thất bại. Tại Điếu Ngư, Trung Quốc đã không áp lực, doạ nạt được Nhật để rời bỏ đảo này. Trong các Tháng Tư, Tháng Năm, Tháng Sáu, 2015, phi cơ chiến đấu Nhật đã cất cánh để ngăn chặn hơn 170 lần các phi cơ ngoại quốc vi phạm không phận Nhật. Trong số này có 66% là phi cơ Trung Quốc. Trước đó con số này là 340 trong năm 2014, và 300 trong năm 2013.
Những hành động khiêu khích của Trung Quốc đã gây ra phản ứng ngược khiến Nhật Bản tăng cường ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục gần 40 Tỷ MK, đồng thời gia tăng quân số thêm 10.000 quân, đưa các chiến hạm tối tân để phòng thủ 200 đảo thuộc dẫy quần đảo trải dài 1400 cây số phía Nam Nhật tới phía Bắc Đài Loan. Ngoài ra Nhật Bản đã chấp thuận gởi chiến hạm tuần tra trên Biển Đông cùng với Hoa Kỳ cũng như dân chúng Nhật kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc có nhiều chiến hạm, tiềm thủy đĩnh hơn Nhật, nhưng về mặt kỹ thuật, khả năng tác chiến, mức tối tân các hệ thống võ khí, hải quân Nhật vẫn chiếm ưu thế hơn Trung Quốc. Lý do dễ hiểu là Nhật được Hoa Kỳ cho phép chế tạo lại các võ khí hiện đại nhất như hệ thống radar điện tử Aegis, hỏa tiễn chống hỏa tiễn SM3-6, khu trục hạm loại Arleigh Burke, chiến đấu cơ F-15.
Tại Biển Đông, nhờ sự đồng lõa tay sai của lãnh đạo CSVN, Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ năm 1974, và từ đó đến nay tìm cách gặm nhấm các đảo tại Trường Sa (Fiery Cross – Đá Chữ Thập, Mischief Reef – Đá Vành Khăn), và các đảo thuộc lãnh hải phía Tây Phi Luật Tân (Scarborough Shoal - Bãi Cạn Hoàng Nham) qua việc dùng sức mạnh hải quân lấn chiếm và dựng lên các phi trường quân sự trên các đảo nhân tạo mà Công Ước LHQ về Biển 1982 UNCLOS không công nhận là một đảo.
Chủ trương Trung Quốc là sau khi chiếm xong bằng võ lực rồi mới tìm cách thương thuyết song phương với Phi Luật Tân. Phi Luật Tân cương quyết từ chối thương thuyết song phương và đưa vấn đề đường Lưỡi Bò 9 điểm của Trung Quốc ra trước Tòa Trọng Tài Thường Trực tại The Hague vào đầu năm 2013. Sau gần 3 năm xét xử và 4 phiên tòa, vào ngày 29-10-2015, Tòa xác nhận có thẩm quyền thụ lý đơn kiện của Phi Luật Tân về đường Lưỡi Bò, bất chấp các phản đối của Trung Quốc.
Các quốc gia ven Biển Đông khác như Mã Lai, Nam Dương và các quốc gia tiên tiến đồng minh với Hoa Kỳ như Nhật Bản, Úc, nhìn ra tham vọng của Bắc Kinh là dùng Biển Đông làm bàn đạp để tiến tới chuỗi đảo thứ hai, mở ra các hải lộ đại dương, nên đã cùng Ấn Độ hình thành một loại liên minh quân sự không chính thức chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh. Chỉ riêng có Việt Nam đứng ngoài vì áp lực của Trung Quốc.
Liên minh này đã tiến hành các tập trận chung, tân trang hải quân với các võ khí tối tân của Hoa Kỳ, Pháp; riêng Hoa Kỳ đã phái khu trục hạm Arleigh Burke Lassen, phi cơ tuần thám đại dương P-8 Poseidon, oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay trên không phận hay đi vào trong phạm vi 12 hải lý của những hòn đảo Trung Quốc đang chiếm đóng (FON - Freedom Of Navigation), tàu Ấn Độ đi vào vùng đặc quyền khai thác kinh tế của Việt Nam thăm dò dầu hỏa để thách thức sức mạnh của hải quân Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc chỉ phản đối bằng miệng.
Vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hoá rộng rãi trong 2015 (Dialogue Sangri-La, Hội Nghị song phương Hoa Kỳ – Úc, Hoa Kỳ-Nhật, Diễn Đàn APEC) và trở thành mối quan tâm chung của thế giới, vì một cuộc đụng độ giữa hải quân Trung Quốc và phe Liên Minh, có nguy cơ dẫn đến một cuộc tranh chấp lớn giữa các cường quốc.
Mã Lai (với bãi cạn Luconia Shoals) và Nam Dương (với quần đảo Nantuna) đang xem xét để đưa Trung Quốc ra trước Tòa Trọng Tài, trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền 2 nước này. Nhóm G7 (08-06-2015), Liên Âu đã lên tiếng cảnh giác về âm mưu quân sự hóa Biển Đông, gián tiếp ám chỉ Trung Quốc.
Nói tóm lại, Trung Quốc đã thất bại trong âm mưu phân hóa và đàm phán song phương với từng quốc gia ASEAN, đặc biệt là Phi Luật Tân. Trung Quốc chỉ thành công đối với Việt Nam, đây là quốc gia ven Biển Đông duy nhất mà Trung Quốc khống chế được lãnh đạo bản xứ vì sự nhu nhược và bản chất tay sai của họ.
Nguyễn Ngọc Bảo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét