Nguyễn-Xuân Nghĩa
Giữa lúc rồng thiêng mở vuốt tung mây
Quân tiếp ứng của Vương Sư ào xuất trận
Và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
Hiện ra như một vị thần linh…
Quân tiếp ứng của Vương Sư ào xuất trận
Và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
Hiện ra như một vị thần linh…
Vũ Hoàng Chương – Bài Ca Sát Thát
(1962)
Nhà
thơ Vũ Hoàng Chương của chúng ta đã viết về lũ Thiên triều:
“Như ngọn cuồng lưu, như
cơn bão cát.
Từ Mông Cổ, Tân Cương đến Ba Tư, Bạch Đát.
Trở về Hoa Hạ, Yên Kinh.
Lũ Thiên triều từng Bắc Chiến,
Tây Chinh.
Lẽ nào để một phương không xéo nát?
Trời Nam riêng cõi thanh bình
Lẽ nào để chiếc ngai vàng Thát Đát.
Ba chân trời Đại Lục đứng chênh vênh!...”
Nhà
viết sử của chúng ta thì kể lại: “Từ Trần Thái Tông đến Trần Nhân Tông, người
Mông Nguyên đã ba lần đưa quân xâm lược nước ta".
Lần
thứ nhất vào cuối năm Đinh Tỵ đầu năm Mậu Ngọ 1258, chiến dịch Bình Lễ đại bại,
quân giặc rút chạy hiền khô nên được gọi là “giặc Phật”. Lần thứ hai vào cuối
năm Giáp Thân đầu năm Ất Dậu 1285, sau khi nhà Tống đã tan, nhưng rồi quân
Nguyên cũng thảm bại. Lần thứ ba là trận phục thù của Thiên triều vào cuối năm
Đinh Hợi 1287 đến cuối Tháng Tư năm 1288. Với kết quả là biên giới Việt-Hoa vắng
bóng người vì quân dân gì của đất Hán cũng tháo chạy lên miền Bắc. Đến gà chó
cũng nín thinh vì khiếp sợ "Xìn Tầy Voòng" - Trần Đại Vương.
Trong
ba chục năm, ba chục lần Thiên triều gắng sức - mà hoài công!
Muốn
luận sử thì nên xem lịch: quân Mông Cố đều mở trận vào mùa Đông, nên thảm bại
không vì khí trời nóng bức. Mà vì hùng khí trời Nam!
Khi
ấy, nhà địa dư học mới vạch ra sự tất yếu của việc chinh phục từ Bắc phương.
Từ
sa mạc nổi lên, quân Mông Cổ đã khuất phục Âu-Á để lập ra một đế quốc rộng nhất
cổ kim. Khi đã làm chủ Trung Nguyên rồi thôn tính nhà Tống, lãnh đạo mấy đời
Nguyên Mông, từ Thành Cát Tư Hãn đến Hốt Tất Liệt, đều hiểu ra quy luật ngàn đời
của địa dư hình thể Trung Hoa: từ phương Bắc mà muốn tràn xuống miền Nam thì
không thể vượt Hy Mã Lạp Sơn đưa quân vào Ấn Độ. Cùng lắm thì thôn tính Miến Điện
chứ cũng khó đi xa hơn khe ải gập ghềnh.
Nơi
duy nhất khả dĩ “nhất đới nhất lộ” để đưa bộ binh và hạm đội xuống Đông Nam Á
là miền Bắc nước Việt và vùng biển Đông Hải. Chuyện rất hiện đại! Từ Mông Nguyên qua Mãn
Thanh xâm lược năm 1789 cho mãi đến gần đây, cũng ngần ấy con đường.
Và bây giờ
vẫn vậy….
Từ
thời ấy rồi, lẽ nào để chiếc ngai vàng Thát Đát, ba chân trời đại lục đứng
chênh vênh? Hóa ra, việc thôn tính Việt Nam đã nằm trong sử sách và dư đồ của bọn
hung đồ!
Vì
vậy, trong những năm củng cố thế lực tại Trung Nguyên, từ cuộc xâm lược đầu
tiên đến lần thứ nhì, quân Mông Cổ đã chín lần sai sứ qua triều Trần, đòi sáu
điều này, chục chuyện kia hay dăm ba nghị quyết nọ - để khuất phục dân Việt….
Nhưng triều Trần của Đại Việt vẫn nhu hòa bên ngoài mà cứng cỏi bên trong:
không một lần vua nước Nam chịu triều kiến ngai vàng Thát Đát.
Vì
vậy, việc phải đến đã đến. Lũ con nuông bất trị của trời xanh phải hưng binh “cho
dân Việt một bài học” và biến nước Nam thành quận huyện của Thiên Triều. Thời sự
chừng nào!
Nhưng
việc phải đến cũng đã đến. Vì khi ấy cõi Nam thiên có Hưng Đạo Đại Vương Trần
Quốc Tuấn.
Trần
Hưng Đạo Vương hiện ra như một vị thần linh, cầm gươm tiết chế điều động ba
quân và, lại phải thơ Vũ Hoàng Chương mới tả được, rằng hùng khí “Nuốt
sao Ngưu” chẳng phải việc hoang đường:
Triều non bạc lên
ngôi, giờ lịch sử,
Và xuống ngôi,
theo lệnh Đại Vương truyền
Nước rút đi, như
ngàn vạn mũi tên
Lấy Đông Hải làm
bia nhằm bắn tới
Một ám hiệu Kình
nghê vừa mắc lưới,
Thuyền Vương Sư liền
quật khởi tranh phong
Tay chèo nổi ngược
cơn dông
Tiếng hò “Sát
Thát” vang sông ngập bờ.
***
Giờ
này, nơi đây, hãy nhớ chuyện xưa….
Sau
khi tràn qua hai đại lục Á-Âu nối liền và thôn tính trước sau 40 nước, lãnh đạo
Mông Cổ có dưới trướng những tinh hoa
quân sự Âu-Á, thuộc đủ loại sắc tộc Mông-Hồi-Thổ-Hán lẫn Tây Hạ, Đại Lý hay cả
Di tộc Lô Lô ở mạn ngược của nước ta. Ngần ấy trận đều có sự tham dự của các
danh tướng bốn phương.
Chỉ
vì:
Đoàn quân ấy từ
phương Đông xuất phát,
Lũ con hoang bất trị
của trời xanh
Chỉ nhắp có hơi
men sung sát,
Chỉ say sưa bằng
những miếng giao tranh,
Nhằm hướng Phi Châu
Ngựa vọt tới đâu
là đời sống tan tành,
Biển ngập máu còn
mang tên Hồng Hải
Cờ phất Âu Châu,
Ngựa giẫm tới đâu
là xương phơi thịt vãi
Biển đeo tang còn
Hắc Hải ghi danh...
Cho
nên, biết bao danh tính rất lạ, như Ngột Lương Hợp Thai Uriyangqatai, hay Aju,
Triệu Triệt Đô, Phò mã Mông Cổ Quaidu Hoài Đô, Đoàn Hưng Trí đất Đại Lý, Triệu
Ngột Lương, hay Toa Đô Sogetu, Lý Hằng đất Tây Hạ, Koncak Khoan Triệt người
Uzbek, Manqudai cùng Tangutai, Thoát Hoan Toghan - con trai thứ chín của Hốt Tất
Liệt - Sài Thung, Gugar, Triệu Ngột Lương, Hồ Lã Trừng, Ariq Qaya người Đột Quyết
Uigur, Omar Ô Mã Nhi người Á Rập Hồi giáo, A Bát Xích Abai, Áo Lỗ Xích
Ayruyshi, Trình Bằng Phi, Trương Văn Hổ, Phí Củng Thìn, Đào Đại Minh, Trần Trọng
Đạt, Bố Tý Thành, v.v…. cho thấy một sự thật: quân Mông của nhà Nguyên tập
trung mũi nhọn của “liên quân Âu-Á” để nhất quyết làm chủ nước Nam. Quân số của
họ có thể là 50 vạn, chiến thuyền thì hàng ngàn, với kinh nghiệm chiến trường
trải ngang lục địa Âu-Á tới Trung Đông và xuống đến Chiêm Thành.
Còn
trời Nam chênh vênh, đất đai thì chưa đầy một vóc tay Mông Nguyên, quân số mươi
vạn, có huy động thêm dân vào trận địa của lần kháng chiến thứ ba thì cũng chỉ
tới 30 vạn.
Vậy
mà ngần ấy trận địa đều lừng danh chiến sử: Bình Lê Nguyên, Đông Bộ Đầu tại Triều
Đông của Thăng Long, Quy Hóa, Ôn Khâu, Nội Bàng, Chi Lăng, Vạn Kiếp, Chí Linh,
Vân Đồn, Bình Than, Phả Lại, Đà Mạc, Hải Thị, Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương,
nhiều lắm, kể sao cho xiết?
Và
ngần ấy con sông miền Bắc đều nổi sóng chống giặc. Như con rồng thiêng tái xuất
từ thời Ngô Vương Quyền, sông Bạch Đằng lại hội kiến lịch sử. Lòng sông là bàn
chông, lòng dân là tiếng thét: “Sông Bạch Đằng tôi có mặt
đây!” Trên
cánh tay, mọi chiến binh đều xâm lời tâm nguyện, là giết giặc Thát Đát. Vì chữ
Sát Thát trong tim mà:
Hán Hồ cũng đến
chôn thây
Trước sau một khúc
sông này mà thôi...
Khi
ấy ta mới giật mình: từ hơn ngàn năm nay, lần nào Bắc phương vượt ải vào Nam
thì cũng để lại thủ cấp của vài chục danh tướng!
Sau
cùng, có chi tiết nhỏ mà sao thấm thía: trong đạo quân bảo vệ phương Nam thời ấy
đã có những... thuyền nhân đầu tiên!
Sử
ta viết: “Mùa Đông, tháng 10 năm Giáp Tuất 1274, người Tống sang theo ta… Từ
Lâm An họ đem 30 chiếc thuyền chở vợ con và của cải vượt biển đến Cát La
Nguyên. Họ được an trí ở phường Giai Tuân, gọi là Hồi Kê vì dân ta gọi nhà Tống
là Kê quốc.” Khi quân Mông tràn xuống, di thần nạn dân người Tống đã chọn nơi
này làm quê hương, họ tự Việt hóa và tham gia chống giặc. Dưới trướng của Chiêu
Văn Vương Trần Nhật Duật có nhiều gia tướng Tống-Việt gốc thuyền nhân!
***
Bây
giờ mới đến vị thần linh.
Tượng Đức Thánh Trần tại xưởng đúc ở tiểu bang Delaware Hoa Kỳ. Chân dung tác theo
tấm tranh trên tờ giấy bạc có ngạch số cao nhất của Việt Nam Cộng Hòa
là 500 đồng, thân hình được tính theo khoa pháp y (forensic) cho sát
nhất với cơ thể và nhân chủng học.
Lãnh
đạo ba lần kháng chiến chống Mông Nguyên là ba vị vua anh hùng đời Trần, Thái
Tông, Thánh Tông và Nhân Tông. Nhưng phò cả ba đời vua và chỉ huy ba trận sinh
tử với kẻ thù chính là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Cầm
binh phù Tiết chế từ tuổi 30, Ngài có mặt trong ngần ấy lần công thủ tiến thoái,
và chủ trương là ta có thể thua trận nhỏ để bảo toàn lực lượng, chứ phải dứt điểm
ở trận sau cùng. Để đẩy giặc vào thế cùng mà bỏ chạy. Và bỏ lại thi hài của các
kiện tướng Âu Á Mông Nguyên. Cũng nhiều lắm, kể không thể xiết.
So
với những ưu binh kiêu tướng của Hốt Tất Liệt, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn,
mới là danh tướng muôn đời. Của cổ kim, của thế giới.
Không
chỉ là một chiến lược gia quân sự và nhà cầm binh thiên tài, Trần Hưng Đạo
Vương còn là một lãnh tụ chính trị của Triều Trần vừa dựng nghiệp trong buổi
giao thời Lý-Trần đã trải nhiều sóng gió vì nội loạn lẫn ngoại xâm. Qua ngần ấy
biến động, Ngài đã có thể lên ngôi như trở bàn tay. Vậy mà Ngài vẫn bẻ mũi nhọn
trên đầu trượng, tầm lòng vằng vặc nét trung chính và kiên nhẫn giải tỏa mọi
mâu thuẫn nghi ngại ở chung quanh để trước sau giữ phận bề tôi. Sơn hà xã tắc mới
là ước nguyện, tìm nhân tài cho đất nước mới là điều chính đáng.
Với
tài ấy, chí ấy, Trần Hưng Đạo Vương là nhân vật duy nhất trong lịch sử được dân
ta thành kính tôn thờ từ khi còn sống. Và cũng là người duy nhất được dân ta
phong thánh.
Dù
triều Trần có phong Ngài có là Thượng Quốc Công, Đại Vương hay Tiết Chế, với dân
Nam, đấy là Đức Thánh Trần. Vỏn vẹn ba chữ thiêng liêng cho một vị anh hùng dân
tộc.
Vì
vậy, nếu mọi nơi đều có dựng tượng Đức Thánh Trần thì đấy là điều hợp với lòng
dân, còn cao cả hơn ý trời. Lòng dân có vị thần linh của Triều Trần ở trong, từ
đời này truyền qua đời khác, trên hai chục địa danh của nước Việt và ở những
nơi nào có người Việt sinh sống cũng có nơi thờ cúng bậc anh hùng.
Cũng
chính vì tấm lòng sắt son với Tổ quốc thiêng liêng mà con cháu Ngài, vào đời
sau, đã hy sinh và đổ máu để bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Dưới bóng thần linh
Trần Hưng Đạo Vương, con dân Việt từ nơi nơi vẫn hướng về Tổ quốc. Và nhà thơ nhắc
nhở chúng ta:
Ấy ai qua chốn giang biên
Khói đầy khoang giấc sầu miên lạnh lùng
Tiếng kình vang đợt sóng rung
Có nghe chăng có thẹn thùng người xưa?
Bài
này mở đầu với thơ Vũ Hoàng Chương, xin cũng kết với người thơ đã mất đúng 40
năm trước dưới tay Cộng sản:
Lệ chảy, chảy xuôi tràn Bến Nghé,
Giật mình… Nam Hải sóng lô xô.
Bài
“Đường Xa Nghĩ Nỗi” được Vũ Hoàng
Chương viết từ một năm Thân - Mậu Thân 1968. Mà đã tiên báo cái nỗi đoạn trường
và nạn thuyền nhân ngoài biển Nam Hải sau 1975? Hay là nhà thơ khóc về chuyện thời
nay?
Nhìn
lên, thấy ngón tay Đức Thánh Trần chỉ xuống, trong đầu mình bỗng thấy âm vang:
Có nghe chăng? Có thẹn thùng người xưa không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa
____
Viết
nhân lễ an vị di tượng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tại Mile
Square Park, Fountain Valley giữa Quận Cam của California ngày 17 Tháng
Giêng 2016.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét