Dàn 'Tứ trụ' mới (từ trái): Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. |
Năm 2016 khởi đầu với những sự kiện rất đặc biệt. Đại hội XII của
đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) kết thúc sau những pha tranh giành quyền
lực cực kỳ quyết liệt. Sau đại hội rất khó đoán tình hình sẽ ra sao. Vì
người đại diện phe thắng cử không hề trình bày trước đại hội chương
trình hành động trong 5 năm mới của mình, trừ những khẩu hiệu vô hồn lặp
đi lại hàng mấy chục năm. Đó là vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê,
tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng dân giàu nước
mạnh, xã hội ổn định, phồn vinh.
Ở các nước khác, chương trình hành động bao giờ cũng là những việc
làm cụ thể có con số định lượng có thể đo đếm được. Chỉ có một mình ông
Bùi Quang Vinh nói lên yêu cầu đổi mới chính trị mạnh mẽ đi cùng đổi mới
kinh tế, nhưng cũng chẳng rõ đổi mới chính trị ra sao, theo mô hình
nào. Có bao nhiều việc làm rất cụ thể bị bỏ lỏng, không có giải pháp,
như làm thế nào để các cơ sở quốc doanh làm ăn nghiêm chỉnh, có lãi và
lãi được nộp đủ vào ngân sách. Cuộc cải cách giáo dục sẽ tiến hành cụ
thể ra sao, cho các bậc từ mẫu giáo, trung học đến đại học, dạy nghề.
Cải cách cụ thể ngành y tế ra sao để phục vụ xã hội, chữa bệnh tốt hơn.
Giảm nhập hàng Trung Quốc , từ máy móc, rau quả, vải sợi, da giày xuống
bao nhiêu, giảm số người Hoa nhập cư quá lớn chừng bao nhiêu trong từng
năm, để có thể gia nhập TPP thuận lợi. Giảm biên chế cụ thể bao nhiêu
khi viên chức có đến 2/3 làm việc qua loa; số tướng lãnh trong quân đội
và công an tăng hàng chục lần so với thời chiến tranh, về tỷ lệ so với
quân số vượt xa Ấn Độ và Pháp, vượt rất xa cả Trung Quốc và Nga.
Các chương trình tranh cử của mỗi đại biểu là linh hồn các cuộc bầu
cử hấp dẫn và sôi nổi. Ở VN, tuyệt đối không có tranh cử, không ai có
chương trình hoạt động của riêng mình, không có nền văn hóa dân chủ ăn
sâu vào máu thịt của cử tri, của toàn xã hội. Cho nên đại hội diễn ra
một cách xuôi chiều nhạt nhẽo, như suốt 9 ngày họp đại hội chỉ có chừng
10 bản tham luận đầy chữ nghĩa sáo rỗng, còn 1500 người chỉ ngồi vỗ tay,
miệng không hề mở, nên nhiều vị lim dim ngủ gật.
Chuyện nực cười là đến ngày Chủ nhật 22/5/2016 mới bầu cử Quốc hội
mới khóa 14, vậy mà nay đảng đã cử chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị
Kim Ngân; sau đó Quốc hội mới bầu ra chủ tịch nước và thủ tướng, vậy mà
nay đảng đã ngang xương tuyên bố chủ tịch nước là Đại tướng Trần Đại
Quang và thủ tướng sẽ là ông Nguyễn Xuân Phúc. Như thế nếu chẳng phải
đảng đã cướp quyền của Quốc hội thì là gì?
Chính vì vậy mà năm 2016 sẽ là năm rối và loạn. Không phải rối và
loạn ngoài xã hội, mà sẽ rối to và loạn to ngay trong nội bộ cơ cấu Nhà
nước. Lý do là cả năm 2016 sẽ có 2 hệ thống cầm quyền song song và đối
chọi nhau. Quốc hội có hai cái đầu, một ông cũ và một bà mới, vì cho đến
cuối tháng 5 bà chủ tịch mới nhậm chức. Ai có quyền hơn ai? Cuộc đấu đá
hậu đại hội có khả năng sẽ không kém gay go so với tiền đại hội.
Lôi thôi phức tạp hơn cả là về phía chính phủ, có ông thủ tướng cũ và
ông thủ tướng sẽ nhậm chức vào cuối năm. Trong cả năm, ông thủ tướng cũ
vẫn có toàn quyền quyết định mọi việc, có quyền coi ông thủ tướng tương
lai vẫn còn là ‘’phó thủ tướng của tôi’’, ‘’dưới quyền tôi‘’, “phải
phục tùng tôi”. Ông có thể vỗ vai ông Phúc mà nói rằng: "Chú mày cứ ngồi
ở tầng dưới, chớ có vội làm gì. Cuối năm, sau khi bàn giao sẽ lên đây
ngồi mới có chính danh”.
Ông Dũng cũng có thể nói với các bộ trưởng cũ và mới rằng các bộ
trưởng cũ sẽ ra đi nhưng phải làm việc nghiêm chỉnh đầy đủ trách nhiệm
cùng với ông cho đến cuối năm, các bộ trưởng mới cứ ngồi tại chỗ cũ và
làm việc bình thường như trước đây, sau khi nhận bàn giao hãy hay.
Trường hợp với Đại tướng Trần Đại Quang cũng vậy, ông tuy được Bộ
Chính trị giới thiệu sẽ giữ chức chủ tịch nước, ông Dũng có thể sẽ bảo
Tướng Quang rằng: ‘Anh còn phải ráng chờ Quốc hội mới họp vào cuối năm
mới có thể chính thức vào dinh chủ tịch nước. Trong năm nay, anh vẫn còn
là bộ trưởng trong chính phủ của tôi, rõ chưa?’.
Giữa chủ tịch nước cũ Trương Tấn Sang và chủ tịch nước mới Trần Đại
Quang cũng vậy. Ông Quang còn phải sốt ruột chờ gần một năm nữa để sau
khi ông Sang về hưu mới được ngồi vào chiếc ghế mới.
Cũng như ở mọi nơi, trong tình thế giao thời làm việc giữa người cũ
và người mới, sẽ có xung đột rất phức tạp giữa kẻ ở và người đi, giữa
tay chân bộ hạ của phe này với cánh kia, người ra đi sẽ cố ban bổng lộc
hậu hĩ cho phe cánh mình, tranh thủ nâng cấp, nâng bậc lương cho cánh
hẩu của mình, trong khi người mới sẽ chuẩn bị nhân sự của mình, chân rết
khác của minh - tân quan tân chính sách.
Nhưng phức tạp hơn cả là những chủ trương quan trọng: Dự án làm sân
bay lớn mới sẽ ra sao? Các công trình trọng điểm bị treo lơ lửng, ví dụ
như việc xây dựng xe điện tốc độ cao ở Hà Nội và Sài Gòn sẽ được giải
quyết như thế nào? Sẽ xúc tiến khẩn trương nhiều biện pháp mạnh để còn
kịp vào TPP? Khủng hoảng nợ nghiêm trọng phải giải quyết ra sao? Có chấn
chỉnh ngân sách, vì hiện nay chi cho an ninh vượt xa chi cho quốc
phòng? Đối ngoại sẽ chuyển theo hướng nào, thân Trung Quốc và phụ thuộc
Bắc Kinh hơn hay theo hướng từng bước Thoát Trung, hay theo hướng kết
thân dần với phương Tây, hay dè dặt hơn?
Mọi chủ trương có vẻ như của người ra đi có tính toán khác ít nhiều
với người ở lại, phải điều hòa nhân nhượng ra sao? Rồi vấn đề nông thôn,
nông nghiệp và dân oan? Lại còn khủng hoảng xã hội, trộm cắp, cướp của
giết người, xung đột, đánh giết nhau cao vọt lên? Rồi sách lược với các
tổ chức xã hội dân sự, và trào lưu dân chủ nhân quyền, đàn áp mạnh hơn
hay nới lỏng đôi chút để mỵ dân? Thái độ với tù chính trị khi sức ép
quốc tế có chiều tăng, sẽ ân xá cho ai vào dịp Tết Bính Thân này ?
Trong buổi giao thời, một điều nguy hiểm tệ hại là cán bộ và nhân
viên các cơ quan Nhà nước chờ đợi, tán chuyện, đấu láo hơn là làm việc.
Họ tha hồ bàn tán, phán đoán trong thời kỳ quá độ giữa lãnh đạo cũ và
mới, các quan chức đầu ngành cũ và mới, trình độ, tâm tính mới cũ ra
sao, họ phải uốn mình ra sao?
Họ nín thở, gần như bãi công để chờ đợi. Chỉ khổ cho người dân khi bộ
máy công quyền hầu như tê liệt. Có đến 16 bộ thay bộ trưởng, hàng mấy
chục thứ trưởng về hưu, gay nhất có lẽ là các bộ lớn như Kế hoạch và Đầu
tư, Giáo dục, Y tế, Quốc phòng, Giao thông vận tải... Sự xáo trộn, bất
ổn là khó tránh khỏi.
Phải chờ đến năm 2017 tình hình mới có thể ổn định, công việc công sở
mới có thể bình thường trở lại, sau những xáo trộn giằng co trong năm
2016. Có thể nói trong năm 2016 cuộc đấu tranh phe phái quyết liệt trong
Đại hội XII sẽ có thể dai dẳng, phức tạp hơn, theo kiểu cách kín đáo,
ngấm ngầm, để lại những di căn cho năm 2017 và cả những năm sau.
06.02.2016
0 nhận xét:
Đăng nhận xét