Ads 468x60px

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Vì sao CSVN không muốn luật hóa việc biểu tình?

Ông Trần Bang bị mật vụ bóp cổ họng, đánh vỡ đầu
khi xuống đường biểu tình phản đối chuyến thăm
của Tập Cận Bình. Ảnh: Internet.
Người Quan Sát
Bất chấp Ủy ban Thường vụ Quốc hội CSVN không đồng tình, nhưng Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến, đề nghị Quốc hội không đưa dự án Luật Biểu tình vào chương trình nghị sự tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII. Lý do mà phía Chính phủ đưa ra vì đây là một dự án luật "quan trọng, phức tạp và nhạy cảm". Việc xây dựng dự án Luật Biểu tình cần phải "nghiêm túc, thận trọng, chặt chẽ". Cùng với đó, cơ quan chủ trì dự án Luật chưa kịp chuẩn bị để trình lên Chính phủ nên một lần nữa quyền công dân, dù đã có trong Hiến pháp CSVN 70 năm nay vẫn chưa được luật hóa. 
Trong nội bộ Chính phủ CSVN, rào cản không phải nằm ở Bộ Công an hay những bộ ngành khác, mà mấu chốt chính là từ Bộ Quốc phòng, nơi có rất nhiều lãnh đạo, tướng lãnh có thái độ thân Trung Cộng. Trong bối cảnh hiện nay, nếu Luật Biểu tình được thông qua, đối tượng chủ chốt để người dân xuống đường biểu tình phản đối chính là nhà cầm quyền Bắc Kinh. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai đảng Việt Cộng và Trung Cộng.
Trước đó, Bộ Công an đã có dự thảo Luật Biểu tình gửi sang Quốc hội để các đại biểu nghiên cứu, thẩm tra. 
Ngày 17/2/2016, báo điện tử Giáo Dục đã dẫn lại lời ông Nguyễn Kim Khoa- Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội cho nhận định, dự thảo về Luật Biểu tình mà Bộ Công an gửi cho các đại biểu Quốc hội là "công phu và có thể trình ra (trước Quốc hội) được". Tuy nhiên, dự thảo này ngay sau đó đã bị phản đối bởi Bộ Quốc phòng, vì lãnh đạo của Bộ này cho rằng, Luật Biểu tình có quá nhiều "đổi mới về chính trị", ảnh hưởng đến "an ninh quốc gia, an toàn xã hội" nên cố tình làm trì trệ, không muốn Luật này được Quốc hội thông qua.
Cùng với đó, Bộ Quốc phòng còn đem Nghị định 38 về "bảo đảm trật tự công cộng" ra để phụ họa cho luận điểm của mình. Nghị định 38 được ban hành ra từ 3/2005, người ký văn bản thời đó là ông Thủ tướng Phan Văn Khải. Nghị định 38 cấm tụ tập quá 5 người ở những nơi công cộng. Còn nếu muốn tụ tập trên 5 người phải đăng ký trước với cơ quan có trách nhiệm. Quy định này chỉ áp dụng đối với người dân, không áp dụng đối với các hoạt động của các cơ quan đảng CSVN và chính quyền.
Chỉ trích về những luận điệu mà phía Bộ Quốc phòng đưa ra nhằm trì hoãn Luật Biểu tình được thông qua, trên báo Giáo Dục dẫn lời ông ông Nguyễn Kim Khoa cho biết:
"Thứ nhất, Bộ Quốc phòng cho rằng đây là đổi mới về chính trị. Chúng tôi cho rằng nhận thức như vậy là không đúng. Đây là đảm bảo về quyền con người, quyền công dân, chứ không phải là đổi mới chính trị.
Thứ hai, Bộ Quốc phòng cho rằng chờ bao giờ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mới làm. Chúng ta đang làm cái này để đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, chứ không phải là chờ ổn định rồi làm.
Thứ ba, Bộ Quốc phòng đề nghị xây dựng Nghị định trước, tổng kết Nghị định rồi mới xây dựng luật. Chúng tôi thấy rằng, Nghị định 38 bây giờ đã trái với Hiến pháp. Chúng ta mà làm Nghị định thì càng trái với Hiến pháp, không phù hợp với Hiến pháp, trong đó rất nhiều nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân".
Song, bất chấp sự phản đối từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Biểu tình đã không thể nằm trên bàn nghị sự tại kỳ họp 11 của khóa XIII.
Điều này cho thấy rằng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng vẫn lo sợ khi Luật Biểu tình được thông qua, người dân sẽ được tự do xuống đường để phản đối Trung Cộng, làm ảnh hưởng đến "đại cục" mà ông Nguyễn Phú Trọng, ông Phùng Quang Thanh và nhiều tướng lãnh bên quân đội thường nói đến.
Bên cạnh đó, việc không thông qua Luật Biểu tình sẽ dễ dàng cho chính quyền CSVN trong việc bắt bớ, đánh đập và trù dập những người xuống đường biểu tình. Chỉ cần vịn vào Nghị định 38 là có thể tùy tiện bắt bớ, trù dập người dân khiến họ không còn dám bày tỏ lòng yêu nước để ảnh hưởng đến "đại cục" nữa.
Rất nhiều thành viên Câu lạc bộ Nhà báo tự do đã bị bỏ tù, 
trù dập vì biểu tình chống Trung Cộng. Ảnh: Internet
Điều này chúng ta có thể thấy qua rất nhiều đợt biểu tình trước đây, như vào cuối năm 2007, những thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do xuống đường phản đối Trung Cộng, liền sau đó ông Điếu Cày- Nguyễn Văn Hải bị bắt vì tội...trốn thuế. Sau khi mãn hạn trốn thuế, ông cùng với 2 thành viên khác là bà Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải (anh ba Sài Gòn) bị bắt với tội "Tuyên truyền chống chế độ" theo điều 88 Bộ luật hình sự. Còn những thành viên khác, suốt cả một thời gian dài họ bị sách nhiễu, chính quyền triệt phá về kinh tế khiến họ không thể sống ở trong nước. Đạo diễn Song Chi bị chính quyền Sài Gòn thời có có văn bản đến các hãng phim, cấm không được cộng tác với bà. Quá tuyệt vọng, bà đành phải đi tỵ nạn và may mắn sao được Na-uy chấp nhận. Còn vợ chồng Uyên Vũ- Hồ Điệp cũng gặp phải trường hợp tương tự đành phải xin tỵ nạn bên Hoa Kỳ. Một thành viên nhỏ tuổi hơn là anh Ngô Thanh Tú, lúc đó là sinh viên cũng không thể hoàn thành khóa học của mình vì lý do liên tục bị công an phá, áp lực với nhà trường và với chủ nhà trọ buộc anh phải chuyển nhà liên tục. Cuối cùng, không thể sống ở Sài Gòn mà đành phải về lại nhà tận Khánh Hòa.
Ngoài những nhân vật trên, còn hàng chục, hàng trăm những người khác nữa, chỉ vì xuống đường phản đối Trung Cộng đã bị chính quyền trả thù bằng những hành động đốn mạt. Với việc lùi vô thời hạn Luật Biểu tình, nhà cầm quyền Hà Nội một lần nữa cho thấy sự khiếp nhược của họ đối với Trung Cộng. Lãnh đạo quân đội e sợ Luật Biểu tình sẽ là chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch để gây "tự diễn biến, tự chuyển hóa" rồi từ đó "phi chính trị hóa các lực lượng vũ trang", khiến cho CSVN sụp đỗ như lo lắng của ông Ngô Xuân Lịch, người sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng trong tương lai. Bên cạnh đó, họ vẫn muốn dùng luật rừng để siết chặt thái độ của người dân trong nước.
Người Quan Sát

0 nhận xét:

Đăng nhận xét