Nạn nhân một thời Cộng Sản hủy diệt văn hóa
Ở Huế,
suốt ba mươi năm nay, trong hàng trăm sản phẩm du lịch, có một sản phẩm
mà người ta không dám nhắc tới, mãi cho đến những năm trở lại đây, cụ
thể là ba năm nay, người ta lại nói rất nhiều về lễ hội đô vật làng Sình
và tranh dân gian làng Sình.
Nói về tranh dân gian làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh
Thừa Thiên-Huế, người ta nói về nghệ nhân Phước Ðen, người đã sống chết
với nghề, đã chấp nhận mọi rủi ro mang 11 bản khắc gỗ tranh làng Sình đi
chôn giấu vào năm 1980, khi mà nhà nước săn lùng ráo riết các bản khắc
gỗ tranh làng Sình để tiêu hủy. Và những ai giữ lại có thể bị bắt rồi
“đi luôn.”
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Nhớ lại tháng ngày 'Phước điên'
Tiếp chuyện chúng tôi là một người ngấp nghé bước sang tuổi xế chiều
có gương mặt khắc khổ, ánh mắt buồn và sâu thẳm, tính trầm lặng, nhưng
khi chạm đúng những gì cần nói về tranh làng Sình, vật làng Sình thì ông
nói như thể dốc toàn bộ tâm can để phơi trước cuộc đời.
Nhắc lại những ngày khó khăn của tranh làng Sình, ông kể: “Hồi đó,
chính xác là năm 1980, nhà nước đập bỏ đến đài miếu mạo và lăng tẩm, mọi
thứ đảo lộn lên cả. Họ xuống làng Sình, bắt đóng cửa sới đấu vật và
tịch thu tất cả các bản khắc gỗ tranh làng Sình để đốt.”
“Tôi thấy xót xa quá, hồi đó ai mà không sợ chết. Nên chi người ta
nộp tất tần tật và lửa khói nghi ngút. Người ta mang tranh và bản khắc
gỗ ra chất ngay sới đấu đô vật để đốt. Mọi thứ tiêu tan. Lúc đó tôi có
gần một trăm bản khắc gỗ, gia đình tôi làm lâu đời và ông nội tôi là thợ
cả ở đây mà, không nộp thì chết!”
“Tôi gói đúng mười một bản khắc gỗ quan trọng nhất và bộ khuôn mười
hai con giáp vào áo mưa, sau đó bỏ vào bao giấy dầu (nilon) buộc thật kỹ
và tối đến mang đi chôn. Sáng hôm sau, họ tới nhà tôi và tịch thu mọi
thứ để đốt. Gia đình tôi có thể nói là tán gia bại sản từ lúc đó.”
Bản khắc gỗ mười hai con giáp tranh làng Sình. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Nói đến đây, ông Phước thở dài bởi có một thứ gì đó đang nghèn nghẹn
chắn ngang cuộc trò chuyện. Ông rít một hơi thuốc lá, nhấp một ngụm trà
rồi kể tiếp: “Mười năm sau, thấy tình hình tạm ổn, người ta không đập
phá nữa, tôi đào khuôn lên và đào một cái hầm.”
“Thì đào một cái
hầm rồi chui xuống đó để chế tác mực, làm các thứ, làm giấy và in tranh.
Cái tên Phước điên của tôi cũng có từ lúc đó. Bởi vì người ta hay gặp
tôi đạp xe đạp, giữa nắng hè vẫn mặc một chiếc áo ấm và trùm khăn kín
mít, nói năng làm nhảm...”
“Tôi phải làm vậy vì sợ bị bắt, ở đâu không biết chứ ở đây mà đã bị
bắt thì chẳng biết bao giờ về, có khi đi luôn ấy chứ. Tôi sinh trước Mậu
Thân khá lâu nên tôi từng chứng kiến. Tôi phải giả điên, trong cái áo
ấm của tôi là những bức tranh làng Sình.”
“Tôi cứ đi đến nhà nào có thắp hai nén nhang trước nhà, tôi biết nhà
này có cúng kiếng, tôi rẽ xe đi vào. Chủ nhà gặp tôi thì bỏ chạy, sợ
người điên vào nhà, có nhà còn thủ thế để đánh đuổi. Tôi cứ vào, vào đến
nơi tôi nói với họ là tôi không phải người điên, tôi chỉ đi bán tranh.
Nói xong tôi mở chiếc áo ấm cho họ thấy và họ nhìn ra tranh làng Sình,
họ mua để giúp tôi một phần mà để cúng ông bà, cha mẹ nữa.”
“Tranh làng Sình cũng giống tranh Ðông Hồ vậy, được vẽ trên giấy điệp
và giấy dó, trước khi vẽ phải bồi một lớp bột điệp lên đó mới vẽ được.
Nói là in nhưng thực ra là vẽ. Nghĩa là mình dùng mực tự chế bằng tro
rơm, nhựa cây, hạt mồng tơi và một số loại hoa như hoa râm bụt, còn gọi
là bông cẩn, bông trang... để tạo màu. Tranh này có ba thể loại, tranh
đồ vật, tranh nhân vật và tranh mười hai con giáp.”
“Tranh mình đi bán là tranh cúng, người ta thờ ông bà, sau đó đốt. Số
lượng thờ cúng có hạn, không có đốt vô tội vạ giống như vàng mã. Và
tranh người thế, tranh cúng nhương sao, tranh thờ ông bà. Ví dụ như mình
thờ một mụ Tổ Cô không chồng không con, mình in một bức tranh mụ Tổ Cô
để thờ, cũng giống như tranh Phật vậy!”
Bảng hiệu khu triển lãm tranh làng Sình. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Gõ cửa từng nhà
Câu chuyện của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước (tự là Phước điên và Phước đen)
còn rất dài nhưng chúng tôi chỉ nhớ là ông đang mày mò chế tác giấy
điệp, giấy dó và cái thời ông ngồi dưới hầm để in tranh kéo dài chừng
mười năm. Mãi cho đến những năm 2010, làng Sình mới được phục hồi, vật
làng Sình và tranh làng Sình mới được giới làm du lịch, giới làm văn hóa
cũng như giới nghiên cứu tìm hiểu.
Trong khi đó, để phục hồi tranh làng Sình, những năm 2000, ông Phước
đã mang bảng khắc gỗ đi vận động từng nhà để họ cùng in tranh, để giữ
nghề. Và ông đã khắc bảng tranh gỗ tặng cho không biết bao nhiêu người
trong làng Sình. Sau đó, ông nhận chịu trách nhiệm tiêu thụ tranh của
họ. Vợ ông gọi đùa ông là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.”
Và, mải miết trong hơn mười năm nay, thành quả ông Phước nhận được là
tranh làng Sình sống trở lại, khỏi bị giấu giếm, trốn tránh và tranh
làng Sình được xem là nét văn hóa rất riêng của đất Huế. Mặc dù đời sống
của gia đình ông cũng chẳng khấm khá gì hơn bởi hiện tại, ông vẫn mải
mê sáng tác những bảng khắc gỗ, tìm tòi nghiên cứu để chế tạo giấy dó,
giấy điệp.
Nhưng dường như ông thấy mình rất giàu, bởi ông đã hồ hởi nói rằng:
“Với tôi, hiện tại, có thể ăn cơm với muối cũng được nhưng miễn sao
tranh làng Sình, đô vật làng Sình còn sống trong cuộc đời này và tiếp
tục phát triển. Với tôi như vậy là quá đủ!”
Tạm biệt ngôi nhà nhỏ, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ Nam sông
Hương, đoạn chảy qua huyện Phú Vang, bên kia là Triều Sơn, bên này là
làng Sình thấp tõm, chỉ cần một trận lụt nhỏ thì nước có thể lên đến nóc
nhà, khó khăn trăm bề... Nhưng làng Sình vẫn giữ riêng nét thơ mộng,
vẫn mang dáng vẻ sang trọng của một nơi có bề dày văn hóa và vẻ thơ mộng
hút hồn, khó tả!
Có thể nói rằng đến làng Sình là đến một nơi nào đó vừa hiện đại, cởi
mở nhưng cũng hết sức cổ tích. Cổ tích như chính câu chuyện của nghệ
nhân Kỳ Hữu Phước.
Liêu Thái/Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét