Như mọi người đã rõ, trong thời gian qua, truyền thông nhà nước đã bôi nhọ phong
trào cá chết bằng cách tố cáo đảng Việt Tân đứng sau sự kiện này bằng cách kích
động, xúi giục và mua chuộc (với giá 300 ngàn) những người tham gia
biểu tình. Sự việc này một lần nữa đã chứng tỏ nhà cầm quyền đang lúng túng
trong cách giải quyết vụ cá chết nên phải tìm ra một kế hỏa mù. Nhưng bên cạnh
đó, nó lại tạo ra một vài phản ứng từ người đi biểu tình. Vài người đã lên tiếng
xác minh sự trong sáng và độc lập của mình bằng cách tấn công đảng Việt Tân, đôi
khi bằng những lời lẽ không đẹp cho lắm.
Trước
tiên, tôi thông cảm hoàn toàn sự bất bình của những người xuống đường trong các
ngày 1-8- 15/5. Đó là những người đến từ rất xa như Nha Trang, Đà Lạt, Đồng Nai…
đó có thể là những sinh viên, công nhân, nông dân, văn nghệ sĩ, trí thức, tu sĩ;
chúng ta cũng đã thấy một số đồng bào Chăm bị bắt. Tóm lại đây đúng là một cuộc
biểu tình tự phát, không tổ chức và đến từ một ưu tư duy nhất: đó là phản đối
cung cách ứng xử của nhà nước trong vụ cá chết tại các tỉnh miền Trung cũng như
lên tiếng bảo vệ môi trường. Chính vì thế việc bị quy kết là bị xách động, nhận
tiền của các “tổ chức chống đối” nhà nước dễ tạo ra một phản ứng tức
giận.
Là một
người có hai quốc tịch và đồng thời là một cựu tù nhân lương tâm, tôi đã có
nhiều cơ hội tiếp xúc với các giới chức ngoại giao cũng như giới bảo vệ nhân
quyền, tôi có thể nói rằng ngay cả trong thành phần này cũng còn bị đầu độc bởi
công an VN huống hồ gì những người bình thường như chúng ta. Mỗi lần như thế là
chúng tôi lại phải nỗ lực tẩy độc cho họ. Việc này không khó lắm vì chỉ cần nói
lên những đòi hỏi chính đáng cũng như chủ trương bất bạo động của chúng ta là
đủ.
Đối với cộng đồng chúng ta, chính nghĩa là không cần bàn tới. Tuy
nhiên vấn đề nằm ở chỗ khác. Nó nằm ở giữa chúng
ta.
1. Cuộc
đấu tranh ngày hôm nay là một cuộc đấu tranh cần thiết. Nó đến từ sự an nguy của
đất nước trước hiểm họa đang tràn lan khắp nơi: chính trị, quân sự, kinh tế, xã
hội, giáo dục, môi sinh…Đây là cuộc đấu tranh đòi hỏi sự tham gia của mọi người,
mọi thành phần, mọi tổ chức nghĩa là của mọi người, trong đó Việt Tân chỉ là một
thành phần. Và cũng như mọi thành phần khác, Việt Tân cũng có nghĩa vụ đóng góp
sức mình vào cuộc đấu tranh chung.
2. Một câu hỏi được đưa ra là “tại sao
cộng sản lại chọn Việt Tân để chụp mũ?”. Câu trả lời đơn thuần là
vì Việt Tân là một trong những tổ chức đang ảnh hưởng đến sự tồn vong của đảng
cộng sản. Từ ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, kéo theo cà một hệ thống chính trị
và tư tưởng mác xít Đông âu, đảng cộng sản VN đã không ngừng tấn công Việt Tân
bằng cách vu khống là khủng bố. Và trong những tháng ngày còn đang lúng túng xử
lý vụ cá chết và đối đầu với làn sóng bất mãn của đồng bào mọi nơi, họ lại tìm
lại bài bản cũ bằng cách quy chụp Việt Tân kích động, giật giây, thậm chí cho
tiền người đi biểu tình. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nếu không có Việt Tân, cộng
sản cũng sẽ tìm ra một tổ chức hay một cá nhân nào đó để chụp mũ, để bôi
nhọ.
3. Tâm
lý con người thường dễ bị tác động khi họ bị vu cáo (nghĩa là không có thực
), và phản ứng trực quan nhất sẽ là chứng tỏ sự trong sáng, minh bạch, độc
lập của mình. Đây là việc làm chính đáng. Tuy nhiên sẽ là chính đáng hơn nếu
chúng ta chĩa mũi dùi vào kẻ đã tạo ra nguồn tin vu cáo chứ không phải là vào
Việt Tân, tổ chức này cũng là nạn nhân của vụ việc.
Việc chỉ trích Việt Tân (hoặc bất cứ tổ chức, cá nhân nào
khác) - bằng hình thức này hoặc hình thức khác, vô hình trung đã
tạo ra một sự tự cô lập giữa chúng ta với nhau, điều mà cộng sản ao ước hơn bao
giờ hết. Trong một bài có tựa đề : “Giải phẫu cuộc cách mạng màu tại
Arménie” của ký giả Joaquin Flores vào tháng 6/2015. Tác giả cho
thấy ứng xử của nhà cầm quyền Erevan giống Hà Nội không khác một ly. Trước tiên,
an ninh trà trộn vào trong hàng ngũ biểu tình, vốn là một tập thể rời rạc, truy
tìm những người tổ chức rồi sau đó bắt nguội. Tuy nhiên, nếu có một tổ chức nổi
bật thì an ninh sẽ bước sang giai đoạn hai bằng cách tạo ra những luồng dư luận
trái chiều, khuấy động và khai thác những khác biệt giữa đám đông với tổ chức
hoặc cá nhân đang có ảnh hưởng trong phong trào. Phương pháp này hiệu quả, ít bị
công luận lên án và đã được áp dụng tại Nga và
Macedonia.
Cách
đây một năm, một cuộc tuyệt thực 24 tiếng để bênh vực cho các tù nhân lương tâm
đã được tổ chức nhiều nơi trong và ngoài nước với khẩu hiệu rất ý nghĩa là WE
ARE ONE, điều đó muốn nói rằng tất cả chúng ta đều là những tù nhân lương tâm.
Tôi nghĩ khẩu hiệu – hay đúng ra ý tưởng này cũng có thể áp dụng cho phong trào
cá chết hôm nay. Mọi người chúng ta xuống đường chỉ với mục tiêu bảo vệ môi
trường, bảo vệ sự sống cho các thế hệ tương lai. Không ai kích động, không ai
xúi giục, không ai mua chuộc thì hà cớ gì chúng ta lại tự chia rẽ để rơi vào cái
bẫy của nhà cầm quyền.
Chúng
ta là một phải không các bạn ?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét