Ads 468x60px

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Tản mạn nhân Ngày của Mẹ

Mẹ con (Hình minh họa: Getty Images)
Ngọc Lan
1.
Thứ Hai đầu tuần, tôi đã được nghe câu chuyện này từ cô bạn, một người đang làm công việc “cán sự xã hội”.
Bạn kể, “Khách của mình là một bà 78 tuổi. Ở trong housing dành cho người già. Con trai con dâu xin vào trọ ké, lén lút. Mới đầu kêu là chỉ 3 tuần. Sau ở lì tới 6 tháng. Bà già thì cần yên tĩnh, dù hơi lẫn một chút nhưng sức khỏe rất tốt cho một người 78 tuổi.
Bà dậy sớm 6 giờ sáng đi ngủ 7 giờ tối đều đặn. Con trai con dâu đi cả ngày, tối khuya mới về ngủ đậu nên không ai biết. Con gái của bà có biết nhưng cũng không báo cáo. Người Việt Nam trong nhà hay du di với nhau như thế. Kệ. Nó là em của mình, giờ nó chưa có nhà, mà cũng đi suốt ngày, tối khuya mới về ngủ tạm thôi.”
Bạn kể, “Mới đây, cô con gái mới thổ lộ, là em trai em dâu ở ké mà không biết điều. Đi về tối mới lục đục nấu ăn, nói chuyện rào rào, rồi thêm thằng con nhỏ bật TV ầm ầm. Bà ngủ không được. Bà không muốn cho ở nữa thì họ bảo là bà... ác.”
Bạn nói bạn tới thăm nhà buổi sáng thì đâu có ai. Mà mỗi lần tới nhà, bạn có hẹn trước nên mấy người đó sẽ không có ở nhà vào lúc bạn tới. Thêm nữa là bạn cũng không bao giờ muốn tới đột ngột không lấy hẹn.
Bạn kể, “Tới hôm nay bà mới khai là bị con dâu đánh tuần trước. Thoạt đầu nghe bà nói vậy, cô con gái bảo là bà lẫn, nói năng lung tung. Cho đến lúc cô giúp tắm cho bà, lật tay ra mới thấy vết bầm bự tổ chảng thì cô con gái mới tá hỏa lên. Rõ ràng sức khỏe, thần thái của bà đi xuống hẳn so với lần trước mình tới thăm.”
Bạn kể, “Hên là con trai con dâu bữa nay đã cuốn gói đi thẳng. Nhưng người trong housing phải làm báo cáo. Mình phải làm báo cáo. Bút sa là gà chết. Phải họp hành bàn phương hướng giải quyết. Người ta hỏi bà muốn báo cáo cho Adult Protect Services (APS-Cơ Quan Bảo Vệ Người Cao Niên) cho người ta điều tra không. Bà chưa trả lời thì cô con gái đã nhao nhao lên, 'Đừng mẹ ơi. Dầu gì nó cũng là con của mẹ. Nó mới bị tội say rượu lái xe xong. Giờ lại tố con vợ nó đánh mẹ thì tội nghiệp nó lắm.'”
Bạn nói bạn phải “rất là cố gắng để nhỏ nhẹ” nói rằng gia đình không nên can thiệp vào, vì đây là quyền lựa chọn của bà mẹ. Cô con gái bảo, “Nhưng mẹ tôi lẫn. Mẹ không biết gì đâu.” Trong khi đó, bà mẹ từ từ trả lời, “Ừa làm gì thì làm. Không cho chúng nó đánh tôi. Tôi đau lắm.”
Bạn kể, “Mình nghe mà xót hết cả dạ. Họp bàn xong thì quyết định là con trai con dâu sẽ bị cấm cửa. Và APS sẽ cho người xuống điều tra coi chuyện gì đã thật sự xảy ra.
“Hiện nay chưa biết là con dâu có đánh bà như thế không. Người ta sẽ điều tra. Nhưng xin đừng bao giờ kêu là người già lẫn rồi muốn làm chi thì làm. Bởi vì bên Mỹ này, cũng như con nít, người già luôn luôn được bảo vệ bởi những người có chức năng,” bạn khẳng định.
2.
Nghe chuyện bạn kể xong, tự dưng thấy lòng mình chông chênh quá.
Bởi
Cuối tuần này là Ngày Lễ Mẹ. Và ít nhất là có một người mẹ đang bị chính con mình làm đau, đến sợ hãi...
Nhớ cách đây vài tuần, một đứa bạn thời đại học ghi vài dòng trên Facebook, như thế này, “Bữa nay có việc phải khai tên họ ngày tháng năm sinh cha mẹ. Ghi cho chồng, còn đầy đủ. Tới mình, hổng còn ai để mà khai, ghi có hai chữ “đã mất” cho cả bố và mẹ.”
“Ủa sao mình già rồi vẫn thấy cần có bố có mẹ như mình còn con nít vậy ta?” Bạn viết tiếp. “Có những thứ mà kêu là tử huyệt đó, hễ đụng cách đó 1 mm cũng trơ ra không sao hết, mà lỡ đâm trúng nó y như bấm cái nút nước mắt nước mũi chảy tè le.”
Đọc đến câu cuối, mắt mũi tôi cũng tè le. Tôi chưa bao giờ hình dung ra tôi của ngày tháng đó.
Lại nhớ, một đứa bạn thời đại học khác, viết trong blog nỗi niềm nhân 49 ngày tang mẹ, “Tôi cùng hai đứa bạn lên chùa trong ngày hôm đó. Ba đứa chúng tôi ôm nhau khóc. Hình như tôi khóc như chưa từng được khóc. Tôi khóc cho hả. Khóc hờn khóc mát cho cái ngày tôi bị mồ côi. Chẳng có ai dạy chúng ta phải cư xử làm sao khi mồ côi. Chả trường chả lớp hay văn bằng nào cấp cho chúng ta cái cái chứng chỉ mồ côi. Làm sao nguôi ngoai, cái phận mồ côi sẽ theo suốt đời chúng ta? Làm sao nguôi ngoai? Tôi không biết. Chỉ biết ngày theo ngày, cái đau càng nặng nề hơn, tan hoang hơn và u ám hơn.”
Sao tâm sự của đứa con mồ côi nào cũng chất ngất những tan hoang...
“Chẳng có ai dạy chúng ta phải cư xử làm sao khi mồ côi” - câu bạn viết như một nỗi gì đâm thẳng vào tim. Chới với.
Lại nhớ, mới đây, người bạn viết những dòng ký ức nhân ngày giỗ mẹ, “Nhớ nhiều nhất là lúc bó gối nhìn má nó nấu xôi chè. Bà tẩn mẩn vích từng miếng xôi dẻo quẹo óng nâu màu cánh gián, trong đó nào là đường, là đậu phộng, mè, vỏ quýt đã được nấu chín lên cái sàng tre lót lá chuối xanh mươn mướt. Rồi bà cầm vỏ chai bia Con Cọp lăn đều lên miếng xôi còn nóng hôi hổi cho dẹp ra. Bà nhìn thằng con đang lom lom nhễu nước dãi, ngắt cho nó một miếng, kèm theo lời dặn 'xôi chè phải để cho thiệt nguội mới ăn được nghen, con. Nhưng đừng có lén ăn, má nấu để làm đám giỗ đó!"
Ký ức đó, dễ chừng cũng phải 40 năm. Mà sao vẫn thắt lòng cho tâm tình của một người đi đến nửa cuộc đời vẫn còn nhớ về mẹ với những điều bình dị nhất.
Để rồi bạn kết luận, “Nỗi nhớ nào về má cũng đều như có cái gì đè nặng lồng ngực.”
3.
Chợt nhớ sáng nay gọi điện thoại cho má, mà không chờ đến khi má gọi hỏi thăm mới trọ trẹ, tí tởn vài câu. Cũng chỉ là những chuyện ầu ơ dí dầu, hỏi về món ăn này, nói về cây hoa nọ. Trước khi cúp phone, má nói một câu, “Con gọi cho má như vậy mà vui lắm đó!”
Tôi nghe ra tiếng cười lấp lánh trong mắt má, mà tự dưng lòng chùng xuống. Cho những vô tình cứ cuốn mình đi đâu, quên mất tiêu niềm vui của má chỉ là chừng ấy...
Chủ Nhật này 08 tháng 5-2016 là Ngày Lễ Mẹ.
Ngọc Lan/Người Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét