Tờ rơi tiếng Hoa gồm những nội dung xuyên tạc về Biển Đông mà Trung Quốc chủ ý phát cho các đại biểu quốc tế tại Đối thoại Shangri-La – Ảnh: V.T. |
Hoàng Việt
Chiều 3-6-2016, bên lề khuôn khổ Diễn đàn đối thoại Shangri-La tại
Singapore, ngay sau cuộc gặp giữa đoàn Việt Nam và Trung Quốc, phía
Trung Quốc đã phát tờ rơi bằng hai thứ tiếng Trung và tiếng Anh, nhằm
tuyên truyền cho luận điệu dối trá của họ về vấn đề Biển Đông.
Hành động này rõ ràng không xứng đáng với tầm vóc của một cường quốc – đàn anh trong khu vực được.
Chúng ta ai cũng biết Trung Quốc là một cường quốc ở
châu Á, tuy nhiên “làm anh khó lắm, phải đâu chuyện đùa”, người Trung
Quốc có bao giờ tự hỏi tại sao sức hấp dẫn trong chính sách đối ngoại
của Trung Quốc (một phần của sức mạnh mềm) không được cộng đồng thế giới
đón nhận và tin tưởng là mấy? Đó chính là cách hành xử của một “đại
quốc – tiểu nhân”, không có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và cư xử
một cách thô lỗ.
Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc luôn tìm cách bẻ
cong luật quốc tế theo cách của riêng họ, những luận điểm nghe như đã
nhàm tai, nhưng được các đại biểu Trung Quốc “phát loa” ở bất cứ nơi đâu
hòng đánh lừa dư luận. Họ luôn khẳng định người Trung Quốc là người
phát hiện sớm nhất các quần đảo ở Biển Đông và vì thế họ có chủ quyền
trên vùng biển này từ xa xưa.
Đây là một lập luận hết sức nực cười. Luật pháp quốc
tế về thiết lập chủ quyền quốc gia trên một lãnh thổ nào đó không hề đơn
giản như vậy.
Thứ nhất, các quốc gia dân tộc xuất hiện ở phương Tây
sau năm 1648 với định ước Westphalia và kể từ đó, hệ thống luật quốc tế
hiện đại mới được dần thiết lập.
Các quy định của luật quốc tế về xác lập chủ quyền
lãnh thổ quốc gia bắt đầu hình thành từ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 và
được hoàn thiện ở thế kỷ 20. Vậy thì cái mà người Trung Quốc gọi là họ
phát hiện từ thời nhà Hán (trước Công nguyên) thì dựa trên thứ luật pháp
nào mà gọi là luật pháp quốc tế?
Thứ hai, nếu nói người Trung Quốc là người tới Biển
Đông sớm nhất thì bằng chứng đâu? Người Trung Quốc cứ đưa ra mấy cuốn cổ
sử của họ ra, nhưng họ lợi dụng việc ít người nước ngoài biết tiếng
Trung nên họ cắt xén, biến tấu chỉ để phục vụ cho lợi ích của họ, chứ
các học giả như Phạm Hoàng Quân, Hồ Bạch Thảo, Bil Hayton… và hàng loạt
sử gia phương Tây khác đã nghiên cứu và khẳng định tất cả các tài liệu
cổ của Trung Quốc từ cổ sử đến các địa đồ cổ, chẳng có cái nào nhắc tới
Hoàng Sa, Trường Sa cả.
Hàng trăm bản đồ từ các nhà địa lý và hàng hải phương
Tây đều cho thấy rõ lãnh thổ của Trung Quốc chỉ kéo dài đến đảo Hải Nam
mà thôi.
Còn nữa, các di chỉ tàu đắm cổ trên khu vực Biển Đông
cho chúng ta biết tàu Trung Quốc xuất hiện từ thế kỷ 12, trong khi các
tàu đắm cổ của các quốc gia Đông Nam Á khác xuất hiện sớm hơn rất nhiều,
như tàu đắm của Philippines xuất hiện từ thế kỷ 4, sớm hơn của người
Trung Quốc 800 năm. Vậy các bằng chứng chứng minh ai là người tới Biển
Đông sớm nhất đây?
Thứ ba, Trung Quốc lúc nào cũng phát ngôn là “theo
luật pháp quốc tế”. Trung Quốc là một cường quốc, nhưng lại phớt lờ
nghĩa vụ của luật pháp quốc tế. Năm 2013, Philippines đã khởi kiện Trung
Quốc ra một thiết chế trọng tài được quy định bởi phụ lục VII của
UNCLOS, nhưng Trung Quốc áp dụng chiến thuật “không tham gia, không xuất
hiện và không tuân thủ”.
Nếu Trung Quốc tự tin là họ có đầy đủ các bằng chứng
lịch sử và pháp lý về việc thiết lập chủ quyền của Trung Quốc trên các
cấu trúc địa lý ở Biển Đông, và nếu họ nói họ luôn tuân thủ luật quốc
tế, sao họ không tự tin cùng với Philippines giải quyết tranh chấp tại
tòa án quốc tế đi? Mà họ luôn tìm cách né tránh, biện bạch cho hành động
“né tránh” với phiên tòa mà Philippines khởi kiện.
Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Luật biển 1982
(UNCLOS) đều quy định rõ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa
bình và các tòa án quốc tế có thẩm quyền trong việc giải quyết tranh
chấp giữa các quốc gia một cách hòa bình, theo các quy định của luật
quốc tế.
Vậy mà, Trung Quốc cứ chối là tòa trọng tài trong vụ
Philippines kiện Trung Quốc là không có thẩm quyền, trong khi UNCLOS nói
rõ việc có thẩm quyền hay không phải do tòa quyết định. Và phán quyết
ngày 29-10-2015, tòa trọng tài đã khẳng định tòa có thẩm quyền để giải
quyết tranh chấp này. Một cường quốc luôn tuyên bố là tuân thủ luật pháp
quốc tế nhưng lại “chạy trốn” một phiên tòa quốc tế, liệu đó có phải là
một cường quốc có trách nhiệm?
Chưa kể trong các tờ rơi, Trung Quốc còn “đổi trắng
thay đen” bằng cách lu loa rằng nhiều quốc gia đã đưa quân xâm chiếm
lãnh thổ của họ trên Biển Đông. Có lẽ chúng ta nên nhắc lại với người
Trung Quốc rằng chính hải quân Trung Quốc đã nổ súng tấn công để xâm
chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, một số cấu
trúc tại Trường Sa của Việt Nam năm 1988 và bãi Vành Khăn mà quân đội
Philippines đang chiếm giữ năm 1995.
Chúng ta cũng nên nhớ, luật pháp quốc tế từ sau khi
Hiến chương Liên Hiệp Quốc ra đời năm 1945, cùng với nghị quyết 2625 của
Liên Hiệp Quốc năm 1970 đã không chấp nhận việc sử dụng vũ lực để xâm
chiếm lãnh thổ của một quốc gia khác.
Và chính vì vậy, cho dù Trung Quốc đã chiếm đoạt quần
đảo Hoàng Sa, nhưng có quốc gia nào khác Trung Quốc trên thế giới thừa
nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Hoàng Sa đâu.
Một cường quốc “trỗi dậy hòa bình” mà luôn hăm dọa
các nước nhỏ, tráo trở trong chính sách và thô lỗ trong cư xử thì ảnh
hưởng của nó khó có thể khiến cộng đồng quốc tế “tâm phục, khẩu phục”
được.
Tranh chấp Biển Đông chỉ có thể giải quyết được với
thiện chí của tất cả các bên và nỗ lực tìm kiếm giải pháp trong hòa
bình, thực sự tuân thủ luật pháp quốc tế, chứ không phải việc “bẻ cong”
luật quốc tế.
Hoàng Việt
(Thạc sĩ, Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo – Liên đoàn Luật sư Việt Nam)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét