Số lượng công nhân Trung Quốc không
được kiểm soát lên tới hàng ngàn, kết bè nhóm, gây lộn, quấy rối người
dân xung quanh các công trường thuộc Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn (Thanh
Hóa), KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Một khu nhà ở của người lao động được dựng biển tiếng Trung Quốc, Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Ảnh: Người lao động
Ảnh: Người lao động
Theo phản ánh của phóng viên báo Người lao động, tại KKT Vũng Áng, huyện
Kỳ Anh thường xuyên xảy ra các vụ va chạm giữa lao động Trung Quốc với
lao động Việt Nam và người dân địa phương. Cụ thể như đầu năm 2013, từ
mâu thuẫn trả tiền công, một lao động Việt Nam đã bị lao động Trung Quốc
đánh bị thương. Và đây chỉ là một trong rất nhiều vụ tương tự. Lý giải
nguyên nhân, ông Trương Xuân Tịnh - Trưởng Công an huyện Kỳ Anh - cho
rằng do bất đồng ngôn ngữ, công nhân Trung Quốc uống rượu say tự đánh
nhau và va chạm với dân địa phương.
Phản hồi về vụ việc tại thôn Bắc Hải, trả lời phóng viên Vietnamnet (vào
tháng 6/2009) Thượng tá Trần Như Nhân - Phó phòng An ninh kinh tế tỉnh
Thanh Hóa - cho biết đã giải quyết vụ việc bằng cách yêu cầu nhà thầu
Trung Quốc tuyên truyền giáo dục lao động hiểu pháp luật Việt Nam. Nếu
họ chưa hiểu thì đó là thiếu sót của nhà thầu!
Còn tại Nghi Sơn, tình hình đã từng nghiêm trọng hơn khi xảy ra hàng
chục vụ lao động Trung Quốc đánh đập, bắt giữ người địa phương trái phép
từ năm 2008 đến nay. Đỉnh điểm là ngày 28/12/2008 đã có 200 lao động
Trung Quốc cầm hung khí xông vào đập phá một người dân tại huyện Tĩnh
Gia - Thanh Hóa khiến nhiều người bị thương, có người bị gãy cả tay và
chân.
Anh Nguyễn Văn Đen (thôn Bắc Hải) phẫn nộ phản ánh, anh đã từng là nạn
nhân của những công nhân Trung Quốc thường xuyên say xỉn, đập phá và dọa
nạt người dân địa phương.
Anh em anh Nguyễn Văn Len (trái) và Nguyễn Văn Đen (huyện Tĩnh Gia -
Thanh Hóa) cho biết họ đã từng bị 200 lao động Trung Quốc tay cầm ống
nước, gậy gộc đánh. Anh Đen là người bị đánh gãy cả tay chân, đầu bị
khâu 16 mũi. Ảnh: Người lao động
Trong khi các vụ quấy phá của công nhân Trung Quốc vẫn diễn ra thì chính
quyền địa phương thậm chí không quản lý được số lượng nhân công. Trong
năm 2012, các cơ quan chức năng phát hiện trong 412 lao động Trung Quốc
làm việc ở Nghi Sơn thì có già nửa không giấy phép theo quy định. Số lao
động được các nhà thầu đưa sang Việt Nam hộ chiếu du lịch, hộ chiếu
công vụ, nên không thể xử lý được!
Hình ảnh công nhân Trung Quốc đập phá tại Nghi Sơn. Ảnh chụp từ video clip
của Vietnamnet đăng tải năm 2009.
Đã có hơn trăm phản hồi về bài viết này tính riêng trong ngày hôm nay
(6/5). Nhiều người đọc từ sửng sốt đến bất bình đặt câu hỏi tại sao
người dân Việt Nam lại bị lao động Trung Quốc ức hiếp ngay trong nhà của
mình? Tại sao lại có một tấm biển chữ Trung Quốc thản nhiên được dựng
lên ngay giữa làng quê của Việt Nam? Chẳng nhẽ luật pháp Việt Nam lại
không đủ nghiêm trị những lao động hung hãn vô kỷ luật của Trung Quốc?
Thiết Sơn
Theo Người lao động, Vietnamnet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét