Ads 468x60px

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

“Tiên học lễ”, còn không?

Cậu bé cúi đầu cảm ơn khi được nhường đường.
Hình chụp qua clip của LiveLeak.
Kathy Tran
Ở hầu hết các trường học tại VN thường treo câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Song dường như phương châm giáo dục này chỉ treo lên cho có lệ mà thôi.
Một cậu bé ở Nhật Bản khoanh tay, cúi đầu cảm ơn khi được một chiếc xe nhường để cậu được đi bộ sang đường. Clip này làm xôn xao “cư dân mạng”. Đa số khen cậu bé người Nhật Bản này rất lễ phép.
Nhiều người từng sống, học tập ở Nhật chia sẻ, đây là chuyện thường ngày, và là một cách ứng xử hết sức bình thường ở xứ sở hoa Anh Đào. Khi thấy có người đi bộ muốn qua đường thì người lái xe sẽ dừng xe để nhường đường và đương nhiên bất kỳ ai qua đường, kể cả một đứa trẻ cũng sẽ có cử chỉ như vậy thay cho lời cảm ơn. Thậm chí khi đi ngang qua đoạn đường đang sửa chữa, xe cộ qua lại phải chạy chậm và tránh khu thi công, người giám sát thi công cũng đứng cúi đầu cảm ơn, xin lỗi từng xe qua lại vì sự việc gây chút phiền hà. Lễ phép là điều luôn được truyền dạy một cách cẩn thận trong gia đình và trường học ở Nhật Bản.
Chuyện này cũng bình thường ở nước văn minh. Như ở Pháp, Đức khi được nhường đường, người đi bộ cũng đưa tay ra hiệu cám ơn tài xế.
Từ khi còn nhỏ, ba mẹ tôi dạy rằng: gặp người lớn phải khoanh tay cúi đầu chào; ai giúp mình dù việc gì nhỏ nhất cũng phải cảm ơn; làm sai phải biết xin lỗi. Không những khoanh tay, cúi đầu khi chào hỏi, mà cả khi cảm ơn, xin lỗi để tỏ thành tâm. Thời gian tôi học ở Đức, việc cúi đầu cảm ơn khi được nhường đường là ứng xử hàng ngày của tôi. Khi sang Mỹ, lúc đi bộ, tôi cũng thường gật đầu cảm ơn những xe nhường đường khi qua các giao lộ không có đèn. Khi học lái xe, một trong những bài học đầu tiên mà người thày dạy tôi là “luôn luôn nhường đường cho người đi bộ”, “luôn luôn dừng xe khi thấy có người đi bộ muốn sang đường, và chờ cho đến khi họ bước lên lề đường rồi, mới được chạy tiếp.” Sau này, trong những tình huống như vậy, tôi thường nhận được một cái gật đầu nhẹ, hoặc một nụ cười, tỏ ý cảm ơn. Điều này làm tôi rất vui! Vui vì mình đã gặp được những con người hết sức lịch sự.
Sang đường ở VN rất nguy hiểm.
“Cảm ơn”, “xin lỗi” là chuyện thường ngày ở các nước văn minh. Đối với người đang sống ở các nước văn minh, chuyện cậu bé gật đầu tỏ ý cảm ơn khi được xe hơi nhường đường là điều bình thường. Nhưng vì sao clip cậu bé người Nhật Bản khiến mọi người quan tâm đến như vậy?
Xã hội Việt Nam ngày nay khác xa rất nhiều so với trước đây, thậm chí có vẻ “ngược đời” so với các nước văn minh. Ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội,...”quyền hành” nhất là xe 4 bánh, rồi đến xe hai bánh. Không có “bánh xe” nào (tức người đi bộ) chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Người đi bộ không có chỗ để đi, vì vỉa hè đã bị chiếm dụng để buôn bán. Vì trên vỉa hè không có đường đi, người đi bộ thường phải bước xuống lòng đường dành cho các loại xe. Trong trường hợp này, họ sẽ luôn phải nghe những tiếng quát “bước vô lề!”, hoặc “muốn chết hả?”, hoặc những tiếng còi inh ỏi...của những người điều khiển xe máy hoặc xe hơi. Người đi bộ không thể sang đường trên các vạch trắng dành cho người đi bộ ở các giao lộ, vì không có đèn tín hiệu cho người đi bộ, mà xe cộ thì cứ nườm nượp ào tới. Ở Việt Nam, đi bộ rất nguy hiểm, và sẽ không bao giờ có dịp để họ bày tỏ lòng cảm ơn, vì có ai nhường đường cho mà cảm ơn!
Vạch kẻ đường cho người đi bộ luôn được người
nước ngoài tuân thủ đi đúng luật nhưng vẫn phải dè
chừng lách qua từng xe máy phóng vèo vèo trên đường.
Đối với du khách ngoại quốc, việc sang đường là một...nỗi kinh hoàng. Dù đi đúng làn đường dành cho người đi bộ, nhưng xe cộ cứ ào ào chạy tới, khiến họ đi “đi không được, mà dừng cũng chẳng xong”.

Trở lại câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, đã có nhiều người đặt vấn đề này. Theo các bậc tiền bối, "Lễ" có nghĩa là cách cư sử, giao tiếp có văn hoá giữa người với người theo chuẩn mực đạo đức được xã hội quy định trong các quan hệ giữa người trên với người dưới, giữa người dưới với người trên. Hiểu rộng hơn đấy chính là đạo đức nói chung, phải biết kính trên nhường dưới, lấy Nghĩa, Nhân chữ Tín...làm trọng. 
Cầu nguyện trước khi sang đường.
Một bài viết được sưu tầm bởi trang web School.vnmic.com, đã đặt vấn đề: Nếu một người có học mà không có "lễ" thì người đó được xem như là hạng bất nhân. Và người đào tạo ra học trò đó cực kỳ hổ thẹn. Lịch sử đã ghi lại tên tuổi của nhiều bậc sư biểu, xứng đáng là thầy của muôn đời: Chu Văn An (1293-1370); Nguyễn Bỉnh Khiêm (1409-1595) Nguyễn Thiếp (1723-1804)... học trò của họ, dẫu có thành đạt đến bao nhiêu đi chǎng nữa cũng không bỏ rơi lễ nghĩa, đạo đức với thầy với nhân dân. Tác giả bài viết kể lại câu chuyện: một hôm Phạm Sư Mạnh sau khi đỗ đạt, làm quan to ở triều, về thăm thầy (Chu Văn An). Dọc đường qua khu chợ đang họp, ông để lính thét dân dẹp đường, làm huyên náo. Biết được sự việc, Chu văn An giận không cho Phạm Sư Mạnh gặp mặt. Quan lớn triều đình phải quỳ xin cả buổi thầy mới tha lỗi. Phải có những người thầy can trực, đạo đức như thế mới có thể đào tạo nên những học trò hữu ích cho đất nước.
Xã hội càng văn minh, hiện đại, lẽ ra lễ nghĩa càng phải đặt lên hàng đầu. Song, dường như điều này đã bị quên lãng. Xã hội rối ren, nhân-lễ-nghĩa-trí-đức còn không được coi trọng, thì bảo sao đất nước ngày càng lụn bại! 
Kathy Tran

0 nhận xét:

Đăng nhận xét