Chính quyền Việt Nam phải chấm dứt tình trạng trấn áp nhân
quyền đáng báo động và phải tức khắc ban hành các biện pháp bảo vệ các nhà tranh
đấu cho dân chủ trước các hành động bạo lực và tù đày. Hiến pháp phải bảo vệ con
người chứ không phải đàn áp con người. Trên đây là nội dung bản báo cáo của Ân
Xá Quốc Tế - Amnesty International công bố hôm nay 07/11/2013 báo động tình hình
nhân quyền tại Việt Nam.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế liệt
kê danh sách 75 tù nhân chính kiến đang bị giam cầm tại Việt Nam chỉ vì họ phát
biểu quyền tự do ngôn luận ngoài đường phố hoặc trên trang mạng
internet.
Chuyên gia Rupert Abbott
của Amnesty International thẩm định, “Việt nam đã nhanh chóng biến thành một
trong những nhà tù lớn nhất tại Đông Nam Á, giam cầm những người bảo vệ nhân
quyền và những nhà tranh đấu khác. Tình trạng đàn áp đến mức báo động này phải
chấm dứt ».
Năm nay, Việt Nam tiến
hành sửa đổi Hiến pháp và ứng cử thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Nhắc đến hai sự kiện này, Ân Xá Quốc Tế nhận định, Hà Nội đã từng tuyên bố với
thế giới là sẽ « thượng tôn pháp luật », nhưng trên thực tế vẫn «
đàn áp nhân quyền, vi phạm chính các lời cam kết của họ với cộng đồng quốc
tế » qua các công ước về quyền công dân và chính trị.
Danh sách những trường hợp
đàn áp rất dài. Chỉ tính từ đầu năm 2012, Amnesty International liệt kê « 65
trường hợp các nhà tranh đấu ôn hòa bị cầm tù qua những phiên tòa chớp nhoáng
chứng tỏ bản án đã được soạn trước. Với thời gian, hàng trăm tiếng nói khác biệt
với chế độ từ blogger, người tranh đấu cho nhân quyền, cho quyền lợi công nhân,
bảo vệ dân oan bị mất đất cho đến các tín đồ tôn giáo đã bị truy tố, kết tội và
giam cầm. Trong nhà giam, các tù nhân còn bị đối xử một cách thô bạo và phi
nhân ».
Amnesty International kêu
gọi Việt Nam thả hết 75 tù nhân và lưu ý trường hợp của cô Đỗ Thị Minh Hạnh, 28
tuổi, bị kết án 7 năm tù vào năm 2010, chỉ vì phát truyền đơn tố cáo tình trạng
chủ xí nghiệp đánh đập công nhân. Minh Hạnh bị ngược đãi trong nhà
tù.
Cũng trong ngày hôm nay,
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Nhân quyền và Quyền lao động Scott Busby đã
dành một bài phỏng vấn dài cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cho rằng « không có dấu
hiệu nhân quyền tại Việt Nam được cải thiện trong ngắn hạn ». Phó Trợ lý
Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Việt Nam hợp tác với bốn thanh tra nhân quyền do Liên
Hiệp Quốc bổ nhiệm và nhanh chóng cải thiện sâu rộng về nhân quyền trong nước để
nâng cao quan hệ với Hoa Kỳ.
Ông Scott Busby vừa đi
thăm Việt Nam trong bốn ngày từ 29/10 đến 02/11/2013. Ông cho biết đã gặp đại
diện chính quyền Việt Nam và « các nhóm xã hội công dân ».
0 nhận xét:
Đăng nhận xét