Ads 468x60px

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Quán ăn 10 ngàn đồng ở Sài Gòn

Quán cháo lòng 10 ngàn đồng trên đường
Tùng Thiện Vương, quận 8. (Văn Lang/Người Việt)
Văn Lang/Người Việt
Kể từ 2008, khi Việt Nam bắt đầu khủng hoảng kinh tế, Sài Gòn lần đầu xuất hiện quán cơm “bao no” với giá 10 ngàn đồng. Hiện nay sau hơn 5 năm lạm phát phi mã, việc tìm ra một quán ăn bình dân với giá 10 ngàn đồng “lót lòng” trong cơn “bão giá” quả là... không dễ chút nào!
Tuy nhiên, vẫn còn đó những quán ăn với giá chỉ 10 ngàn đồng ở Sài Gòn.
Trên đường Tùng Thiện Vương, quận 8, một đêm chúng tôi đi khuya, gặp một quán cháo ven đường chúng tôi tấp vô.
Quán khuya, người ra vô lai rai, thấy có đủ loại thành phần. Từ người công nhân quét đường, cho tới anh bảo vệ, người công nhân làm ca đêm, thanh niên trai trẻ cũng có, những đôi tình nhân...
Quán vỉa hè Sài Gòn có cái lạ hơn xứ khác là không phân biệt... giai cấp. Hễ thấy đói, tiện thì vô, hễ thích thì ăn, ít ai trưởng giả, đỏng đánh như mấy nơi khác. Khi tính tiền tô cháo, trả 10 ngàn đồng, chúng tôi khen thời bão giá mà còn lấy giá này thì thật là rẻ. Chủ quán, cười tươi: “Mười ngàn từ xưa tới giờ, đâu có lên giá!”
Về khu vực Chánh Hưng, xưa kia nổi tiếng với những lò mổ heo. Cũng là tô cháo 10 ngàn đồng, nhưng ở đây lạ hơn bất kỳ chỗ nào khác là họ bán món cháo mắt heo. Với món cháo này thì có lẽ là lạ thì ai cũng công nhận, còn nếu nói là ngon hay không thì có lẽ còn là “nhân tâm tùy... hỉ”, vì với những loại “đặc sản” người thích thì ca ngợi hết lời, còn người không ưa thì chê cũng không cần kiệm lời.
Thấy chúng tôi ăn uống cầm chừng, coi bộ cũng không mặn mà lắm, ông bạn người Hoa lớn tuổi đi cùng vừa gắp cái mắt heo to cỡ cái hột gà con so “mút” rột rột.
Quan niệm của người Việt (có lẽ là chịu ảnh hưởng của người Hoa) là ăn cái gì thì bổ cái nấy (?)Riêng cái món cháo mắt heo này coi bộ không biết có bổ mắt không, chứ đang đói mờ cả mắt mà gặp tô cháo nóng béo ngậy, với hương thơm của hành, của tiêu, của ớt bằm, chanh tươi thêm vô thì “sáng mắt” lên là lẽ đương nhiên.
Quán cháo mực gần bến xe quận 8.
(Hình: Văn Lang/Người Việt)
Sài Gòn những năm đói kém (khoảng thập niên 90), nhiều khu vực, kể cả khu vực quận 1 đều thấy xuất hiện một loại cháo bình dân ngon mà rẻ, ai cũng thích ăn (không phải như món cháo mắt heo) đó là món cháo mực.
Nếu nhớ không lầm thì thời giá lúc đó vào khoảng 6 ngàn đồng một tô. Ðến những năm sau này, khi nền kinh tế khá lên, món cháo mực một thời dần vắng bóng, hiện nay chúng tôi chỉ còn thấy “loáng thoáng” một vài quán cháo mực bán tại khu quốc lộ 50 (gần bến xe quận 8), khu Gò Vấp, khu Bình Thạnh, quận 4.. Và giá của tô cháo mực hiện nay cũng chỉ là 10 ngàn đồng.
Tuy nhiên, tô cháo mực của thập niên 90 thì có ăn kèm theo giò cháo quẩy, hiện nay thì người ta chỉ ăn không. Cũng xin nói thêm, cháo mực ở đây là loại mực khô được xắt mỏng, chứ không phải là mực tươi. Và như nhiều món ăn của miền Nam, cháo mực luôn đi kèm với giá sống, hành và sợi gừng thái nhuyễn. Trời mưa lạnh, được tô cháo mực thơm ngát mùi gừng, tiêu cay thì thật là ấm bụng.
Nhiều người, cũng giống như chúng tôi, lúc trước cứ ngây thơ mà tin rằng đi ăn cơm chay là... rẻ. Ai dè, sau mấy lần được bạn bè mời đi ăn cơm chay ở mấy chỗ “tên tuổi”, nghe tính giá mà hết hồn, lúc đó mới “té ngửa” là đồ chay còn mắc hơn đồ mặn.
Nhưng rồi nhờ “giang hồ” lâu ngày “lão luyện” chúng tôi cũng biết được những chỗ ăn chay vừa ngon, vừa rẻ, lại đúng theo ý mình.
Quán cơm chay Thiên Phúc có giá 10 ngàn đồng.
(Hình: Văn Lang/Người Việt)
Sở dĩ nhắc tới chuyện “ý mình” là vì nhân tâm tùy thích, chín người mà lại tới... mười ý. Nên có lẽ từ cơm chay nhiều khi chưa chắc diễn tả hết ý, vì có loại chay mà cao cấp, mà cũng “sơn hào, mỹ vị”, ở đây xin nhắc tới một bữa cơm đạm bạc.
Một bữa cơm mà những ai quen sống cảnh “cơm hàng cháo chợ” có lẽ đã một lần mơ thấy. Một dĩa cơm trắng, nước tương dầm ớt đỏ, miếng đậu hũ chiên, chút đậu que xào (hoặc luộc). Một bữa cơm như thế với giá chỉ 10 ngàn đồng, thường được bán trong những tiệm cơm chay, như quán cơm chay Thiên Phúc (ngã tư quốc lộ 50 với Nguyễn Văn Linh), quán gần chùa Nghệ Sĩ (Gò Vấp) giá rẻ hơn chỉ có 8 ngàn đồng...
Cũng gần khu vực chùa Nghệ Sĩ, có bán một món “đặc sản” nữa, món này thì chẳng phải “đạm bạc”, mà rất là “phàm phu” - Món chân gà nướng.
Một thời Sài Gòn, món chân gà chẳng có gì là mắc mỏ, vì đó chỉ là món “ăn chơi”, ăn kèm, ăn thêm... Nhưng rồi càng về sau, khi mà dân nhậu đã chán chê món thịt thà nhiều mỡ, thì chân gà càng ngày càng... có giá. Nhưng tới thời “bão giá” thì chân gà lại... hóa rẻ, vì dù gì cặp chân gà nướng cũng chỉ 10 ngàn đồng. Với dân nhậu “thứ thiệt” thì có gì “đưa cay” là quý rồi, đâu cần phải “mâm cao cỗ đầy”, nhất là với món “chân gà đi bộ”, thực chất là gà công nghiệp, mà chỉ có chân gà công nghiệp mới ngon, da dầy, gân mập, lại được ướp tẩm ngũ vị hương, lò than nóng quạt lên, nướng thơm phức. Cho ra dĩa, với rau sà-lách, cà chua thái mỏng, ít cọng rau thơm... Thế là cụng ly côm cốp, rồi chân (gà) ai người đó gặm...
Sài Gòn cũng có những quán Ốc đề giá rất “gợi cảm” - Quán Ốc 10 ngàn. Hỏi thăm, mấy dân nhậu, cười ngất “thì tiền nào của nấy!”
Họ giải thích là, dĩa thì cũng có loại dĩa thật to, nhưng cũng có loại dĩa... thật nhỏ. Dĩa ốc 10 ngàn được bỏ trong cái dĩa tuy nhỏ nhưng mà... xinh, với chừng chưa tới 10 con ốc cỡ... ngón tay.
Vì dân nhậu cũng có không ít tay rất “thanh cảnh”, tính ghé quán ven đường làm chai bia giá rẻ rồi về ăn cơm nhà, tiện tay cô bán quán mời mấy con ốc, gọi là “ăn cho vui”, “ăn lấy thảo” nể tình người em gái kêu thêm chai bia, rồi lại thêm dĩa mồi.
Nhâm nhi lại nhớ “rượu ngon phải có bạn hiền”, chiến hữu tới, đông vui thì phải dọn dĩa to, rồi làm tới làm tới... Khi tàn cuộc, vét hết túi trả tiền tuy lòng thì “héo” mà mặt vẫn cười tươi. Vì đời vui là thế!
Sài Gòn là thế đó! Thượng vàng hạ cám, cái gì Sài Gòn cũng có, đến nỗi có một nhà văn ở hải ngoại nhắn tin về cho mấy người cầm bút ở Sài Gòn với giọng đầy “cảm thán”: “Mấy vị ở Sài Gòn, mấy vị phải tận dụng hết cỡ đi, vì ở đó có nhiều thứ quá mà!”
Sự thật, nói như người miền Nam: “Nhà giàu thì cũng cơm ngày ba bữa, nhà nghèo thì cũng nổi lửa ba lần”. Nhưng sống ở Sài Gòn quan trọng là phải luôn ra đường, nếu cứ ru rú trong nhà, trong phòng thì đúng là phí đời.
Văn Lang/Người Việt   

0 nhận xét:

Đăng nhận xét