Ads 468x60px

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư

Đội bả trạo đang chèo hầu Ông trên biển.
Phạm Tấn Thiên
Hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư là một loại hình diễn xướng dân gian không thể thiếu trong đời sống văn hóa của cư dân ven biển Quảng Ngãi nói riêng, cư dân ven biển Trung Bộ nói chung.
Lễ cầu ngư được tổ chức vào các dịp khác nhau tùy theo quy ước của từng địa phương. Có nơi tổ chức theo ngày Ông lụy, có nơi lấy theo ngày vua ban sắc phong, hoặc theo phong tục làm ăn mà định ngày cúng. Trước đây, hàng năm vào dịp cúng tế, hầu hết các lăng Ông dọc ven biển và hải đảo của tỉnh Quảng Ngãi đều có hát múa bả trạo, nhưng nay chỉ còn diễn ra ở một số lăng Ông ở huyện Bình Sơn, như lăng Đông Yên xã Bình Dương, lăng Tuyết Diêm xã Bình Thuận, hay lăng Hải Ninh xã Bình Thạnh…
Thông thường, mỗi vạn chài đều có một đội gươm và một đội chèo bả trạo. Mục đích của diễn xướng bả trạo là: “Thứ nhất, nguyện đền ơn thần Nam Hải, hai cầu quốc thái dân an, ba cầu cho mưa thuận gió hoà, bổn vạn được bình an, biển được mùa cá rộ” (Lời hô của Tổng mũi thôn Vạn Ninh, xã Bình Thạnh). Chúng tôi xin giới thiệu loạt hình ảnh về hát bả trạo tế thần Nam Hải (Cá Ông) trong lễ hội cầu ngư đầu năm ở bổn vạn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Đội gươm và đội chèo đang chuẩn bị chèo hầu thần Nam Hải.
 
Đội bả trạo đang chèo hầu thần. 
 Các vị chức sắc trong vạn làm lễ tại lăng trước khi tổ chức nghinh Ông.
 Đội hình đi nghinh Ông được sắp theo trình tự: đi đầu là hương thân phụ lão, 
kế đến là đội gươm, đội chèo và đông đảo người dân.
 Đoàn nghinh Ông đi qua các con đường chính của bổn vạn.
 Người dân tham gia rất đông trong lễ nghinh Ông.
 Các thuyền sử dụng trong lễ nghinh Ông phải là những thuyền lớn, đánh bắt được nhiều tôm cá, chủ thuyền có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tang chế. 
Nghệ thuật diễn xướng bả trạo trong lễ hội cầu ngư là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của cư dân vạn chài huyện Bình Sơn nói riêng, của cư dân ven biển Quảng Ngãi nói chung, hầu như nơi nào có vạn chài thì nơi đó có thờ cúng Cá Ông, có hát bả trạo. 
Qua ngôn ngữ sử dụng trong hát bả trạo, chúng ta cảm nhận được tinh thần lạc quan, yêu nghề, yêu cuộc sống, mặc dù ngư dân là đối tượng luôn phải đối mặt với đầu sóng ngọn gió, với những hiểm nguy luôn rình rập trong quá trình khai thác biển…Lời ca trong kịch bản hát bả trạo chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, nó chính là một di sản văn hoá truyền miệng lưu lại cho con cháu thế hệ mai sau những giá trị văn hóa đầy tính nhân văn. Vì vậy, đây là một hoạt động cần được duy trì, gìn giữ và phát huy. Diễn xướng bả trạo có thể xem là sản phẩm nghệ thuật độc đáo, đặc sắc của con người (ngư dân) trước đại dương mênh mông, sâu thẳm.
Phạm Tấn Thiên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét