Nhân công đang chuẩn bị những mẻ tôm để chế biến xuất cảng ở Quảng Bình. (Hình: STR/AFP/Getty Images) |
Các
cơ quan kiểm soát thực phẩm nhập cảng của Liên Âu và Nhật Bản lập lại
sự cảnh cáo rất nhiều lần về dư lượng thuốc kháng sinh trong tôm xuất xứ
từ Việt Nam.
Theo các tin tức
mới đây, Việt Nam bị Liên Âu cũng như Nhật Bản cảnh cáo ít nhất 11 lần
chỉ trong mấy tháng đầu của năm 2014 vì sư lượng thuốc kháng sinh
oxytetracycline còn đọng lại trong con tôm bán sang các xứ này. Chúng
vượt quá xa mức an toàn thực phẩm mà nước này cho phép.
Cục quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản của Bộ Nông Nghiệp và Phát
Triển Nông Thôn Việt Nam được một tờ báo địa phương trích dẫn cho hay,
tại thị trường Nhật Bản chỉ từ giữa Tháng Ba đến cuối Tháng Tư 2014, đã
có thêm 4 trường hợp tôm xuất xứ từ Việt nam vi phạm mức an toàn thực
phẩm của nước này. Dư lượng oxytetracyline quá cao bị khám phá trong dịp
này nâng tổng số các vụ vi phạm ở Nhật từ đầu năm đến nay lên 6 vụ.
Trong khi đó, Liên Âu công bố lời cảnh cáo đối với 5 lô tôm đến từ
Việt Nam những tháng đầu năm nay. Số lượng lần vi phạm này nhiều gấp 2.5
lần năm ngoái, theo cơ quan NAFIQAD. Oxytetracyline là thuốc kháng sinh
được cho phép sử dụng để giúp tôm chống bệnh tật khi nuôi trong các ao
hồ. Tuy nhiên, lạm dụng tới mức quá cao, không tốt cho con người khi ăn
tôm, thì không được các nước dù là Liên Âu, Nhật hay Mỹ chấp nhận.
Hậu quả của dư lượng kháng ninh này quá cao có thể dẫn đến nhiều hệ
quả từ ói mửa, tiêu chảy, sưng hậu môn, và nhiều triệu chứng dị ứng
khác. Các nước Âu Mỹ nhập cảng tôm nói riêng và các loại thủy sản nuôi
trong hồ ao nói chung có những tiêu chuẩn chặt chẽ đòi hỏi các nước xuất
cảng phải tuân hành. Những lô hàng bị khám phá là không đúng tiêu chuẩn
an , từ vệ sinh đến kháng sinh độc hại đều bị trả về nguyên xứ hoặc bị
tiêu hủy. Nhà xuất cảng có thể bị trừng phạt hoặc cấm tiếp tục xuất
cảng.
Giữa tháng 4 vừa qua, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt
Nam đã phải gửi một lá thư sang chính phủ Nhật cam kết sẽ áp dụng các
biện pháp chặt chẽ hơn để kiểm soát thủy sản trước khi cho xuất cảng,
nhất là về dư lượng kháng sinh. Tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm khá
phổ biến tại Việt Nam. Không những dư lượng kháng sinh cao qua mức cho
phép, một số nhà xuất cảng gian dối còn bơm thêm tạp chất vào tôm cho
nặng thêm để kiếm thêm nhiều tiền hơn.
Năm 2013, Việt Nam xuất cảng một số lượng tôm nuôi công nghệ mang về
2.5 tỉ USD, gia tăng 33% so với năm trước đó. Việt Nam là nước xuất cảng
tôm lớn hàng thứ ba trên thế giới. Chỉ trong tháng 4-2014, Việt Nam đã
xuất cảng được số thủy sản trị giá 606 triệu USD, nâng tổng số kim ngạch
xuất cảng thủy sản 4 tháng đầu năm lên đến 2.2 tỉ USD.
Hoa Kỳ là nước nhập cảng thủy sản nhiều nhất của Việt Nam, chính yếu
là tôm, chiếm 24.59% tổng lượng thủy sản xuất cảng. Ba tháng đầu năm
nay, Việt Nam xuất cảng sang Mỹ số lượng thủy sản trị giá gần 398 triệu
USD.
Theo ông Ngô Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn trong lãnh vực nông nghiệp
cho rằng “Để giải quyết vấn đề lạm dụng hóa chất trong nuôi trồng thủy
sản hay bơm tạp chất vào thủy sản xuất khẩu, cơ quan quản lý nhà nước
cần phối hợp chặt chẽ hơn với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản
Việt Nam, đưa ra những biện pháp 'mạnh tay' đối với những cá nhân, doanh
nghiệp có liên quan”.
Tình trạng không phải diễn ra mới đây mà suốt nhiều năm qua dù rất
nhiều lô thủy sản đã bị các nước từ chối. Cơ quan kiểm soát thực phẩm
Hoa Kỳ lập một danh sách kiểm soát những lô thực phẩm nhập cảng vào nước
này cấm vì vi phạm an toàn, trong đó có rất nhiều lô của Việt Nam. Hiệp
hội Đánh Tôm Hoa Kỳ đã áp lực nhiều lần đòi áp thuế chống bán phá giá
đối với tôm nhập cảng từ Việt Nam.
Cục quản lý nhập cảng của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ loan báo hồi Tháng 8
năm 2013 quyết định áp mức thuế chống trợ cấp lên một số doanh nghiệp
sản xuất, xuất cảng tôm của Việt Nam, lấy lý do chúng được nhà nước trợ
cấp, không hoạt động theo đúng tinh thần kinh tế thị trường. (NT)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét