Cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân? |
Người Quan Sát
Một quy chế vô tiền khoáng hậu đã được ban hành dành cho các
công chức tại Hà Nội, thủ đô của nước CSVN. Ngày 29/5/2014, UBND thành
phố Hà Nội đã ban hành quy chế yêu cầu cán bộ công chức khi giao tiếp
với đồng nghiệp phải lịch sự, không nói tục, dùng tiếng lóng, quát nạt.
Trong giao tiếp với nhân dân phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích
rõ ràng, cụ thể, không quát nạt nhân dân.
Khi mới nghe quy định trên ắt hẳn nhiều độc giả phải giật mình, và khó
có thể tin rằng đó là sự thật và tự hỏi, phải chăng công chức ở Hà Nội
nói bậy, chửi tục nhiều lắm hay sao mà phải ra quy chế hẳn hoi? Vì nếu
có quy định trên thì rõ ràng chẳng khác nào xúc phạm công chức ở Hà Nội.
Đã là công chức thì đương nhiên là không được nói bậy, vì họ phải là
những người có học, có trình độ, phải qua bao nhiêu vòng tuyển chọn sao
thì những hành vi, cử chỉ vô văn hóa không thể hiện diện ở nơi họ được.
Song, công chức chính là bộ mặt của chế độ, của nhà nước CSVN, vậy nên
việc công chức thể hiện bộ mặt của chế độ ngay chính thủ đô của nước CS
cũng là điều có thể hiểu được.
Sở dĩ có cái quy định này là vì dựa trên kết quả của cuộc điều tra
thực trạng văn hóa ứng xử tại cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện,
doanh nghiệp, nơi công cộng và khu dân cư ở Hà Nội cho thấy, 88% người
được hỏi cho rằng cán bộ lãnh đạo có hành vi ứng xử không phù hợp.
Việc nói tục, chửi bậy không chỉ ở những công chức mà phổ biến hầu
hết ở các tầng lớp nhân dân. Những ai từng ra Hà Nội, tiếp xúc với người
dân ở đây đều thấy việc chửi thề hiện hữu ở khắp mọi nơi. Đến cả những
văn nghệ sỹ tưởng chừng như là những người có văn hóa thì lại thường
xuyên văng tục trên những blog, facebook cá nhân của họ. Người Hà Nội
xem việc chửi thề, nói tục như một nét riêng, mang đậm đà chất người thủ
đô vậy.
Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho
rằng, nếp sống thanh lịch là truyền thống của người Hà Nội. Tuy nhiên
trong buổi kinh tế thị trường, nếp sống thanh lịch không được phát huy,
kế thừa. Cách ứng xử “chưa đúng mực” của một số cán bộ công chức gây bức
xúc cho người dân và là hình ảnh không đẹp nơi công sở. Trong khi đó,
cán bộ công chức là những người đại diện cho nhà nước, có vị trí, trình
độ nên cần có ứng xử xứng đáng với vị trí của người cán bộ công chức thủ
đô.
Có thể người Hà Nội thanh lịch thật, nhưng đó là dĩ vãng của những
năm trước 1954, khi những người Cộng sản chưa thao túng, quản lý Hà Nội
để biến Hà Nội thành một quốc gia Cộng sản chuyên chế. Ông Long cũng như
bao nhiêu quan chức khác thường đổ lỗi do “cơ chế thị trường”, trong
khi chính các ông lại là người tạo ra cái xã hội nát bươm.
Còn riêng với ông nguyên Thứ trưởng Bộ nội vụ Thang Văn Phúc, để
quy định trên được thể hiện sức mạnh cần phải mạnh tay bằng cách bị kỷ
luật từ nhắc nhở đến không nâng lương một khi bắt gặp công chức chửi bậy
thô lỗ, và xem như không hoàn thành nhiệm vụ.
Quy định có cho vui.
Với nhiều người đây là một quy định có cho vui chứ chẳng thể nào
hạn chế được thói nói bậy của công chức thủ đô, vì đi kèm quy định là
cần phải có chế tài tương ứng. Làm sao xử phạt được khi lời nói gió bay,
Nói tục bao nhiêu lần, nói như thế nào thì mới bị xử lý kỷ luật?
Trên tờ Nông Thôn Ngày Nay có cuộc phỏng vấn với luật sư Nguyễn Anh
Tuấn về vấn đề trên. Ông này cho biết: Với một văn bản quy phạm pháp
luật, thì cách viết như vậy là thiếu chặt chẽ. Đối với người này thì từ
này, câu này là nói tục, là tiếng lóng, nhưng với người khác lại là
không phải, ấy là chưa kể đến phong tục, tập quán từng vùng miền. Để
chặt chẽ, quy chế phải có mục: Giải thích từ ngữ. Thế nào là nói tục,
tiếng lóng?
Hành vi của con người ngoài việc được điều chỉnh bằng quy phạm pháp
luật, còn được điều chỉnh bằng quy phạm đạo đức. Quy phạm đạo đức được
hình thành từ phong tục tập quán, thói quen, truyền thống, dân tộc, vùng
miền... và được bảo đảm thực hiện trên cơ sở cộng đồng và dư luận xã
hội. Và như vậy, ai mà chẳng biết thế nào là nói tục, là tiếng lóng. Vấn
đề ở đây là ý thức bản thân con người: Có văn hóa hay thiếu văn hóa, có
tôn trọng thuần phong mỹ tục tốt đẹp hay không thôi.
Khi được hỏi về tính khả thi của quy định cấm công chức nói tục,
chửi thề, luật sư Tuấn cho biết: Luật sư đánh giá thế nào về tính khả
thi của quy định này?
- Cán bộ, công chức thực hiện được những quy định nêu trong quy chế
là điều lý tưởng. Tuy nhiên, để pháp luật đi vào cuộc sống cần phải có
quá trình; thay đổi một thói quen trong sinh hoạt không thể trông chờ
vào một quy định. Nhưng đây là một cơ sở pháp lý quan trọng, là thước đo
để đánh giá cán bộ, công chức. Đi kèm quy định này phải có chế tài
tương ứng. Nhưng thực ra nói vậy cũng chỉ là nói theo sách vở mà thôi.
Có ai ghi âm được câu chửi thề của họ không? Nói tục bao nhiêu lần, nói
tục thế nào thì bị xử lý kỷ luật.
Đây là việc khó, nhưng không có nghĩa là chúng ta bất lực. Khi mà
cả xã hội lên án mạnh mẽ việc nói tục, khi mà cấp trên gương mẫu, nghiêm
khắc, công sở trang nghiêm sạch sẽ và khi lỡ buông câu nói tục thấy xấu
hổ với những người xung quanh thì việc nói tục sẽ biến đi lúc nào không
hay. Và chúng ta có quyền hy vọng về quy chế của UBND thành phố Hà Nội
sẽ trở thành hiện thực.
Người Quan Sát
0 nhận xét:
Đăng nhận xét