Thục Quyên
Trung Cộng nhìn thấy thời cơ và đã đi thêm một bước quyết định trong mưu đồ bành trướng của họ: giàn khoan HD-981.
Hơn một tháng đã qua, sự sôi sục, chuyển qua nhốn nháo rồi dịu dần của
dân chúng, và sự bất động của nhà cầm quyền Việt Nam, mà vài ba tuyên bố
đã gây hiểu lầm cũng đã được chỉnh lại đúng đường lối bằng những lời
vuốt ve quỵ luỵ "nước bạn láng giềng Trung Quốc" của bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng quang Thanh tại hội nghị Shangri-La.
Ông đại tướng Thanh thật ra không hề nói một điều gì mới lạ. Làn sóng
những bài viết và phản biện đi từ trách móc đến rủa xả ông ta chỉ cho
thấy hoặc là sự nhẹ dạ hoặc là sự tuyệt vọng của đa số người dân Việt
Nam còn lưu tâm và có khả năng lưu tâm đến vận mạng đất nước. Nhẹ dạ để
lại hí hửng tin tưởng và hy vọng sau vài lời tuyên bố "thùng lon rỗng" (*), hay qúa tuyệt vọng như người khát nước trong sa mạc nóng bỏng, lao đầu vào cái ảo ảnh Fata Morgana trước khi gục xuống.
Dừng lại và nhìn sâu vào sự việc.
Sau một tháng tròn, biết bao nhà trí thức, chuyên môn, đã vận dụng khả
năng và sự suy nghĩ của mình để hiến kế cho nhà cầm quyền Việt Nam đối
phó cấp bách với Trung Cộng. Nhưng bây giờ giả thuyết sự xâm lấn chủ
quyền Việt Nam trên Biển Đông của Trung Cộng là một hành động bất thình
lình làm Đảng và nhà nước Việt Nam bối rối không biết xử trí ra sao đã
rõ là sai hoàn toàn. Những vị cầm quyền cho thấy họ có một đường lối rất rõ ràng, không suy chuyển: kẻ im, người nói, chia vai trò với nhau rất nhịp nhàng, ăn khớp với thời điểm.
Điều đáng nói là dân không được biết đường lối này như thế nào, sẽ đưa
dân tộc tới đâu, nên dân không thể suy nghĩ, bàn cãi hay không đồng ý.
Khổ thay dù những người lãnh đạo vì tư lợi hay chỉ vì yếu kém, một mai
khi đất nước mất chủ quyền là mất chủ quyền, không có hai loại nặng nhẹ
khác nhau, và lúc đó có ngã ngũ tội tình thì cũng chẳng còn cứu vãn được
gì.
Do đó việc làm cấp bách hiện nay, thiết nghĩ không phải là năn nỉ, kêu
gọi hay trách móc (chưa đủ nữa hay sao? thế nào là nước đổ lá khoai?) mà
phải là nỗ lực bạch hóa những gì đảng Cộng sản và nhà nước đã thỏa
thuận, ký kết với Trung Cộng.
Không biết chỗ đứng của mình, không biết trong tay mình có gì, không
biết giặc ở những chỗ nào, đã nắm những yếu điểm nào của mình thì làm
sao mà trở tay?
Kẻ đứng ngoài nói dễ, kẻ ở trong làm khó.
Vẫn biết như vậy. Nhưng nếu suốt tháng nay tốn bao công sức, giấy mực,
để tính toán mò mẫm những gì Mỹ, Nhật, Phillipines, rồi Nga, ASEAN, nghĩ
và... có thể sẽ làm, mà ngay trong nhà mình, mình không biết chuyện gì
đang xảy ra, ngay cả những gì đã xảy ra cũng không biết nốt. Thế thì có
khác chi chúng ta đang đóng vai hiệp sĩ mù qườ quạng đánh gió?
Có những tin tức Trung Cộng phóng vào dư luận thế giới mà Việt Nam không
thể chống đỡ vì không có dữ kiện chính xác. Thí dụ tin Trung Cộng khẩn
cấp đem tàu qua đón hơn 3000 người lao động, đem máy bay chở công nhân
bị thương của họ, được báo chí thế giới đăng tải. Lẽ dĩ nhiên cũng có
vài nhà chuyên môn ngọai quốc bình luận, đây là một phản ứng thổi phồng
để buộc tội Việt Nam, nhưng vài tiếng nói này không có chút ảnh hưởng gì
để đảo ngược hình ảnh bất lợi về người Việt Nam mà bộ máy tuyên truyền
Bắc Kinh reo rắc.
Trong khi ấy, nếu có con số người lao động China thực tình có mặt tại
Việt Nam để đưa ra: 30.000? 150.000? 200.000? nghĩa là 10 lần? 50 lần?
70 lần hơn con số 3000 Bắc Kinh nhắng nhít báo động thì tình trạng trung
thực có thể được đưa ra rõ ràng, một cách thật đơn giản và thuyết phục.
(Kể thì cũng nên lưu ý những người này đang làm gì khi mà những vùng
sinh sống của họ nghe nói nhà nước Việt Nam không có quyền kiểm soát?)
Cũng là một cách thật đơn giản để người dân Việt từ Bắc chí Nam hiểu đất
nước xiêu vẹo này đã nghiêng nhiều về phía vực thẳm, nếu có một bản
tổng kết số lượng hầm mỏ, công trường, trung tâm.... nằm trong tay người
China trên đất Việt.
Nếu có những bài phóng sự hoàn toàn đứng đắn ghi lại rõ ràng tình trạng
người dân Việt sống chung quanh những nơi này, và cuộc sống những công
nhân Việt Nam làm cho những hãng xưởng Trung Cộng.
Rất đơn giản và thuyết phục vì ngọn lửa yêu nước và tính tự trọng của
người Việt sẽ đánh bạt ngay cái tình trạng bị đánh giá là vô cảm trong
xã hội Việt Nam hiện nay.
Vô cảm hay không có tin tức? Thiếu hiểu biết hay vì đã bị uốn nắn để tin vào sự bất lực của mình?
Cứ nhìn tất cả những vấn đề liên quan tới cái công hàm-mà có thể không
phải là công hàm- năm 1958 của thủ tướng Phạm văn Đồng đang xích chân
Việt Nam thì Việt Nam cần mang ra nghiên cứu tất cả những công hàm liên
quan tới biên giới, hầm, mỏ, rừng, đất, người khác đã ký giao cho Trung
Cộng. Phòng hờ những điều mình tuyên bố bây giờ về Hoàng sa Trường Sa
đã không giúp lấy lại mà còn trở thành những lý luận vững chắc giúp
Trung Cộng được thêm chỗ khác.
Thục Quyên
Chú thích:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét