Phạm Chí Dũng |
Một thập niên giật lùi
Sau 10 năm lạnh lẽo, lịch sử bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ
sắp chứng kiến thêm một tổng thống Hoa Kỳ đặt chân lên miền đất cựu thù.
Lần dậm chân gần nhất thuộc về Tổng Thống George W. Bush. Tháng 11,
2006, Washington đã kỷ niệm việc Hà Nội được chính thức trở thành thành
viên thứ 150 của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) bằng chuyến đi này.
Nhưng “thể diện” không kém đối với chính thể toàn trị ở Việt Nam là phía
Mỹ đồng thời nhấc chế độ này khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm
đặc biệt về Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo (CPC).
Tuy thế, kỷ niệm trên đã thuộc về dĩ vãng của một thời được xem là
“nồng ấm.” Còn hiện tại, mối tình Việt - Mỹ đã lạnh nhạt đi nhiều. Những
đảng viên đảng Dân Chủ của Tổng Thống Obama càng khó có thể chấp nhận
tiến trình tròn một thập niên đi giật lùi của chính thể Việt Nam về
thành tích nhân quyền. Ngay cả sự nghiệp dân chủ hóa - điều mà một số
lãnh đạo Việt Nam đã hứa hẹn với Tổng Thống Bill Clinton khi ông thăm
Việt Nam vào tháng 11, 2000 - cũng chẳng thấy đâu.
Không những chưa có gì chi tiết cho dân chủ hóa, một khái niệm mới
còn được giới “bốn kiên định” ở Việt Nam sáng tạo: Dân chủ xã hội chủ
nghĩa.
Trong não trạng thường rạch ròi và minh bạch của người phương Tây,
thật khó mà hình dung nổi về thực chất của cụm danh - tính từ lắp ghép
trên.
Không chỉ quá kém cải cách về kinh tế, tình trạng chậm lụt về dân chủ
hóa và cải thiện nhân quyền chính là một nguồn cơn khiến không chỉ
chính phủ Hoa Kỳ, mà cả lưỡng viện Quốc Hội của quốc gia này, không thể
bình tâm để cấp cho Việt Nam quy chế “kinh tế thị trường đầy đủ,” cho dù
trong bất cứ lần gặp gỡ chính thức hoặc không chính thức nào, giới lãnh
đạo cao cấp của Việt Nam đều “đọc bài” không biết mệt mỏi về thành ngữ
ấy.
Không những thế, cận cảnh thể chế Việt Nam bị đưa trở lại danh sách
CPC đang đến gần nhất trong 10 năm qua. Do những nhà hoạt động tôn giáo
quốc tế và cũng bởi 2/3 lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ không thể kiên nhẫn
lâu hơn nữa.
Tháng 5 năm 2016 sẽ là cuộc tiếp xúc chính thức của Obama - người đã
trở thành tổng thống Mỹ với khẩu hiệu “The change we need” - với một
tổng bí thư cũ cùng một Bộ Chính Trị mới của Việt Nam. Một thử thách
không nhỏ dành cho Obama: làm thế nào để thuyết phục Quốc Hội Mỹ thông
qua TPP trong những tháng tới với lý do “Việt Nam đã cải thiện nhân
quyền.”
Vẫn đu dây và trả treo
Những tin tức mới nhất của Phó Thủ Tướng Kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao
Việt Nam Phạm Bình Minh báo về từ Mỹ hóa ra lại toàn cũ: Những vấn đề sẽ
được đề cập trong chuyến thăm của Tổng Thống Obama, hiện tại còn đang ở
trên bàn đàm phán, hai bên đang cùng thảo luận với nhau, nhưng mục tiêu
cao hướng tới là tiếp tục làm cho quan hệ đối tác toàn diện giữa hai
nước sâu sắc hơn, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa;
kể cả vấn đề duy trì hòa bình, ổn định... Vấn đề duy trì, hòa bình, ổn
định, những diễn biến trên biển, câu chuyện biển Đông cũng sẽ được đề
cập. Nhưng đặc biệt, hiện tại, Việt Nam hết sức quan tâm đến vấn đề giải
quyết hậu quả chiến tranh để lại như vấn đề chất độc da cam, những vấn
đề nhân đạo của cả hai bên...
Hoàn toàn chẳng có gì đặc sắc. Tất cả những nội dung trên, bao hàm cả
“kinh tế thị trường đầy đủ,” đều đã nằm gọn trong bản tuyên bố về “đối
tác toàn diện” mà Obama cùng Trương Tấn Sang đã ký kết tại Washington
vào cuối tháng 7, 2013.
Chỉ có điều hơn 2 năm qua, số nội dung thỏa thuận trong bản tuyên bố
trên được “mang hơi thở nghị quyết vào cuộc sống” là ít ỏi một cách đáng
sợ.
Cũng đã không có bất kỳ một cải cách đáng kể nào, hoặc nói theo từ
ngữ ngoại giao Hoa Kỳ là “chưa có gì có thể chứng minh được,” của chính
thể Việt Nam tính từ chuyến đi Washington của Trương Tấn Sang đến cuộc
công du đến cùng địa điểm của Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7, 2015.
Giới ngoại giao Việt luôn ghì đầu vào trò chơi chữ. Những gì mà phía
Việt Nam âm thầm chấp nhận từ các cuộc đối thoại song phương với Hoa Kỳ
chỉ mang tính ngữ nghĩa, khái niệm. Sự khác biệt duy nhất giữa hai
chuyến công du Mỹ vào năm 2013 và vào năm 2015 là nếu Chủ Tịch Sang
không mang đến Mỹ một “món quà” nào, thì Tổng Bí Thư Trọng đã tỏ ra là
một chính khách thức thời và khôn ngoan hơn: lặng lẽ chấp nhận định chế
công đoàn độc lập - một trong những điều kiện đương nhiên của Hiệp Định
TPP nhưng cũng mang tính thách thức đặc biệt lớn đối với chế độ chính
trị Việt Nam về những hình dung “diễn biến hòa bình.”
Điều đơn giản là, nếu không có “món quà” công đoàn độc lập, ông Trọng
sẽ không thể được đón tiếp ngoài sức tưởng tượng tại Phòng Bầu Dục mà
do vậy sẽ không thể tạo nên một ưu thế đáng kể cho phe đảng của ông ngay
trước cuộc chiến Đại Hội XII.
Tuy nhiên, không gì có thể thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam, trừ nạn
tham nhũng và đấu đá quyền lực. Gần một năm vụt qua kể từ ngày 8 tháng
5, 2015, khi Tổng Thống Barack Obama hiện diện tại trụ sở công ty Nike
(Portland, Oregon) với một bài phát biểu rất đặc biệt không phải dành
cho nước Mỹ: “Lần đầu tiên, Việt Nam thậm chí sẽ phải để cho người lao
động tự do thành lập công đoàn bảo vệ quyền lợi. Điều này cũng sẽ tạo ra
sự thay đổi,” thậm chí báo chí nhà nước Cộng Sản còn không được đăng
nguyên văn “công đoàn độc lập” mà phải biến tướng sang một cụm từ khác
là “công đoàn cơ sở.”
Khó có thể hiểu khác hơn là giới lãnh đạo Việt Nam đang muốn duy trì
chính sách trì hoãn và kéo dài càng lâu càng tốt việc triển khai công
đoàn độc lập - một sự chậm trễ đầy chủ ý và có tính “trả treo,” phản
chiếu tấm gương đu dây mà chính thể này đã đu lắc suốt nhiều năm giữa
Bắc Kinh và Washington.
Cũng cần thành thật nói rằng một khi đã không có bất kỳ cải biến nào
có thể chứng minh được, Việt Nam sẽ quá khó để mong đợi một kết quả khả
quan nào khi tiếp đón Obama vào tháng 5 tới.
Kết quả duy nhất đang mờ mờ hiện ra chỉ là sự hứa hẹn của Hoa Kỳ về
tương lai dành cho Việt Nam về cơ chế “đối tác chiến lược” - mà dĩ nhiên
người Việt láu cá muốn dùng khái niệm này để ít nhất dằn mặt tham vọng
biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc.
“Cô gái lỡ làng”
Có thể nhớ lại, khoảng gần một tuần trước chuyến đi Mỹ của Tổng Bí
Thư Trọng vào tháng 7, 2015, như một cố tật còn lâu mới chịu bỏ, Bắc
Kinh lại tung giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực Biển Đông sát với hải
phận Việt Nam. Những tưởng một cuộc chiến giàn khoan nữa sẽ bùng nổ như
đã từng vào giữa năm 2014. Nhưng rốt cuộc, phép thử Mỹ - Trung đã phát
sinh phản ứng thuận cho Việt Nam: hoàn toàn không dám công khai khiêu
khích và tung hoành như năm 2014, Hải Dương 981 chỉ lượn lờ một cách
thúc thủ.
Nhờ đó, tất nhiên Nguyễn Phú Trọng và một số thân tín của ông có thể tự tin hơn với con bài “dùng Mỹ dọa Trung Quốc.”
Từ đầu năm 2016 đến nay, cùng với một ít tin tức “Việt Nam đang tích
cực chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama,” giàn khoan
Hải Dương 981 lại hai lần tiếp tục lượn lờ ở Biển Đông. Rõ rang là bài
cũ lặp lại và chẳng cần che giấu gì hết.
Bóng ma Trung Quốc đối với Việt Nam là hiện hình và trở nên đủ nguy
hiểm qua từng tháng. Thế nhưng một khối u nguy hại không kém lại đang
bục ra chính trong não bộ và điều được xem là “nguyện vọng” của phần lớn
giới lãnh đạo Việt: vẫn mơ màng sẽ tiếp tục đu dây mà chẳng bị té gãy
cổ. Bằng chứng mới nhất là vào tháng 3, 2016, Thứ Trưởng Quốc Phòng
Nguyễn Chí Vịnh, trong một lần xuất hiện hiếm hoi và chẳng hiểu thay mặt
cho ai hoặc được ủy quyền bởi ai, đã lộ ý “mời tàu Trung Quốc vào cảng
Cam Ranh.”
Từ trước chuyến đi Mỹ của Tổng Bí Thư Trọng vào tháng 7, 2015, đã có
một số nguồn tin dự đoán rằng một trong những tâm điểm mà hai phía Việt
Nam và Mỹ thảo luận sẽ là cảng quân sự Cam Ranh. Theo đó, sự gia tăng
hiện diện của Hải Quân Mỹ ở Cam Ranh có thể được phía Việt Nam đồng
thuận hơn, trong đó có thể kể đến vai trò tăng lên của đội ngũ cố vấn
Mỹ, và có thể cả một số hoạt động tuần tra chung, phối hợp tập trận
chung giữa hai nước trong tương lai không xa.
Thái độ kín tiếng của ông Trọng và ông Obama sau cuộc gặp 2015 là một
lẽ tất nhiên. Nhưng nếu loại trừ kịch bản cuộc gặp này đã không đạt
được một kết quả gì, kịch bản còn lại là một “phụ lục” về thỏa ước hợp
tác quân sự đã được hai bên xây dựng và thống nhất, mở ra một lộ trình
triển khai cho những tháng tới.
Đến tháng 2, 2016, Bộ Ngoại Giao Việt Nam lần đầu tiên dám mở miệng
tuyên bố về tàu Mỹ “đi qua vô hại” ở vùng biển Hoàng Sa. Cùng lúc là cơ
chế tuần tra Biển Đông ít nhất một lần mỗi quý của Hạm Đội 7 của Mỹ. Đến
tháng 3, 2016, Hải Quân Việt Nam bắt đầu tập trận chung với Nhật Bản
ngay ngoài khơi Đà Nẵng, dù báo chí trong nước không được phép đưa tin.
Tháng 4, 2016, Việt Nam bắt đầu hé lộ kế hoạch “tuần tra chung Biển
Đông” với Philippines - một đồng minh thân cận của Mỹ.
Những tiền đề của “đồng minh quân sự” đã được khởi đầu như thế.
Một số dấu hiệu đã cho thấy trong hai cuộc gặp Obama - Trọng vào
tháng 7/2015 và tháng 5, 2016, dù vấn đề TPP được đưa lên hàng đầu,
nhưng tiến trình đàm phán và có thể tiến tới một liên minh quân sự giữa
Việt Nam và Hoa Kỳ mới là chủ đề được ưu tiên để có thể đi tới một quyết
định vào một thời điểm nào đó, theo đúng triết lý năm 2013 của Bộ
trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry: Nơi nào mà Mỹ và Việt Nam có chung lợi
ích, nơi đó hai bên có thể cùng làm việc với nhau.
“Lợi ích chung” đó chính là Biển Đông, với nhu cầu bảo vệ an ninh
hàng hải và cả vai trò của Mỹ trong chiến lược xoay trục về Châu Á-Thái
Bình Dương, cùng lợi ích quá thiết thân của Việt Nam về việc vay mượn
vai trò của Hoa Kỳ để đối trọng với mối đe dọa hoàn toàn không còn trừu
tượng từ Trung Nam Hải.
Hẳn nhiên, điều mà tân Ủy Viên Bộ Chính Trị Phạm Bình Minh thông tin
cho báo giới “Những vấn đề sẽ được đề cập trong chuyến thăm của Tổng
Thống Obama, hiện tại còn đang ở trên bàn đàm phán” rất có thể chính là
mối quan hệ hợp tác quân sự Việt - Mỹ nên và phải được đào sâu đến mức
độ nào, cũng như Cam Ranh là một cô gái lỡ làng cần chào gả với mọi đàn
ông nhưng không phải đàn ông nào cũng cần.
Phạm Chí Dũng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét