Trần Gia Phụng
Các đảng phái chính trị của một nước luôn luôn xuất phát từ nguyện vọng và nhu cầu chính trị của người trong nước, do người trong nước thành lập. Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) ngược lại, được thành lập ở nước ngoài, do nhu cầu bành trướng của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (ĐTQTCS) và do quyết định của ĐTQTCS. Người được ĐTQTCS ủy nhiệm việc thành lập đảng CSVN là Hồ Chí Minh (HCM).
Các đảng phái chính trị của một nước luôn luôn xuất phát từ nguyện vọng và nhu cầu chính trị của người trong nước, do người trong nước thành lập. Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) ngược lại, được thành lập ở nước ngoài, do nhu cầu bành trướng của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (ĐTQTCS) và do quyết định của ĐTQTCS. Người được ĐTQTCS ủy nhiệm việc thành lập đảng CSVN là Hồ Chí Minh (HCM).
Hồ Chí Minh có tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, đổi tên thành Nguyễn
Tất Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc và hàng trăm tên khác. Trong bài nầy, xin
gọi tên nhân vật nầy tùy hoàn cảnh và thời gian.
1. Hồ Chí Minh vào đảng cộng sản Pháp
Hồ Chí Minh và đảng CS luôn luôn rêu rao rằng HCM ra nước ngoài năm 1911
nhằm tìm đường cứu nước. Tuy nhiên thực tế cho thấy khi qua đến Pháp
ngày 6-7-1911, HCM lúc đó ký tên là Nguyễn Tất Thành, làm đơn ngày
15-9-1911 xin vào học trường Thuộc Địa Paris, để ra làm quan cho Pháp,
nghĩa là HCM ra đi chỉ để mưu sinh mà thôi. Đơn xin học bị từ chối, HCM
tiếp tục làm việc trên tàu đi biển.
Khi thế chiến thứ nhứt bùng nổ năm 1914, việc tàu bè đi lại trên biển
nguy hiểm vì bị tấn công, HCM đến London (Anh quốc) sinh sống, rồi qua
Paris (Pháp) năm 1919. Tại đây, HCM gặp Phan Châu Trinh, bạn cùng khoa
phó bảng Hán học với phụ thân HCM là ông Nguyễn Sinh Sắc. Nhờ Phan Châu
Trinh, HCM làm quen với Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền. Từ đó HCM
cùng hoạt động với các ông nầy, dùng chung bút hiệu Nguyễn Ái Quốc, rồi
HCM chiếm dụng luôn bút hiệu nầy làm tên riêng của mình.
Nguyễn Ái Quốc (NAQ) gia nhập đảng Xã Hội Pháp năm 1920, xa dần các ông
Trinh, Trường và Truyền. Lúc bấy giờ, ở Moscow (Nga), Lenin thành lập Đệ
tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS) năm 1919. Đảng Xã Hội Pháp đứng giữa hai
khuynh hướng: nên theo Đệ nhị Quốc tế hay Đệ tam Quốc tế? Tại Hội nghị
Tours của đảng Xã hội Pháp từ 26 đến 31-12-1920, NAQ vào nhóm bỏ phiếu
theo ĐTQTCS.
Điểm đáng ghi nhận là khi quyết định bỏ phiếu theo ĐTQTCS tại Tours, NAQ
thú nhận với bà Rose (Rô-dơ), nữ tốc ký của đại hội, là HCM chưa hiểu
chủ nghĩa CS, nhưng HCM vẫn bỏ phiếu theo Đệ tam Quốc tế. (Trần Dân Tiên
[tức Hồ Chí Minh], Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch,
Hà Nội: Nxb. Sự Thật, 1976, tr. 48.) Sau Hội nghị Tours, đảng CS Pháp
được thành lập, NAQ gia nhập đảng nầy. Như thế có nghĩa là trước khi vào
đảng CS, NAQ (HCM) chưa hiểu gì về CS.
Sau khi theo CS, NAQ lại nhảy qua theo tổ chức đối lập với đảng CS là
hội Tam Điểm (Franc-maçonnerie) ngày 14-6-1922, do sự giới thiệu của một
người thợ chạm tên là Boulanger. (Jacques Dalloz, Francs-maçons
d'Indochine, Paris: Éditions Maçonniques de France, 2002, tr. 48.) Chủ
trương của hội Tam Điểm chống lại với chủ nghĩa CS.
Hoạt động trong hội Tam Điểm chẳng được bao lâu, NAQ ra khỏi hội nầy vào
cuối năm 1922 và viết bài đả kích mạnh mẽ hội Tam Điểm. (Thu Trang,
Nguyễn Ái Quốc ở Pari 1917-1923, Hà Nội: Nxb. Thông tin Lý luận, 1989,
tr. 201.) Suốt đời còn lại, NAQ (HCM) không hé lộ việc ông gia nhập Tam
Điểm và còn ra lệnh giết Phạm Quỳnh năm 1945 chỉ vì học giả nầy biết rõ
NAQ đã từng theo Tam Điểm...
2. Hồ Chí Minh được ĐTQTCS kết nạp và đào tạo
Tháng 10-1922, tại Paris diễn ra Đại hội kỳ II đảng CS Pháp. Tham dự Đại
hội có đại diện đảng CS Nga cũng là đại diện của ĐTQTCS tên là D. D.
Manuilsky. Nhân đó Manuilsky mời NAQ sang Moscow tham gia Hội nghị Quốc
tế Nông dân vào năm 1923. (Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại 1892-1924,
tập 1: 1892-1924, in lần thứ hai, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr.
224.) Sự việc nầy có nghĩa là ĐTQTCS kết nạp NAQ (HCM) để đưa qua Liên
Xô huấn luyện, còn NAQ kiếm được công ăn việc làm mới.
Ở đây xin nhắc lại kinh nghiệm của cụ Phan Bội Châu. Trong hồi ký của
mình, Phan Bội Châu kể rằng năm 1920, tại Bắc Kinh (Trung Hoa), ông gặp
hai người Nga là Grigorij Voitinski và một viên tham tán tòa đại sứ Nga
tại Bắc Kinh. Khi Phan Bội Châu ngỏ ý muốn nhờ Nga giúp đỡ, đưa thanh
niên Việt Nam sang Nga du học, viên tham tán nầy chỉ vẽ cặn kẽ, và hứa
rằng Nga sẽ giúp đỡ tận tình, với điều kiện là phải chấp nhận "...tín
ngưỡng chủ nghĩa cộng sản, học thành rồi về nước tất phải gánh lấy
những việc tuyên truyền chủ nghĩa Lao Nông... ra sức làm những sự nghiệp
cách mạng." Viên tham tán Nga yêu cầu Phan Bội Châu dùng tiếng Anh
viết sách kể hết chân tướng người Pháp. Có thể những yêu cầu của người
Nga về "tín ngưỡng chủ nghĩa cộng sản" làm Phan Bội Châu e ngại,
nên ông tránh mặt người Nga. Phan Bội Châu từ chối một cách tế nhị bằng
cách nói rằng ông không viết được tiếng Anh, nên ông "không lấy gì trả lại thịnh ý ấy". (Phan Bội Châu, Tự phán, hay Phan Bội Châu niên biểu, trong Phan Bội Châu toàn tập, tập 6 của Chương Thâu, Huế: Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 272.)
Nếu viên đại diện Nga tại Bắc Kinh đưa ra cho Phan Bội Châu điều kiện
như thế, thì NAQ (HCM) chắc chắn cũng phải theo những điều kiện như thế,
mới được viên đại diện của Nga (đổi thành Liên Xô năm 1922) kết nạp, lo
giấy tờ, đưa HCM rời Pháp đi Liên Xô ngày 13-6-1923. Như thế, nghĩa là
HCM bán linh hồn cho quỹ từ đây, dấn thân vào con đường phiêu lưu mới,
đến Moscow ngày 30-6-1923.
Đại hội Quốc tế Nông dân diễn ra vào tháng 10-1923. Hồ Chí Minh có tên
mới bằng tiếng Nga là Lin hay Linov, lên diễn đàn Hội nghị ngày 13-10 và
được cử vào Đoàn Chủ Tịch Quốc Tế Nông Dân trong ngày bế mạc
(15-10-1923). Hồ Chí Minh ở lại Moscow, vào học ở Học Viện Thợ Thuyền
Đông Phương, học chủ nghĩa Mác-xít, và bắt đầu học tiếng Nga.
Khi rời Việt Nam, HCM học chưa hết lớp nhứt niên (tức lớp 6 ngày nay)
trường Quốc Học Huế. Vì vậy, HCM chưa đủ trình độ văn hóa, ngoại ngữ và
toán học để học về chú nghĩa Mác-xít. Vả lại, ở Moscow trong thời gian
ngắn, nên HCM chỉ học những thủ đoạn để làm cán bộ tình báo CS mà thôi.
Đến Moscow, HCM được đại diện ĐTQTCS hứa hẹn trong vòng ba tháng, ĐTQTCS
sẽ gởi HCM qua Trung Hoa hoạt động. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do nào,
ĐTQT giữ HCM ở lại Moscow, chưa thực hiện lời hứa nầy. Đợi một thời
gian khá lâu, HCM viết thư ngày 11-4-1924 bằng tiếng Pháp, gởi ban Chấp
hành ĐTQTCS, xin tình nguyện qua Viễn đông để hoạt động. Trong thư, HCM
còn xin cấp phát cho ông mỗi tháng 100 Mỹ kim (rất có giá trị vào thời
đó), không kể tiền vé từ Liên Xô qua Trung Hoa. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, tt. 251-252.)
Theo lời yêu cầu trên, tháng 10-1924 ĐTQTCS gởi HCM qua Trung Hoa với tư
cách uỷ viên Đông phương bộ, phụ trách cục Phương nam. Hồ Chí Minh
(Nguyễn Ái Quốc) lấy bí danh mới là Lý Thụy, một công dân Trung Hoa, và
ngụy trang làm thông dịch viên cho cơ quan Russia Telegraphic Agency
(ROSTA) [Đại lý Bưu tín Nga], do Mikhail Borodin, đứng đầu. (Trần
Mỹ-Vân, A Vietnamese Royal Exile in Japan, Prince Cường Để (1882-1951), New York: Routledge, 2005, tr. 113. Tác giả nầy lấy tài liệu từ S. Quinn-Judge, Ho Chi Minh: The Missing Years 1919-1941, Singapore, Horizon, 2003.)
3. Thành lập đảng CS theo lệnh ĐTQTCS
Liên hiệp Quốc-Cộng Trung Hoa lần thứ nhứt tan rã ngày 12-4-1927. Tưởng
Giới Thạch (Quốc Dân Đảng Trung Hoa) chẳng những tấn công đảng CSTH, mà
tấn công cả những nhóm CS các nước khác. Borodin phải về Liên Xô. Lý
Thụy (HCM) bỏ trốn đi Vũ Hán, đến Thượng Hải, theo đường biển lên
Vladivostok, qua Moscow khoảng giữa tháng 6 năm 1927.
Tháng 11-1927, HCM (Lý Thụy) được ĐTQTCS gởi từ Moscow qua Pháp. Tháng
sau, ông qua Bỉ, tham dự Hội nghị Quốc tế Liên đoàn chống đế quốc, rồi
qua Đức chờ quyết định của ĐTQTCS. Cuối tháng 5-1928, ông đến Ý, và
xuống tàu ở hải cảng Naples, qua Xiêm La (Thái Lan). Ông đến Xiêm tháng
8-1928, lập tỉnh uỷ U-đon, thống nhất việc lãnh đạo Việt Nam Cách Mệnh
Thanh Niên Hội (VNCMTNH) ở Xiêm. (Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, Portland, OR, U.S.A.: 1991, tr. 43.)
Đang hoạt động ở Xiêm La, ngày 27-10-1929 Lý Thụy được ĐTQTCS ra lệnh
phải qua Trung Hoa để giải quyết những tranh chấp giữa các kỳ bộ VNCMTNH
ở trong nước Việt Nam. Nguyên các kỳ bộ VNCMTNH (Bắc Kỳ, Nam Kỳ và
Trung Kỳ) bất đồng về việc thành lập đảng CSVN.
Trước tình hình nầy, ban bí thư Đông Phương bộ của ĐTQTCS ra nghị quyết cho những người CS ở Đông Dương, theo đó “nhiệm
vụ quan trọng hơn hết và tuyệt đối cần kíp của tất cả những người cộng
sản Đông Dương là sớm lập một đảng cách mạng của giai cấp vô sản, nghĩa
là một đảng cộng sản quần chúng. Đảng ấy phải là một đảng duy nhất ở
Đông Dương, chỉ có đảng ấy là tổ chức cộng sản mà thôi.” (http://www.cpv.org.vn. Vào mục “Tư liệu về Đảng”. Vào mục “Lịch sử Đảng”. Bài: “Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời và cương lĩnh đầu tiên của đảng”. Mục III “Hội nghị thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam...” (Trích internet ngày 10-2-2008.) Đồng thời ĐTQTCS chỉ thị cho Lý Thụy, lúc đó đang ở Xiêm La, chịu trách nhiệm “hợp nhất các phần tử cộng sản chân chính lại, để thành lập một đảng duy nhất.”
Theo lệnh của ĐTQTCS, Lý Thụy từ Xiêm La (Thái Lan) đến Hương Cảng ngày
23-12-1929. Ông tổ chức cuộc họp tại một sân bóng tròn (sân đá banh) ở
Hương Cảng ngày 6-1-1930, để tránh sự theo dõi của nhà cầm quyền Hương
Cảng. Ngoài Lý Thụy (đại diện ĐTQTCS), hiện diện trong cuộc họp nầy còn
có Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, đại diện Đông Dương Cộng Sản Đảng
(ĐDCSĐ) ở Bắc Kỳ, Nguyễn Thiệu (Nghĩa) và Châu Văn Liêm, đại diện An Nam
Cộng Sản Đảng (ANCSĐ) ở Nam Kỳ, không có đại diện của Đông Dương Cộng
Sản Liên Đoàn (ĐDCSLĐ) ở Trung Kỳ đến họp.
Cuộc họp đi đến quyết định thống nhứt ba đảng, kể cả đảng bộ cộng sản
Hoa kiều ở Việt Nam, thành một đảng, lấy tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam,
có “cương lĩnh và chiến lược theo đường lối của Quốc tế Cộng sản. Các
đại biểu phải tổ chức một Trung ương lâm thời gồm 7 ủy viên chính thức
và 7 ủy viên dự khuyết.” (Báo cáo của Nguyễn Ái Quốc đề ngày 18-2-1930. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3.)
Trần Phú, lúc đó vẫn còn đang ở Liên Xô, có tên Nga là Likvei hay
Li-Kvei, được ĐTQTCS chỉ định làm tổng bí thư đầu tiên của đảng CSVN.
Sau đó, ĐDCSLĐ (Trung Kỳ) chính thức gia nhập đảng CSVN ngày 24-2-1930.
(Văn kiện đảng toàn tập, tập 2 (1930), (Quyết nghị chấp nhận ĐDCSLĐ gia
nhập đảng CSVN ngày 24-2-1930.) Mục “Văn kiện đảng toàn tập”.
Về Việt Nam, Trần Phú được lệnh của ĐTQTCS, triệu tập hội nghị ban chấp
hành Trung ương đảng lần thứ nhứt tại Cửu Long (Kowloon) ngày
10-10-1930, đổi tên đảng CSVN thành đảng Cộng Sản Đông Dương.
Hồ Chí Minh (Lý Thụy) tiếp tục làm nhiệm vụ của một nhân viên ĐTQTCS ở
Trung Hoa. Cần chú ý một điểm là Lý Thụy (Nguyễn Tất Thành, HCM) là đại
diện của ĐTQTCS, vâng lệnh ĐTQTCS đứng ra thành lập đảng CSVN, nhưng lúc
đó Lý Thụy không phải là thành viên đảng CSVN, không có chức vụ gì
trong đảng CSVN, nghĩa là HCM (Lý Thụy) không có chân trong đảng CSVN
hay CSĐD.
Theo báo cáo chính trị HCM viết ngày 11-2-1951, đảng CSVN thành lập ngày 6-1-1930. (Hồ Chí Minh toàn tập tập 6,
tr. 154.) Tuy nhiên, về sau tại Đại hội III đảng Lao Động (hậu thân của
đảng CS) ở Hà Nội từ 5 đến 10-9-1960, Bộ chính trị Trung ương đảng yêu
cầu Đại hội thông qua quyết định thay đổi ngày thành lập đảng là
3-2-1930, vì “các đồng chí Liên Xô cho biết ngày đó mới đúng theo tài liệu lưu trữ của Liên Xô”. (Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế,
Nxb. Tuổi Xanh, không đề nơi xuất bản, 2001, tr. 74.) Như thế, đảng
CSVN được thành lập do quyết định của ĐTQTCS, người thành lập tuy gốc
Việt Nam nhưng cũng là một nhân viên của ĐTQTCS, đại diện cho ĐTQTCS,
ngày thành lập và tên đảng cũng do ĐTQTCS quyết định.
Rồi đây, đảng nầy do ĐTQTCS ở Liên Xô trợ cấp để hoạt động theo mệnh
lệnh của ĐTQTCS. Năm 1950, tại Moscow, Stalin ủy nhiệm cho Mao Trạch
Đông, lãnh tụ Trung Cộng, phụ trách viện trợ, giúp đỡ cho HCM và CSĐD,
để có điều kiện chống Pháp. Stalin nói với HCM: “Đảng Cộng Sản Liên
Xô và nhân dân Liên Xô hoàn toàn nên viện trợ cho cuộc đấu tranh chống
Pháp của các đồng chí. Song, chúng tôi đã trao đổi với các đồng chí
Trung Quốc, công việc viện trợ chiến tranh chống Pháp của Việt Nam chủ
yếu do Trung Quốc phụ trách thích hợp hơn...” (Trương Quảng Hoa, “Quyết sách trọng đại Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp”, đăng trong sách Hồi ký của những người trong cuộc,
ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam
chống Pháp, một nhóm tác giả, Bắc Kinh: Nxb Lịch sử đảng Cộng Sản Trung
Quốc, 2002, Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch, Dương Danh Dy hiệu đính,
tạp chí Truyền Thông, Montreal, số 32 & 33, tr. 45.)
Trong hồi ký, Hoàng Tùng (ủy viên trung ương đảng CS) viết về việc HCM gặp Stalin trong chuyến qua Liên Xô nầy như sau: “Khi
đó Stalin nói: Bây giờ cách mạng Trung Quốc thành công rồi, Trung Quốc
có trách nhiệm giúp đỡ các nước phương Đông, cũng như Liên Xô có trách
nhiệm giúp đỡ các nước châu Âu và châu Mỹ. Trung Quốc cho như thế là
Quốc tế Cộng sản đã phân công.” (Hồi ký Hoàng Tùng, nguồn: Internet: Văn Tuyển, Hội ngộ văn chương toàn cầu.)
4. Cỏ Bù-xít
Khi được tin Nguyễn Tất Thành (NTT tức NAQ, HCM) theo CS để chống Pháp,
Phan Châu Trinh viết thư gởi NTT đề ngày 12-2-1922, cho rằng việc NTT
theo CS để chống Pháp, “thì quốc dân đồng bào vẫn nguyên là cái lưng con ngựa, chỉ thay người cỡi mà thôi”. (Ngô Văn, Việt Nam 1920-1945,
Amarillo TX: Nxb. Chuông Rè, 2000, tt. 39-40.) Như thế, có nghĩa là
việc NTT theo CS chống Pháp chẳng ích lợi gì vì chẳng có thay đổi gì cho
dân tộc, mà chỉ thay thực dân Pháp bằng CS ngoại bang mà thôi.
Về Phan Bội Châu, từ cuối năm 1925 ông bị Pháp giam lỏng ở Huế. Trong
cuộc phỏng vấn năm 1938 của báo L'Effort, phát hành tại Hà Nội, về đề
tài giai cấp đấu tranh, từ Huế, Phan Bội Châu phát biểu như sau: “Hô hào giai cấp đấu tranh [chủ nghĩa cộng sản] ở xứ nầy là một việc cực ngu! Những người thức thời không bao giờ làm như thế...” (Chương Thâu, Phan Bội Châu toàn tập, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1990, tt. 368-371. “Về vấn đề giai cấp đấu tranh” (Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo L'Effort.)
Một nhà nho lớn tuổi, điềm đạm, từng trải như Phan Bội Châu, mà thốt lên
hai chữ “cực ngu”, thì hết sức đặc biệt, và đã nói lên phản ứng của
giới trí thức thời bấy giờ. Cần nhớ lại Phan Bội Châu là nhà cách mạng
theo chủ nghĩa dân tộc, từ chối sự giúp đỡ của Nga năm 1920. Sau đó,
Phan Bội Châu bị HCM bán tin cho Pháp bắt ở Thượng Hải ngày 1-7-1925. Về
sau, sau khi Phan Bội Châu từ trần năm 1940, trong cuộc Cải cách ruộng
đất ở Nghệ An năm 1956, ảnh của Phan Bội Châu trên bàn thờ gia đình bị
CS đem xuống đấu tố (gọi là đấu ảnh), và bị quăng vào chuồng trâu. (Phan
Thiện Chí, tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 50, TpHCM ngày 15-12-1990. Xem thêm thư của Lê Nhân gởi cho bạn là Phan Văn Khải (thủ tướng CS) ngày 5-12-2005 trên Đàn Chim Việt ngày 5-12-2005.)
Bên cạnh ý kiến hai nhà cách mạng lão thành trên đây, nhà văn Phan Khôi
(1887-1959), lớn HCM vài tuổi, đã tuyên bố trong cuộc mít-tin chào mừng
sự thành lập chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do nhà cầm quyền Việt Minh
tỉnh Quảng Nam tổ chức sau ngày 2-9-1945, rằng ông hoan nghênh nền độc
lập dân tộc, nhưng ông không đồng tình với con đường chủ nghĩa cộng sản.
(Phan Cừ, Phan An, “Phan Khôi niên biểu”, đăng trong Chương Dân thi thoại của Phan Khôi, Nxb. Đà Nẵng tái bản, 1996, tr. 161.)
Năm 1957, tại Hà Nội, trung tâm quyền lực của CSVN, Phan Khôi tập họp
một số truyện ngắn, bút ký của ông từ năm 1946 trở về sau, thành tập
Nắng chiều, trong đó có truyện ngắn “Cây cộng sản”, mà Phan Khôi mô tả như sau: “Có
một thứ thực vật cũng như sen Nhật Bản ở xứ ta, trước kia không có mà
bây giờ có rất nhiều. Đâu thì tôi chưa thấy, ở Bắc Việt không chỗ nào là
không có... Không mấy lâu rồi nó mọc đầy cả đồn điền, trừ khử không hết
được, nó lan ra ngoài đồn điền. Cái tình trạng ấy bắt đầu có trong
những năm 1930-1931, đồng thời với Đông Dương Cộng Sản Đảng hoạt động,
phong trào cộng sản cũng lan tràn nhanh chóng như thứ cây ấy, cũng không
trừ khử được như thứ cây ấy, cho nên bọn Tây đồn điền đặt tên nó là
“herbe communiste”, đáng lẽ dịch là cỏ cộng sản, nhưng nhiều
người gọi là cây cộng sản... Thứ cỏ nầy trước kia ở đây không có, từ
ngày cụ Hồ về đây lãnh đạo cách mạng, thì thứ cỏ ấy mọc lên...”
Phan Khôi còn cho biết rằng có nơi gọi thứ cỏ nầy là “Cỏ bù-xít”
vì cỏ ấy hôi như con bọ xít, có nơi gọi là “cây cứt lợn”, hay “cây chó
đẻ”. Xin chú ý, Phan Khôi chơi chữ, nên thay vì gọi là “cỏ Mác-xít” thì ông gọi là “cỏ bù-xít”.
Khi Phan Khôi xin xuất bản sách nầy thì bị cộng sản cấm, nhưng Đoàn
Giỏi trích nguyên văn một số đoạn, trong đó có đoạn trên đây để viết bài
đả kích Phan Khôi, tựa đề là “Tư tưởng phản động trong sáng tác của Phan Khôi”
trên báo Văn Nghệ (Hà Nội) số 15, tháng 8-1958. Sau Đoàn Giỏi bị cộng
sản kết tội là lợi dụng việc viết bài phê bình để giới thiệu Phan Khôi.
(Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, Sài Gòn: Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa, 1959, tr. 94.)
Kết luận
Những nhận xét trên đây của những nhà hoạt động chính trị và văn học
trước và đồng thời với HCM cho thấy ngay từ đầu, đã có người hiểu rõ chủ
nghĩa CS không phải là giải pháp tốt đẹp cho tương lai dân tộc Việt
Nam, nhưng vì tham vọng quyền lực, HCM du nhập chủ nghĩa ngoại lai nầy
vào Việt Nam, làm hại đất nước chúng ta cho đến ngày nay.
Như thế, ngay từ đầu đảng CSVN là một đảng chính trị có nguồn gốc ngoại
bang, theo lý thuyết ngoại bang, thành lập do nhu cầu của ngoại bang,
được ngoại bang nuôi dưỡng, tài trợ, để làm việc cho ngoại bang, hay nói
trắng ra là làm tay sai cho ngoại bang.
Hiện nay, thực tế diễn tiến lịch sử thế giới cho thấy các đảng CS, dầu
giỏi tổ chức và giỏi tuyên truyền, đã thành công nhứt thời lúc ban đầu
trong việc chiếm được quyền lực ở một số nước, nhưng cuối cùng không
mang lại ấm no hạnh phúc cho dân chúng, nên đã bị đào thải, kể cả tại
Liên Xô, quê hương của Lenin, nơi đầu tiên thực hiện chủ nghĩa cộng sản.
Từ cuối năm 1989, khối CS Đông Âu bắt đầu tan rã. Đảng CS Liên Xô cướp
chính quyền năm 1917 và sụp đổ năm 1991.
Đảng CSVN ở gần Trung Cộng, dựa vào Trung Cộng để tồn tại cho đến ngày
nay, nhưng trước sau gì rồi cũng sẽ không tránh khỏi phải sụp đổ trong
thời đại dân chủ hóa toàn cầu. CỎ BÙ-XÍT HÔI QUÁ. KHÔNG AI CHỊU ĐỰNG
ĐƯỢC. THẾ NÀO RỒI CŨNG SẼ BỊ DIỆT.
(Toronto 01-5-2016)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét