Ads 468x60px

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2016

CHỐI TỪ

Có một thứ mà nền tư pháp này phải ghi lại vào trong lịch sử Việt Nam như một vết đen xấu xí nhất về việc áp dụng pháp luật, tư duy pháp lý và cách hành xử của quyền lực chính trị vào trong tố tụng mà đáng ra phải độc lập hoàn toàn.
Với lý do từ chối thụ lý đơn khởi kiện của các ngư dân ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, toà án thị xã Kỳ Anh cho rằng, họ không chứng minh được thiệt hại thực tế, và việc bồi thường cũng đã được Thủ tướng Chính phủ có quyết định 1880 để giải quyết và "đã có hiệu lực pháp luật", đây là từ chối quyền khởi kiện, từ chối bảo vệ pháp luật và cả vận dùng tuỳ tiện luật pháp.
Chính phủ, không phải là cơ quan có thẩm quyền để giải quyết yêu cầu của người dân với các thiệt hại trực tiếp của hàng vạn ngư hộ, người kinh doanh dịch vụ biển, mà Chính phủ chỉ có thẩm quyền đại diện cho chính mình với danh nghĩa tài sản nhà nước, tài nguyên quốc gia và môi trường sống bị xâm hại, còn với lợi ích các hộ dân thì Chính phủ hoàn toàn không có quyền giải quyết, và càng không thể dứng ra tự mình thực hiện việc hoà giải cho dân, nếu không được họ uỷ quyền một cách trực tiếp và hợp pháp.
Chỉ có thể, hoặc họ thương lượng với kẻ thực hiện hành vi gây thiệt hại, hoặc họ khởi kiện ra toà án bằng thủ tục tố tụng để tìm một phán quyết với chế định về "bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng", và cũng theo các quy định tại các điều từ 604 đến 631 Bộ luật Dân sự (2005), nay đã được thay thế bằng BLDS 2016, thì thiệt hại bao gồm thiệt hại trực tiếp (bằng sự sụt giảm giá trị, mất mát hay hư hỏng tài sản), cùng các khoản thiệt hại do bị mất thu nhập (tương lai), các thiệt hại do phải khắc phục sự cố, các chi phí phải bỏ ra để tìm kiếm việc làm, bù đắp các khoản bị đình chỉ thu về do sự kiện gây thiệt hại,...
Nhưng không, toà án Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã vận dụng pháp luật có một không hai trên thế giới để tư chối thụ lý đơn của các hộ dân ở Nghệ An, một nơi có thể đã phát sinh thiệt hại do thảm hoạ mà Formosa gây ra vào tháng 04.2016 mà không nằm trong Quyết định 1880 của Thủ tướng chính phủ. Việc chứng minh thiệt hại do mất thu nhập được xác định rõ ràng bằng việc đình chỉ khai thác kể từ sau thời điểm xảy ra thảm hoạ, các hộ dân cùng làm văn bản khởi kiện đã đủ là một chứng cứ, hoặc sau đó toà án có thể về xác minh vấn đề này tại thôn, xã, thông qua lời khai các hộ dân hoặc uỷ ban xã, phường, và việc thu nhập bị mất không phải thông qua hoá đơn, chứng từ, vì đây là cách hành vi kinh tế thường xuyên bằng việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản, bởi vậy việc họ đình chỉ khai thác là đủ để chứng minh cho mình đã bị thiệt hại.
Toà án, nếu tiếp tục vận dụng pháp luật và từ chối thụ lý những yêu cầu chính đáng và hợp pháp của người dân như thế này sẽ gây ra những thảm hoạ pháp lý và nền tư pháp trong giai đoạn này ngày một thêm trầm trọng. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét