Ads 468x60px

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Việt Nam thiệt hại về đầu tư vì kiểm duyệt

Người Việt ở trong nước đã mất cơ hội xem nhiều
chương trình truyền hình nước ngoài sau khi
Quyết Ðịnh 20 có hiệu lực. (Hình: Tuổi Trẻ)
Có nhiều vấn đề khiến doanh nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bất mãn. Một trong số đó là “Quyết Ðịnh 20.” Ðầu tư nước ngoài đang chảy từ Việt Nam sang Indonesia.
Ðó là một trong những nội dung mới được tạp chí The Economist của Anh nêu ra, khi đề cập tới việc kiểm duyệt các chương trình truyền hình nước ngoài ở Việt Nam.
Năm ngoái, chính quyền Việt Nam ban hành một quyết định, buộc các đài truyền hình nước ngoài phải trả tiền, để những đối tác mua quyền phát lại các chương trình của họ ở Việt Nam, biên tập, làm phụ đề Việt ngữ cho toàn bộ các chương trình đó, trước khi chúng được chuyển tới khán giả Việt Nam. Quyết định này thường được gọi là “Quyết Ðịnh 20.”
Tạp chí The Economist gọi đó là “đáy mới” của một chính quyền do các đảng viên Cộng Sản Việt Nam điều hành.
Ðúng ra “Quyết Ðịnh 20” có hiệu lực hồi cuối năm ngoái nhưng vì các đối tác phía Việt Nam chưa thuyết phục được những hãng truyền hình nước ngoài đồng ý với việc thực hiện “Quyết Ðịnh 20,” nên chính quyền Việt Nam loan báo dời thời điểm thực hiện Quyết Ðịnh 20 đến giữa Tháng Năm năm 2013.
Vừa qua, khi “Quyết Ðịnh 20” sắp có hiệu lực, trong khi một số kênh phim truyện và giải trí xin giấy phép mới thì các kênh tin tức không thèm làm gì hết. Sở dĩ nhiều hãng truyền hình nước ngoài không chấp nhận thực hiện “Quyết Ðịnh 20,” bởi ngoài việc phải trả thêm chi phí dịch và làm phụ đề Việt ngữ, cho tất cả các chương trình được phát tại Việt Nam, với họ, chuyện chấp nhận “kiểm duyệt” còn là một vấn đề đạo đức.
Cũng vì vậy, một số nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tại Việt Nam đã loại BBC và CNN ra khỏi danh mục các kênh phát sóng, vốn có từ 60 cho đến 70 kênh truyền hình nước ngoài.
Trong số này có K+, một liên doanh giữa đài truyền hình Việt Nam với một kênh truyền hình Pháp. K+ là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp duy nhất ở Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài.
Tất cả những sự kiện vừa kể đã khiến chính quyền Việt Nam bị cộng đồng quốc tế chỉ trích kịch liệt.
Một viên chức phụ trách các chương trình truyền hình cáp của đài truyền hình Việt Nam, phân bua với AFP rằng, “Quyết Ðịnh 20” không phải là kiểm duyệt. Việc biên tập và buộc dịch, làm phụ đề Việt ngữ cho các chương trình truyền hình nước ngoài chỉ nhằm bảo đảm, “không có chương trình nào trái với luật pháp, nói xấu Việt Nam và đi ngược lại văn hóa của Việt Nam.”
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam thì biện bạch là “Quyết Ðịnh 20” chỉ nhằm giúp người Việt hiểu nhiều hơn về các chương trình truyền hình nước ngoài và tăng độ hấp dẫn của các kênh nước ngoài đối với người xem ở Việt Nam.
Ông Chris Hodges, phát ngôn viên của Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhận xét, các quy định của Việt Nam “giảm mạnh sức sống thương mại của các kênh truyền hình nước ngoài ở Việt Nam.”
Thấy khó chống đỡ dư luận quốc tế, Bộ Thông Tin Truyền Thông lẳng lặng cho mở lại các kênh truyền hình đã từng bị loại bỏ vì “Quyết Ðịnh 20.”
Một chuyên gia bảo với tạp chí The Economist rằng, việc K+ đã làm (loại bỏ các chương trình tin tức của BBC, CNN ra khỏi chương trình phát sóng) là một cách để buộc chính quyền Việt Nam phải làm rõ các chính sách quản lý truyền hình vốn nhiều khuất tất của họ.
Một luật sư Việt Nam, yêu cầu không nêu tên thì tiết lộ, “Quyết Ðịnh 20” đã bị vô hiệu hóa trên thực tế.
Ý tưởng “kiểm duyệt” các chương trình nước ngoài của chính quyền Việt Nam không chỉ gặp chừng đó rắc rối. Tạp chí The Economist cho biết thêm là ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ ở Hà Nội, bảo với The Economist rằng, “Quyết Ðịnh 20” chỉ là động thái mới nhất trong một loạt các quy định, tạo ra những khó khăn mới trong các lĩnh vực ngân hàng, lao động... Chúng làm cho giới đầu tư vào Việt Nam bất mãn.
The Economist ghi nhận, Việt Nam cũng đang cố chập chững đi trên con đường cải cách. Chẳng hạn tháng trước, Việt Nam loan báo sẽ cho phép thành lập một công ty mua bán nợ để mua số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang ngả nghiêng. Hoặc mới cải cách một phần thủ tục hải quan, dỡ bỏ một số giới hạn nhằm vào giới bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, dưới gánh nặng tham nhũng và điều hành yếu kém, đã vậy lại còn phải chiều lòng phái bảo thủ bằng cách đưa ra nhiều quy định không rõ ràng, thiếu khả thi, Việt Nam đang làm người ta chán ngán.
Theo The Economist, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam đang bàn tán trước hiện tượng, một số nguồn vốn đầu tư, vốn từng là động lực tăng trưởng của Việt Nam đã chuyển dòng chảy và điểm trũng để hứng dòng vốn đó là Indonesia. (G.Ð)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét