Ads 468x60px

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Chuyện cổ tích ‘Trầu Cau’ thu thanh dĩa hát

Bức tranh vẽ chuyện cổ tích Trầu Cau
đăng trên tạp chí Tầm Nguyên 1958.
(Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)
Ngành Mai
Chuyện xưa tích cũ Con Tấm Con Cám, có đề cập đến chuyện nàng Cám đã têm miếng trầu hình cánh phượng cho bà lão mời Ðông Cung Thái Tử. Như vậy têm trầu là cả một nghệ thuật, nếu như giờ đây không lưu lại chuyện cổ tích tự nghìn xưa ấy, thì các thế hệ sau chẳng biết gì đến trầu cau, một vật thể đậm nét văn hóa dân tộc không thể thiếu trong lễ nghĩa.
Thật vậy, trong lễ cưới hỏi người ta đã gìn giữ cổ tục, dùng trầu cau để nói lên lễ nghĩa. Không riêng gì ở trong nước, mà ở hải ngoại nếu có cưới hỏi là người trong cuộc cũng tìm mua cho được cau trầu. Do vậy mà các tiệm buôn ở hải ngoại luôn có sẵn để cung cấp “món hàng đặc biệt” cho những ai cần đến.
Và như đã nói, lễ cưới hỏi thiếu thứ gì thì có thể thông qua, nhưng trầu cau thì bắt buộc phải có. Tùy theo hoàn cảnh, người ta có thể không đặt nặng vật sính lễ, kể cả nữ trang vòng vàng cũng có thể được miễn, chớ trầu cau thì hầu như họ nhà trai không thể thiếu được. Nhà gái sẽ không nhận lễ nếu như thiếu cau trầu.
Trong một bài vọng cổ thu thanh dĩa hát phát hành cuối thập niên 1950, nữ nghệ sĩ Thanh Hương đã hát lên câu: “Người ta đòi ruộng đòi trâu, còn em đòi một khay trầu mà thôi.”
Khi xưa muốn nói chuyện gì với đối tượng, người ta phải có khay trầu rượu, rót rượu và trầu têm sẵn mời người trước khi mở lời, do bởi “miếng trầu là đầu câu chuyện.”
Ðọc truyện cổ tích nhân gian người ta thấy rằng trầu cau có từ thời Vua Hùng Vương thứ 6. Và sau đây là câu chuyện:
Ngày xửa, ngày xưa có đôi vợ chồng lão nông phu sống hẩm hiu cùng hai người con trai song sinh, giống nhau như hai giọt nước. Người anh tên Tân Sinh và người em tên Lang Sinh. Ngày qua ngày họ sống êm đềm dưới mái tranh, vui vẻ cày bừa, nương rẫy làm kế sinh nhai.
Thời gian cứ thế mà trôi như nước chảy xuôi dòng, và khi hai anh em đến tuổi trưởng thành, thì vợ chồng lão nông phu đã già cả, yếu dần và chết đi. Từ khi cha mẹ mất rồi, anh em Tân Sinh và Lang Sinh như thấu hiểu nỗi cô đơn, quạnh quẽ của mình, họ thương yêu nhau vô cùng.
Cách nhà không xa lắm có một thôn nữ mỹ miều tuổi vừa mười tám. Tân Sinh và Lang Sinh cả hai đều để lòng thương yêu cô gái láng giềng. Nhưng người anh đã được lọt vào cặp mắt xanh của nàng rồi. Thế là Tân Sinh cưới nàng về, và sự thất vọng tràn ngập trong lòng người em Lang Sinh.
Mái nhà tìm được sự ấm cúng giữa ba người. Lang Sinh không ganh ghét mà trái lại cố giết mối sầu tuyệt vọng ấy đi.
Có nhiều khi sự lầm lẫn xảy ra, khiến Lang Sinh đau lòng vô cùng. Một hôm hai anh em đi làm ruộng, Lang về sớm hơn, chị dâu Lang lui cui dưới bếp nấu cơm. Nàng thấy Lang về, ngỡ là chồng mình về sớm như mọi khi, mừng rỡ chạy ra ôm chầm Lang Sinh âu yếm. Rồi có khi hai anh em đang làm việc ngoài đồng. Chị dâu mang cơm ra, vô tình nàng chạy lại ôm Lang Sinh mà ngỡ là chồng mình.
Lang Sinh buồn bực, muốn cho hạnh phúc của anh được vuông tròn, nên bỏ nhà ra đi. Băng rừng lội suối, đi mãi, đi mãi! Khóc than, than khóc! Một ngày kia vừa đến trước mái nhà của lão tiều phu, Lang Sinh ngã ra bất tỉnh, Lão tiều đem chàng vào nhà, chờ đợi khi tỉnh lại, ông hỏi Lang Sinh, chàng thuật rõ câu chuyện rồi trút hơi thở cuối cùng.
Từ ngày em đi, Tân Sinh buồn vô cùng. Tân quyết tìm kiếm em, chàng khóc than, đi mãi rồi cũng đến nhà lão tiều, lão tưởng là Lang Sinh sống dậy, vì hai người giống nhau như một, Tân Sinh được biết chuyện như thế, ra thăm mộ người em. Bấy giờ nấm mộ thành một phiến đá lớn. Tân Sinh gục đầu bên gò đá mà khóc cho đến chết.
Vợ chàng ngày tháng trông chờ bên mái tranh hiu quạnh, vẫn vắng bặt bóng chồng, nàng quảy gói lên đường vạn lý tầm phu. Rồi thì cũng lại đến nhà lão tiều, nàng biết rõ câu chuyện. Ra thăm mộ chồng và em, nàng vô cùng kinh ngạc vì chỉ thấy một phiến đá trắng, cạnh bên có một cây cau. Sự đau đớn xé nát lòng người vợ hiền, chị thảo. Nàng dựa vào thân cây, khóc kể đến chết cho trọn lòng chung thủy.
Nàng chết rồi, có một dây trầu quấn chặt lấy thân cau, cạnh phiến đá vôi trắng nõn nà.
Vua Hùng Vương thứ 6 có dịp thân hành ngang qua đây, nhìn thấy cây cau, dây trầu và phiến đá, và nghe lão tiều phu kể lại câu chuyện. Nhà vua lấy trái cau, lá trầu và miếng đá vôi nhai thử, thấy màu đỏ thắm, và mùi vị cay nồng. Cảm thương ba người trong câu chuyện, nhà vua truyền trong nhân gian tập ăn trầu, và dùng trầu cau làm lễ cưới hỏi. Tập tục được lưu truyền từ đó cho tới ngày hôm nay vậy.
Ngành Mai

0 nhận xét:

Đăng nhận xét